Đà Nẵng cuối tuần

Hàn Quốc sắp vượt ngưỡng xã hội siêu già

17:14, 18/02/2023 (GMT+7)

Chính phủ Hàn Quốc đang nỗ lực khắc phục tình trạng dân số già hóa và tỷ suất sinh thấp nhất thế giới ở nước này khi phụ nữ chỉ sinh trung bình 0,79 con trong suốt cuộc đời.

Hàn Quốc có tỷ suất sinh thấp nhất thế giới khi phụ nữ chỉ sinh trung bình 0,79 con trong suốt cuộc đời. Ảnh: AP
Hàn Quốc có tỷ suất sinh thấp nhất thế giới khi phụ nữ chỉ sinh trung bình 0,79 con trong suốt cuộc đời. Ảnh: AP

Theo dự báo, xứ sở kim chi sẽ vượt ngưỡng của một xã hội siêu già vào năm 2025, với 20% dân số từ 65 tuổi trở lên.

9,72 triệu hộ độc thân

Năm 2021, tổng dân số của Hàn Quốc lần đầu tiên sụt giảm kể từ khi nước này bắt đầu lấy dữ liệu điều tra vào năm 1949, làm dấy lên nỗi lo thiếu hụt lao động và chi tiêu phúc lợi tăng (số người cao tuổi tăng lên trong khi số người nộp thuế giảm mạnh).

Hôm 15-1-2023, Hàn Quốc công bố dữ liệu cho thấy dân số năm 2022 ở mức hơn 51,4 triệu người, giảm 0,39% so với năm trước đó; số hộ độc thân tiếp tục tăng lên 9,72 triệu hộ, chiếm 41% trong tổng số hơn 23,7 triệu hộ trên toàn quốc.

Tỷ suất sinh (TFR - số trẻ trung bình mà một phụ nữ sinh trong suốt cuộc đời) tại Hàn Quốc giảm trong thời gian dài do nhiều người trẻ tuổi trì hoãn việc kết hôn hoặc không kết hôn và sinh con trong bối cảnh kinh tế suy giảm, giá nhà ở tăng cao... TFR của quốc gia vùng Đông Bắc Á này ở mức thấp nhất thế giới trong nhiều năm và không có dấu hiệu phục hồi. Cụ thể, TFR đã giảm từ 0,84 năm 2020 xuống 0,81 trong năm 2021 và con số mới nhất được ghi nhận trong năm 2022 là 0,79.

Bà Na Kyung-won, đứng đầu Ủy ban Tổng thống về Chính sách dân số và xã hội già hóa cho biết, chính phủ Hàn Quốc sẽ thực hiện các biện pháp để giải quyết cuộc khủng hoảng nhân khẩu học. Các biện pháp được đưa ra bao gồm: Kéo dài thời gian nghỉ phép chăm con nhỏ của người lao động, cả nam lẫn nữ, từ 12 tháng hiện nay lên 18 tháng. Bên cạnh đó, chính phủ cung cấp hỗ trợ tài chính cho người lao động nghỉ phép để chăm sóc con với điều kiện họ đã đăng ký bảo hiểm thất nghiệp; đồng thời hỗ trợ vay tiền mua nhà ở, hoặc thậm chí xóa một số khoản vay.

Bộ Đất đai, Cơ sở hạ tầng và Giao thông Hàn Quốc đang cung cấp các khoản vay lãi suất thấp và hỗ trợ nhà ở cho các cặp vợ chồng mới cưới. Song, theo bà Na Kyung-won, những giải pháp đó vẫn chưa đủ. “Chúng tôi đang xem xét liệu có thể hỗ trợ nhiều hơn hay không, chẳng hạn xóa một số khoản vay”, bà Na Kyung-won cho hay.

Trước đó, tháng 12-2022, Bộ Y tế và Phúc lợi Hàn Quốc thông qua kế hoạch kéo dài 5 năm nhằm mở rộng chính sách hỗ trợ chăm sóc trẻ em. Theo kế hoạch mới, các cặp vợ chồng nuôi con nhỏ dưới 1 tuổi được cấp 700.000 won/tháng, đưa vào chế độ tiền lương của các cặp vợ chồng và áp dụng từ tháng 1-2023.

Từ năm 2005, Hàn Quốc đã thực hiện nhiều biện pháp thúc đẩy dân số bằng cách thông qua các điều luật liên quan. Chỉ tính trong 10 năm qua, các chính sách dân số đã tiêu tốn gần 400.000 tỷ won (313 tỷ USD) nhưng vẫn không đạt kết quả như mong muốn. Các chuyên gia cho rằng, dân số ngày càng giảm sẽ tác động đến hầu hết các lĩnh vực, gồm chính trị, kinh tế, xã hội, phúc lợi, quốc phòng và văn hóa.

Năm 2070, Hàn Quốc là quốc gia già nhất thế giới

Theo Korea Times, dân số Hàn Quốc đang già đi nhanh chóng. Đến năm 2070, nước này sẽ trở thành quốc gia già nhất thế giới với 46,1% dân số trong độ tuổi lao động (15-64 tuổi). Đến năm 2100, dân số của xứ sở kim chi sẽ giảm 53%, xuống còn 24 triệu người.

Thứ trưởng Bộ Hành chính và An ninh Hàn Quốc Han Chang-seop mô tả tình trạng giảm dân số hiện nay là thách thức của quốc gia. Một khảo sát gần đây do Trung tâm Nghiên cứu Pew của Mỹ thực hiện cho thấy, cứ 10 người Hàn Quốc được hỏi thì có 6 người trả lời rằng, thế hệ con cái họ sẽ nghèo hơn thế hệ cha mẹ họ.

Phát biểu với báo The Korea Herald, bà Na Kyung-won cũng dẫn ra các nguyên nhân khiến nhiều người dân chọn không sinh con hoặc không kết hôn như: sự bất ổn về kinh tế, chi phí chăm sóc trẻ em và chi phí nhà ở tăng cao. Nữ nghị sĩ này phân tích: Sống trong một xã hội có tính cạnh tranh cao, những người trẻ tuổi ở Hàn Quốc không kỳ vọng về tương lai và họ cho rằng mình có lẽ không có cuộc sống hạnh phúc hơn cha mẹ. Chính suy nghĩ tiêu cực này đã ảnh hưởng đến quyết định xây dựng gia đình và kéo con số TFR xuống.

“Trước đây, chúng tôi chỉ tập trung vào việc tăng TFR. Nhưng giờ đây, các chính sách cần thay đổi để thích ứng với tình trạng dân số ngày càng giảm”, bà Na Kyung-won nói. Việc sinh con từng được xem là một dạng “đầu tư” bởi con cái khi trưởng thành sẽ hỗ trợ cha mẹ. Song, mọi thứ giờ đây đã thay đổi. Việc có con đang bị xem là “tốn kém” và cha mẹ sau khi đầu tư tiền bạc cho con cái thì không còn lại gì cho tuổi già.

Liên Hợp Quốc định nghĩa “người cao tuổi” là những người trên 65 tuổi. Khi tỷ lệ dân số cao tuổi trong tổng dân số vượt quá 7% được xem là xã hội già hóa. Khi tỷ lệ này là 14% trở lên, đó là xã hội dân số già. Khi tỷ lệ này chạm mức 20%, quốc gia đó bước vào xã hội siêu già.

KHÁNH LINH (theo The Korean Times, Asia News Network, AP)

.