Đà Nẵng cuối tuần

Trước hết phải là công dân tốt

13:54, 12/02/2023 (GMT+7)

Tham dự một kỳ thi, tôi nhận được câu hỏi về đạo đức công vụ, về nghĩa vụ của cán bộ, công chức trong quá trình thực thi công vụ. Theo quy định của đề thi, chúng tôi được phép sử dụng tài liệu tham khảo trong quá trình làm bài. Sau một thoáng phân vân, do dự, tôi quyết định gấp các tài liệu đã chuẩn bị từ trước và tự trả lời câu hỏi theo nhận thức, suy nghĩ và trách nhiệm của một công chức -  cao hơn là của một công dân đối với gia đình và xã hội.

Cán bộ, công chức hay bất cứ ngành nghề nào trong xã hội, trước hết cũng đều là công dân. Vì vậy, đạo đức nghề nghiệp tất yếu phải được bắt nguồn và nuôi dưỡng từ đạo đức của mỗi cá nhân đã quyết định lựa chọn và gắn bó với nghề nghiệp đó. Đó là những chuẩn mực, là đức tính của bản thân con người trong xã hội. Nói cách khác, cán bộ, công chức phải mang trong mình những nguyên tắc chuẩn mực, giá trị đạo đức xã hội nói chung mà trong đó, họ tồn tại với tư cách là một công dân. Một người có đạo đức sẽ biết tôn trọng và bảo vệ lẽ phải, dám đấu tranh với những sai trái, sẵn sàng hy sinh quyền lợi cá nhân vì cái chung. Nền tảng đạo đức ấy sẽ giúp mỗi người định hướng được hành vi, thái độ theo đúng chuẩn mực, hợp đạo lý và lẽ công bằng trong xã hội. Vì vậy, để trở thành cán bộ, công chức tốt, trước hết và trên hết, họ phải là một công dân tốt.

Trong tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc” (năm 1947), Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: "Cũng như sông có nguồn thì mới có nước, không có nguồn thì sông cạn, cây phải có gốc, không có gốc thì cây héo. Người cách mạng phải có đức, nếu không có đức thì dù tài giỏi đến mấy cũng không lãnh đạo được nhân dân". Có thể nói, đạo đức là điều kiện tiên quyết để con người xứng đáng với bất kỳ chức danh nghề nghiệp nào trong xã hội.

Chúng ta từng đọc và biết nhiều câu chuyện về những thầy cô giáo vượt mọi gian khó, nỗ lực hằng ngày để đồng hành cùng học sinh vùng cao; chúng ta cũng từng rơi nước mắt trước sự lăn xả, không màng hiểm nguy của các chiến sĩ phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ để cứu sống biết bao con người; chúng ta cũng khâm phục sự hy sinh, cống hiến không thể đong đếm của đội ngũ cán bộ y tế khi đất nước đối mặt đại dịch… Nếu không có lòng nhân ái, yêu thương con người, tinh thần quả cảm, đầy trách nhiệm xuất phát từ phẩm cách, đạo đức cá nhân, chắc chắn, họ không thể làm được những điều tưởng chừng bình thường mà rất phi thường như vậy. Bên cạnh trách nhiệm nghề nghiệp, thì họ đã và đang làm tròn trách nhiệm của một Con - Người - Tử - Tế.

Không những vậy, thực tế đã và luôn xuất hiện những cán bộ lãnh đạo, quản lý không những thực hiện nghiêm túc cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư mà còn luôn trăn trở vì sự phát triển của đất nước và lợi ích chung của nhân dân; từ đó, đã tìm tòi, sáng tạo trong từng công việc, dám nghĩ, dám làm và dám chịu trách nhiệmnhư Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc Kim Ngọc với quyết sách “khoán hộ” năm 1966, nữ Anh hùng Lao động Ba Thi với kỳ tích “cởi trói” cho hạt gạo hay cố Thủ tướng Chính phủ Võ Văn Kiệt với đường dây 500kV…

Tuy nhiên, cũng phải thừa nhận rằng, hiện nay, do ảnh hưởng từ những mặt trái của nền kinh tế thị trường cũng như của xu thế toàn cầu hóa, và đặc biệt, do không nghiêm túc trong rèn luyện, phấn đấu, một bộ phận cán bộ, công chức đang có những biểu hiện tiêu cực đáng lo ngại, phai nhạt lý tưởng, chạy theo lối sống buông thả, lười học tập và tu dưỡng đạo đức, thích hưởng thụ, ngại lao động, có những hành vi tham nhũng, lãng phí, thậm chí vi phạm pháp luật... Dưới góc độ đạo đức nghề nghiệp, họ đã vi phạm những điều cán bộ, công chức không được làm theo quy định của pháp luật. Nhưng hơn hết, họ đã không tôn trọng chính vai trò của mình với tư cách là công dân của một đất nước.

Do đó, hoàn thành nghĩa vụ của một cán bộ, công chức cũng là khi, mỗi người đặt vai trò đó trong tổng hòa các giá trị đạo đức truyền thống của dân tộc. Để rồi, mỗi cán bộ, công chức sẽ luôn tự nhắc nhớ mình về việc phải sống thiện lương, trung thực và tử tế. Thực hiện đúng tinh thần: “Làm một người tốt” sẽ giúp ngăn ngừa các hành động sai phạm, trái với lương tâm; giúp cảm hóa những người đang “lạc lối” và cảnh tỉnh những suy nghĩ lệch lạc. Có như vậy, đạo đức công vụ mới thật sự trở thành một mảnh ghép quan trọng, không thể thiếu trong bức tranh nền tảng đạo đức của mỗi quốc gia. Và có như vậy, đội ngũ cán bộ, công chức mới xứng đáng là những công dân tiêu biểu, gương mẫu với các giá trị đạo đức chân chính.

HUYỀN MY

.