Triền sông ngập sắc vàng hoa cải

.

Mấy hôm nay, tiết trời se lạnh, mẹ gọi điện hỏi thăm cuộc sống của tôi và nhân tiện “thông báo” về cánh đồng cải ven sông đã ra hoa! Dẫu đã trải qua biết bao mùa hoa cải thời ấu thơ nơi quê nhà, nhưng khi nghe mẹ nói tới cánh đồng hoa cải mùa khoe sắc đưa hương tự dưng lòng tôi lại chộn rộn, pha lẫn chút buồn hiu hắt, đã bao năm rồi tôi không còn được hòa mình vào cánh đồng ven sông thân thương đầy dấu ấn kỷ niệm khi cải vào mùa trổ hoa...

Nhớ về tuổi thơ nơi quê nhà, tâm trí tôi chưa bao giờ quên được hình ảnh của những ruộng cải ven sông mà mẹ tôi cũng như những người dân quê chất phác vẫn dày công vun trồng mỗi ngày. Làng nhỏ quê tôi nằm bên con sông êm đềm, khi không có nhiều đất canh tác trong đồng, mà mỗi hộ gia đình chỉ được chia khoảng vài sào trên khoảng bãi bồi ở triền sông. Chính vì vậy mà nguồn sống của hết thảy những con người sinh sống trong ngôi làng nhỏ ấy nương nhờ vào cánh đồng đất bãi, cùng việc chăn nuôi trâu bò, chạy chợ...

Minh họa: HOÀNG ĐẶNG
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG

Gia đình tôi cũng không là ngoại lệ, bố tôi quanh năm suốt tháng cùng những người đàn ông, đám trai làng vạm vỡ lên thành phố làm thuê kiếm tiền, còn phụ nữ, người già thì ở lại làng lo chăn nuôi, canh tác trên cánh đồng đất bãi. Vì là bãi bồi với chất đất pha cát, hệ thống kênh tưới tiêu lại không có, tất cả chỉ phụ thuộc vào nguồn nước của dòng sông, nên không thể trồng lúa được ngoài cây rau màu. Với 2 sào đất bãi ít ỏi mà gia đình được chia, những tháng đầu năm mẹ tôi thường trồng ngô, đậu tương, lạc, vừng. Có nhiều năm, do muốn thay đổi để tạo sự màu mỡ cho đất, mẹ chuyển sang canh tác đậu đỗ, dưa chuột, dưa lê... Nói chung các loại cây trồng canh tác trên mảnh đất bãi bồi luôn được luân chuyển liên tục. Thế nhưng, thời gian từ giữa năm tới Tết, hầu hết diện tích bãi bồi luôn được mẹ tôi cũng như các gia đình khác chuyển sang canh tác rau cải.

Rau cải là nguồn thu chính, mang lại giá trị kinh tế cao nhất mà mỗi gia đình trong làng tôi đều ngóng đợi mỗi năm, tiền bán rau cải các gia đình dùng để mua gạo, thực phẩm dùng cho nhu cầu ăn uống. Rồi các em nhỏ tới trường đi học, mỗi gia đình cũng lấy từ tiền bán rau cải để mua sắm sách vở, bút mực, quần áo mới... Có không ít hộ gia đình còn mua sắm được cả vật dụng sinh hoạt bàn ghế, xe đạp, đài cát sét... cũng bằng chính tiền bán rau cải!

Cuối năm, rau cải trổ ngồng và ra hoa, người dân quê tôi lại có thêm nguồn thu từ bán hạt cải giống. Thực ra việc bán hạt cải làm giống chỉ là phụ, các gia đình trong làng đều để cải trổ hoa là để chủ động hạt cải giống cho mùa sau. Nhớ về tuổi thơ lam lũ nơi quê nhà, tôi có thể quên màu xanh bạt ngàn của rau cải, cùng những buổi ra đồng phụ mẹ gánh nước từ dưới sông lên để tưới rau đến toát mồ hôi, mệt bở hơi tai, nhưng khi cánh đồng cải vào mùa trổ bông thì tôi luôn nhung nhớ, mang đậm trong tâm trí một màu vàng rực rỡ của hàng triệu bông hoa cải li ti, tạo thành thảm hoa trải dài tít tắp ven đê. Một vùng hoa cải vàng rực khiến cho bất cứ ai đi ngang qua cũng phải nao lòng, ngẩn ngơ, lưu luyến. Rồi ong bướm dập dìu từ muôn nơi kéo về cánh đồng hoa cải khiến cho khung cảnh miền đất ven sông tuyệt đẹp. Không được hòa mình vào cánh đồng hoa cải dịp cuối năm như thế này đối với tôi là một sự tiếc nuối.

Dịp này, nhiều bạn trẻ từ thành phố cách đó vài chục km thường kéo về cánh đồng hoa cải làng tôi để thưởng ngoạn, để sống ảo, để check-in..., bởi họ muốn lưu lại khung cảnh đẹp với sắc màu và hương thơm mà mỗi năm chỉ có một lần vào dịp cuối năm. Người về ngắm hoa cải đông khiến cho cánh đồng quê luôn nhộn nhịp từ sáng cho tới tối mịt. Người nông dân quê tôi cũng chộn rộn niềm vui vì được du khách thăm quan ngắm hoa cải trả một chút... phí chụp ảnh, phí ngắm hoa! Tất cả mọi người đều vui vẻ, bởi du khách hiểu rằng, để làm nên “bức tranh” cánh đồng hoa cải rực rỡ sắc màu và hương thơm kia, những người nông dân như mẹ tôi phải vất vả, đổ biết bao mồ hôi công sức, qua bao công đoạn gieo trồng, chăm bón...

ĐẶNG ĐỨC

;
;
.
.
.
.
.