Giải pháp bảo vệ ma nhai Ngũ Hành Sơn

.

Sau niềm vui được tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hiệp Quốc (UNESCO) ghi danh là di sản tư liệu thuộc Chương trình ký ức thế giới Khu vực châu Á - Thái Bình Dương ngày 26-11-2022, công tác gìn giữ và bảo tồn hệ thống bia ma nhai - những trang sử trên đá - tại danh thắng Ngũ Hành Sơn càng được quan tâm hơn bao giờ hết.

Với 79 văn bia ma nhai còn được lưu giữ, hệ thống ma nhai tại danh thắng Ngũ Hành Sơn là tư liệu quý hiếm không chỉ của Đà Nẵng mà còn có giá trị với lịch sử nước nhà cũng như chứng nhân cho mối bang giao giữa nhiều quốc gia châu Á.  Trong ảnh: Bia ma nhai Phổ Đà sơn Linh trung Phật của Thiền sư Huệ Đạo Minh soạn năm Canh Thìn (1640) tại cổng vào động Hoa Nghiêm. Ảnh: KHÁNH HÒA
Với 79 văn bia ma nhai còn được lưu giữ, hệ thống ma nhai tại danh thắng Ngũ Hành Sơn là tư liệu quý hiếm không chỉ của Đà Nẵng mà còn có giá trị với lịch sử nước nhà cũng như chứng nhân cho mối bang giao giữa nhiều quốc gia châu Á. TRONG ẢNH: Bia ma nhai Phổ Đà sơn Linh trung Phật của Thiền sư Huệ Đạo Minh soạn năm Canh Thìn (1640) tại cổng vào động Hoa Nghiêm. Ảnh: KHÁNH HÒA

Gìn giữ kho tàng di sản của loài người

Trong hồ sơ nghiên cứu về ma nhai tại danh thắng Ngũ Hành Sơn do Sở Văn hóa và Du lịch thành phố nêu rõ thực tế, trải qua thời gian gần 400 năm, do ảnh hưởng của khí hậu, thời gian, chiến tranh và con người mà hiện nay chỉ còn 52/78 ma nhai còn đọc được. Số còn lại đã bị bào mòn bởi thời gian, bị bôi lấp bởi các lớp sơn và xi-măng, bị nứt vỡ bởi chiến tranh, bị người đời sau đục bỏ hoặc khắc thêm chữ quốc ngữ, làm biến dạng hoặc mất một số chữ Hán. Ngoài ra, do hoạt động du lịch chưa bền vững, phải tiếp đón một lượng lớn du khách hằng ngày, sử dụng nguồn chiếu sáng quá mức, khiến cho các vách đá suy thoái dần, rêu tảo phát triển xâm lấn các bia ma nhai. Đặc biệt, nhiều khách du lịch thiếu ý thức khi tự ý viết, vẽ, bậy lên các bia ma nhai.

Ở đây, cần nhấn mạnh di sản tư liệu ma nhai tại danh thắng Ngũ Hành Sơn có giá trị rất độc đáo, quý hiếm và không thể thay thế. Nếu di sản này không còn nữa, hoặc bị mất mát, hư hỏng, không chỉ làm ảnh hưởng đến tính toàn vẹn của một mảng tư liệu nghiên cứu lịch sử quan trọng, mà sẽ làm nghèo đi một loại hình di sản trong kho tàng di sản của loài người. Do sớm nhận thức được giá trị của di sản tư liệu này, những năm gần đây, chính quyền địa phương, Sở Văn hóa và Thể thao thành phố hợp tác các chuyên gia triển khai hàng loạt dự án bảo tồn di sản. Bởi vậy, những hiện vật gốc độc bản, chưa bị sửa đổi.

Ông Nguyễn Văn Hiền, Trưởng ban Quản lý danh thắng Ngũ Hành Sơn cho biết, ma nhai tại danh thắng Ngũ Hành Sơn là di sản gắn với di tích quốc gia đặc biệt Ngũ Hành Sơn nên được quản lý trực tiếp bởi Ban quản lý di tích danh thắng Ngũ Hành Sơn, trực thuộc UBND quận Ngũ Hành Sơn và chịu quản lý về mặt chuyên môn của Sở Văn hóa và Thể thao thành phố. Công tác quản lý di sản này đã được UBND thành phố quan tâm từ những năm 1990 với các quyết định quan trọng như: cấm khai thác đá núi (1991), thành lập đội bảo vệ di tích Ngũ Hành Sơn (1992), thành lập Ban quản lý di tích danh thắng Ngũ Hành Sơn (2000), ban hành các quy chế quản lý di tích nói chung (năm 2007 và 2020), bộ quy tắc ứng xử trong du lịch tại di tích bằng hình ảnh (2017).

Ngoài ra, hiện nay, trên cơ sở phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ, nhiệm vụ quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi danh lam thắng cảnh Ngũ Hành Sơn, UBND thành phố đã chỉ đạo các đơn vị chuyên môn tiến hành việc lập quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi danh lam thắng cảnh Ngũ Hành Sơn; trong đó chú trọng các giải pháp và phương án quản lý, bảo tồn bia ma nhai mang tính lâu dài, bền vững kể cả phương án phục hồi di sản trong trường hợp bị thời tiết, thiên tai xâm hại.

Theo ông Hiền, đơn vị đã xây dựng các phương án quản lý, bảo vệ di tích Ngũ Hành Sơn nói chung và bia ma nhai nói riêng như đặt bảng chỉ dẫn tham quan để ngăn du khách sờ vào bia đá, bố trí lực lượng túc trực nhắc nhở du khách, vệ sinh sạch sẽ khu vực bia ma nhai, xử lý các thực vật gây hại, đặt các pano giới thiệu nội dung bia ma nhai. Đồng thời, đã biên tập ấn phẩm về danh thắng Ngũ Hành Sơn, trong đó có giới thiệu các bia ma nhai để phục vụ nhu cầu tìm hiểu, nghiên cứu cho du khách. Yêu cầu Tổ hướng dẫn tăng cường công tác tiếp cận hướng dẫn - thuyết minh và triển khai thực hiện dự án hệ thống điện chiếu sáng trong di tích.

Triển khai bảo tồn, gìn giữ về lâu dài

Về kế hoạch lâu dài cho việc bảo tồn và gìn giữ hệ thống ma nhai, theo ông Hà Vỹ, Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao thành phố, sở đang tham mưu UBND thành phố lập Quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi danh lam thắng cảnh Ngũ Hành Sơn; xây dựng các quy định, quy chế về quản lý, bảo vệ di sản văn hóa vật thể và phi vật thể gắn liền với danh thắng Ngũ Hành Sơn, trong đó có hệ thống ma nhai. Nhiều nội dung được chú trọng như đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực; tổ chức kiểm tra, giám sát, bảo vệ nghiêm ngặt hiện trạng các ma nhai; kiểm kê, đánh số, phân loại các ma nhai theo đúng nguyên tắc bảo tàng học và dịch thuật, công bố trên các tạp chí và giới thiệu trên truyền hình; vệ sinh, xử lý toàn bộ ma nhai bị rêu bám, che phủ bởi sơn và xi măng; gia cố, gắn các bia ma nhai bị nứt vỡ và nghiên cứu, xác định tiêu chuẩn kỹ thuật bảo quản bia ma nhai; tạo các sản phẩm du lịch từ ma nhai tại danh thắng Ngũ Hành Sơn; tổ chức tập hợp, sưu tầm tất cả tư liệu từ xưa đến nay có đề cập đến di sản tư liệu này.

Một thác bản in rập bia ma nhai ở danh thắng Ngũ Hành Sơn.  Ảnh: Sở Văn hóa và Thể thao Đà Nẵng
Một thác bản in rập bia ma nhai ở danh thắng Ngũ Hành Sơn. Ảnh: Sở Văn hóa và Thể thao Đà Nẵng

Đặc biệt, đẩy mạnh áp dụng công nghệ số để bảo tồn các ma nhai. Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến nguồn tài liệu văn khắc một cách thường xuyên, rộng rãi thông qua các hoạt động trưng bày, triển lãm và trên các phương tiện thông tin nhằm nâng cao ý thức của người dân và du khách trong việc bảo vệ di sản này; tập trung công tác nghiên cứu khoa học, chọn lọc và xuất bản các ấn phẩm liên quan đến các văn khắc để nghiên cứu về Phật giáo Đàng Trong và nghiên cứu về dấu tích của người Việt Nam cũng như người nước ngoài đã đặt chân đến di tích này. Đồng thời, tuyển chọn đưa vào trường học những tác phẩm tiêu biểu trong hệ thống ma nhai tại danh thắng Ngũ Hành Sơn, qua đó giáo dục truyền thống, nâng cao nhận thức trong thế hệ trẻ về giá trị và ý thức bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc.

Thông tin từ Bảo tàng Đà Nẵng, hiện nay, ngoài việc cho phép một số lượng nhất định người dân, du khách đến tham quan trực tiếp tại các động có ma nhai thì toàn bộ nội dung ma nhai ở danh thắng Ngũ Hành Sơn đã được dịch ra tiếng Việt và được xây dựng cơ sở dữ liệu để tra cứu. Hệ thống công cụ tra cứu toàn bộ văn khắc gồm có mục lục các ma nhai tại danh thắng Ngũ Hành Sơn lưu giữ theo cách truyền thống và tra cứu trên mạng nội bộ và Ngân hàng dữ liệu di sản văn hóa Đà Nẵng tại Bào tàng Đà Nẵng. Tra cứu trên website: baotangdanang.vn.

Hy vọng rằng, với kế hoạch gìn giữ, bảo tồn và truyền thông bài bản như nói trên, người dân và du khách sẽ có thêm cơ hội để mục sở thị hệ thống ma nhai - tư liệu lịch sử quý của đất nước.

KHÁNH HÒA

;
;
.
.
.
.
.