Bậc thầy vẽ tranh giả

.

Wolfgang Beltracchi là một hiện tượng của giới nghệ thuật quốc tế. Tên tuổi của ông gắn với một trong những biến động lớn nhất trên thị trường nghệ thuật toàn cầu. Ông bắt chước phong cách vẽ của nhiều nghệ sĩ nổi tiếng thế giới và vẽ những bức tranh mới.

Vợ ông - Helene Beltracchi đã bán chúng như những tác phẩm không có giấy tờ, đôi khi với số tiền lên tới cả triệu USD. Nhiều chuyên gia bị đánh lừa bởi kỹ năng tuyệt vời của Beltracchi. Trước nhu cầu vô độ của thị trường, những người đấu giá đã gạt bỏ nghi ngờ để bán những bức tranh như những tác phẩm đích thực của các nghệ sĩ nổi tiếng thế giới đã qua đời.

Chuyên gia làm giả tranh Wolfgang Beltracchi bên một tác phẩm giả mạo của ông.
Chuyên gia làm giả tranh Wolfgang Beltracchi bên một tác phẩm giả mạo của ông.

Cặp đôi này cùng với 2 cộng sự đã bị kết tội giả mạo 14 tác phẩm nghệ thuật. Năm 2011, sau hơn 30 năm bước chân vào giới buôn bán tranh, Wolfgang và Helene lần lượt bị kết án 6 và 4 năm tù, nhưng cả 2 đều được trả tự do sớm.

Phiên tòa xét xử vợ chồng Beltracchi diễn ra từ năm 2011, nhưng trong một cuốn sách “Psychoanalyst Meets Helene and Wolfgang Beltracchi” (tạm dịch “Nhà phân tâm học gặp gỡ Helene và Wolfgang Beltracchi”) xuất bản gần đây, nhà phân tâm học Jeannette Fischer đã khám phá động cơ, quá trình nghệ thuật và lịch sử gia đình họ.

Theo nhà phân tâm học Fischer, sự pha trộn kỳ lạ giữa thật thà và xảo quyệt, vô tư và vui vẻ của cặp đôi là điều rất cuốn hút. Họ không sao chép tranh của những tác giả nổi tiếng nhưng họ “nhái” kỹ thuật, đường nét, màu sắc riêng và tìm hiểu về đời sống của từng người trước khi vẽ mới một tác phẩm nào đó theo cùng một phong cách.

Thành công của cặp đôi bắt nguồn từ nghiên cứu tỉ mỉ. Họ thực hiện những “chuyến đi văn hóa”, đến những địa điểm mà các nghệ sĩ mà họ muốn “nhái” đã vẽ tranh hoặc để xem các tác phẩm gốc trong các bảo tàng trên khắp thế giới. Họ đắm mình trong những bức thư và nhật ký của các nghệ sĩ cũng như nhận xét về tác phẩm của họ.

Trong phiên tòa xét xử vợ chồng Beltracchi, chủ tọa phiên tòa chỉ rõ, vụ lừa đảo đã được tổ chức với độ chính xác tuyệt đối. “Họ là những người kể chuyện cùng nhau, cùng nghiên cứu và biết mọi thứ về những họa sĩ mà họ bắt chước. Tôi nghĩ đây là một phần trong sáng tạo của Wolfgang”, nữ tác giả Fischer lập luận.

Với Wolfgang Beltracchi, giả mạo là một loại hình nghệ thuật sáng tạo và lừa dối trở thành một trò chơi. Bộ đôi này đã kiếm được hàng triệu đô-la, nhưng tiền chỉ là một phần của công việc, họ không vẽ tranh giả chỉ để kiếm tiền mà đó còn là đam mê. Gia đình Beltracchi sống thoải mái, đi du lịch nhiều nơi và mua một ngôi nhà ở miền nam nước Pháp để nuôi dạy con cái, tuy nhiên, với khối tài sản khổng lồ mà họ có được, họ lại tránh xa nhiều thứ xa xỉ khác.

Sau khi sách xuất bản, nữ tác giả Fischer vẫn giữ liên lạc với cặp đôi này với tư cách bạn bè. Cô không đưa ra phán xét đạo đức, không đóng vai trò của một nhà báo bắt cặp đôi phải giải trình mà là vai trò của một nhà phân tâm học, đào sâu vào các thế lực tiềm thức.

Đặc biệt, cô ấy đã khám phá vai trò mà quá trình nuôi dạy của Wolfgang có thể đã ảnh hưởng đến việc trở thành một bậc thầy tranh giả. Từ khi còn nhỏ, ông đã giúp cha mình khôi phục lại những bức tranh tường của nhà thờ. Ở tuổi 12, Wolfgang đã sao chép một cách thuyết phục và sau đó thêm các yếu tố của riêng mình vào bức tranh đầu tiên, bắt chước tác phẩm của danh họa Picasso.

Beltracchi ra tù vào tháng 1 năm 2015 và hiện đang vẽ dưới tên của chính mình. Tuy nhiên, người ta không thể phủ nhận đây là một “bậc thầy giả mạo” vì với hơn 60 năm kinh nghiệm trong nghề, Wolfgang gần như là người duy nhất trên thế giới có đủ kiến thức và kỹ năng để sáng tạo ra những bức tranh đúng phong cách của các danh họa sống từ nhiều thế kỷ trước.

HOÀNG ĐẶNG (Theo CNN)

;
;
.
.
.
.
.