Đà Nẵng cuối tuần

Nghệ nhân 9x lưu giữ tín ngưỡng truyền thống

16:24, 11/02/2023 (GMT+7)

Sinh năm 1990, Lê Văn Hoàn chọn cho mình hướng đi khác biệt so với bạn bè đồng lứa. Bên cạnh công việc giảng viên Trường Cao đẳng FPT Polytechnic Đà Nẵng, Hoàn có “thâm niên” 20 năm lưu giữ và thực hành văn hóa truyền thống dân gian về tế lễ tại các lễ hội truyền thống - loại hình tín ngưỡng thường chỉ những bậc cao niên tham gia.

Nghệ nhân trẻ Lê Văn Hoàn (bên trái) đang thực hiện nghi thức tế lễ. (Ảnh do nhân vật cung cấp)
Nghệ nhân trẻ Lê Văn Hoàn (bên trái) đang thực hiện nghi thức tế lễ. (Ảnh do nhân vật cung cấp)

Hoàn cho biết, tế lễ nôm na là một nghi thức tín ngưỡng có nhạc lễ và tế lễ kết hợp. Tế lễ là nghi lễ không thể thiếu trong các hoạt động phần lễ của lễ hội truyền thống. Đây là cả một quy trình tôn vinh công đức người mất và phản ánh tâm tư nguyện vọng của người sống. Tế lễ vừa là một hoạt động mang tính chất tín ngưỡng dân gian, vừa là nghi thức chính thống của hệ thống nghi lễ cung đình. Buổi lễ thường có trống, chiêng, lễ nhạc bát âm, tấu nhạc…

Những kiến thức về tế lễ được Hoàn học hỏi từ những ngày còn bé qua ông cố nội và những bậc cao niên là hương lễ trong làng. Ông cố nội của anh là người giỏi Nho học, thường tham gia cúng kiếng ở đình làng, dịch gia phả, viết bài vị, ghi bài cúng… Từ những dịp như thế, cậu bé Hoàn dần có niềm yêu thích với tín ngưỡng truyền thống, được ông cố hướng dẫn về chữ Hán - Nôm, các điệu hò vè dân gian.

Đến năm 12 tuổi, Hoàn trở thành thành viên đội học trò dâng lễ cúng tại Lễ tế nghĩa sĩ ở Nghĩa trũng Hòa Vang và Hội làng Khuê Trung. Tại đây, với tư chất sẵn có, anh được ông Trần Quang Chánh, học trò của cố Nghệ nhân dân gian Tư Châu truyền dạy nhạc lễ, tế lễ… Dần dần, Hoàn chính thức vào nghề tế lễ, đọc văn tế. Đến nay, nhiều người đã quen thuộc với hình ảnh chàng trai trẻ mặc cổ phục đọc văn tế bằng chất giọng ngân nga tròn vành rõ chữ và thực hiện nghi thức ở nhiều hoạt động lễ hội, cúng bái khắp nơi trên cả nước.

Là người trẻ hiếm hoi theo nghiệp tế lễ, Hoàn chia sẻ có rất nhiều thứ cần phải học, phải tìm hiểu. Đơn cử như việc bày biện bàn cúng, vì sao bình hoa phải để như thế này, vì sao mâm cúng có món xoay ra, có món xoay vô… Vì Hoàn còn trẻ nên nhiều đơn vị tổ chức từng có sự ái ngại bởi những nghệ nhân, người làm nghề tế lễ thường cao tuổi. “Có người thấy tôi cùng ekip đi thực hiện tế lễ thì nghĩ tôi là tài xế hoặc thấy mình trẻ nên e dè. Mình phải học, nỗ lực làm nghi lễ bài bản, trang nghiêm, đúng chuẩn mực nhất có thể. Từ đó mà có được sự tin cậy”, anh Hoàn kể.

Theo Hoàn, cách xướng và giọng điệu xướng đối với mỗi lễ tế; cách bày biện sắm soạn lễ phẩm; cách dùng từ, xưng hô, đề thần mỗi loại văn tế; điệu bộ đi đứng, lạy quỳ của chánh bái, học trò gia lễ, các ban bệ tế lễ… đều phải chuẩn mực, chính xác để nghi thức tế lễ không bị mai một, pha tạp. Sau nhiều nỗ lực, Hoàn đã trở thành một nghệ nhân trẻ được tham gia tế lễ trong nhiều sự kiện, lễ hội, đền chùa và tư gia trong nước, như Lễ tế Nghĩa sĩ Đà Nẵng và Hội làng Khuê Trung (quận Cẩm Lệ), chương trình Lễ tế và tri ân Anh hùng liệt sĩ (huyện Hòa Vang) và các lễ hội đình làng Cổ Mân, Nhơn Hòa, Lỗ Giáng, Gò Thị (quận Cẩm Lệ), Miếu Bông, Cồn Mong, An Thới, Phú Hòa (huyện Hòa Vang), Quảng Lăng, Hà Dừa (Thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam), cúng nhà thờ tộc họ Triệu (tỉnh Thanh Hóa)… Qua đó, anh sưu tầm và biên soạn hàng trăm bài văn tế, nghi lễ, nghi thức cổ truyền ở địa phương.

Nói về “cái khó” của nghề, anh cho biết: “Tế lễ mỗi địa phương mỗi khác, chưa có hình thức chuẩn, thống nhất nên nhiều lúc việc thực hiện nghi thức của mình tại nơi đó bị “vênh”, phải cố gắng giải thích. Thứ hai là vấn đề sức khỏe, gặp hôm đau ốm, nhức đầu, sổ mũi hay viêm họng, viêm thanh quản thì người tế lễ không đủ sức xướng đọc bài tế, không thể luyến láy được âm giọng…”.

Trở lại công việc hằng ngày, Lê Văn Hoàn vẫn năng nổ với công tác đoàn thể và giảng dạy. Anh khá đa tài khi tham gia biên kịch, viết tiểu phẩm tuyên truyền, tổ chức kịch bản cho các sự kiện, lễ hội văn hóa dân gian, làm người dẫn chương trình cho các hội, đoàn thể, đơn vị… Mới đây nhất, tại Đại hội đại biểu Đoàn TNCS Hồ Chí Minh thành phố lần thứ XIX, anh Hoàn được lãnh đạo Thành Đoàn giao thực hiện ý tưởng chuyển đổi hình thức báo cáo tham luận về công tác phòng, chống Covid-19 của tuổi trẻ Đà Nẵng thành tiểu phẩm. Tiểu phẩm được sự ủng hộ của các đại biểu và được đánh giá cao về tính chân thực, sinh động, sáng tạo. Tại Trường Cao đẳng FPT Polytechnic Đà Nẵng, sinh viên quen thuộc với hình ảnh “thầy Hoàn” vui tính, năng động và luôn đồng hành, hỗ trợ các em trong các hoạt động ở trường, đặc biệt là những sự kiện về văn hóa dân gian truyền thống.

Lê Văn Hoàn từng nhận Bảng vàng nghệ nhân văn hóa tiêu biểu năm 2020 tại Gala chào xuân 2020 do Viện Chính sách Pháp luật và quản lý, Viện Nghiên cứu Văn hóa và phát triển, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam tổ chức; được UBND phường Khuê Trung, UBND quận Cẩm Lệ và Thành Đoàn Đà Nẵng tuyên dương vì thành tích năng nổ trong công tác và phong trào ở địa phương.

Những ngày trước và sau Tết, Hoàn chạy đôn chạy đáo với công việc ở trường và bên ngoài, với vô vàn các hoạt động lễ hội, viết văn tế… Anh vẫn luôn trăn trở về một thế hệ trẻ có thể kế thừa loại hình tế lễ trong tương lai, khi bản thân anh dường như là người trẻ duy nhất theo đuổi nghề này. So với những loại hình khác, tế lễ cũng không mang ý nghĩa giải trí tinh thần mà thiên về tín ngưỡng tôn vinh người đã khuất, vì thế rất khó tổ chức những sự kiện để lan tỏa.

Anh kể, hồi trước, người làm tế lễ luôn được nể trọng, nhiều người theo nghề lắm. Bây giờ khi số lượng người am hiểu và theo tế lễ chuyên nghiệp đã ít đi đòi hỏi họ phải trân quý, thấu hiểu và gìn giữ đến cùng giá trị truyền thống. Vì thế, Hoàn ấp ủ xây dựng một tư liệu chuẩn xác về tế lễ để chia sẻ rộng rãi, cũng như mong muốn tế lễ được phổ biến nhiều hơn đến thế hệ trẻ, tránh nguy cơ mai một. Với một người trẻ như Hoàn, đó là điều cần và nên làm để gìn giữ những giá trị nhân văn đằng sau những nghi thức tế lễ.

LÊ MAI

.