Nghệ thuật và cuộc sống

Gặp lại tuổi thơ trong tranh mỹ thuật

.

Vẫn là những trò chơi trẻ thơ như kéo co, bịt mắt bắt dê, trốn tìm, trồng nụ trồng hoa…, nhưng mỗi họa sĩ lại có cách thể hiện khác nhau khiến dòng tranh về chủ đề dân gian, tuổi thơ trở nên mới mẻ, lôi cuốn, thu hút người xem.

Họa sĩ Trương Nguyễn Nguyên Kha (bên phải) bên tác phẩm Trò chơi vẽ trò chơi trồng nụ trồng hoa. Ảnh: T.Y
Họa sĩ Trương Nguyễn Nguyên Kha (bên phải) bên tác phẩm Trò chơi vẽ trò chơi trồng nụ trồng hoa. Ảnh: T.Y

Lưu giữ ký ức

Tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật Huế năm 1993, họa sĩ Hồ Đình Nam Kha, Chủ tịch Hội Mỹ thuật Đà Nẵng được nhiều người biết đến với dòng tranh lụa, trong đó, phải kể đến hai tác phẩm tranh lụa được chọn trưng bày tại Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng là Bắc - Trung - NamHồn quê. Tuy nhiên, ít ai biết rằng, năm 2001, khi bắt đầu thử sức trên chất liệu lụa, Hồ Đình Nam Kha chọn vẽ trò chơi kéo co trong bức Đồng dao.

Anh chia sẻ, thời điểm ấy anh đang giảng dạy bộ môn mỹ thuật tại Nhà thiếu nhi Đà Nẵng và bị cuốn hút bởi những trò chơi dân gian. “Mỗi ngày, tôi được sống giữa nụ cười trẻ thơ và sự hồn nhiên, trong trẻo của tụi nhỏ. Mỗi khi Nhà thiếu nhi Đà Nẵng tổ chức trò chơi dân gian, tôi chăm chú quan sát và quyết tâm vẽ lại khoảnh khắc đáng yêu, hồn nhiên đó”, họa sĩ Hồ Đình Nam Kha chia sẻ.

Để vẽ lại trò chơi kéo co trên chất liệu lụa, họa sĩ phải ròng rã, tỉ mẩn suốt 3 tháng. Bởi lẽ, cái khó là làm sao chuyển tải được nội tâm trong trẻo, hồn nhiên, nhộn nhịp, chuyển động nhưng “kéo hết sức” của trò chơi, trước khi nói đến bố cục, đường nét, màu sắc và thủ pháp nghệ thuật.

Theo Hồ Đình Nam Kha, Việt Nam không thiếu những họa sĩ thành công với dòng tranh lụa thời kỳ đầu như Nguyễn Phan Chánh, Tô Ngọc Vân, Trần Văn Cẩn, Lương Xuân Nhị, Nguyễn Tường Lân và sau này là Đặng Mậu Tựu, Nguyễn Trọng Dũng…

Tuy nhiên, với tinh thần độc lập trong sáng tạo mỹ thuật, mỗi họa sĩ đều cố gắng tìm tòi, trải nghiệm, thử sức trên nhiều chất liệu, thủ pháp khác nhau. Riêng anh, sự mạnh dạn khám phá bản thân khi vẽ trò chơi kéo co trên chất liệu lụa đã giúp anh nhận giải thưởng Tác giả trẻ tiêu biểu do Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các Hội Văn học - Nghệ thuật Việt Nam trao tặng năm 2001.

Không chỉ mang đến giải thưởng giá trị, tác phẩm trò chơi kéo co của họa sĩ Hồ Đình Nam Kha được người yêu tranh tìm mua ngay sau đó. Tiếp nối thành công này, anh có nhiều tác phẩm khác vẽ trò rồng rắn lên mây, bịt mắt bắt dê, trốn tìm… “Hầu như tất cả tác phẩm hội họa về chủ đề trò chơi trẻ thơ, trò chơi dân gian của tôi đều đã có chủ mới. Đây được xem là thành công của người họa sĩ. Có lẽ, chủ đề này đã chạm vào ký ức tuổi thơ của mỗi người, với muôn vàn trò chơi mà bản thân từng trải nghiệm thuở lên 9, lên 10”, họa sĩ chia sẻ thêm.

Định hình phong cách sáng tác bằng dòng tranh khắc gỗ, họa sĩ Trương Nguyễn Nguyên Kha, Trưởng phòng Nghiệp vụ, Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng từng đạt giải C tác phẩm Trò chơi tại Triển lãm khu vực miền Trung - Tây Nguyên do Hội Mỹ thuật Việt Nam tổ chức năm 2018. Cũng năm này, Trò chơi trở thành đại diện duy nhất của Hội Mỹ thuật Đà Nẵng nhận Giải thưởng năm của Liên hiệp các Hội Văn học - Nghệ thuật Đà Nẵng. Khắc họa sinh động trò chơi trồng nụ trồng hoa - một trò chơi dân gian quen thuộc với thế hệ 8X trở về trước trên tranh khắc gỗ, họa sĩ Trương Nguyễn Nguyên Kha mong muốn hội họa góp phần lưu giữ những ký ức, trò chơi truyền thống đang dần mai một.

Theo anh, để hoàn thành bức tranh khắc gỗ, người họa sĩ phải trải qua nhiều công đoạn, từ khắc trên bản gỗ đến in ra giấy (hoặc vải). Không như tranh sơn dầu, tranh lụa có thể chỉnh sửa màu sắc, đường nét, bố cục, tranh khắc gỗ đòi hỏi người thực hiện phải cẩn trọng, chỉn chu, thậm chí “nín thở” khi thực hiện những chi tiết phức tạp. Là họa sĩ, không ai dám khẳng định mình chưa từng làm hư bức tranh dù đã đến công đoạn cuối cùng, theo kiểu “hỏng một nét là hỏng luôn tổng thể”, hoặc “nhìn chưa đã, chưa sướng”, buộc phải làm lại.

Giữ gìn những giá trị Việt

Có lẽ, sự khó tính của mỗi tác giả trong việc thẩm định tác phẩm của chính mình giúp mỹ thuật Đà Nẵng có những bước tiến dài thời gian qua. Họa sĩ Hồ Đình Nam Kha cho biết, những năm gần đây, mỗi năm Hội Mỹ thuật thành phố duy trì từ 3-5 cuộc triển lãm quy mô, chưa kể những triển lãm nhỏ do các CLB mỹ thuật hay hội viên Hội Mỹ thuật Đà Nẵng tổ chức.

Chưa phải là đề tài nổi bật của mỹ thuật Đà Nẵng nhưng chất liệu dân gian, trò chơi dân gian gắn với ký ức tuổi thơ trong tranh luôn hấp dẫn người xem. Nhiều họa sĩ cho rằng, khi vẽ những gì đã nhìn thấy, đã trải nghiệm, tác phẩm ấy chắc chắn mang lại cảm xúc chân thực, không gượng ép.

Họa sĩ Nguyễn Trọng Dũng khẳng định, trò chơi dân gian hay ký ức tuổi thơ là đề tài thách thức người sáng tạo nghệ thuật. Ví như, cũng một trò chơi được thể hiện trên cùng chất liệu, nhưng hai họa sĩ sẽ cho ra hai tác phẩm hoàn toàn khác nhau. Hoặc, cùng một thủ pháp nghệ thuật, nhưng tranh thể hiện trên lụa sẽ khác trên sơn dầu, acrylic…

Trong bộ sưu tập của mình, họa sĩ Nguyễn Trọng Dũng thận trọng lưu giữ những trò chơi gắn liền ký ức tuổi thơ của chính mình, như chơi ô làng, trâu trắng trâu đen, đồng dao, thả diều, hoan ca… Cùng trên chất liệu lụa, mỗi trò chơi được ông thể hiện khác nhau, khi cách điệu, lúc chân thật, lúc phảng phất màu sắc dân gian khiến người xem thổn thức giống như vừa chạm vào một mảng ký ức xa xăm của lòng mình.

Tương tự, họa sĩ Trần Hữu Cân - người vốn theo đuổi đề tài thời sự như phòng chống tham nhũng, tệ nạn xã hội, đời sống đô thị trên chất liệu acrylic - cũng có lúc lắng lòng khi thể hiện 2 bức tranh về đề tài tuổi thơ. “Đề tài trò chơi dân gian, trò chơi tuổi thơ hay nhưng khó thực hiện. Như trò chơi nhảy dây rất khó đưa vào bộ khung cho đẹp, vì thế, quan trọng nhất của mỗi bức tranh vẫn là ý tưởng, sau đó là thể hiện nội tâm và biểu cảm trên tác phẩm đó”, họa sĩ Hữu Cân chia sẻ.

Không đơn thuần là sự lưu giữ, giãi bày ký ức tuổi thơ bằng màu sắc, những tác phẩm mỹ thuật đương đại đã góp phần tôn vinh những giá trị văn hóa, tinh thần người Việt Nam. Họa sĩ Hồ Đình Nam Kha cho rằng mỗi tác giả đều có cách cảm nhận về đường nét, bố cục khác nhau nên không cảm thấy áp lực trong sáng tác. Và, mỗi tác phẩm ra đời đều mang lại giá trị tinh thần tích cực cho người họa sĩ, kế đến là người xem và những ai quan tâm đến loại hình trò chơi truyền thống, dân gian.

TIỂU YẾN

;
;
.
.
.
.
.