Du lịch Hội An: Làm mới mình thời "hậu Covid-19"

.

Tròn một năm từ ngày đón đoàn khách quốc tế đầu tiên sau giai đoạn 2020-2021 tác động bởi Covid-19, bức tranh du lịch Hội An (Quảng Nam) đã thôi những vệt màu ảm đạm. Du khách trở lại, mang theo hy vọng phục hồi du lịch cho phố cổ nói riêng, Quảng Nam và Đà Nẵng nói chung, nhưng chừng đó vẫn chưa đủ khi tác động từ Covid-19 vẫn còn “âm ỉ” trong lòng đô thị di sản này.

Chương trình “Hội An – sắc màu của lụa” - một trong những sản phẩm du lịch mới của Hội An. Ảnh: T.K
Chương trình “Hội An – sắc màu của lụa” - một trong những sản phẩm du lịch mới của Hội An. Ảnh: T.K

Những “di chứng” hậu Covid-19

Du khách tìm về Hội An đông hơn so với thời điểm năm trước, đặc biệt trong không khí rộn ràng của Năm du lịch quốc gia - Quảng Nam 2022 với chuỗi các sự kiện, lễ hội đặc sắc. Tuy nhiên, để Hội An trở lại thời “đỉnh cao” đông nghịt du khách của những năm 2018-2019 là chưa thể trong thời điểm này, khi thị trường truyền thống điển hình một số nước vẫn chưa phục hồi, nhiều doanh nghiệp vẫn gặp khó sau đại dịch.

Hiện trạng Hội An lúc này cũng là hình ảnh du lịch Quảng Nam trong bối cảnh hậu khủng hoảng Covid-19. Bà Huỳnh Thị Minh, Chủ nhiệm CLB nhân sự du lịch Quảng Nam dẫn chứng số liệu khảo sát mức độ ảnh hưởng từ Covid-19 do CLB này thực hiện: “Chúng tôi ghi nhận số lượng khách sạn, nhà hàng mở cửa trở lại sau dịch bệnh chưa đạt 100%; có tới 95% đơn vị xác nhận có biến động và thay đổi nhu cầu, đứt gãy chuỗi cung ứng khách hàng, thiếu lao động, thiếu vốn, khó vay ngân hàng, giảm doanh thu...”.

Chia sẻ về bức tranh du lịch xứ Quảng nói chung, Hội An nói riêng, ông Nguyễn Sơn Thủy, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Quảng Nam cho hay: “Covid-19 là sự việc chưa có tiền lệ trong các đợt khủng hoảng về kinh tế từ trước đến nay do diễn tiến quá phức tạp, khiến ngành du lịch và doanh nghiệp hoang mang, bị động. Khi đại dịch bùng phát, không ai biết được đâu là “điểm dừng”, không biết được khi nào mới có thể phục hồi mọi hoạt động”.

Điểm sáng vượt khó từ đại dịch

Ông Nguyễn Sơn Thủy cho biết, từ những chính sách “đòn bẩy” của chính quyền và nỗ lực của các doanh nghiệp, nhiều hoạt động kích cầu, phát triển du lịch được triển khai, những sản phẩm du lịch mới được đầu tư đưa vào đón khách như Khu nghỉ dưỡng Nam Hội An (Hoiana), Khu nghỉ dưỡng TUI Blue Nam Hội An, Cổng trời Đông Giang; tour trải nghiệm tuần hoàn rác thải, tour tâm linh, sự kiện festival biển, Chợ phiên Tân Thành... Không thể không kể đến thành công của Năm du lịch quốc gia - Quảng Nam 2022 mà Hội An là hạt nhân.

Những sự khởi sắc đó đem về cho Quảng Nam 4.746.000 lượt khách trong năm 2022, tăng 13 lần so với cùng kỳ năm 2021, theo thống kê của Sở VH,TT&DL tỉnh. Trưởng ban Văn hóa, Văn phòng UNESCO tại Hà Nội Phạm Thị Thanh Hường cho biết, có thể khẳng định Hội An nói riêng và Quảng Nam nói chung là điểm sáng vượt khó từ khủng hoảng Covid-19.

Ông Nguyễn Văn Lanh, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hội An cho hay, sau Covid-19, hoạt động du lịch tại đây được tái định hình, cơ cấu lại không gian, xây dựng sản phẩm du lịch, tập trung phát triển thị trường và tăng cường chuyển đổi số. Ông Lanh đưa ra lộ trình 5 chặng mà chính quyền và doanh nghiệp cần vận hành gồm: cầm cự, duy trì, phục hồi, ổn định và tăng trưởng.

Theo ông Lanh, sau giai đoạn cầm cự và duy trì với việc được Chính phủ cho phép thí điểm đón khách theo “hộ chiếu vắc-xin”, Hội An đang ở chặng phục hồi - là chặng “nóng” nhất. “Con thuyền Hội An” còn cần nhiều giải pháp và thời gian để “bơi” qua giai đoạn duy trì và phục hồi trước khi nghĩ đến ổn định, tăng trưởng và về đích.

Đô thị cổ làm mới mình

“Thích nghi, thích ứng, làm mới” là những khái niệm mà những doanh nghiệp, đơn vị làm du lịch ở Hội An thời gian qua dần quen thuộc từ khi Covid-19 bùng phát. Có đơn vị xem Covid-19 như cơ hội để thay đổi, sắp xếp, điều chỉnh lại hoạt động. Bà Nguyễn Thị Ngọc Lan, Tổng Giám đốc Công ty CP Du lịch Dịch vụ Hội An chia sẻ, kinh nghiệm “vượt bão” của công ty là tự lực nghiên cứu thị trường, điều chỉnh sản phẩm du lịch, ưu tiên thị trường khách nội địa; hướng đến xu hướng du lịch xanh, du lịch nghỉ dưỡng; đồng thời tập trung đào tạo lại nhân sự... Bên cạnh đó, doanh nghiệp hưởng lợi từ các giải pháp hỗ trợ kịp thời của Nhà nước.

Thương hiệu OCOP House non trẻ của phố Hội được hình thành trong thời điểm cuối năm 2019 - đầu 2020, khi Covid-19 manh nha ập tới. Đơn vị trở thành “cầu nối” cho những đặc sản đạt chứng nhận OCOP từ 3 sao và sản vật chất lượng của xứ Quảng như: nước mắm, mứt đảng sâm, bánh dừa nướng, bánh chưng, rượu gạo đen, bánh đậu xanh nhân thịt… ra thị trường và trở thành sản phẩm du lịch.

Anh Đinh Công Quân, chủ sở hữu và tham gia sáng lập OCOP House không giấu diếm ý định kết hợp với các đơn vị lữ hành làm tour trải nghiệm cho du khách đến mua sắm và tham quan tại chính nơi làm ra đặc sản. “Chúng tôi rất ưng du khách có cơ hội trải nghiệm cách bà con Quảng Nam mình làm ra chai nước mắm, cái bánh… đậm chất quê hương, để họ hiểu về văn hóa và con người xứ Quảng chứ không dừng ở mua sắm”, anh Đinh chia sẻ.

Bên cạnh các doanh nghiệp là nỗ lực từ chính quyền, ông Nguyễn Văn Lanh bày tỏ, không gian du lịch của thành phố di sản này định hình trong 6 thành tố gồm: phố cổ, làng nghề và nông thôn, biển, sông nước, đảo và du lịch đêm. Với tinh thần của Năm Du lịch quốc gia - Quảng Nam 2022, du lịch xanh sẽ là thương hiệu cực kỳ quan trọng mà Hội An cần có để làm mới mình bên cạnh những dấu ấn đặc trưng như phố cổ, chùa Cầu, bài chòi…

Những bài học để phát triển bền vững

Covid-19 để lại cho chính quyền và doanh nghiệp Hội An những bài học về phát triển thị trường, xây dựng sản phẩm du lịch. Ông Nguyễn Xuân Hà, Giám đốc Công ty CP Gami Hội An băn khoăn, thị trường truyền thống chưa hoàn toàn phục hồi trong khi doanh nghiệp còn lúng túng trong việc khai thác thị trường mới. “Doanh nghiệp ngành du lịch rất cần nhiều dịp kết nối, chia sẻ từ Sở VH,TT&DL và Hiệp hội Du lịch tỉnh để tìm hiểu kỹ, hiểu sâu về những thị trường mới để biết du khách ở đó cần gì, muốn gì. Phải hiểu sâu thì mới có chiến lược phát triển sản phẩm phù hợp để giữ chân du khách”, ông Hà nhấn mạnh.

PGS.TS Phạm Trương Hoàng, Trưởng Khoa du lịch và Khách sạn, Trường Đại học Kinh tế quốc dân nhìn nhận, đã có những tín hiệu tích cực cho du lịch Hội An và Quảng Nam nhưng vẫn còn đó khó khăn cho các doanh nghiệp. Vì thế, doanh nghiệp rất cần vai trò của Nhà nước, chính quyền trong giai đoạn này để tiếp tục phục hồi, mở rộng các giải pháp về vốn, khai thông thị trường, rà soát hệ thống dịch vụ, kiểm soát chất lượng; hỗ trợ du lịch di sản trong giai đoạn trung và dài hạn.

Theo ông Nguyễn Văn Lanh, quan điểm của địa phương về thị trường như một bài học từ đại dịch. Đó là xác định rõ vai trò quan trọng của thị trường nội địa. Đó là không phụ thuộc hoàn toàn hay “chạy” theo một thị trường khách nào đó để rồi bị động. Hội An sẽ đầu tư, xây dựng sản phẩm du lịch từ những điều sẵn có để phục vụ du khách. Sẽ còn những khó khăn nhưng không phải không tháo gỡ được.

“Chính quyền, doanh nghiệp, người dân đang ngồi chung một con thuyền. Nếu chúng ta đồng lòng, cùng nhau chèo một hướng thì thuyền đi nhanh hơn. Nếu mạnh ai nấy nghĩ một hướng, thuyền không đi được, có khi còn chìm”, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hội An Nguyễn Văn Lanh chia sẻ.

Liên kết cùng Đà Nẵng trong phát triển du lịch

Thời gian qua, Hội An và Quảng Nam nói chung đã và đang liên kết cùng Đà Nẵng và các địa phương khách trong kích cầu, phục hồi du lịch thông qua nhiều hoạt động như: Diễn đàn liên kết phát triển du lịch Vùng Kinh tế trọng điểm miền Trung với Thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh; triển khai các chương trình liên kết hành động khôi phục và phát triển du lịch 3 địa phương: Quảng Nam, Đà Nẵng và Thừa Thiên Huế; phối hợp với Sở Du lịch Đà Nẵng, Thừa Thiên Huế, Quảng Bình tổ chức Chương trình “Amazing Central Heritages - Miền Di sản diệu kỳ”…

Định hướng của ngành Du lịch Quảng Nam là phát triển du lịch kết hợp phía Bắc, phía Nam, phía Tây của tỉnh, liên kết phát triển du lịch với Đà Nẵng, khu vực Tây Nguyên và các tỉnh lân cận nhằm hình thành các tuyến/tour vòng tròn du lịch; nỗ lực hoàn thành khai thông, nạo vét sông Cổ Cò phục vụ phát triển tuyến du lịch Hội An - Đà Nẵng...

TRƯỜNG KỲ

;
;
.
.
.
.
.