Minh họa: HOÀNG ĐẶNG |
Đã bao giờ bạn rơi vào trạng thái ân hận hay áy náy vì đã từng hời hợt sống? Dạo gần đây chị bạn thỉnh thoảng lại gọi điện cho tôi trong lúc ngồi trên xe di chuyển trên đường. Vẫn như mọi khi hai chị em nói đủ thứ chuyện trên đời. Từ chuyện công việc, chồng con, thị trường chứng khoán, bếp núc nghề văn. Quanh quẩn rồi kiểu gì chị cũng nhắc về ba mình, kiểu như: “Xe đang đi qua nhà hàng mà lần cuối cùng chị dẫn ba đi ăn nè.
Hôm đó ba vui lắm. Chị cũng chợt nhận ra mình ít dành thời gian cho ba quá. Định bụng sẽ bù đắp cho ba nhiều hơn, có ai ngờ. Ba chị ra đi nhanh quá”. Rồi có khi ăn một món gì đó chị cũng nhớ ba chưa từng được ăn. Trở về nhà nhìn cái ghế sofa nhớ ba từng ngồi đó với con mèo, ngóng ra đường chờ hình bóng cháu con. “Ngày này năm ngoái ba chị về quê. Chị còn bắt gặp ông bình luận vui vui trên mạng xã hội. Mới có một năm thôi mà chị mồ côi ba và trải qua biết bao nhiêu biến cố”.
Cuối cuộc trò chuyện bao giờ chị cũng bảo: “Ngày xưa nghe em H. cứ nhắc hoài về người mẹ đã mất của mình, đã có lúc chị thấy thật phiền. Chị cứ thắc mắc hoài là sao em ấy cứ lôi mãi những chuyện đã qua ra để tự giày vò? Biết rằng đó là mất mát lớn của đời người nhưng sao em ấy cứ bi lụy mãi? Cho đến bây giờ chị mới hiểu được cảm giác của H. khi đó. Rằng có những nỗi đau sẽ theo mình suốt đời. Có những ký ức sống rờ rỡ trong tâm trí mình. Có những mất mát mình chỉ mong được ai đó lắng nghe…”.
Đâu đó trên mạng xã hội người ta vẫn nói: “Đời sẽ dịu dàng hơn biết mấy nếu chúng ta biết đặt mình vào vị trí của nhau”. Tôi từng hai lần đi sinh con, nằm trong khoa sản cả tuần. Nửa tỉnh nửa mê trong cơn đau co thắt tử cung sau sinh, tôi nghe thấy tiếng những bà mẹ chồng nói chuyện với nhau. “Ối dào! Ngày xưa mình làm hùng hục đến tận lúc sinh con. Khối người mải làm còn đẻ rơi con ngoài ruộng. Đẻ hôm trước, hôm sau đã ra đồng làm lụng.
Thế mà bọn trẻ bây giờ sinh đẻ khó khăn kiêng khem đủ thứ”. Ở một góc nào đó có cô con dâu ôm bụng đau quặn từng cơn ho sau mổ. Có người đang cố bám vào tường tập đi, dừng lại lấy tay lau nước mắt không biết vì quá đau hay vì câu nói của mẹ chồng. Có người chờ đến tận lúc mẹ đẻ vào đổi ca chăm mới dám khe khẽ than một câu: “Con đau quá”. Có những người không bao giờ hiểu nổi nỗi ám ảnh khi cánh cửa khu phòng mổ đóng lại, một mình đi vào dãy phòng dài hun hút và lạnh lẽo. Nằm co ro trên bàn mổ, người gập cong như con tôm, rùng mình ớn lạnh và đau đớn khi gây tê tủy sống.
Trong vài giây ngắn ngủi khi thuốc tê kịp phát huy tác dụng, cơn khó thở ập đến, những người đàn bà hẳn đã từng bất an lúc nhìn quanh không thấy một người thân bên cạnh. Ngay cả lúc nằm trong phòng hồi sức sau sinh, bệnh viện đông, không thấy bác sĩ đâu. Người run cầm cập vì cơn lạnh từ xương tủy lạnh ra, cổ khô khốc chỉ thèm ai đó đi qua để xin ngụm nước. Trải qua tất cả những giây phút ấy hỏi làm sao lại không chạnh lòng khi nghe thấy vài câu vô tâm văng vẳng bên tai.
Tôi nghĩ mật mã của yêu thương chính là thấu hiểu. Như mẹ tôi hay tìm cách biện minh cho những người khất nợ từ năm này qua năm khác rằng: “Mấy năm nay kinh tế khó khăn. Trồng cấy thì mất mùa. Chăn nuôi thì hết dịch bệnh đến rớt giá. Chứ nếu dư dả cũng chẳng ai muốn nợ nần”.
Trong bộ phim điện ảnh “Nhà bà Nữ” đang nổi tiếng rần rần, có một câu thoại của nhân vật Ngọc Nhi chắc hẳn khiến nhiều người phải suy nghĩ: “Con thà thất bại trong ước mơ của con. Còn hơn thành công trong ước mơ của mẹ”. Mong sao những bậc làm cha làm mẹ thấu hiểu cho đôi cánh khát vọng của con. Mong cho những đứa con thấu hiểu cho nỗi nhọc nhằn trên vai cha mẹ. Thấu hiểu để đồng cảm, tôn trọng, sẻ chia. Thấu hiểu để người với người sống một cuộc đời yêu thương nhẹ nhõm…
VŨ THỊ HUYỀN TRANG