BẢN SẮC ĐÔ THỊ

Điểm nhấn từ những công trình biểu tượng

.

Không chỉ được thiên nhiên ban tặng cho những danh lam thắng cảnh hùng vĩ và hữu tình, Đà Nẵng còn nổi tiếng với hàng loạt công trình hiện đại với phong cách độc đáo, nổi bật, góp phần tạo nên bản sắc của đô thị trẻ sôi động, đang trong quá trình phát triển không ngừng.

Công viên APEC là một trong những điểm nhấn ấn tượng của thành phố.  Ảnh: XUÂN SƠN
Công viên APEC là một trong những điểm nhấn ấn tượng của thành phố. Ảnh: XUÂN SƠN

Dấu ấn cho những lần “thay da đổi thịt”

Công trình ấn tượng gần đây nhất mà thành phố hoàn thiện là đưa vào hoạt động công viên APEC mở rộng từ ngày 10-1-2022. Nằm bên bờ sông Hàn, công trình này là phần nối liền với vườn tượng APEC được xây dựng trước đó, vào năm 2017 sau khi thành phố tổ chức thành công sự kiện Tuần lễ Cấp cao APEC 2017. Điểm nhấn đặc biệt của tổ hợp công trình này là thiết kế kiến trúc mái vòm theo hình tượng “cánh diều bay cao” với những đường cong uốn lượn, gợn từng lớp như sóng biển đầy uyển chuyển, phối hợp cùng không gian sinh hoạt cộng đồng...

Nằm ở vị trí đắc địa, khi màn đêm buông xuống, dưới ánh đèn đa sắc màu, cả khu vực công viên APEC mở rộng bừng sáng, trở nên lung linh, rực rỡ, là tâm điểm nổi bật giữa khu vực trung tâm của thành phố. Ngoài việc thể hiện tinh thần hội nhập quốc tế, tổ hợp công viên APEC với điểm nhấn mái vòm “cánh diều bay cao” còn có ý nghĩa thể hiện tầm vóc diện mạo đô thị của thành phố cũng như khát vọng bay cao, bay xa trong tương lai để xứng đáng là đầu tàu động lực phát triển của cả khu vực miền Trung.

Cùng nằm ở khu vực trung tâm quận Hải Châu, trên trục đường đẹp bậc nhất của thành phố - đường Nguyễn Văn Linh, một công trình khác ghi đậm dấu ấn kiến trúc hiện đại, góp phần làm nên thương hiệu cho diện mạo đô thị Đà Nẵng đó là công trình cầu Rồng. Chính thức thông xe vào ngày giải phóng thành phố 29-3-2013, cầu Rồng là cây cầu thứ 7 bắc qua sông Hàn, nối đôi bờ thành phố “đầu biển cuối sông”. Kiến trúc cầu Rồng mô phỏng lại hình dáng con rồng đang uốn lượn đẹp mắt với chiều dài 666m, có 6 làn xe chạy và tổng kinh phí đầu tư lên đến 1.500 tỷ đồng.

Cây cầu có kiến trúc độc đáo này được Tập đoàn Louis Berger (Mỹ) thiết kế. Cây cầu hiện đại này bắc qua sông Hàn tạo thành con dường ngắn nhất nối liền sân bay quốc tế Đà Nẵng với các khu du lịch cao cấp ven biển, đóng vai trò quan trọng trong chiến lược phát triển và hoàn thiện hạ tầng giao thông đô thị thành phố. Với phong cách thiết kế hiện đại và ấn tượng, cầu Rồng nhanh chóng trở thành biểu tượng mới của thành phố, từng được nhiều tạp chí kiến trúc thế giới ví là “biểu tượng thịnh vượng mới” của châu Á hay “con rồng thép lớn nhất” thời điểm bấy giờ.

Nằm ở giữa hai cây cầu nổi tiếng cầu Sông Hàn và cầu Rồng có một cây cầu khá đặc biệt khi không phải cầu bắc qua sông, cũng không là cầu dân sinh bình thường, mà cây cầu này được hình thành nên để làm chứng tích cho những đôi lứa yêu nhau với tên gọi cầu Tình Yêu. Nằm chung trong quần thể kiến trúc với tượng cá chép hóa rồng, từ lúc khánh thành đến nay, cây cầu với những trái tim lớn, đỏ rực là địa điểm tham quan thú vị và lãng mạn cho những du khách khi đến thăm quan, du lịch tại Đà Nẵng.

Điểm thu hút ở đây đó chính những chiếc ổ khóa được móc trên cầu, ổ khóa làm bằng hình trái tim có đủ sắc màu đa dạng để lựa chọn. Ý tưởng của cầu Tình yêu được lấy cảm hứng từ những cây cầu Tình yêu nổi tiếng trên thế giới như Tretyakovsky (Nga) và Hohenzollern (Đức). Được xây dựng vào năm 2015 với kết cấu hình vòng cung có chiều dài 68m, cầu Tình yêu được ví như một tấm lụa dài mềm mại vắt qua dòng sông Hàn thơ mộng. Phong cách thiết kế của cây cầu trở nên vô cùng độc đáo khi pha lẫn giữ nét cổ điển đậm chất phương Đông với vẻ đẹp phóng khoáng của văn hóa phương Tây.

Ngoài những công trình kể trên, trong hơn một thập kỷ qua, diện mạo đô thị của thành phố đổi mới không ngừng với nhiều công trình kiến trúc độc đáo, được xây dựng từ nguồn ngân sách địa phương hay do tư nhân đầu tư, đã tạo được dấu ấn lớn trong và ngoài nước; góp phần quảng bá hình ảnh của thành phố vươn xa. Có thể kể đến công trình cầu Vàng ở khu du lịch Bà Nà Hills, chùa Linh Ứng bán đảo Sơn Trà, cầu Thuận Phước, công viên châu Á…

Trong đó, chùa Linh Ứng bán đảo Sơn Trà (quận Sơn Trà) là ngôi chùa nổi tiếng và lớn nhất trên địa bàn thành phố cả về quy mô lẫn kiến trúc nghệ thuật. Được xây dựng vào năm 2004 và chính thức khánh thành vào năm 2010, chùa có cảnh sắc tuyệt đẹp, kết hợp hài hòa giữa thiên nhiên hùng vĩ với vẻ đẹp tao nhã xứ Phật pháp.

Ngoài quang cảnh đẹp, điều gây nên ấn tượng của chùa Linh Ứng bán đảo Sơn Trà chính là tượng Phật Quan Âm cao 67m, từng được công nhận là bức tượng Phật Quan Âm cao nhất Đông Nam Á, cao tương đương tòa nhà 17 tầng. Mang ý nghĩa cầu mong dân chúng an yên lập nghiệp giữa muôn vàn sóng gió bão táp. Từ khi đi vào hoạt động đến nay, chùa Linh Ứng bán đảo Sơn Trà là điểm đến tâm linh, du lịch nổi tiếng của thành phố, thu hút nhiều người dân và du khách ghé qua.

Kết hợp hài hòa giữa mỹ thuật, du lịch và dân sinh

Sau thời gian xây dựng và đi vào sử dụng, giờ đây, các công trình kiến trúc nói trên đã vươn tầm trở thành thương hiệu nhận diện cho thành phố, là điểm đến thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước mỗi khi đến Đà Nẵng tham quan, du lịch. Đồng thời, hình thành nên hệ sinh thái dân sinh đi kèm, góp phần quan trọng thúc đẩy sự phát triển của thành phố, nâng cao đời sống của nhân dân.

Ông Hà Đức Hùng, Giám đốc Công CP Cơ khí Hà Giang - Phước Tường, đơn vị gia công, chế tạo và thi công lắp đặt mái vòm “cánh diều bay cao” với  gần 200 tấn sắt thép cho biết, việc tham gia xây dựng để góp phần hình thành nên công viên APEC mở rộng là niềm tự hào đối với một đơn vị cơ khí tại địa phương. Trên cơ sở thiết kế được bàn giao, 100% nhân lực của công ty, với kinh nghiệm chế tạo và lắp đặt kết cấu thép, đặc biệt những kết cấu có hình dạng phức tạp, yêu cầu thẩm mỹ cao, đã dốc toàn lực để thi công hoàn thành công trình đúng tiến độ, đáp ứng yêu cầu của chủ đầu tư.

Ở góc nhìn của một người dân sống gần khu vực công viên APEC, ông Đỗ Văn Hải (60 tuổi, ở đường Lê Đình Dương) bày tỏ: “Từ lúc công viên APEC hoàn thiện đến nay, hầu hết các buổi tối trong tuần gia đình tôi ra đây đi dạo, tập thể dục, các cháu nhỏ thì đạp xe ở gần đó. Tôi nghĩ thành phố nên có những công trình có giá trị cả về công năng sử dụng lẫn hình thức mỹ thuật đẹp, độc đáo như thế này trong bối cảnh dư địa đất đai ở khu trung tâm không còn nhiều”.

Trong khi đó, từ lúc có tượng cá chép hóa rồng và cầu Tình yêu, khu vực đường Trần Hưng Đạo (đoạn dưới chân cầu Rồng, quận Sơn Trà) trở nên sầm uất và nhộn nhịp hơn hẳn với từng đoàn khách, người dân đến tản bộ, dạo mát, ngắm khung cảnh dòng sông Hàn về đêm lung linh, huyền ảo. Tuyến đường Trần Hưng Đạo “thay da đổi thịt” chỉ vài năm sau khi công trình này được xây dựng. “Từ khi có cầu Rồng, tượng cá chép hóa rồng và cầu Tình yêu, cuộc sống của gia đình tôi khấm khá hơn nhờ kinh doanh quán ăn điểm tâm sáng”, bà Võ Thị Mai, một cư dân ngụ trên tuyến đường Trần Hưng Đạo cho hay.

Ông Cao Trí Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch thành phố nhìn nhận, thành phố Đà Nẵng là một trong các địa phương hiếm hoi trên cả nước sở hữu nhiều lợi thế để phát triển du lịch. Giờ đây, sự phát triển của thành phố không chỉ dừng lại  ở tầm cỡ quốc gia mà phải ở khu vực. Trên cơ sở lợi thế đó, tiềm năng đó, cộng đồng doanh nghiệp chúng tôi xác định các nhóm sản phẩm du lịch trụ cột, trong đó, các công trình kiến trúc hiện đại, mang đậm tính biểu trưng đóng góp quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội của thành phố nói chung, ngành du lịch, dịch vụ nói riêng.

KHÁNH HÒA

;
;
.
.
.
.
.