Các tộc người thiểu số ở miền núi Quảng Nam nói chung, tộc người Ca Dong nói riêng với tập quán lâu đời là du canh du cư, kinh tế chủ yếu xuất phát từ việc nương rẫy, nên việc chọn đất lập làng cũng có những nét đặc trưng riêng. Tìm hiểu về những đặc trưng ấy nhằm phát huy những nét văn hóa tích cực và hạn chế những phiền toái nếu có trong đời sống hằng ngày để góp phần làm giàu thêm kho tàng văn hóa Quảng Nam nói riêng, Việt Nam nói chung.
Làng của người Ca Dong ở huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam. Ảnh: P.V.B |
Làng (plơi) theo tộc người Ca Dong là đơn vị hành chính bao gồm nhiều nóc (spôk); và mỗi làng, nóc được phân chia theo định ước lấy đỉnh núi, con sông, con suối… làm ranh giới của mỗi địa phương. Vì thế, khi người Ca Dong định cư ở một nơi nào đó thường đặt tên làng, nóc dựa vào con suối, con sông, như: Tak Pỏ, Tak Lê…, sau này dịch theo người Kinh: Tak (đọc trại thành Dak) là Nước, như: Nước Xa, Nước Là, Nước Oa...
Cũng như các tộc người thiểu số khác, làng của người Ca Dong thường dựa theo yếu tố cần và đủ: là nơi khô ráo, gần nguồn nước, không xa nơi sản xuất, tiện việc bảo vệ phòng thủ; bên cạnh đó yếu tố tâm linh truyền thống được xem là vai trò quan trọng và quyết định cho việc lập làng: có sự báo mộng của Yàng (Ông Trời). Trước đây, người Ca Dong dời làng đi nơi khác đều xuất phát từ những nguyên nhân: mất mùa liên tiếp, đồng bào trong làng, nóc có người đau ốm liên miên hoặc có người chết xấu, vật nuôi dịch bệnh và chết… họ cho rằng hiện tượng này là sự quấy phá của ma quỷ hay sự trừng phạt của thần linh với những sai phạm của dân làng.
Trước tình hình đó, chủ làng và một số người lớn tuổi cùng nhau đi tìm đất để lập làng mới, họ thường dựa vào địa hình lưng chừng núi, bằng phẳng, nơi có nguồn nước để sinh sống và sản xuất, hướng làng quay về hướng mặt trời mọc. Bởi họ quan niệm núi là nơi thần linh ngự trị che chở cho họ, còn dưới chân núi là nơi ma quỷ luôn rình rập quấy phá. Để chọn được mảnh đất ưng ý, họ đều tiến hành làm các thủ tục mang tính đặc trưng dân tộc mình, thường gọi là phép thử về gieo quẻ, để thăm dò thái độ của ma quỷ và xin sự mách bảo, phù hộ của thần linh.
Theo các già làng ở hai huyện Nam Trà My và Bắc Trà My, tộc người Ca Dong thường bắt hai con ốc suối cho bò lên hai cái que, nếu con ốc không bò lên được thì con ma mạnh hơn, dựng làng nơi đây không được. Ngược lại, con ốc bò thẳng lên đỉnh cây que là con người thắng được ma quỷ. Lúc này, người Ca Dong sẽ tính theo tỷ lệ chiều cao mà con ốc bò lên cây que để dựng làng.
Thứ nữa, người Cà Dong đào một hố nhỏ dài, ngăn làm hai, mỗi bên đặt một con ốc suối, nếu con ốc bên phía con ma (đại diện dân làng quy định) bò sang phía con người thì phải bỏ mảnh đất đó tìm đến nơi khác hoặc ngược lại.
Ở Quảng Ngãi, người Ca Dong ở huyện miền núi Sơn Tây (phía tây bắc giáp huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam) dùng phép thử khác để chọn đất lập làng. Theo mô tả của tác giả Vũ Đức ở Báo Quảng Ngãi, bà con nơi đây dùng khúc gỗ của cây gáo, khoét rỗng ruột, bỏ vào đó chừng vài hạt gạo, đậy nắp lại; rồi khấn vái thần đất, thần nước, xong chôn cùng hộp đựng gạo. Sau một đêm nếu hạt gạo phình lên hay bị mất đi (hao hụt) so với gạo bỏ vào ban đầu thì họ sẽ đi nơi khác tìm đất lập làng.
Cách thứ hai, người Ca Dong dùng một cây nứa không non, không già, chọn lấy một khúc chừng hai gang tay, một đầu vót nhọn, thân khứa thành 3 khúc; sau đó dưới sự chứng kiến của mọi thành viên, chủ làng sẽ đóng cây nứa xuống lòng đất cùng với những lời vái thần đất, thần nước. Sau một thời gian, họ rút cây nứa lên; nếu ống nứa không được đặc như cơm lam, thì mảnh đất đó dù có bằng phẳng và có nguồn nước tốt đến đâu, họ cũng dời đi tìm mảnh đất khác. Ngược lại, khi rút cây nứa lên, đất bám chặt hai nấc thì họ cho rằng mảnh đất đó sinh sống chỉ đủ ăn, đủ sống; còn đủ ba nấc thì cuộc sống sẽ đủ đầy, no ấm hơn.
Sau khi đã chọn mảnh đất đặc như cơm lam, họ mang đất đó về nơi làng cũ. Đêm đó, chủ làng lấy ống nứa dính chặt đất gối lên đầu để nghe đất thở và thì thầm trong giấc chiêm bao về báo tin lành hay dữ. Nếu trong chiêm bao mà mộng thấy con sông yên bình hay ruộng rẫy tốt tươi, con cái đông đúc vui đùa thì đất ấy là nơi tốt lành. Còn nếu trong chiêm bao thấy dòng sông, con suối nước đục ngầu, thấy mặt trời ló dạng, người chết, làm nhà mới, làm đường mới… thì nơi ấy không thể dựng làng, dựng nhà được.
Sau khi làm các phép thử tâm linh, người Cà Dong bắt đầu tiến hành cúng lễ dựng làng, dựng nhà. Việc đầu tiên là đào lỗ chôn trụ, trụ đầu tiên phải là phía mặt trời mọc và cứ thế chôn các trụ tiếp theo. Nếu gia đình nào khó khăn về vật chất lẫn người làm thì cả làng cùng nhau giúp đỡ để mọi người trong cộng đồng làng đều có chỗ ở ổn định. Trong quá trình chọn đất lập làng, mọi người trong cộng đồng đều phải tuân thủ các quy định về kiêng cữ, những điều cấm kỵ theo tục lệ xa xưa như: ngày tháng, hướng. Hướng không được xây về hướng tây, vì theo họ hướng đó là mặt trời lặn nên ma quỷ ở và quấy phá, nếu phạm phải sẽ gặp nhiều điều phiền toái.
Tóm lại, việc chọn đất lập làng của người Ca Dong có những đặc trưng riêng của họ, ít nhiều cũng có ý tưởng hay, như hướng nhà xây về hướng mặt trời mọc (hướng đông) sẽ đón nắng mai dễ chịu và không bị nắng rát ở hướng tây, không bị gió lùa của gió bấc (hướng bắc). Tuy nhiên, các phép thử mang tính đặc trung riêng của tộc người Ca Dong cần phải nghiên cưu kỹ để tìm ra những ý tưởng tích cực, hạn chế những mặt tiêu cực, nhằm hoàn thiện hơn trong quá trình chọn đất lập làng cho cuộc sống thực tiễn hiện nay.
PHẠM VĂN BÍNH