Đà Nẵng cuối tuần
Cơm thương, cơm nhớ
Bà Dân lúi húi xếp lại đám kiệu đã phơi đủ nắng vô hủ cho thật đều, trước khi đổ giấm đường vô ngâm. Ông Thương ngồi kế bên nhìn vợ vừa làm vừa tủm tỉm cười, lòng không khỏi vui lây. Chính ông cũng đang bận rộn, phụ bà đảo mớ tôm khô phơi ngoài sân cho ráo và chặt dừa để lát bà kho nồi thịt. Tết đã xong rồi, hàng xóm ngó qua chắc thắc mắc dữ lắm, khi thấy hai ông bà già chuẩn bị tươm tất như chưa hề ăn Tết.
Nói hai người chuẩn bị đón Tết cũng đúng, nhưng là Tết lần hai. Lần đầu, với gia đình con cháu, ông bà vừa mới tiễn tụi nó lên thành phố trở lại công việc hôm qua. Lần hai này, là để ăn với đứa con nuôi từ Mỹ sắp về. Lu bu công chuyện sao mà nó không về kịp, giờ mới thu xếp được vé bay.
- Để tui kêu thằng út lên mạng tải mấy tuồng cải lương hay hay về, ngày mốt tui với bà vừa ngồi coi vừa canh bánh tét he! - Ông Thương khều khều vợ, mở vải mùng chỉ cho bà coi đám tôm khô đã chuyển đỏ trông đẹp hết sức - Kì này thằng Thiết về ăn Tết ngon lành, hổng thiếu gì!
Bà Dân gật đầu cười, đứng lên bê hủ kiệu ra sau bếp. Có lẽ do tụt máu, trái tim bà tự nhiên đau. Không, không phải. Nỗi đau đó xuất hiện, khi bà nhìn thấy tờ giấy hẹn ghim nơi cuốn lịch vừa vơi đi một ít. Ghim tại đó sự nhắc nhở, bà chẳng còn được ở nơi này bao lâu nữa.
Nhắm mắt, cố lấy lại nhịp thở đều đặn, bà Dân đi tiếp về phía bếp. Bà không biết khi vắng bà, căn bếp có còn được tươm tất như vầy không. Rồi chỗ mới ra làm sao. Ừ chắc nhỏ hẹp hơn hồi đó nữa, cái hồi mà thằng Thiết còn hay qua nhà ông bà ăn chực.
- Mới đó mà mười mấy năm rồi bà ha! - Ông Thương xoa xoa vai vợ, dường như ông hiểu rõ bà đang nghĩ gì. - Rồi chuyện gì cũng qua, khổ mấy mình cũng chịu được mà, bà!
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG |
Bà đưa tay chạm tay ông, cảm nhận hơi ấm truyền qua, cả từ thân nhiệt lẫn từ câu an ủi. Hai vợ chồng đã trải qua gian khó, đúng là không chuyện gì khiến họ gục ngã được. Nhưng đó là khi họ còn trẻ. Giờ, tóc đã nhuộm màu thời gian, muốn ăn ngon sống khỏe phải phụ thuộc vô bác sĩ và nha sĩ. Thì làm sao không khỏi mủi lòng, khi nghĩ tới tháng ngày sắp tới, làm quen lại từ đầu với một nơi xa lạ.
- Biết thằng Thiết về trễ, tui lặt lá cây mai nhỏ sau cùng, hên giờ nó còn đầy nụ đó bà! Làm như mai cũng biết chờ người, bà he! - Không muốn vợ nghĩ nhiều, ông Thương chuyển đề tài câu chuyện.
Bà Dân phì cười, nhìn ra sân, ánh mắt bà dịu dàng âu yếm những cành mai gầy gò đang ươm đầy nụ xanh um. Chúng sẽ bừng nở khi thằng Thiết về. Để mà coi, khi bước vô sân, kiểu gì nó cũng la lên, con về ăn chực ba má tiếp đây.
***
- Con về ăn chực ba má tiếp đây!
Thiết khệ nệ đồ đạc, vali đứng trước cổng cười ngoác miệng. Anh hít thở hối hả nguồn không khí quen thuộc vào sâu trong phổi, như muốn những kỷ niệm xưa nhanh chóng quay về. Nhớ quá chừng, cái hồi anh mới tới đây lần đầu. Khi anh học cấp ba, theo đứa bạn cùng lớp về nhà ăn cơm, có ngờ đâu duyên nợ nhen lên khiến cái cây sống nhờ như anh được bám rễ nương tựa chốn này, thành con nuôi ba Thương má Dân.
Bà Dân mừng rỡ bước ra nắn bóp vai Thiết, ngó tới ngó lui mấy bận để chắc chắn thằng con nuôi khỏe mạnh. Thằng út nhảy chân sáo phóng ra, ôm chầm lấy Thiết, rối rít đòi quà. Ông Thương cốc nhẹ đầu nó một cái, rầy không lo phụ xách đồ tiếp anh mày thì thôi, quà cái gì mà quà. Căn nhà như được nhen lại lửa, ấm áp rộn ràng. Trên không trung, khi Thiết ngước lên nhìn, sót lại vài cánh én về muộn, như anh, nhưng đủ để vẽ nên những vệt xuân trên nền da trời xanh ngần ngật.
Thiết như trở lại là chàng trai mười bảy mười tám tuổi, lóng nga lóng ngóng bước vô nhà bạn. Hồi đó cái chung cư này mới xây, thuộc loại đại gia của thành phố. Anh thẹn thùng đặt đôi dép mòn đế ngay ngắn nơi bậc thềm lát gạch bông sáng choang, đi nhón nhón như sợ mình làm mờ đi vẻ bóng bẩy của nó. Ngôi nhà khang trang quá, tươm tất quá, loại nhà chung cư ai có tiền mới mua được căn ngay dưới đất như vầy. Càng lên cao càng rẻ.
Bà Dân, ông Thương bữa đó thấy thằng nhỏ con bạn mình vừa ăn cơm vừa rơm rớm nước mắt, biết lâu rồi Thiết mới có một dịp ăn uống đàng hoàng. Ông bà có nghe con kể sơ sơ, ba má Thiết mất sau tai nạn, giờ ở tạm nhà họ hàng. Mà họ cũng thấy phiền, hết đùn qua người này lại đẩy qua người khác.
Thiết thành cục nợ xoay vòng theo tháng, khi ở nhà chú, lúc ở nhà dì. Đồ đạc gỏn gọn một balo, hễ người ta nhắc khéo thì xách lên đi. Còn chẳng được lâu dài như ở trọ.
Lúc đó, cơm ngon quá, Thiết chỉ biết cắm cúi ăn tới nghẹn, không hay ba má bạn đang ngầm quan sát mình. Ông bà đánh giá thấy thằng nhỏ này thật thà, ngoan ngoãn, lại học giỏi nữa. Đôi mắt nó sáng làm sao, hoàn cảnh không hề làm nó chùn bước, đôi mắt của một người vẫn dám ước mơ. Ông thủ thỉ với bà, thằng này có chí lớn à nha. Bà gật gù khều ông, định hình một kế hoạch lâu dài.
- Con hổng chê thì mai mốt tới nhà bác ăn cơm luôn nhen! – Bà Dân mở lời trước. - Giờ học hai buổi nhà xa đi lại bất tiện, trưa cứ ghé đây!
- Dạ thôi, con phiền hai bác quá… - Thiết lúng túng từ chối, những hạt cơm còn dính trên khóe miệng ngây ngô.
- Phiền gì mà phiền, có thêm cái chén đôi đũa chớ nhiêu. - Ông Thương giả bộ rày, mắt ông ngó bộ dạng ốm nhom của thằng nhỏ, xon xót trong ruột.
Thiết nửa mừng nửa sợ, anh đâu dám thổ lộ, rằng cái không bao nhiêu mà ông bà nói với người ta lại là rất nhiều. Họ hàng của anh, họ tính từng chén cơm một. Ăn là phải làm, bù cho đủ mới được, dù ông bà anh có gửi tiền hằng tháng nhờ lo cho anh. Số tiền đó, có khi trở thành cái đầm mới cho dì, có khi thành bộ thắng mới cho chú, chứ chưa bao giờ chảy tới nổi chén cơm của anh. Những chén cơm nguội với đồ thừa, mà đôi khi ngó qua tô cơm của con chó nhà họ nuôi, anh bất giác trào nước mắt. Anh cứ tự hỏi hoài, hồi ba má còn sống, ba má đối xử với họ hàng hết lòng, sao giờ họ nỡ nào như vậy…
- Dạ, vậy hai bác cho con xin phép ăn chực vài bữa… - Thiết gãi gãi đầu ấp úng.
- Vài bữa gì, ăn tới già cũng được nhé! - Bà Dân giật lấy chén của Thiết, bới thêm đầy cơm.
Ông Thương vươn tay xẻ lườn cá gắp vô chén cho Thiết. Mấy đứa con của ông bà tủm tỉm cười, biết ba má chấm Thiết rồi. Cả nhà ai cũng thương anh và hiểu rõ lời ông bà dạy, giúp được ai cái chi thì giúp.
Thiết chính thức trở thành người ăn chực, suốt từ đó cho tới khi anh đi nước ngoài kiếm việc làm.
***
- Nữa kiếm đủ vốn rồi con về đây ăn chực ba má tiếp ha! - Thiết cầm khoanh bánh tét bà Dân mới cắt cho, run run như đứa trẻ cầm phần thưởng. Lâu rồi anh mới được ăn nó, thứ bánh quê nhà, thứ bánh truyền thống.
- Mai mốt hổng còn ở đây đâu anh… - Thằng Út lanh miệng nói, nửa chừng bị tiếng tằng hắng của ông Thương cắt ngang. Nó biết mình lỡ miệng, rụt cổ lại, le lưỡi bối rối.
Bà Dân nhanh chóng đánh trống lãng, hướng sự chú ý của Thiết vô hũ kiệu đã ngâm đủ chua, trước khi anh kịp hỏi lại. Dĩa kiệu trắng phau, những củ nhỏ non giòn có phần trong suốt như ngọc, được rắc lên mấy con tôm khô nhà làm bự chảng, nhìn hấp dẫn lắm. Thiết hít hà, gắp kiệu ăn kèm với bánh, thấy ngon thiếu điều chảy nước mắt.
Lén quay qua nhìn chồng, bà Dân nén tiếng thở dài. Hai ông bà giấu thằng con nuôi một bí mật. Tháng sau người ta tới lấy nhà, hai ông bà với thằng út sẽ dọn đi chỗ khác. Biết sao được, thằng Hai bể nợ, không bán nhà biết lấy chi trả người ta. Ông Thương bàn kỹ với bà, tới nào xong xuôi hả cho thằng Thiết hay. Chớ cái tính nó mà biết, nó đổ hết tiền vô phụ cho mà coi. Vậy đâu có được, một thân một mình lặn lội xứ người kiếm cơm, tiền nó nó phải để dành lo cho thân nó. Một cắc ông bà cũng không muốn lấy.
Lần này, hai vợ chồng không hay mình bị thằng con nuôi ngầm quan sát. Thiết lờ mờ đoán được nhà có chuyện nhưng anh không muốn hỏi nhiều. Anh rõ tính ba má nuôi quá mà, càng hỏi hai người sẽ càng giấu nhẹm. Ngay cả bản thân Thiết, anh cũng đang giấu một bí mật.
Thiết định năm nay thu xếp về nước luôn, chứ anh thấy mệt mỏi quá. Anh cứ tưởng khát vọng kiếm tiền sẽ khiến anh vượt qua mọi thử thách nhưng anh chịu thua trước sự lẻ loi. Cô đơn bào mòn con người ta ghê lắm. Ở bên kia, anh vùi đầu vô công việc, về nhà cũng lủi thủi mình ên với cái tivi. Nhiều khi thèm cơm quê, chạy ra khu người Việt mua, vừa ăn vừa khóc. Những món ngon nửa quen nửa lạ, cho phù hợp với khẩu vị nước ngoài. Thấy mình cũng bợt bạt đi, khi những giấc mơ đêm đêm về quê hương bị cái mệt nhấn chìm trong nhòe nhoẹt.
Thi thoảng, lúc cố nhớ một từ tiếng Việt nhưng không vắt óc ra nghĩ nổi, Thiết thấy sợ. Anh lo mình đang khác đi quá nhiều, lo mình không còn là mình nữa. Bản thân anh đã là loài cây mất gốc, giờ trôi dạt phương xa không chỗ níu chân, nỗi lo về tương lai mờ mịt càng làm sự cô đơn thêm đáng sợ. Công việc lương cao nhưng nặng nhọc, và tinh thần, chính tinh thần anh bị bào mòn từng ngày. Anh nhớ quê da diết, nhớ ngôi nhà cho anh ăn chực biết bao năm tháng. Nhớ tình thương ba má nuôi dành cho anh. Những lúc đó, tiền bạc đâu còn ý nghĩa chi nữa, cháy bỏng trong anh chỉ còn khao khát trở về.
Tất cả những điều ấy Thiết giấu kín trong lòng, sợ nói ra sẽ khiến ba má nuôi lo. Người già nghĩ ngợi nhiều, có khi đổ bệnh thì khổ lắm, tội đó anh gánh sao nổi. Anh giả bộ vui vẻ cho hai người yên tâm, bụng nôn nao suy tính mấy chuyện năm sau. Không biết phải làm gì nữa. Kinh tế bên đó cũng đang lao đao, dịch bệnh càng khiến anh muốn được về, được sống nơi quê nhà, được trở lại làm thằng con nuôi qua ăn chực nhà ba má.
Đợi hai ông bà vô phòng nghỉ trưa, Thiết ngoắc thằng út lại, vặn hỏi nó coi chuyện chi xảy ra. Thằng nhỏ cũng lì, nhất định không nói. Nhưng trước thái độ tha thiết của anh, trước đôi mắt buồn bã ấy, đôi mắt đã tắt dần ánh sáng khát vọng ngày nào, thằng nhỏ đành khai thật hết. Lẳng lặng lắng nghe, Thiết nuốt tiếng thở dài, mắt anh xao xác như con én còn lạc lại giữa trời gió rét. Chuyện lớn vầy mà ba má nuôi lại giấu anh.
***
Ông Thương đã gói xong đồ đạc, ngó coi còn mấy món lặt vặt không biết đem cho ai bây giờ. Dăm ba cái món cũ, có thứ đã hư bể, có thứ đóng bụi dầy, nhưng thứ nào cũng chứa đầy kỷ niệm. Ở trong phòng, bà Dân cũng lưỡng lự với mớ quần áo, chưa biết bỏ gì đem gì. Nhà mướn nhỏ, không thể đem hết đồ qua được. Một sự báo trước, mọi thứ sẽ thay đổi từ đây, không còn như cũ nữa.
Nhà đã bán, tiền đã nhận, nợ đã trả xong, coi như mọi việc đâu vào đó hết. Kệ, dọn đi đâu thì đi, nhẹ gánh lo là được. Cái hồi đói khổ, kiếm chén cơm trắng không ra, hai vợ chồng còn dìu đỡ nhau đi qua được. Thì giai đoạn tới kiểu chi cũng sống được thôi. Ăn nhiều chớ ở bao nhiêu đâu. Hai người già với đứa nhỏ, ráng thu xếp cũng vừa. Tết nhứt mấy đứa con về thì chịu khó vun vén chút. Nghĩ tới cảnh cả nhà túm tụm ngủ cạnh nhau sát rạt như cá mồi xếp lớp, như cái hồi xưa nhà lá nền đất, bà Dân vừa buồn cười vừa ứa nước mắt.
Có tiếng chuông cửa. Chắc chủ nhà mới tới coi nhà lần nữa để tính chuyện sắm đồ đạc chuyển vô. Ông Thương ra mở cửa, cúi chào, không quên cảm ơn người ta đã chịu mua giá cao giúp mình lúc kẹt túng.
- Con qua đây để báo với chú có người mua lại nhà rồi, nên nữa chú giao nhà cho người ta nhen. Số điện thoại họ đây, chú liên lạc cho dễ. - Người thanh niên không vô nhà mà giúi vô tay ông Thương mảnh giấy.
Khi anh ta đã phóng xe đi khỏi, ông Thương chầm chậm trở vô, mở tờ giấy ra coi ông tưởng mình hoa mắt. Số điện thoại ai quen quá vậy cà. Để cho chắc ăn, ông vô đưa vợ coi, mắt bà Dân còn sáng hơn ông nhiều. Bà cũng đồng ý số này quen quá. Hai người bấm gọi, trong lúc chờ bên kia bắt máy, hai đôi mắt già nua nhìn nhau vẫn đầy suy tư.
- A lô, thằng ăn chực nghe nè ba má! - Đúng như hai ông bà đã nghĩ, đây là số Thiết.
- Thằng quỷ, mày lấy tiền mua nhà rồi còn đâu vốn mà làm ăn hả con?
- Bà Dân không bình tĩnh nổi nữa, giọng bà đã chen tiếng nấc.
- Thì con về ăn chực ba má tiếp. - Thiết cười hề hề. - Nói chứ con còn chút đỉnh, nữa về con mở cái quán nhỏ nhỏ, ba má phụ con nhe. Con muốn sống ở quê với ba má hà.
Hai ông bà nhìn nhau, ngậm ngùi thương thằng con nuôi quá đỗi. Ông bà đã nói rồi mà, cho Thiết ăn chực cả đời cũng được. Hai ông bà nghĩ về một tương lai, nơi mà mọi người ở cạnh nhau và yêu thương nhau, lòng trào dâng hạnh phúc.
PHÁT DƯƠNG