Đà Nẵng cuối tuần
Ca xuân sắc bùa - nét giao thoa văn hóa độc đáo
“Sắc bùa là sắc bùa âu/ Mong cho năm mới ăn xôi với chè/ Sắc bùa là sắc bùa hòe/ Mong cho năm mới ăn chè với xôi”. Ca xuân sắc bùa là một sinh hoạt có từ bao đời ở đất Quảng, mang đậm nét giao thoa văn hóa giữa bản Mường và đất Quảng.
Phường bùa ở bản Mường chúc Tết (ảnh trái) và hát sắc bùa ngày Tết ở đất Quảng. Ảnh: ST |
Hát sắc bùa (còn gọi là xéc bùa, tiếng Mường có nghĩa là xách cồng) là hình thức sinh hoạt văn hóa truyền thống của người Mường vào đầu dịp năm mới, đón Xuân về. Đây là dân tộc cư trú rải rác ở các vùng phía Bắc nhưng sống tập trung nhiều nhất ở tỉnh Hòa Bình.
Nét tương đồng dễ thấy nhất giữa bản Mường và đất Quảng là tính chuyên nghiệp, có tổ chức của ca xuân sắc bùa.
Theo tư liệu từ nguồn điền dã do Phòng Văn hóa - Thông tin huyện tại Đại Lộc sưu tầm và các tư liệu văn nghệ dân gian khác, ở đất Quảng, đội ca xuân sắc bùa chừng 10 người - bao gồm các nghệ nhân (hầu hết là nam giới). Họ mặc lễ phục thông thường: áo dài đen, khăn đóng, quần trắng. Dẫn đầu đội là hai người xách lồng đèn; sau đó là người mang trống bồng (dài độ 6 - 7 tấc, một mặt trống bịt da trăn, mặt kia bằng da kỳ đà); hai người sử dụng cặp sanh tiền, những người còn lại là người hát. Có nơi đội sắc bùa có thêm một cặp chập chão (chụp chõa) để đánh nhịp. Tất cả việc diễn xướng của đội do một người cái phụ trách.
Còn ở bản Mường, hát sắc bùa do phường bùa tiến hành. Phường bùa có khoảng từ 15 đến 20 người (bao gồm cả nam và nữ), thâu nạp những người biết hát, biết đánh cồng tham gia. Trong số này, chọn ra một người đàn ông có giọng hát hay, có tài ứng tác đảm nhận việc thường, gọi là thầy thường. Đội hình đi hát sắc bùa xếp thành một hàng, ăn mặc đẹp. Dẫn đầu là người phụ trách chiêng boòng beng (gọi là chiêng đục bồng), rồi đến những người mang chiêng đủm, chiêng khộ, chiêng dàm. Đội vừa đi vừa đánh cồng những bài hát dân gian cổ truyền như: “Đi đường”, “Leo dốc”...
Thông thường, các đội hát sắc bùa ở cả đất Quảng và bản Mường có điểm chung: đến hát ở những nhà có hẹn hoặc có lời mời trước Tết. Cũng có nơi, đội đang đi thì gia đình chạy ra đón đàng để rước vào hát cho nhà mình.
Khi đến nhà đã hẹn trước để hát sắc bùa, phường bùa ở bản Mường đánh bài cồng hiệu, người đứng đầu phường bùa hát bài “Khóa rác” (Mở cửa): ... Bình bong chiêng núm vàng/ Phường bùa chúng tôi ở tỉnh rậm sông bờ/ Phường bùa chúng tôi đi theo con rồng áng/ Đi cho sáng rạng đất binh đất Mường...
Chủ nhà ra mở cửa chào đón (trước đó theo tục lệ, cổng ngoài vẫn đóng kín mặc dầu chủ nhà tập trung họ hàng rất đông để chờ đón). Phường bùa tiến vào sân, vừa đi vừa đánh cồng. Tiếng cồng âm vang náo nức, lời ca đằm thắm ngọt ngào. Tất cả như đọng mãi ở núi rừng hùng vĩ. Cả người hát lẫn người nghe đều say sưa, ngây ngất. Khi thủ tục sắc bùa sắp hết, người đứng đầu phường bùa cất lời ca gợi ý mời gọi mọi người chuyển sang phần hát đối đáp. Nếu như chủ nhà đồng ý, phần hát “thường rang bộ mẹng” (tiếng thương tiếng hát) sẽ bắt đầu với bài dân ca ví von, bóng bẩy, đối đáp sắc sảo, tình ý đậm đà diễn ra trong cảnh uống rượu cần. Men rượu hòa cùng hương vị ngày Tết càng làm thắm đượm tình người, tình xuân. Trong niềm hân hoan, cuộc thi thố tài năng trở nên lôi cuốn, hấp dẫn bởi bên nào cũng thể hiện những làn điệu dân ca Mường một cách trong trẻo, ngọt ngào. Sau mỗi đoạn, tất cả mọi người lại reo lên, hồ hởi chúc nhau năm mới an khang. Dẫu không muốn rời nhưng phường bùa cũng phải hát lời cảm tạ và tiếp tục đến chúc nhiều gia đình khác nữa trong bản. Trước khi nói lời chia tay, gia chủ đem gạo, bánh tặng cho phường bùa để cảm ơn.
Cũng với mô-típ như vậy, ở đất Quảng, khi đến ngõ, người cái xướng bài “Khai môn” (Mở cửa): Nhà ai bên đó/ Ngõ ai bên đàng/ Đánh trống kiểng vang/ Tứ bề gài chặt/ Đông phương,Tây phương: Bính, Đinh/ Bắc phương: Mậu, Kỷ/ Tả tường: ất sĩ/ Hữu tường: đầu xà/ Họa chữ tứ trung/ Khai môn mở ngõ.
Những người còn lại hát xô (con xô): Mở ngõ đã rồi/ Mở ngõ đã đoan/ Anh em chúng bạn/ Bước đến vào nhà/ Bình yên năm mới/ Sang giàu phú quới/ Thật là sang giàu sang!
Dứt bài “Khai môn”, người cái vỗ trống bước dẫn vào sân rồi dừng lại vỗ liền 3 tiếng nữa, mới bước vào nhà. Họ vào hát bài mừng tuổi ông bà. Chủ nhà trải chiếu ra mời mọi người, ông bà, tổ tiên gia chủ. Sau đó, chủ nhà bày bánh trái, trà rượu ra đãi. Đội sắc bùa ăn uống cùng gia đình, sau đó tùy theo nghề nghiệp chủ nhà mà hát chúc tụng. Chúc xong, đội thực hiện một nghi thức có tính chất phù chú: Dán một lá bùa ở cửa nhà.
Ca xuân sắc bùa là một hình thức diễn xướng nghi lễ - phong tục có nguồn gốc là lễ nghi nông nghiệp. Chủ đề chính của bài ca xuân nói lên mơ ước của người lao động và chứa đựng những nhân tố thẩm mỹ lành mạnh của người lao động trong điều kiện khả năng làm chủ thiên nhiên và trình độ nhận thức còn hạn chế
Chẳng hạn ở bản Mường, hát sắc bùa ca ngợi chủ nhà với nội dung: Đám sắc bùa chúng tôi đến nhà ông/ Thấy rặng phía trong/ Cột nhà bằng trai/ Thấy rặng phía ngoài/ Cột nhà bằng trâm/ Trâu bò nhà ông nhốt buộc đầy sân/ Có hàng buộc trâu có hàng buộc bò/ Đụn lúa nếp nhà ăn đến tháng Năm/ Đụn lúa chăm nhà ăn hết tháng Mười...
Còn ở đất Quảng, nội dung ca ngợi cũng không có gì khác biệt: Kính chúc ông bà/ Khỏe mạnh đẹp lòng/ An khang trường thọ/ Làm ăn đắt đỏ.../ Hoa màu chồng chất/ Lúa bắp tràn trề/ Đầy bồ đầy ví/ Đầy vườn bầu bí/ Gà vịt đầy sân/ Trâu bò từng đàn/ Đều to béo bự/ Ông bà thảnh thơi biết bao/ Sớm trà, chiều rượu dồi dào vui tươi...
Sắc bùa ở bản Mường và ở đất Quảng loại hình sinh hoạt văn hóa văn nghệ dân gian mang tính quần chúng rõ nét, có cùng nội dung cầu chúc mừng năm mới và hình thức thể hiện về cơ bản như nhau. Dù cách xa về không gian, song nét giao thoa văn hóa Việt - Mường vẫn thể hiện khá đậm nét. Phải chăng điều đó càng chứng tỏ các dân tộc trên đất nước Việt Nam đều có chung một cội nguồn văn hóa. Đấy là sức mạnh vô địch gắn kết vững chắc khối đại đoàn kết dân tộc Việt Nam, không chỉ trong chống giặc ngoại xâm mà cả trong hòa bình, xây dựng!
VÂN TRÌNH