Đà Nẵng cuối tuần

Thử làm "Nhà tiêu dùng thông thái"

16:24, 29/10/2022 (GMT+7)

Thỉnh thoảng, chúng ta nghe nhắc đến cụm từ “người tiêu dùng thông thái” để nói về những người biết cách chọn mua thực phẩm sạch, an toàn để phục vụ bữa cơm gia đình trong thời buổi thực phẩm “sạch - bẩn” lẫn lộn. Tuy nhiên, không dễ để trở nên “thông thái” trước “mê hồn trận” các loại thực phẩm tươi sống, nhất là rau, củ, quả bày bán khắp nơi, kể cả trong siêu thị, có nhãn mác đầy đủ.

Vì vậy, để từng bước “thông thái”, chúng ta phải cập nhật, tìm hiểu thêm những thông tin liên quan đến các loại thực phẩm, nhất là thực phẩm tươi sống thường sử dụng cho bữa ăn gia đình, từ chủng loại đến đặc tính sinh trưởng, tập quán canh tác, chăm sóc của người trồng, qua đó biết được loại nào ít sâu bệnh, ít dùng thuốc trừ sâu, chất kích thích tăng trưởng...

Có thể nói, loại rau quả an toàn nhất trước hết là rau trồng tại vườn nhà, nhất là những loại rau trồng trên sân thượng hoặc ban công. Nếu có sâu bệnh cũng không sử dụng thuốc, hóa chất, nhất là trong giai đoạn sinh trưởng đến thu hoạch. Thứ hai, khi chọn mua các loại thực phẩm tươi sống ngoài thị trường, có thể chọn nấm rơm, nấm mèo (mộc nhĩ) và nấm sò (nấm bào ngư). Những loại nấm này rất nhạy cảm với hóa chất nên sẽ không có bất kỳ loại hóa chất nào tác động trong quá trình sinh trưởng; nếu có, nấm sẽ chết ngay. Do đó, chúng ta có thể yên tâm mua các loại nấm này ngoài chợ, bảo đảm độ tươi ngon. Trong khi đó, tại siêu thị, nhiều loại nấm xuất xứ từ nước ngoài không loại trừ khả năng người ta dùng chất bảo quản để giữ cho nấm tươi lâu.

Về các loại rau, củ, quả khác, có loại rất ít, thậm chí không sử dụng thuốc trừ sâu bệnh như bí xanh, bí đỏ, mướp, bầu, cà tím, khoai lang, khoai sọ (khoai môn) và các loại rau ăn lá như xà lách, dền, mồng tơi… Đơn giản vì chúng ít bị tấn công bởi sâu bệnh, ít sử dụng thuốc tăng trưởng, thuốc trừ sâu do các đặc tính về thực vật học, sinh học.

Ngoài ra, những loại rau quả này, vốn không nhiều sâu nên nếu có phun thuốc thì lượng nhiễm vào rau quả ít hơn so với loại rau khác, thời gian sinh trưởng kéo dài. Những loại quả này thường bảo quản được lâu sau thu hoạch nên dư lượng thuốc (nếu có) cũng dần mất đi. Tuy vậy, cũng có loại thực phẩm nếu ăn quả thì khá an toàn nhưng ăn lá thì chưa hẳn như vậy. Có thể kể đến cây bí, để lấy ngọn và lá bí non, một số người dùng phân đạm (urê) và chất kích thích tăng trưởng để rau phát triển, non mềm; với loại rau này, phần cuống lá cũng rất dài, mềm và dễ dập nát, phần tua cuốn mập và ngắn, ít lông tơ.

Các loại rau gia vị như rau mùi (ngò), húng quế, lá lốt, thìa là, hẹ… cũng khá an toàn do đa số chúng có chất tinh dầu hoặc mùi đặc trưng nên không “hấp dẫn” sâu bệnh, người trồng ít sử dụng thuốc bảo vệ thực vật. Với thực phẩm nhiều dinh dưỡng như giá đỗ, nếu giá đỗ sạch thường thân gầy, dài trong khi giá đỗ có sử dụng chất kích thích thường mập, ngắn. Lý do giá đỗ sạch phải hút nước nên có rễ dài; trong khi giá đỗ có chất kích thích, tăng trưởng không có rễ hoặc rễ rất ngắn do người bán hàng ngâm giá trong nước có chứa thuốc tăng trưởng khiến tất cả các bộ phận của giá đều hút nước.

An toàn thực phẩm luôn là vấn đề được quan tâm hàng đầu của mỗi gia đình. Để có được bữa ăn bổ dưỡng, chất lượng và an toàn thì  người tiêu dùng, đặc biệt là những người nội trợ cần được trang bị những kiến thức cơ bản để phân biệt loại thực phẩm an toàn và không an toàn. Ở góc độ vĩ mô, cần tăng cường công tác quản lý thực phẩm theo chuỗi, truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Trong phạm vi bài viết này, người viết chỉ cung cấp một số thông tin, kiến thức “sơ đẳng” giúp bạn đọc tham khảo, góp phần bảo vệ sức khỏe bản thân và gia đình.

DIỆP DÂN HÙNG

.