Sau 2 năm châu Âu đón Giáng sinh buồn do ảnh hưởng Covid-19, ngày lễ tề tựu vui vẻ ở “lục địa già” giờ đây chắc chắn không còn nữa do thiếu năng lượng và lạm phát tăng cao.
Đại lộ Champs-Élysées ở thủ đô Paris của Pháp chỉ thắp sáng đèn đến 23 giờ 45 (giờ địa phương) thay vì đến 2 giờ sáng như những mùa Giáng sinh trước. Ảnh: A.P |
Lễ Giáng sinh cận kề và châu Âu đã chuẩn bị trong nhiều tháng cho một mùa đông không khí đốt của Nga nhưng một số thành phố có thể sớm sống chung với cảnh cắt điện luân phiên để tiết kiệm năng lượng. Các chuyên gia cho rằng, việc Liên minh châu Âu (EU) cùng các đồng minh trong nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu (G7) và Úc bắt đầu áp giá trần lên dầu thô xuất khẩu bằng đường biển của Nga ở mức 60 USD/thùng từ ngày 5-12 sẽ khiến Moscow cắt giảm mạnh nguồn cung ra thị trường thế giới, cuộc khủng hoảng năng lượng theo đó càng leo thang.
Tiết kiệm năng lượng
Muốn xoa dịu tâm trạng buồn bã của người dân nhưng chính quyền các địa phương trên khắp châu Âu vẫn phải kêu gọi hạn chế thời gian thắp sáng đèn. Vì vậy, Giáng sinh năm nay không còn là hình ảnh của tuyết, băng và những cây thông Noel to lớn, rực rỡ.
Khu phố mua sắm Oxford ở Anh dự kiến cắt giảm 2/3 mức tiêu thụ năng lượng bằng cách giảm độ sáng của đèn trang trí trong khoảng thời gian từ 15-23 giờ (giờ địa phương) và lắp đặt đèn led - loại đèn cần ít hơn khoảng 90% điện năng so với bóng đèn sợi đốt thông thường.
Đại lộ Champs-Élysées ở thủ đô Paris của Pháp chỉ thắp sáng đèn đến 23 giờ 45 (giờ địa phương) thay vì đến 2 giờ sáng như những mùa Giáng sinh trước. Cây thông chính ở chợ Giáng sinh tại Strasbourg - chợ Giáng sinh lớn nhất nước Pháp - giảm đèn trang trí nhằm hưởng ứng lời kêu gọi của giới chức thành phố này trong việc giảm 10% mức tiêu thụ năng lượng tại các khu vực công cộng.
Các quan chức ở Romania cũng thông báo đèn trang trí lễ hội sẽ giảm độ sáng từ 1-6 giờ tại trung tâm thành phố Brasov và tắt đèn ở những nơi khác.
Tại Ý, giới chức thị trấn Borno thuộc vùng Lombardy cho biết không lắp đặt bất kỳ hệ thống chiếu sáng lễ hội nào nhằm nâng cao nhận thức của người dân về tiết kiệm năng lượng.
Các thành phố của Đức rút ngắn thời gian thắp đèn. Mùa bật đèn Giáng sinh ở thành phố Bremen, phía tây bắc nước Đức, thường được tổ chức từ cuối tháng 10 đến cuối tháng 2, giờ đây diễn ra từ ngày 20-11-2022 đến 31-1-2023. Ở Düsseldorf, thủ phủ của bang Nordrhein-Westfalen, đèn được bật 5 tiếng mỗi ngày thay vì 15 tiếng.
Xoay xở với lạm phát
EU đang đối mặt với tỷ lệ lạm phát ở mức cao kỷ lục 11,5% và nguy cơ suy thoái kinh tế. Thực trạng này làm đau đầu giới chức các nước trong và ngoài khối.
Tại một khu vực chợ ở Budapest của Hungary, bà Eva Racz (75 tuổi) cho biết, bà không có khả năng thưởng thức một bữa ăn truyền thống lễ Giáng sinh với cá chép nữa. “Đây là một lễ Giáng sinh buồn, lương hưu của chúng tôi ít ỏi, chúng tôi cần trả tiền điện nước và thuốc men”, bà Eva Racz nói. Hiện bà Eva Racz và chồng có mức lương hưu tổng cộng 200.000 forints/tháng (507,7 USD).
Tại Hungary, giá lương thực hồi tháng 10 tăng cao 45,2% so với năm ngoái, trong khi 10 quốc gia ở phía đông EU đối mặt với lạm phát giá lương thực hơn 20%. Ở Lithuania, giá lương thực tăng cao hơn 33,3% và con số này ở Latvia là 30%.
Những người mua sắm ở Cộng hòa Czech phải vật lộn với giá đường tăng 105%, trong khi giá bột mì tăng 45,4% ở Ba Lan.
Tại Đức, tờ Bild trích dẫn cuộc khảo sát của Viện Câu trả lời xã hội mới (INSA) cho hay, 23% số người dân ở nền kinh tế lớn nhất châu Âu sẽ không mua quà Giáng sinh năm nay vì lạm phát cao; 22% sẽ dùng tiền tiết kiệm để mua quà và hơn 3% có thể phải vay nợ để mua quà.
Tỷ lệ lạm phát của Đức đã tăng lên mức 10,4% trong tháng 10, đạt mức cao lịch sử, theo dữ liệu từ Văn phòng Thống kê Liên bang Đức (Destatis). Mặc dù cơ quan này chưa công bố dữ liệu cho tháng 11 nhưng dự kiến tỷ lệ lạm phát duy trì 10%.
Ở Pháp, chính phủ của Tổng thống Emmanuel Macron đã đưa ra một số biện pháp để ứng phó với nguy cơ cắt điện trong mùa đông này. Ông Macron nói rằng, nếu tất cả cùng phối hợp, tuân thủ kế hoạch điều tiết điện đã được chính phủ thông qua, nghĩa là giảm khoảng 10% so với mức tiêu thụ thông thường, nước Pháp có thể vượt qua giai đoạn này, ngay cả với những tháng lạnh giá nhất là tháng 12-2022 và tháng 1-2023.
KHÁNH LINH (theo Reuters, AFP, Bloomberg)