Cuộc đày ải văn chương của nhà báo Trần Tuấn

.
Vượt qua tiểu thuyết, NXB Hội nhà văn, 2023.  Ảnh: A.Đ
Vượt qua tiểu thuyết, NXB Hội nhà văn, 2023. Ảnh: A.Đ

Đọc kỹ từng phóng sự, ký sự nhân vật của nhà báo Trần Tuấn (Trần Ngọc Tuấn - Trưởng văn phòng Báo Tiền phong tại Đà Nẵng) trong tập Ký sự nhân vật “Vượt qua tiểu thuyết” do NXB Hội nhà văn vừa mới ấn hành, với tôi, đây là cuộc trở về lắng lại trong hành trình làm báo của tác giả.

Từ tác phẩm này, độc giả một lần nữa hiểu thêm về mảnh đất, con người miền Trung. Những nhân vật trong tập sách, tự thân đã là những cuộc đời đầy thi vị, họ như nguồn sáng neo lại chút niềm tin giữa bộn bề cuộc sống.

Là một nhà báo, một người viết phóng sự, ký sự nhân vật với bề dày kinh nghiệm trên 30 năm, nhà báo Trần Tuấn muốn mang đến cho độc giả một trải nghiệm mới trong từng nhân vật mà anh từng viết, từng đau và từng hạnh phúc. Chính anh từng đặt cược vào bài viết của mình một niềm tin về lẽ phải, với một nguồn ánh sáng bất tận để mong hoán đổi được nhân vật trong vòng xoáy của số phận.

Những tháng năm làm báo, lăn lộn với hiện thực cuộc sống, đón nhận không biết bao tâm tư, gửi gắm của nhiều mảnh ghép đời thường, đã giúp Trần Tuấn trang bị cho mình vốn sống và vốn ngôn ngữ “đọc vị” được từng chân dung nhân vật - điều mà có thể nếu đọc tác phẩm Vượt qua tiểu thuyết một cách sơ lược, lật dở, thì sẽ khó nhận ra.

Tác phẩm Vượt qua tiểu thuyết là tập bút ký thứ ba sau tập "Đừng gọi tôi là Lại Phiền Hà" (ký sự nhân vật, 2008) và "Uống cà phê trên đường của Vũ" xuất bản năm 2017. Nếu như tập bút ký "Uống cà phê trên đường của Vũ" là tập bút ký kể về hành trình của nhà báo Trần Tuấn trên mọi miền trong và ngoài nước, những nơi anh từng đặt chân và ghi dấu nhiều kỷ niệm, thì đến tập ký sự nhân vật "Vượt qua tiểu thuyết", độc giả sẽ hình dung được một cách đầy đủ hơn về cách thẩm thấu đời sống, am tường nhân vật trong cuộc đời làm báo của Trần Tuấn. Đi, chạm, nhớ, cảm và rồi buộc thôi thúc viết, viết thành tác phẩm báo chí thời sự và rồi chắt lọc để xuất bản tác phẩm báo chí văn học, đây là cách để cô đọng lại mọi cảm khoái thường nhật của một người làm báo đa tài nhưng cũng trải qua không ít thử thách, thậm chí từng phải trả giá vì nghề để rồi vượt qua, gắn bó, đầy trách nhiệm với nghề đến hiện tại.

Tôi đọc kỹ tập ký sự nhân vật Vượt qua tiểu thuyết, nhận diện lại một lần nữa những nhân vật báo chí có ảnh hưởng rất lớn đối với đời sống hiện sinh ngay cả khi các nhân vật này đã nghỉ hưu, thôi làm công tác quản lý, hoặc đã “lột xác” sau nhiều thăng trầm của số phận. Chính cách kết nối các nhân vật và chăm chút nhân vật báo chí của anh đã cho anh thêm điều kiện để “nuôi” nhân vật mình lớn lên trong tác phẩm văn học bằng sự cống hiến, tận tụy và bước qua chính mình. Mạch văn của Trần Tuấn như dòng chảy mềm mại của nước mà có sức công phá vô cùng.

Với 21 chân dung nhân vật, từ người từng giữ chức vụ cao đến người thầy giáo làng thầm lặng, từ người từng đi kêu oan cho nhiều người đến một người cả cuộc đời gánh nước thuê… họ bước vào tác phẩm ký báo chí - văn học của Trần Tuấn bằng những việc thường ngày vì dân, vì lẽ sống, vì công lý và cả những chênh vênh bờ vực của những nỗi đau mà tác giả - bằng sự tinh tế đã nhận ra, khai thác kỹ, và biến thành lớp ngôn ngữ phụ trợ để tôn vinh nhân vật.

Đó ông Nguyễn Sự, nguyên Bí thư Thành ủy Hội An; cụ Nguyễn Đường, người gánh nước thuê nổi tiếng ở phố cổ Hội An; ông Lê Công Cơ - người sáng lập Đại học Duy Tân; ông Năm Thắng nổi tiếng đi kêu oan cho người dân và cảnh báo chống tiêu cực, hay ông Lại Phiền Hà - một “gã thơ gàn dở” mà đầy nhân hậu trên đỉnh Hải Vân Quan; hoặc cựu binh Mỹ Jim Gion, hay ông Nhi khùng ở Hòn Kẽm - Đá Dừng hay Lê Văn Lộc - nhân vật chính trong phim Xích Lô (phim đạt giải Sư tử Vàng tại Liên hoan phim quốc tế Venice 1995)… Mỗi nhân vật này, ít nhiều đã là một cuốn tiểu thuyết trong đời thực với những hành trình vượt lên chính mình để có thể sống, mỉm cười, cho đi nhiều hơn để nhận về mình niềm thương quý, trân trọng của nhiều người.

Mỗi người, sẽ có cách cảm nhận riêng khi tiếp cận tác phẩm Vượt qua tiểu thuyết, nhưng tôi dám chắc một điều, đây là cuộc đày ải văn chương mà nhà báo Trần Tuấn đang lội ngược dòng. Văn là đời, báo là nghiệp. Văn chương và báo chí, hai cách tiếp cận nhân vật trên một hành trình, nhà báo Trần Tuấn đã đủ đau để xoa dịu nhân vật của mình và cùng với họ bước đi trên hành trình mang tên hạnh phúc, dẫu cuộc đời này còn đó tiếng thở dài, nỗi ân hận và niềm tiếc nuối...

NGUYỄN THỊ ANH ĐÀO

;
;
.
.
.
.
.