Big Ben - 5 năm bảo dưỡng và 95 triệu USD

.

Tháp chuông đồng hồ nổi tiếng Big Ben ở thủ đô London của Anh chính thức hoạt động trở lại từ ngày 13-11 sau 5 năm hầu như “ngủ yên”. Quá trình sửa chữa trong 5 năm qua đã tiêu tốn 95 triệu USD.

Lúc 11 giờ ngày 11-11, người canh giữ tháp Big Ben cùng nhóm chuyên gia chế tác đồng hồ đã thử chuông. Rất đông người dân tụ tập xung quanh khu vực tòa tháp để nghe chiếc đồng hồ này ngân vang 11 tiếng nhằm thử chuông và kỷ niệm 104 năm ngày Đình chiến (Thế chiến I chính thức kết thúc lúc 11 giờ ngày 11-11-1918).

Tháp đồng hồ Big Ben là biểu tượng của nước Anh. Ảnh: Bloomberg
Tháp đồng hồ Big Ben là biểu tượng của nước Anh. Ảnh: Bloomberg

Việc thử chuông diễn ra suôn sẻ. “Chiếc đồng hồ bốn mặt có chuông lớn nhất thế giới” đã ngân vang trở lại với những âm thanh “bong” quen thuộc, mang lại niềm vui cho người dân Anh trong lúc họ đối mặt với nỗi lo cắt giảm chi tiêu do chi phí sinh hoạt và lạm phát tăng cao. “Thật tuyệt vời! Đã quá lâu rồi!”, ông Art Wallace (56 tuổi) từ vùng Yorkshire, phía bắc nước Anh, có mặt ở khu vực tháp Big Ben cùng mẹ của mình cho biết.

Biểu tượng của nước Anh

Tháp đồng hồ Big Ben được hoàn tất xây dựng vào năm 1859 theo trường phái tân Gothic, dưới thời trị vì của Nữ hoàng Victoria. Tiếng chuông của Big Ben đã xuất hiện trong nhiều bộ phim điện ảnh, truyền hình và vô số video của du khách khi đến London.

Tháp Big Ben nằm trong quần thể Cung điện Westminster bên bờ sông Thames, được đổi tên thành Tháp Elizabeth vào tháng 6-2012 nhằm tôn vinh Nữ hoàng Elizabeth II. Song, mọi người vẫn quen với tên gọi Big Ben và xem đây là biểu tượng của nước Anh. Big Ben cũng được người dân xứ sở sương mù xem là biểu tượng của sự ổn định, an ninh và dân chủ vì đã cùng nước Anh trải qua nhiều giai đoạn lịch sử.

Tòa tháp cao 96,3 mét, mỗi mặt có đường kính 7 mét và cao 55 mét. Kim phút của đồng hồ dài 4,2 mét được chế tạo bằng đồng. Kim giờ dài 2,74 mét và được làm bằng hợp kim chuyên dùng để đúc súng. Big Ben là quả chuông lớn nhất (nặng khoảng 13,5 tấn) trong số 5 quả chuông của tòa tháp. Cứ 3 lần/tuần vào các ngày thứ Hai, thứ Tư và thứ Sáu, chiếc đồng hồ được lên dây cót để bảo đảm luôn chính xác.

Năm 2015, Big Ben được phát hiện chạy nhanh 7 giây. Lúc đó, các nhà khoa học nhận định nguyên nhân có thể do ảnh hưởng thời tiết. Song, một số ý kiến khác cho rằng, cỗ máy đồng hồ hoạt động từ năm 1859 nên khó tránh khỏi việc giảm độ chính xác.

Cuộc bảo dưỡng lớn nhất

Đúng 12 giờ ngày 21-8-2017, tháp đồng hồ Big Ben điểm chuông lần cuối trước khi bước vào cuộc bảo dưỡng lớn nhất kéo dài 5 năm. Trong thời gian sửa chữa, Big Ben chỉ ngân vang vào thời khắc giao thừa hằng năm và hai thời điểm đặc biệt khác, khi Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU) vào năm 2021 và tang lễ của Nữ hoàng Elizabeth II hồi tháng 9-2022. Lúc đó, Big Ben đã điểm chuông 96 lần, mỗi phút một lần tượng trưng cho 96 năm tuổi thọ của Nữ hoàng.

Quá trình sửa chữa Big Ben tiêu tốn 95 triệu USD ngân sách của nước Anh. Các kỹ sư và 500 công nhân đã làm việc liên tục để phục dựng hơn 1.000 bộ phận của tháp đồng hồ.

Các bộ phận khác của chuông được làm sạch và sơn lại. Các mặt số mang tính biểu tượng trên đồng hồ được khôi phục màu xanh nguyên bản sau khi các chuyên gia phát hiện màu sơn chuyển sang tối sẫm.

Những vết nứt trong và quanh đồng hồ do rỉ sét đã được hàn gắn, sửa chữa. 700 mảnh vá được chạm khắc để thay thế các phần hỏng hóc, xuống cấp. Bên trong tòa tháp cũng được trang trí lại, đồng thời lắp đặt thang máy và nhà vệ sinh. Sau đợt trùng tu lịch sử này, tháp đồng hồ đổi sang sử dụng đèn LED thay vì chạy bằng khí đốt nhằm tiết kiệm năng lượng và có thể đổi màu.

5 năm qua cũng là khoảng thời gian “ngủ yên” lâu nhất trong lịch sử 163 năm của Big Ben. Trước đó, chuông và kim đồng hồ chỉ im lặng, hoặc chạy chậm vài lần do thời tiết, hoặc tạm dừng để sửa chữa và bảo dưỡng trong thời gian ngắn.

Giờ đây, khi dự án bảo dưỡng hoàn tất, Big Ben trở lại với nhiệm vụ của mình. Mỗi khi kết thúc một tiếng đồng hồ, Big Ben sẽ báo hiệu bằng 1 tiếng chuông lớn và mỗi 15 phút bằng các nốt Sol, Fa, Mi và Si.

KHÁNH LINH (theo The Boston Globe, AFP)

;
;
.
.
.
.
.