Đà Nẵng cuối tuần
Cùng con trưởng thành
Theo các nhà tâm lý học, thái độ lạc quan, vui vẻ, yêu thương nhau giữa các thành viên trong gia đình tạo môi trường tốt để con cái trưởng thành. Và, gia tài quý nhất mà cha mẹ có thể để lại cho con là cuộc sống hạnh phúc và những ký ức đẹp trong cuộc đời.
Theo Hoàng, nếu có điều kiện, cha mẹ nên cùng con tham gia những chuyến dã ngoại, vui chơi, khám phá thiên nhiên nhằm giúp con có cơ hội rèn luyện kỹ năng. Ảnh: NGÔ KHẢI HOÀNG |
Hãy hành động
Ngày cuối tuần của cha con anh Ngô Khải Hoàng (xã Hòa Ninh, huyện Hòa Vang) thường bắt đầu bằng chuyến đi rừng, đi suối hoặc cuốc đất, làm vườn. Trong lúc mấy cha con đặt chân lên lối mòn dẫn vào rừng, leo dốc hay vượt qua sông suối, anh tranh thủ dạy con những kỹ năng sinh tồn ngoài tự nhiên. Hơn 10 tuổi, bé Bống (tên Ngô Hoàng Khánh Ngọc) đã có thể “chinh phục” gần chục km đường rừng, qua nhiều địa hình khác nhau. Bống có những phản xạ và kỹ năng tốt khi di chuyển ngoài thiên nhiên, cơ bản nhận biết loại cây rừng có thể ăn, cách xử lý khi bị lạc, cách tạo lửa, phòng chống đuối nước cũng như cách chia sức để vượt quãng đường xa…
Đó là cách anh Hoàng dạy con tự tin bước ra khỏi “vòng an toàn”, dám thử điều mới mẻ, khám phá điều chưa biết để trải nghiệm cuộc sống và tạo ra những kỷ niệm đáng nhớ. Hành trình vượt rừng bao hàm lời khuyên Hoàng dành cho con gái: không sợ đối mặt với rủi ro, khó khăn và không để những rào cản, sự sợ hãi, hoặc thói quen cản trở mình trong việc khám phá những điều mới. Chưa kể, việc thường xuyên đưa con “lên rừng, xuống biển”, anh hiểu thêm tính cách, sở thích của con để tiếp cận, chuyện trò. Nếu như Bống có xu hướng yêu thiên nhiên, yêu cái đẹp, thích vẽ, đọc sách dưới tán cây thì cậu em Tôm (tên Ngô Khải Minh, 7 tuổi) ưa tìm hiểu, khám phá, trải nghiệm những điều mới mẻ.
Điều hành công ty du lịch chuyên tổ chức các tour trekking khám phá rừng già phục vụ trẻ từ 6 tuổi, Ngô Khải Hoàng khẳng định những đứa trẻ được tiếp xúc môi trường thiên nhiên, sẽ có cơ hội phát huy khả năng sáng tạo, kích thích tư duy và lối sống, tính cách cũng thú vị hơn. Theo Hoàng, nếu có điều kiện, cha mẹ nên cùng con tham gia những chuyến dã ngoại, vui chơi, khám phá thiên nhiên nhằm giúp con có cơ hội rèn luyện kỹ năng.
Là người hướng ngoại, yêu thích không gian yên tĩnh giữa rừng già, điều Hoàng muốn mang đến cho con là môi trường sống gần gũi thiên nhiên, giúp con rèn luyện nhân cách và tiếp thu tri thức chủ động. Anh khuyến khích con đọc sách, trồng cây, nắm vững các kỹ năng sinh tồn cơ bản. Anh dạy con về lòng nhân hậu, giúp đỡ người khác qua việc cho con tham gia các hoạt động từ thiện, chăm sóc hỗ trợ các bạn có hoàn cảnh khó khăn.
Bên cạnh đó, anh rèn luyện sức khỏe cho con bằng các hoạt động ngoài trời như chăm sóc cây, đá bóng, leo núi, chèo thuyền, đi xe đạp… “Để làm được điều đó, bản thân tôi phải làm gương, từ việc yêu thích, gắn bó với môi trường thiên nhiên, đến việc trở thành một người trách nhiệm với gia đình, cộng đồng, ứng xử đúng đắn với tiền bạc và vật chất.
Thời gian rãnh, tôi dẫn con đi chơi, dạy con chụp ảnh, cùng con trồng rau, làm vườn, chăm sóc và dạy thú cưng, cùng đọc sách, nấu ăn. Tôi cho con tiếp xúc với công nghệ một cách có chọn lọc, ví dụ hướng dẫn con dùng internet để tra tài liệu học tập và xem các video bổ ích trong thời gian nhất định”, Hoàng chia sẻ.
Có con đang tuổi dậy thì, chị Nguyễn Thị Diệu Hiền (phường Nam Dương, quận Hải Châu) cho biết, quan điểm nuôi dạy con của chị phần nào thay đổi sau khi đọc xong cuốn sách Nuôi con kiểu cá heo của bác sĩ thần kinh, chuyên gia tạo động lực Shimi Kang (Mỹ). Theo chị Hiền, sách hướng dẫn ba mẹ nuôi và dạy con theo cách phù hợp với thiên nhiên, giúp tâm lý trẻ cân bằng và cảm nhận hạnh phúc từ môi trường xung quanh.
Tác giả 3 con Shimi Kang đưa ra lời khuyên dựa trên cơ sở phân tích não bộ, hành vi của con người và trên biểu hiện những ca bệnh bà từng chữa trị. Dựa trên những phân tích này, Shimi Kang chỉ ra việc thúc ép con học liên tục sẽ ảnh hưởng đến hormone, não bộ và suy kiệt tế bào trẻ. Theo tác giả, những biểu hiện trầm cảm, lo âu, thiếu kiểm soát, mất cân bằng rất phổ biến ở đứa trẻ nhìn bề ngoài cực kỳ xuất sắc, ngoan ngoãn nghe theo sự sắp đặt của gia đình.
“Dựa trên những nghiên cứu khoa học, cuốn sách giúp tôi thấy những hậu quả nghiêm trọng của việc bao bọc, thúc ép hoặc nạt nộ khi con mắc sai lầm. Biết dung thứ và động viên con, mỗi gia đình sẽ trở thành môi trường để con sống khỏe, sống hạnh phúc. Tác giả giúp tôi hiểu rằng, cần giúp con thành những chú cá heo: rất vui, rất khỏe, rất hài hước, rất nhân ái và hơn hết, giúp con biết tự cân bằng cuộc sống”, chị Hiền đúc kết.
Yêu thương thôi chưa đủ
Chị Châu An (phường Nại Hiên Đông, quận Hải Châu) duy trì mối quan hệ thân thiết với con qua trang sách. Biết con ham đọc, món quà dịp đặc biệt chị tặng con bao giờ cũng là những cuốn sách còn thơm mùi giấy mới. “Có lần mở quà, thấy toàn sách đúng “gu”, con bảo tôi sờ lên tim con xem, nó đập thình thịch nè mẹ.
Xong con mở sách ra, việc đầu tiên là hôn sách. Con có thói quen, cứ sách mới là áp mặt hít hà rồi lật ra xem nhà xuất bản, xem mục lục trước khi say sưa đọc. Thi thoảng gặp đoạn hay, con thốt lên “ôi hay quá, cảm động quá” rồi chạy đến ôm mẹ rối rít “cảm ơn mẹ đã mua sách hay cho con” hoặc “mẹ ơi, có câu này hay ghê, con đọc cho mẹ nghe nhé”.
Với chị An, những khoảnh khắc hạnh phúc đó thật vô giá. Ngoài vun đắp tình yêu sách cho con, khi họp phụ huynh, điều chị muốn nghe không phải là điểm số của con, mà muốn biết con ở lớp có ngoan không, có tự tin, tự trọng, tự chịu trách nhiệm hay không. “Thay vì áp đặt thành tích học tập lên con, chúng tôi giúp con phương pháp tư duy, phân tích và hiểu được giá trị bản thân. Với tôi, chỉ cần con tự tin, tự trọng, tự chịu trách nhiệm và biết yêu thương, quan tâm người khác”, chị An bộc bạch.
Chỉ yêu thương và hết lòng mong muốn điều tốt đẹp cho trẻ thôi chưa đủ, nếu muốn nuôi dạy một đứa trẻ thành công. Đặc biệt, dưới sự bùng nổ của công nghệ thông tin, thế hệ trẻ ngày càng khác biệt, chúng hiểu biết hơn, dễ xúc cảm hơn và có cơ hội tiếp xúc nhiều luồng tư tưởng khác nhau. Do đó, cha mẹ cần thay đổi, thích nghi cũng như sử dụng những mô hình, phương pháp dạy con phù hợp. Điều này giúp rút ngắn khoảng cách giữa các thế hệ trong gia đình, giúp con phát huy tiềm năng, tạo dựng cuộc sống hài hòa, tốt đẹp.
Theo các nhà tâm lý học, thái độ lạc quan, vui vẻ, yêu thương nhau giữa các thành viên trong gia đình tạo môi trường tốt để con cái trưởng thành. Và, gia tài quý nhất mà cha mẹ có thể để lại cho con là cuộc sống hạnh phúc và những ký ức đẹp trong cuộc đời.
Chị Nguyễn Thị Trà, Giám đốc Công ty TNHH Trung tâm khai vấn, giáo dục giá trị sống Happy House (quận Sơn Trà) cho rằng, giúp củng cố niềm tin mạnh mẽ trong con là giúp con miễn dịch với ảnh hưởng xấu từ bên ngoài. Những đứa trẻ lớn lên trong không khí gia đình hòa thuận, thường xuyên tiếp nhận thông tin phản hồi tích cực, có lòng tin vào bản thân ít chịu tác động từ các yếu tố tiêu cực bên ngoài.
Muốn như vậy, thay vì khoanh tay mong đợi con cái tự cải thiện hành vi và kết quả học tập, mỗi cha mẹ cần khởi đầu trước bằng cách giúp chúng thay đổi niềm tin về bản thân. “Để con có lối sống tích cực, trách nhiệm, bạn cần gieo vào lòng con những hạt giống của niềm tin, nhưng trước khi gieo hạt giống tốt, bạn nên nhổ sạch cỏ dại, tạo môi trường trong lành cho hạt phát triển. Tức là đánh bật những niềm tin tiêu cực và nỗi buồn tự thân ra khỏi tâm trí trẻ”, chị Trà ví von.
TIỂU YẾN