Nhọc nhằn một thuở xe than

.

Thời gian qua, xăng dầu liên tục tăng giá làm tôi nhớ lại lúc đất nước gặp vô vàn khó khăn về xăng dầu. Đó là từ năm 1975 đến 1985 của thế kỷ trước. Ở giai đoạn này, xăng dầu tuy là nhiên liệu phục vụ cho các phương tiện giao thông và sản xuất nhưng lại được xem như mặt hàng tiêu dùng xa xỉ bởi nguồn cung khan hiếm.

Chỗ đốt nhiên liệu phía sau xe “đờ nôn”. Ảnh: T.M
Chỗ đốt nhiên liệu phía sau xe “đờ nôn”. Ảnh: T.M

Cũng như nhiều mặt hàng thiết yếu khác, khi ấy xăng, dầu được mua theo chế độ tem phiếu nên số lượng rất hạn chế. Do nguồn cung xăng, dầu không đủ cầu nên các phương tiện vận chuyển hành khách lần lượt nghỉ hoạt động, xe cộ đắp chiếu, việc đi lại của người dân không hề dễ dàng chút nào.

Trong cái khó ló cái khôn, chủ nhân của những chiếc xe khách “đờ nôn” già nua, cũ kỹ đã nghĩ ra một loại nhiên liệu mới, đó là xe chạy bằng than thay cho xăng dầu. Xe “đờ nôn” là loại đầu máy ô-tô Renault do Pháp sản xuất được nhập vào miền Nam từ những năm 60 rồi đóng thùng làm xe chở khách.

Xe “đờ nôn” có 12 chỗ ngồi nhưng lúc nào tài xế, lơ xe cũng nhét người chật như nêm, trên trần không chỉ có thêm người mà còn chất hàng hóa, thúng mủng, heo, gà cao ngất ngưởng lại chạy trên những con đường gập gềnh đầy ổ trâu, ổ gà, nhồi xóc trẹo cả vai, người say xe mắt luôn lờ đờ, nôn mửa đầy sàn nên xe có tên gọi “đờ nôn”. Nhiều người sợ xe “đờ nôn” nhưng vẫn phải bước lên vì không còn phương tiện nào khác để lựa chọn.

Đến bây giờ, chưa thấy sách vở nào ghi danh người có công cải tiến ra việc cho xe khách “đờ nôn” chạy bằng than thay xăng, có lẽ đây cũng là một thiếu sót của lịch sử bởi sáng kiến của họ đã góp phần giải quyết kịp thời nhu cầu bức bách trong đời sống của nhân dân lúc bấy giờ.

Người ta đã chế một cái thùng đốt than gắn ở phía bên trái đuôi xe. Chiếc thùng vòng tròn, chiều cao chừng hơn 1,5 mét, đường kính từ 45-50 cm, có hệ thống dẫn hơi nóng từ thùng than tới máy ô-tô. Trước khi xe rời bến khoảng 1 giờ, lơ xe trút cả bao tải than củi vào thùng đốt hầm cho đỏ rực để tạo ra lò khí ga nóng.

Dòng khí này theo ống dẫn tới bộ hòa khí làm cho động cơ ô-tô nổ máy bình thường như đốt xăng dầu và xe bắt đầu di chuyển theo sự điều khiển của tài xế. Xe “đờ nôn” chạy bằng than với tốc độ tối đa cũng chỉ 30-35 km/giờ, đoạn đường nào có dốc hoặc bùn lầy, xe càng ì ạch, nặng nề, lắm lúc tài xế bảo hành khách trên xe phải xuống hết cùng khom lưng đẩy thì xe mới vượt qua được đoạn đường khó khăn phía trước.

Hồi ấy, Đà Nẵng có hai bến xe “đờ nôn” chạy than, đó là bến đậu đỗ chung với xe lambro ở bên chợ Vĩnh Trung, gần chợ Cồn và một bến của Công ty Xe khách tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng sát đường Điện Biên Phủ, phường Chính Gián ngày nay. Bây giờ có nhiều người còn nhớ về bao kỷ niệm trên những chuyến xe than nhọc nhằn của một thuở đi, về các miền quê xứ Quảng.

Đó là những chuyến xe đỏ rực phía sau từ Đà Nẵng đi Hội An, Nam Phước, Hà Lam, Tam Kỳ, Ái Nghĩa… và lên cả vùng miền trung du trập trùng đồi sỏi. Lúc mới khởi hành, xe còn sung sức, chạy nhanh nhưng về sau than trong thùng tàn, nguội dần, chạy chậm nên mấy chàng lơ xe thường tranh thủ lúc dừng lại để những tiểu thương vào các trạm ven đường đóng thuế buôn chuyến theo quy định của Nhà nước thì lơ xe dùng các thanh sắt chọc, khều vào lổ thông hơi để làm tăng thêm ô-xy trong lò, nhờ đó than tiếp tục bốc cháy.

Lắm khi xe không dừng nhưng than nguội thì lơ xe bu bám phía sau cũng phải khuấy than, khều lửa để tăng “sức khỏe” cho xe. Thỉnh thoảng có người nhìn thấy những cục than rừng rực nằm trên mặt đường khi “đờ nôn” vừa chạy qua làm rơi rớt mà hú hồn…

Đã nhiều lần tôi dậy thật sớm để lên bến xe xếp hàng, mua vé về quê, lúc đầu được ngồi vào ghế hẳn hoi nhưng xe chạy một lúc thì cái vé chẳng còn ý nghĩa gì hết. Tài xế liên tục dừng dọc đường đón khách, chất chở hàng hóa. Người chen chúc với gia súc, gia cầm hôi hám không sao tả hết. Ai kêu ca, phàn nàn liền bị lơ xe quát tháo ầm ĩ, dọa đuổi ra khỏi xe.

Thôi thì muốn đi ắt phải lụy tài, đành ngậm bồ hòn làm ngọt cho đến lúc bước ra khỏi xe, người mệt lả, áo quần nhem nhuốc đầy tro bụi nhưng vẫn còn… sướng hơn ngồi cùng chiếc xe đạp cọc cạch trên quãng đường dài. Những chuyến xe than ngày nào giờ đây đã nằm trong “bảo tàng trí nhớ” của nhiều người và mỗi khi nghĩ lại thấy ớn, song cả một thập kỷ chồng chất khó khăn, đặc biệt sự thiếu hụt về xăng dầu thì những chuyến xe than nóng hầm hập ấy đã góp phần rất lớn cho việc phân phối, lưu thông hàng hóa, phục vụ việc đi lại của con người.

Ngoài tên gọi xe than, xe lò, ai đó còn đặt thêm cái tên xe hỏa tiễn nữa. Có lẽ do mang cái thùng than phía sau trông giống quả tên lửa mới có cách gọi vui này, song quá khập khiễng bởi hỏa tiễn thì lao vùn vụt còn xe than lại chạy chậm như rùa…

THÁI MỸ

;
;
.
.
.
.
.