* Gần thị trấn Phú Bài (thị xã Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên Huế) tôi thấy có một ngôi chợ mang tên “Thần Phù”. Xin cho biết, chợ Thần Phù này có liên quan đến cửa Thần Phù trong câu ca xưa: “Lênh đênh qua cửa Thần Phù/ Khéo tu thì nổi, vụng tu thì chìm”? (Nguyễn Văn Nam, quận Liên Chiểu, Đà Nẵng).
Chợ Thần Phù hoàn toàn không liên quan gì đến cửa Thần Phù. Ảnh: V.T.L |
- Chợ Thần Phù (còn có tên khác là chợ Vực) tọa lạc tại phường Thủy Châu, thị xã Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên Huế. Chợ Thần Phù nằm trên tuyến xe khách số 2 chạy từ bến xe phía Nam (thành phố Huế) đi chợ Phú Bài và ngược lại, bao gồm: Cống Bạc - Dệt Thủy Dương - Chợ Dạ Lê - Ngã ba Phú Hồ - Chợ Thần Phù - Chợ Mai - Cây xăng 15 - Chợ thị trấn Phú Bài - Ngã ba Phú Thứ - Ngã ba sân bay Phú Bài - Khu Công nghiệp Phú Bài - Ngã ba đường tránh - Chợ Phú Bài.
Chợ Thần Phù ở đây không liên quan gì đến cửa Thần Phù trong câu ca “Lênh đênh qua cửa Thần Phù/ Khéo tu thì nổi, vụng tu thì chìm”.
Theo Wikipedia, cửa biển Thần Phù (còn gọi Thần Đầu) vốn là một cửa biển hiểm yếu xa xưa nằm trên tuyến đường thủy hành quân Nam tiến của người Việt nên được gắn với nhiều truyền thuyết ly kỳ trong dân gian và sử sách. Cửa Thần Phù ngày nay đã bị phù sa bồi đắp và trở thành vùng đất nằm cách bờ biển hơn 10 km, là một vùng có đoạn kênh Nhà Lê chảy qua, thuộc ranh giới giữa 2 xã Yên Lâm (huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình) và Nga Điền (huyện Nga Sơn, tỉnh Thanh Hóa).
Theo sách Nam Ông mộng lục của Hồ Nguyên Trừng, vua Lý Thái Tông mang quân Nam tiến để đánh dẹp Chiêm Thành, đến cửa biển này gặp gió to sóng dữ, không đi được; may nhờ một đạo sĩ có phép thuật cao cường dẹp yên sóng dữ. Khi ban sự trở về, đạo sĩ mất ở dọc đường. Vua cho lập đền thờ ở cửa biển, phong hiệu là “Áp Lãng Chân Nhân Đại Vương” (người giúp nhà vua dẹp yên được sóng dữ) và gọi tên nơi đây là cửa biển Thần Phù.
Tất cả các tài liệu xưa để lại đều gọi Thần Phù là “cửa biển”. Trong sách “Việt Nam văn học sử yếu” (Sài Gòn, 1968), Giáo sư Dương Quảng Hàm viết: “Thần Đầu là tên một cái cửa biển cũ, ở chỗ giáp giới tỉnh Ninh Bình (huyện Yên Mô) và tỉnh Thanh Hóa (huyện Nga Sơn). Đời Lê đổi thành Thần Phù, cuối đời Lê cửa ấy lại bị cát bồi lấp cả, nay ở huyện Yên Mô có một tổng tên là Thần Phù.
Sau khi cụ Nguyễn Trãi (thời Nhà Lê) viết bài thơ “Thần Phù hải khẩu” (Cửa biển Thần Phù), cửa biển này được gọi là Thần Phù, nơi mảnh đất tận cùng phía nam của tỉnh Ninh Bình. Theo tác giả Lã Đăng Bật trong bài viết “Cửa biển Thần phù xưa và nay” đăng trên Báo Ninh Bình (baoninhbinh.org.vn), thời xưa đất này thuộc xã Thần Đầu, huyện Nga Sơn, tỉnh Thanh Hóa; đến năm 1838, đời Minh Mạng thứ XIX, xã Thần Phù sáp nhập vào huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình. Đây vốn là vùng biển dữ dội, nguy hiểm, vì có những ngọn núi đá ăn ra biển có những mỏm ngầm sắc nhọn, lại có sóng dữ, gió to, thuyền bè qua dễ bị đánh chìm. Nên từ ngàn xưa muốn đi vào Nam qua vùng biển này, thuyền phải đi vòng ra xa, rồi vòng trở lại mới vào Nam được.
Người dân ở quanh cửa biển Thần Phù còn lưu truyền câu ca dao: “Lênh đênh qua cửa Thần Phù/ Khéo tu thì nổi, vụng tu thì chìm”. Điều này cho thấy cửa biển Thần Phù là một vị trí quân sự mang tính chiến lược, cực kỳ quan trọng ở thời xa xưa. Các vua chúa đi vào Nam chinh phạt đều phải qua cửa biển Thần Phù.
ĐNCT