Đà Nẵng cuối tuần

"Bồ công anh": Kiệt tác dang dở và bi cảm nhân sinh của Kawabata Yasunari

15:32, 25/03/2023 (GMT+7)

Lần đầu tiên, di cảo Bồ công anh (NXB Thanh Niên, 2023), tác phẩm dở dang, chưa in thành sách hoàn chỉnh của văn hào Kawabata Yasunari (Nhật Bản) được dịch giả An Nhiên và nhà nghiên cứu Nhật Chiêu giới thiệu đến độc giả Việt.

Tác phẩm Bồ công anh lần đầu ra mắt độc giả Việt. Ảnh: BTC
Tác phẩm Bồ công anh lần đầu ra mắt độc giả Việt. Ảnh: BTC

Cách nay một năm, trong hội thảo quốc tế kỷ niệm 50 năm ngày mất văn hào Nhật Bản Kawabata Yasunari (1899-1972), nhà nghiên cứu Nhật Chiêu, khi ca ngợi vẻ đẹp sáng tác của “lữ khách u buồn” Kawabata, có “nhá hàng” về Bồ công anh, tác phẩm khiến ông rùng mình, choáng váng khi đọc. Dịch giả An Nhiên cho biết, khi dịch xong bản thảo, nhiều chỗ chị vẫn thấy chưa thật “sáng”, nhưng đến khi Bồ công anh ra mắt bạn đọc ngày 11-3 vừa qua tại một trà thất ở quận Bình Thạnh, Thành phố Hồ Chí Minh, chị như sáng bừng khi Nhật Chiêu bóc tách tên nhân vật - lối chơi chữ của tác giả - để phân tích những ẩn ý của tác phẩm.

Không nhiều người Nhật (trừ giới yêu sách, giới nghiên cứu) biết đến di cảo Bồ công anh. Bản thảo được Kawabata chắp bút và đăng rải rác trên Tạp chí Shincho từ năm 1964 và vĩnh viễn dừng lại ở số tháng 10-1968. Nguyên nhân của việc dừng bút này là do Kawabata tham dự hội nghị Văn bút Quốc tế (Pen International) và hàng loạt công việc bận rộn khác sau khi nhận giải Nobel Văn học năm 1968. Khi ông mất năm 1972, con trai trưởng của ông, Kawabata Kaori, phát hiện nhiều mẩu tạp chí được cắt, ghi đè lên của cụ thân sinh nên tập hợp lại, biên tập và in thành sách lần đầu vào tháng 9 cùng năm. 

Với Bồ công anh, Kawabata một lần nữa cho bạn đọc thấy, cả đời ông chìm đắm trong cảm thức “đẹp”, “buồn” và niềm bi cảm “aware”. Một phạm trù lý luận mỹ học kinh điển của Nhật Bản phát xuất từ thời Heian (Bình An) 1.000 năm trước, qua những trang văn Genji Monogatari của nàng Murasaki Shikibu, đã được bậc đại gia văn chương Nhật Bản thể hiện bàng bạc nhưng thống nhất đến những trang văn cuối cùng trong đời cầm bút.

Trở lại ý trên của Nhật Chiêu, tên sách, tên nhân vật được Kawabata sử dụng đầy chủ ý. Bồ công anh, loài hoa thoáng ẩn hiện trong tác phẩm, tàn khi nở, tức đẹp khi buồn, gợi lên một cảm giác mong manh, thoáng chốc nơi trần thế, như chính nhân vật trung tâm của tác phẩm, nàng Inako 稲子 (稲子 nghĩa là lúa). Nàng mắc chứng nhân thể khuyết thị, tức không thấy rõ cơ thể của người yêu - anh chàng Kuno 久野 (久野 nghĩa là cánh đồng lâu đời). Mẹ nàng cùng Kuno đau lòng dẫn Inako lên bệnh viện tâm thần để trị bệnh. Trên đoạn đường về nở đầy hoa bồ công anh, hai tâm hồn u buồn muốn làm điều gì đó cho nàng nhưng đành bất lực. Vòng đời của bồ công anh như ứng với sự thiếu sót của cuộc đời Inako. Và ý nghĩa kép sóng đôi được gợi lên từ tên nàng cũng buồn thảm không kém: lúa thì được trồng trên đồng - cuộc đời Inako “trồng” vào một cuộc đời khác. Tác phẩm kết thúc trong dang dở, nhưng nhà nghiên cứu Nhật Chiêu nhận định, với Kawabata, tác phẩm này thống nhất với các tác phẩm trước ở phong cách sáng tác không đặt dấu chấm hết cho truyện. Dang dở nghĩa là còn tiếp diễn, bởi tác giả như ngầm gợi ra một ý tưởng qua trước tác của mình: chẳng có cuộc đời nào là kết thúc thật sự, và khi truyện trưng ra một cái kết, nó đồng nghĩa với việc truyện ấy cũng đã xong, không hay và cũng giảm đi khả năng mời gọi các diễn giải.

Bồ công anh là tác phẩm không dễ đọc. Tác phẩm được đánh giá ngang với Hồ, Những người đẹp ngủ say…, gợi ra một bi cảm nhân sinh. Inako nhìn đó nhưng lại không thấy đó mang một ẩn dụ nghệ thuật: trong “cõi người ta” này, ta có thể sống với nhau nhưng chưa hẳn “thấy” nhau. Nhìn là phải thấy, nhìn mà không thấy là một nỗi buồn. Với dung lượng khá ngắn (bản gốc tiếng Nhật do Kodansha xuất bản lần đầu với khổ nhỏ) - Bồ công anh bản tiếng Việt chỉ hơn 200 trang - nhưng sẽ đọc rất trầy trật nếu như chỉ nhìn câu chữ mà không “thấy” những vỉa tầng ý nghĩa được Kawabata lắng đọng lại trong tác phẩm. Cái đẹp trong văn chương của Kawabata ý nhị, thâm trầm; câu chữ của ông rất sáng sủa, tuy nhiên, để làm “bung” lớp vỏ ngôn từ ấy ra đòi hỏi độc giả cần một độ sâu và lắng nhất định.

THẾ SANG

.