Đà Nẵng cuối tuần
Nghiên cứu mang tính ứng dụng cao của sinh viên
Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, nhóm sinh viên Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật (Đại học Đà Nẵng) và Đại học Duy Tân đã có những nghiên cứu không chỉ đoạt giải cao trong các cuộc thi mà còn hướng đến các giải pháp xây dựng kiến trúc đô thị, tập trung vào các vấn đề "nóng" của xã hội.
Thạc sĩ Nguyễn Phạm Công Đức (ngoài cùng, bên phải) và nhóm nghiên cứu dự án trạm trắc quan sử dụng năng lượng tái tạo từ nước, gió và mặt trời.(Ảnh do nhân vật cung cấp) |
Tổ chức giao thông hợp lý
Mong muốn giảm ùn tắc giao thông ở các đô thị lớn như: Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng... nhóm sinh viên Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật, gồm: Phạm Thành Hưng và Huỳnh Văn Tài đề xuất nghiên cứu "Tổ chức giao thông hợp lý trên các nhánh dẫn tới nút giao thông điều khiển bằng tín hiệu đèn". Nghiên cứu này vượt qua 182 đồ án và đoạt giải Nhì giải thưởng Loa Thành năm 2022.
Phạm Thành Hưng, Trưởng nhóm nghiên cứu cho biết, nhóm dành thời gian hơn 3 tháng để lên phương án khảo sát tại các nút giao thông trọng điểm của thành phố và thu nhập dữ liệu tại Trung tâm điều khiển đèn tín hiệu giao thông. Vấn đề chính của nghiên cứu là phải tính toán các pha đèn bố trí nhánh rẽ phù hợp theo từng loại phương tiện.
Qua đó, nhóm tính toán lưu lượng xe và thiết kế các pha đèn giao thông hợp lý nhất. Các giải pháp xử lý ùn tắc giao thông của nhiều nước tiên tiến cũng được nhóm tham khảo đối chiếu, chọn lọc và vận dụng. “Để nâng cao hiệu quả các giải pháp tại các nút, nhóm ứng dụng công nghệ 3D trong mô phỏng các nút giao thông thực tế tại phía tây cầu Rồng và đường Xô Viết Nghệ Tĩnh - Nguyễn Hữu Thọ để có các tham số tính toán, thiết kế điều tiết lưu lượng xe sát với thực tế.
Điểm đặc biệt của hai nút giao thông này là làn đường dành cho xe máy được đẩy lên phía trước (ô-tô phía sau) giúp hạn chế ùn tắc giao thông. Bên cạnh đó, phương án rẽ 2 làn xe (như nghiên cứu thực tế đô thị ở Trung Quốc) cũng được tính đến để có thể vận dụng", Hưng thông tin.
Huỳnh Văn Tài, thành viên nhóm nghiên cứu cho hay, ban đầu nhóm gặp nhiều bất cập khi ứng dụng công nghệ xử lý theo số liệu khảo sát. Tuy nhiên, nhờ sự hướng dẫn của thầy giáo từ cách thức chọn lọc, xử lý số liệu đến áp dụng tính toán lưu lượng xe… nhóm đã hoàn thành hầu hết các mục tiêu xây dựng các giải pháp tổ chức giao thông tại các nút đèn tín hiệu; mong rằng nghiên cứu này sẽ hạn chế tình trạng ùn tắc giao thông tại các nút và giải quyết bài toán xung đột giữa các nhánh đường giao thông tại cửa ngõ ra vào.
PGS.TS Phan Cao Thọ, Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật, hướng dẫn nhóm nghiên cứu cho rằng, việc tổ chức giao thông hợp lý trên các nhánh dẫn tới nút giao thông điều khiển bằng tín hiệu đèn không chỉ quyết định sự thuận lợi khi tham gia giao thông mà còn đóng vai trò quan trọng đến sự phát triển kinh tế. Chính vì vậy, biện pháp tổ chức giao thông hợp lý trên các nhánh dẫn tới nút giao thông rất cần thiết.
Phát biểu tại lễ trao giải thưởng Loa Thành, ông Nguyễn Minh Triết, Bí thư Trung ương Đoàn, Chủ tịch Hội đồng giải thưởng Loa Thành năm 2022 nhận định: “Giải pháp tổ chức giao thông trên các nhánh dẫn tới nút giao thông điều khiển bằng tín hiệu đèn hoàn toàn khả thi, góp phần xây dựng lý thuyết tổ chức và điều khiển dòng xe hỗn hợp nhiều thành phần ở đô thị Việt Nam”.
Trạm trắc quan sử dụng năng lượng tái tạo
Dự án trạm trắc quan giám sát các thông số môi trường nước sử dụng nguồn năng lượng tái tạo như dòng nước, gió và mặt trời được nhóm 3 sinh viên Trường Đại học Duy Tân thử nghiệm hoàn thiện. Phan Văn Truyền, Trưởng nhóm nghiên cứu cho hay, qua khảo sát, nhóm nhận thấy các trạm trắc quan đều tận dụng nguồn năng lượng mặt trời.
Tuy nhiên, nguồn năng lượng này không đủ sử dụng ở thời điểm ban đêm hay khi trời mưa bão. Bên cạnh đó, công nghệ truyền dữ liệu 3G và GPRS mà các trạm trắc quan đang sử dụng tiêu tốn rất nhiều năng lượng. Nguồn năng lượng từ nước, gió và mặt trời không chỉ giúp hệ thống hoạt động tốt trong điều kiện thiếu hụt nguồn năng lượng mà còn thân thiện với môi trường. “Nhóm tận dụng chuyển động của sóng biển và gió để làm quay các tuabin kết hợp với các tấm pin mặt trời. Nguồn điện này sẽ sản xuất liên tục, không bị gián đoạn bất kể ngày đêm.
Ngoài ra, trạm trắc quan còn sử dụng công nghệ truyền dữ liệu LoRa có mức tiêu thụ điện năng thấp hơn nhiều so với 3G và GPRS. Nhóm em rất vui khi nghiên cứu này đoạt giải Ba cuộc thi “Triển lãm sản phẩm sáng tạo năm 2022” và Á quân 1 tại cuộc thi Schneider Go Green 2022, đó là động lực to lớn để nhóm cố gắng cho ra đời những dự án thiết thực hơn”, Truyền vui vẻ nói.
Thạc sĩ Nguyễn Phạm Công Đức, hướng dẫn nhóm nghiên cứu thông tin, trạm trắc quan sẽ cung cấp dữ liệu tức thời nếu môi trường nước bị ô nhiễm và theo dõi tình trạng, chất lượng nước để đưa ra giải pháp kịp thời. Hiện nay, dự án đang tiếp tục cải tiến và thử nghiệm tại các bãi biển Đà Nẵng.
TƯỜNG VY