Đà Nẵng cuối tuần

Gọi tên những khoảnh khắc...

11:35, 01/01/2023 (GMT+7)
2544307976391649798fa1tuanhugiophieudu.jpg

“Ai đã từng khóc vì yêu, xin hãy yêu nhau thật nhiều. Những ai được chết vì yêu, là đang sống trong tình yêu”… Giai điệu và lời bài hát “Ta chẳng còn ai” của nhạc sĩ Đức Trí vang lên, gợi lại bao ký ức về cuộc đời của mỗi người cũng như của ca nhạc Việt Nam những năm đầu thế kỷ 21. 

“Tôi vẫn còn nhớ như in cái buổi chiều tôi và cô ấy chia tay nhau. Đó là quán cà phê trên con tàu neo ở gần Bến Bạch Đằng có tên là Hammock, buổi tối người ta làm bar, nhưng chiều thì chỉ bán cà phê và vắng người. Chúng tôi ngồi rất lâu và gần như không ai nói với ai câu nào. Chỉ biết là chia tay. Cái đêm ấy về nhà, tôi ngồi gần như cả đêm ở góc phòng, một mình. Bài hát Em ơi, còn ai? được ra đời vào đêm đó, đêm tháng 3 năm 1995, rồi về sau tôi đổi lại thành Ta chẳng còn ai. Lúc ấy, tôi không hiểu vì sao cái câu trong Les Misérables (Những người khốn khổ) của Victor Hugo cứ ám ảnh trong đầu tôi: “You who suffer because you love, love still more. To die of love, is to live by it”. Tôi đã mượn câu danh ngôn bất hủ ấy cho mở đầu điệp khúc của mình: “Ai đã từng khổ vì yêu, xin hãy yêu nhau thật nhiều...”. Và rồi, bài hát được nằm mãi trong ngăn cũng chính vì chữ “khổ” ấy”. Gần 28 năm sau, nhạc sĩ Đức Trí viết trong tập sách “Tựa như gió phiêu du” (NXB Đà Nẵng) về sự ra đời của “Ta chẳng còn ai” - ca khúc từng góp phần làm nên tên tuổi của anh trong lòng công chúng yêu ca nhạc.

Tập sách “Tựa như gió phiêu du” lấy từ tựa đề bài hát đầu tiên trong sự nghiệp sáng tác của Đức Trí, tập hợp 50 ca khúc đầu tiên do nhạc sĩ tự lựa chọn, chép tay lại; đặc biệt là kèm theo vài câu chuyện nhỏ kể về hoàn cảnh ra đời - mà như anh nói “để xin gửi đến những người yêu mến âm nhạc của tôi như một món quà tri ân”. Ở đó, những khoảnh khắc chung quanh sự ra đời của từng ca khúc được anh hồi tưởng trong sự rung động của mình. Bài hát “Có quên được đâu” (1999) với những ca từ “Hứa thật nhiều, quên thật nhiều. Đôi khi trách nhau có được đâu. Đến một lần, xa một đời, nhưng ta vẫn luôn nhớ về nhau”, được anh giãi bày: “Đó là những ngày đầu năm khi tôi và M. liên lạc trở lại qua email (…) Tôi tưởng như mình có thể bỏ ngang việc học để trở về lại Việt Nam. Giấc mơ đó theo tôi cả tháng trời (…) Nhưng rồi đến một đoạn, giấc mơ đó vụt tắt như một cuộn phim đang chiếu bị đứt ngang… Nhưng tiếc thay em ơi, những mộng mơ, mãi cũng chỉ là những mộng mơ…”.

Với giai điệu nhẹ nhàng cùng ca từ sâu lắng, những ca khúc của Đức Trí như đi chậm vào lòng người và lắng đọng ở đó cùng những tan vỡ của tình yêu, nỗi nhớ nhung cuộn trào và khát khao về giấc mơ đoàn viên… Anh tâm sự: “Có lẽ ca khúc của tôi đã sinh ra như những trang nhật ký ghi lại từng kỷ niệm trong đời, từng gương mặt tôi đã gặp, từng bóng hình từng làm cho tôi tưởng chẳng thể nào quên. Những kỷ niệm, những gương mặt, những bóng hình lại hiện lên mỗi khi ai đó hát lại những bài hát cũ”. Chính từ những trang nhật ký cuộc đời mình, mỗi ca khúc cùng những lời tâm sự trong “Tựa như gió phiêu du” phảng phất nỗi buồn, trăn trở, suy tư về cuộc đời, cuộc tình của Đức Trí.

Bên cạnh những ca khúc “viết cho mình”, nhà sản xuất âm nhạc Đức Trí còn có những bài hát viết cho nhạc phim hay các chương trình lớn, để lại dấu ấn như: “Sài Gòn quê hương tôi” (Chung kết Hoa hậu Việt Nam - 1998), “Nắng mới” (Duyên dáng Việt Nam lần thứ 15 - 2005), “Nụ cười và những ước mơ” (Chung kết Việt Nam Idol - 2007)… Anh tâm sự rằng “tôi không thích viết bài hát ca ngợi, tôi chỉ thích viết về tình yêu (…) Nên phải cảm ơn những chương trình tôi thực hiện đã cho tôi có cơ hội để bật ra những lời hát dành tặng cho quê hương mình”.

Với “Tựa như gió phiêu du”, không chỉ kỳ công trong việc tự mình chọn lựa, chép tay các bản nhạc và ghi những dòng hồi ức về các bài hát gắn bó với cuộc đời sáng tác cũng như tình cảm của mình, để làm nên ấn phẩm đơn sắc nhưng sâu sắc này, nhạc sĩ Đức Trí cùng với đơn vị liên kết xuất bản và phát hành Phanbook thiết kế và in ấn tập sách rất trang nhã. Ngoài những bản phổ thông, tập sách còn ấn hành 100 bản giới hạn với ruột in trên giấy mỹ thuật, trong đó gồm 10 bản đặc biệt bìa da đóng thủ công, mạ cạnh sách bằng nhũ vàng và 90 bản bìa cứng, có chữ ký của tác giả dành cho những người sưu tầm.

ANH QUÂN

.