Món quà của Tết

.

Thơ bé, tôi mong ngóng năm mới hơn ai hết. Tết không chỉ xôn xao niềm vui giao mùa mà còn là quãng thời gian hiếm hoi trong năm tôi có cơ hội kề cận ba má. Thế nên, tôi bắt đầu trông đến Tết ngay khi Tết còn đang ươm nồng, nghĩa là đang hân hoan Tết năm nay, đã hồi hộp chờ đợi Tết sang năm. Cũng vì vậy, những ngày đợi Tết luôn dài dằng dặc. Bao nhiêu năm ba má xa xứ làm ăn là bấy nhiêu năm con nhóc ngồi thơ thẩn nơi chiếc cổng sắt nhìn ngang, ngó dọc từ đầu tháng Chạp. Và mùa xuân chỉ thật sự bắt đầu khi bước chân của ba má chạm cửa nhà ngoại.

Tết năm nào cũng rực rỡ, nhưng mùa xuân của tôi chẳng phải năm nào cũng nở rộ. Đường sá xa xôi, kinh tế khó khăn, đôi khi, ba má xa nhà vài ba năm. Thuở ấy, nhà chưa có điện thoại nên thông tin ba má có về Tết hay không phải đến tận tối ba mươi mới theo lá thư tay đến với tôi. Nỗi hụt hẫng cũng vì vậy mà càng xao xác hơn. Những giao mùa trống vắng, quần áo mới hay bánh kẹo ngon cũng không thể kéo tôi khỏi niềm chênh chao trong lòng. Cũng từ đó, tôi nhận ra, niềm vui Tết hóa ra chẳng phải là những món quà mới lạ từ phương xa. Niềm vui Tết, hóa ra, chỉ gói gọn trong hai chữ: đoàn viên. Nhưng tôi chưa bao giờ giận Tết, cũng chẳng từng hờn dỗi ba mẹ. Bởi lẽ, những tháng ngày xa cách giúp tôi học cách trân trọng từng thời khắc ở bên người thân.

Minh họa: HOÀNG ĐẶNG
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG

Rồi năm tháng trôi qua, tôi cũng mê mải giấc mơ tuổi trẻ, rời nhà ra đi. Đi bao xa, cũng nhất định phải trở về. Chỉ là, càng lớn, thời gian trở về nhà ngày càng cận Tết. Đôi khi, tôi và ba má lại “đổi ngôi” ở vai trò “người chờ đợi”. Nhưng dù ai ở vai nào thì niềm vui sum vầy vẫn luôn là cảm xúc ngọt ngào và thiêng liêng. Tết chẳng gói gọn ở khái niệm “dịp lễ đầu năm mới theo âm lịch của các nước Đông Á”. Tết là khi mẹ dầm món thịt mắm theo kiểu con gái thích, ngâm ít củ kiệu mà ba ưa. Tết là lúc con gái ủi từng vạt áo mẹ cha thẳng thớm, treo ngay ngắn ở “sào 3 mùng”. Tết là khoảnh khắc cả nhà đủ đầy bên mâm cơm đầu năm, cùng về quê thắp nén hương tưởng nhớ ông bà.

Tưởng đâu sum vầy đã là món quà quý nhất đối với gia đình tôi nói riêng, những người xa xứ nói chung. Đến khi Covid-19 bùng phát, chúng tôi mới nhận ra, bình an mới là điều ước mong lớn nhất. Câu hỏi quen thuộc: “Chừng mô ba má/con về Tết” nhường chỗ cho lời thăm hỏi: “Ba má/con vẫn ổn chứ”. Chẳng còn mong cầu được trở về hay được ở cạnh bên, chỉ cần biết người nhà vẫn mạnh khỏe đã hạnh phúc lắm thay!

Lần đầu tiên trong đời, tôi trải qua cái Tết nơi xứ người mà lòng rộn rã như đang đứng giữa chợ quê nhộn nhịp, cùng mẹ lựa dăm miếng bánh mứt. Sài Gòn một dĩa thịt luộc, Đà Nẵng mâm cúng vừa hạ, tôi và ba má cùng ăn bữa cơm đầu năm qua… màn hình laptop. Chẳng thiếu tiếng cười, chẳng vơi câu chuyện, Tết chẳng vì khoảng cách địa lý mà bớt đi yêu thương. Cũng từ đó, gia đình tôi thường hay nói với nhau: “Tết ở đâu cũng được, miễn bình an là được”. Từ đó, chúng tôi chẳng cần đợi đến những ngày xuân mới có hũ thịt dầm, củ kiệu ngâm chua…

Và dù Tết ở hình dáng nào, tôi vẫn luôn ngóng đợi… Để biết mình đã lớn hơn một chút trong nghĩ suy. Để biết mình luôn mãi dịu vợi với yêu thương. Để biết mình có một miền quê để nhớ, một mái nhà để về…

LAM KHUÊ

;
;
.
.
.
.
.