Nhạc sĩ Văn Cận nặng lòng với quê hương

.

Nhạc sĩ Văn Cận đã sống cuộc đời sôi nổi của một nghệ sĩ cách mạng và hy sinh tại thôn Tam Điện, xã Điện Quang (thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam). Ông là thành viên sáng lập Hội Văn nghệ giải phóng Trung Trung Bộ (Hội Văn nghệ giải phóng Khu 5), đến nay tròn 55 năm thành lập (9-10-1967 – 9-10-2022).

Thông tin Đại hội Hội Văn nghệ giải phóng Trung Trung bộ lần thứ I năm 1967 đăng trên Báo Cờ Giải phóng. (Ảnh tư liệu)
Thông tin Đại hội Hội Văn nghệ giải phóng Trung Trung bộ lần thứ I năm 1967 đăng trên Báo Cờ Giải phóng. (Ảnh tư liệu)

Nhạc sĩ Văn Cận (tên thật là Võ Văn Hòa) sinh năm 1928 tại thành phố Đà Nẵng, hy sinh năm 1968 tại Gò Nổi quê cha - vùng đất nằm giữa con sông Thu Bồn và sông Bà Rén, nổi tiếng với những biền dâu xanh ngát, nơi có những điệu dân ca mà ông say mê từ nhỏ. Vì vậy, các sáng tác của Văn Cận bắt nguồn từ lời ăn tiếng nói mộc mạc lẩy ra từ vốn dân ca, ca dao Quảng Nam.

Đi khắp chiến trường phục vụ bộ đội và nhân dân

Văn Cận tham gia cách mạng từ những năm 1950. Ông vào Đoàn văn công Quảng Nam, đi khắp chiến trường phục vụ bộ đội và nhân dân. Người ta thường thấy một người dong dỏng cao mang kính cận dày cộp (vì thế mọi người gọi ông là Văn Cận và ông dùng tên này làm bút danh) đọc vè, hô bài chòi, ngâm thơ trong những buổi biểu diễn.

Ông cũng sáng tác thơ, ca dao, vè làm tiết mục ngâm thơ, hô bài chòi cho đoàn. Những sáng tác kịp thời đã mãi ghi vào lịch sử âm nhạc của ông như Hò dân công, đặc biệt là ca khúc Đánh giặc tăng gia với lời lẽ mộc mạc theo cách đối đáp: Nếu tăng gia mà không đánh giặc/ Thì thằng giặc nó cướp của ta/ Nếu đánh giặc mà không tăng gia/ Lấy gì đâu nuôi ta đánh giặc. Bài hát thể hiện tính cách của tác giả: Văn Cận là người giản dị vui vẻ, niềm nở.

Năm 1955, Văn Cận tập kết ra miền Bắc, để lại người vợ trẻ và con gái nhỏ ở Quảng Nam. Ông luôn đau đáu nhớ vợ con, nhớ nhà và đó cũng là ngọn nguồn để ông lao vào học tập sáng tác. “Khi về Đoàn văn công Liên khu 5, Văn Cận luôn học hỏi, ghi chép công phu các điệu bài chòi, hát bội, hát sắc bùa, các điệu hò, điệu lý, các tích tuồng của các nghệ nhân lớn tuổi và ông tâm niệm sẽ cố gắng sáng tác để gửi lòng về quê hương”, nhạc sĩ Trần Hồng - bạn ông từng kể.

Cuối năm 1955, một tổ của Đoàn văn công Liên khu 5 vào tỉnh Quảng Bình tham gia cải cách ruộng đất, gồm các nhạc sĩ Văn Cận, Trương Đình Quang, Trần Hồng và nhà soạn kịch Ngô Quang Thắng. Các ông về nhà một bần cố nông. Nhiều đêm đi công tác về, bên cạnh rổ khoai lang nghi ngút khói mà chủ nhà ưu ái dành cho các nghệ sĩ, Văn Cận hăm hở nói về những dự định sáng tác và quê hương thân yêu của mình. Ông đã viết một số ca dao, bài chòi phục vụ đợt tổng kết cải cách ruộng đất ở Đồng Hới.

Trở về đoàn, Văn Cận cùng các ông Võ Bài, Cung Nghinh được giao soạn nhạc cho vở Thoại Khanh Châu Tuấn. Văn Cận thường mang đàn mandolin và sách vở ra chùa Dịch Vọng (phía sau khu văn công) tìm nơi yên tĩnh để sáng tác. Nhạc sĩ Trần Hồng từng kể: “Một hôm, tôi ra chùa thấy Văn Cận ngồi, tay cầm bút, chiếc đàn đặt trên bắp vế trước bụng.

Tôi hỏi: “Ông đang bí đó à?”. Văn Cận cười, không vui: “Ông Bài, ông Nghinh đã viết Chiêu quân, Cung oán, Trách hòa, Dạ đơn hành. Mình được phân công viết bài hát cho Thoại Khanh hát với cây đàn thần tiên cho để dắt Tuấn mẫu đi ăn xin mà khó quá viết chưa được”. Tôi nói: “Ông dựa vào giai điệu này của Thạch Sanh thử sao: Đàn kêu tích tịch tình tang/ Ai mang công chúa lên thang mà về/ Đàn kêu tích tịch tình tề/ Ai đưa công chúa trở về trần gian”. Tức thì, Văn Cận bấm đàn nhè nhẹ, môi mấp máy, mắt nhìn xa xăm. Tối ấy, ông bảo viết xong rồi và say sưa đàn hát: Là tang tít tang, là tang tít tang/ Là tang tít tang là tang tít tang/ Đàn kêu nỗi mẹ trông con/ Đàn kêu nỗi vợ cô đơn nhớ chồng/ Đàn kêu phụ bạc má hồng/ Mấy năm chẳng thấy mặt chồng ở đâu/ Là tang tít tàng...”. Đó là bài Tình duyên cung oán được dùng cho vở Thoại Khanh Châu Tuấn nổi tiếng cho đến nay.

Hướng về miền Nam

Cuối năm 1957, Đoàn văn công Liên khu 5 đi lao động và phục vụ ở tỉnh Vĩnh Phúc. Một đêm sau khi biểu diễn, về đến nhà dân đã 24 giờ, mọi người đều ngủ vùi. Văn Cận vẫn cúi lom khom trong màn với chiếc đèn pin, thỉnh thoảng ông tắt đèn nằm vật vã suy nghĩ rồi lại bấm đèn ngồi dậy viết. Sáng hôm sau, ông đọc cho mọi người nghe những câu thơ mang dáng dấp dân ca: Xin gửi về Nam tấm lòng vàng đá/ Thủy chung này, nguyện giữ trọn tình quê/ Nhớ khi cắt tóc ăn thề/ Có ta có bạn tình quê mặn nồng.

Mở bài là một giọng hò Quảng. Bài thơ dài 3 đoạn như một trường ca mà giai điệu 3 đoạn gần giống nhau, nhạc phụ thuộc vào các dấu của lời mà thôi. Mọi người nói: “Bài này mà cho nhạc vào sẽ thành một ca khúc hay đấy”.

Mấy ngày sau, Văn Cận đứng bên dòng sông Thao hiền hòa, nhìn ra cánh đồng mênh mông, hướng về Nam hát bài hát nổi tiếng nhất của đời ông - bài Giữ trọn tình quê. Bài hát như phần nào nói hộ tấm lòng của ông với quê hương, với vợ và con gái yêu.

Năm 1960, Văn Cận được Bộ Văn hóa cho đi học âm nhạc ở nước ngoài. Ông xin được ở lại để về Nam nhưng lãnh đạo không đồng ý. Sau 4 năm học ở Học viện Âm nhạc Bắc Kinh (Trung Quốc), ông lỉnh kỉnh mang quà về tặng bạn bè.

Hy sinh ở Gò Nổi

Năm 1966, Mỹ leo thang chiến tranh ra miền Bắc. Vừa về nước, Văn Cận lại nằn nì xin về Nam chiến đấu và lần này ông được toại nguyện.

Văn Cận được cử về công tác ở Hội Văn nghệ giải phóng Khu 5. Đây là những năm tháng gian khổ nhưng hào hùng của cuộc chiến tranh giải phóng. Văn Cận cũng như các văn nghệ sĩ Khu 5 khác sống rất gian khổ, chỉ ăn rau rừng, sắn khoai thay cơm. Văn Cận tuy gầy yếu nhưng vẫn hăng hái tăng gia, gùi cõng và miệt mài sáng tác. Với bút danh mới Tây Nam, ông đã viết ca khúc hào hùng: Giành lấy chính quyền về tay nhân dân và ca cảnh Em bé Chơ Run.

Tháng 1-1968, Văn Cận được Hội Văn nghệ giải phóng Khu 5 cử về Gò Nổi để huấn luyện cho Đoàn văn công tỉnh Quảng Đà, chuẩn bị chương trình biểu diễn phục vụ cho nhân dân cũng như bộ đội tham gia Tổng tiến công và nổi dậy. Sáng 24-1-1968, Văn Cận đang hướng dẫn các học viên luyện tập thì bất ngờ bị một loạt bom tọa độ từ máy bay Mỹ thả xuống ngay nơi đoàn đóng quân. Ông cùng các học viên hy sinh tại thôn Tam Điện, xã Điện Quang (thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam).

Một nhạc sĩ kể lại rằng, vợ ông - bà Trần Thị Xang lúc đó đang công tác cách mạng tại Sài Gòn, được phép về quê để thăm chồng. Khi bà về tới Gò Nổi thì nghe tin ông đã hy sinh. Nỗi đau quá sức chịu đựng, bà ngất nhiều lần, sau đó đau ốm, tinh thần suy nhược, có biểu hiện tâm thần, lúc tỉnh lúc mê. Bệnh tình trở đi trở lại và bà mất năm 1980 ở xóm Bàn Cờ (Thành phố Hồ Chí Minh), để lại một người con gái sống nghèo khổ ở ngoại vi thành phố Đà Nẵng. Ngày 18-6-1999, UBND thành phố đã tặng cho cô một ngôi nhà tình nghĩa. Nghe nói khi nhận giấy tờ, cô thắp nhang lên bàn thờ cha mẹ mà khóc.

Trước đó, vào tháng 7-1975, khi Hội Văn nghệ giải phóng Khu 5 đóng ở 10 Gia Long (nay là 10 Lý Tự Trọng, quận Hải Châu, Đà Nẵng), tôi gặp một cô gái dắt một bà mẹ ốm yếu, ăn mặc tuềnh toàng đến, xưng là vợ và con của Văn Cận, muốn xin lại những di vật của ông để làm kỷ niệm.

Chúng tôi im lặng, nước mắt lặng lẽ rơi. Một lúc sau, tôi nói: “Thưa chị, anh cũng như chúng tôi, đi vào chiến trường chỉ có chiếc balô nhỏ và anh đã hy sinh cùng với chiếc balô ấy. Còn hài cốt anh ấy, chúng tôi đã tìm nhiều lần nhưng cũng không tìm thấy. Anh được chôn trên một gò đất ở Điện Quang. Nhưng sau đó bom đạn và xe cày của địch đã san bằng mất rồi, chị ạ”...

THANH QUẾ - PHAN HOÀNG THI

;
;
.
.
.
.
.