Du lịch - không chỉ đi và đến

.

Cuối năm có một con số không vui: du khách quốc tế đến Việt Nam trong năm 2022 chỉ đạt 70% kế hoạch (3,5 triệu khách quốc tế/5 triệu chỉ tiêu). Điều đáng nói là sau khi kiểm soát được dịch bệnh, so với các nước trong khu vực thì Việt Nam là nước mở cửa sớm hơn (từ 15-3-2022), các nước Thái Lan (mở cửa từ 6-2022) nhưng họ đón hơn 10 triệu lượt khách quốc tế, Malaysia (9 triệu) và Singapore (6 triệu).

Trong buổi tổng kết hoạt động năm 2022, lãnh đạo Chính phủ và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thảo luận nhiều về lý do vì sao du khách quốc tế vào Việt Nam ít? Còn nhớ năm 2019, theo Tổ chức Du lịch Thế giới (WTO) Việt Nam đón hơn 18 triệu khách quốc tế, nếu tính cả gần 90 triệu khách nội địa thì ngành du lịch thu về 755.000 tỷ đồng.

Rõ ràng đại dịch không chỉ gây ra sự đứt gãy chuỗi giá trị mà còn đặt ra yêu cầu mới cho ngành du lịch. Những bất cập cũ chưa khắc phục căn bản thì nay thêm những yêu cầu mới, đòi hỏi phải có biện pháp, cách làm mới, nếu không thì ngành du lịch khó trở thành mũi nhọn như nhiều địa phương mong muốn.

Theo các chuyên gia ngành du lịch, hạn chế dễ nhận thấy nhất là khâu thủ tục nhập cảnh vẫn nhiêu khê, có khi phải mất hơn cả tiếng đồng hồ mới qua được cửa khẩu. Nhiều ý kiến than phiền về thái độ đăm đăm, lạnh lùng, thiếu thiện cảm của nhân viên làm thủ tục hải quan. Rồi khâu kỹ thuật vận chuyển hàng hóa, hầu hết băng chuyền tại các sân bay nước ta khổ nhỏ, việc kiểm tra và nhận hành lý mất nhiều thời gian.

Thêm nữa chính sách miễn thị thực visa cho công dân một số nước là một cố gắng lớn của các ngành chức năng nhưng đến nay mới “mở” chưa tới 30 nước và thời gian lưu trú 15 ngày cho 1 lần visa là quá ngắn, đây là rào cản mà chúng ta chưa gỡ được. Hiện chính sách visa ở nhiều nước có thời gian lưu trú phổ biến là 30, 45 thậm chí 90 ngày. Bên cạnh đó hệ thống e-visa phải phê duyệt đúng hạn, xác nhận lộ trình nộp visa của du khách… còn nhiều bất cập. Nhưng điều bị than phiền nhiều nhất là thái độ và chất lượng dịch vụ tại các cơ sở lưu trú, vấn đề về an ninh và vệ sinh phải làm sao để du khách thật sự cảm thấy thoải mái khi đến Việt Nam.

Du lịch thời hậu Covid-19 đòi hỏi khắt khe hơn về chất lượng, đặc biệt những yêu cầu về vệ sinh an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường, các biện pháp phòng bệnh nghiêm ngặt hơn. Cơ sở lưu trú phải thật sự tạo ra sự yên tâm, thoải mái cho du khách, những lễ hội đông người chưa hẳn là sự lựa chọn phù hợp. Tăng thời gian lưu trú là hướng cần làm sớm, mở rộng diện các nước miễn visa. Việc không mấy tốn kém là tạo không khí thân thiện ngay từ đầu khi làm thủ tục nhập cảnh. Tình cảm thân thiện của người Việt Nam dưới mắt du khách quốc tế trước hết được cụ thể bằng thái độ ứng xử của nhân viên hải quan.

Không gì ngao ngán bằng thời gian xếp hàng thì đằng đẵng mà còn phải chịu thái độ khinh khỉnh, đăm đăm, xem du khách như những người mắc lỗi. Thứ đến phải đa dạng và làm mới sản phẩm du lịch, đang có nhiều giải pháp tháo gỡ hạn chế này, song rất tiếc trong thực tế chúng ta chưa nhiều sản phẩm mới, từ tour, tuyến đến chất lượng các điểm đến. Việt Nam tự hào có vịnh Hạ Long là kỳ quan thế giới nhưng ngoài việc cấp quá nhiều giấy phép hoạt động chuyên chở, ngành du lịch chưa biến được hàng ngàn đảo trên vịnh trở thành những hòn ngọc lung linh. Làm sao từng phút trên vịnh là khoảnh khắc báu vật đời người để giữ chân du khách.

Tài nguyên du lịch Việt Nam so với các nước không thua kém, nếu không muốn nói là hơn hẳn. Văn hóa du lịch ẩm thực các vùng miền ngày càng được đầu tư phát triển phong phú, xứng đáng là món ngon nhớ đời với du khách quốc tế. Còn nhớ có lần Hội Nhà báo thành phố Đà Nẵng đón đoàn Hội Nhà báo tỉnh Chiang Mai (Thái Lan), ông Amnat Jongyotying, chủ tịch hội nói rằng, Việt Nam có nhiều thắng cảnh đẹp mê hồn, hầu như mỗi địa phương đều có những nơi đáng đến, đáng trải nghiệm, ví dụ như Đà Nẵng và Huế, mỗi địa phương đều có sự khác biệt độc đáo. Khi đến Phong Nha, Thiên Đường (Quảng Bình) ông Amnat cùng các thành viên trong đoàn sững sờ khi tận mắt cảm nhận sự kỳ vĩ của hệ thống hang động của miền Trung.

Ngay sau khi Covid-19 được kiểm soát, ngành du lịch Đà Nẵng có nhiều chuyển biến tích cực. Công tác xúc tiến, quảng bá, liên kết phát triển du lịch được ngành chức năng quan tâm, nhất là đẩy mạnh xúc tiến tại một số thị trường quốc tế trọng điểm, khôi phục đường bay quốc tế đến Đà Nẵng, hiện có 12 đường bay quốc tế trực tiếp đến Đà Nẵng. Nhiều hoạt động sự kiện và các sản phẩm dịch vụ mới được tổ chức góp phần thu hút du khách trong nước và quốc tế như Diễn đàn phát triển đường bay châu Á - Routes Asia 2022, Hội chợ du lịch trực tuyến Danang Fantasticity, Chương trình lễ hội “Tận hưởng mùa hè Đà Nẵng 2022”, Lễ hội du lịch golf Đà Nẵng 2022…

Năm 2022, số lượt khách cơ sở lưu trú phục vụ năm 2022 ước đạt 3,6 triệu lượt, gấp 3 lần so với năm 2021, doanh thu dịch vụ lưu trú và lữ hành ước đạt gần 9.000 tỷ đồng, gấp gần 4 lần so với năm 2021. Đà Nẵng được xếp hạng cao nhất theo đánh giá của Bộ Chỉ số năng lực cạnh tranh điểm đến du lịch cấp tỉnh Việt Nam (VTCI), đứng vị trí thứ 3 trong top 10 thành phố du lịch hàng đầu Đông Nam Á - Giải thưởng du lịch châu Á 2022 và giải thưởng “Điểm đến sự kiện, lễ hội hàng đầu châu Á năm 2022…

Cùng với những lợi thế về cảng biển, sân bay quốc tế, cửa ngõ đi đến các di sản thế giới ở miền Trung… và sự nỗ lực quyết tâm của các cấp chính quyền sẽ là cơ hội để Đà Nẵng là điểm đến được ưa chuộng đối với du khách quốc tế, vậy phải làm gì nữa để khách quốc tế đến thành phố tăng trưởng một cách bền vững? Việc có một khẩu hiệu (slogan) riêng cho vùng đất “chưa mưa đà thấm” này cần khẩn trương xây dựng mới. Con người nơi đây thật thà, chất phác, thân thiện luôn có ý thức giữ gìn văn hóa.

Vì vậy, Đà Nẵng có quyền hy vọng đây là nơi đến thân thiện nhất, thủ tục nhập, xuất cảnh nhanh, chính xác và ân cần nhất, người dân thành phố luôn tự tin giới thiệu với du khách về nơi mình đang sống, mỗi người dân là một “sứ giả hòa bình”. Thành phố sẽ có nhiều điểm du lịch văn hóa, lịch sử, danh thắng giữ chân du khách quốc tế bằng sự thân thiện, thoải mái, an toàn an ninh và vệ sinh môi trường sạch sẽ, bởi đối với du khách, chọn điểm đến không chỉ để khám phá vẻ đẹp của danh lam thắng cảnh hay tìm hiểu các di tích lịch sử, mà với họ nét đẹp văn hóa đặc trưng mới tạo được dấu ấn sâu đậm.

Du lịch không chỉ đi và đến. Nếu không tạo ra sự ngạc nhiên về cảnh sắc, văn hóa và món ăn, giấc ngủ thì khó có chuyển biến trong một lĩnh vực đòi hỏi sự sáng tạo cũng như đam mê này.

NHÃ ĐAN

;
;
.
.
.
.
.