Đà Nẵng cuối tuần

Đồng hành cùng con

06:05, 16/04/2023 (GMT+7)

Hiện nay, nhiều gia đình coi trọng việc đầu tư cho con học ngoại ngữ. Để con có cơ hội tiếp xúc ngôn ngữ mới hiệu quả và chủ động, thay vì phó mặc cho nhà trường hoặc các trung tâm đào tạo, họ dành không ít thời gian quan tâm, đồng hành cùng con.

Không gian ấm áp, hình thức sinh hoạt vui nhộn giúp các bé tự tin giao tiếp tiếng Anh. Ảnh: T.Y
Không gian ấm áp, hình thức sinh hoạt vui nhộn giúp các bé tự tin giao tiếp tiếng Anh. Ảnh: T.Y

Ở Đà Nẵng, những bà mẹ có con yêu thích tiếng Anh đã lập ra nhóm DaNang Kids với mong muốn tạo môi trường cho con học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm và tự tin giao tiếp xã hội bằng ngôn ngữ này.

Tạo môi trường học tập cho con

Miệng cười rạng rỡ, ánh mắt lấp lánh niềm vui, buổi gặp mặt định kỳ vào mỗi cuối tuần của nhóm DaNang Kids luôn diễn ra trong không khí hồ hởi, rộn ràng. Đó là dịp các bé độ tuổi tiểu học, THCS rèn luyện khả năng nghe, phản xạ, giao tiếp xã hội bằng ngôn ngữ Anh. Nhóm khuyến khích những thành viên cùng trò chuyện, xem phim, nghe thoại bằng tiếng Anh và tham gia các trò chơi học tập vui nhộn.

Cô bé Đỗ Phạm Mai Kha, học sinh lớp 4/7, Trường Tiểu học Nguyễn Du (phường Hòa Thuận Đông, quận Hải Châu) tạo được thói quen nói chuyện bằng ngôn ngữ Anh mỗi khi gặp bạn bè trong nhóm DaNang Kids. Những lóng ngóng, bối rối ban đầu nhường chỗ cho sự tự tin, chủ động giơ tay trả lời câu hỏi của MC - cũng là phụ huynh một thành viên trong nhóm. Không có áp lực từ giáo viên, không có phán xét đúng - sai, chỉ có sự yêu thương và đồng hành của cha mẹ, Mai Kha thoải mái chia sẻ những kiến thức mình học được suốt một tuần trước đó.

Với Mai Kha và các bạn trong nhóm, ngoại ngữ không chỉ là công cụ giao tiếp mà trở thành phương tiện giúp các em tiếp cận khoa học và nghệ thuật. Những kiến thức về hệ mặt trời, hệ động thực vật trong rừng nguyên sinh, hệ sinh thái dưới biển... tất cả đều được thể hiện sinh động, ngộ nghĩnh bằng tiếng Anh bản xứ, lồng ghép vào đó là các bài hát dễ hiểu, dễ nhớ, giúp các em vừa hấp thụ tiếng Anh vừa mở rộng vốn kiến thức của mình một cách chủ động, hiệu quả.

Tham gia cùng con trong các buổi sinh hoạt của DaNang Kids, chị Phạm Thùy Miên cho hay bản thân luôn theo sát việc học tiếng Anh của Mai Kha chứ không giới hạn ở việc đưa đi, đón về. Để các con có buổi trải nghiệm học mà chơi, chơi mà học thú vị, hiệu quả, chị cùng phụ huynh trong nhóm dành thời gian đọc tài liệu, thiết kế chương trình và chọn nội dung phù hợp lứa tuổi.

Chị Miên cho con tiếp cận ngôn ngữ Anh lúc bé gần 5 tuổi, bắt đầu bằng việc đưa con đến học tại trung tâm tiếng Anh gần nhà. Dù vậy, sau gần 1 năm, Mai Kha vẫn nhút nhát, kém tự tin. Để giúp con, chị lên mạng tìm tài liệu, đọc chia sẻ của các mẹ có con học tốt tiếng Anh nhằm tìm kiếm kinh nghiệm đồng hành. Nhờ vậy, chị Miên nghiệm ra, học tiếng Anh cũng giống học tiếng Việt, thông qua nghe nhiều, con sẽ “thấm” và bắt chước phát âm theo, chưa kể đọc nhiều giúp con có vốn từ, khi nào đủ sẽ tự bật ra như phản xạ.

Theo chị Miên, có 2 nguyên tắc chị duy trì trong thời gian đồng hành cùng con học tiếng Anh, đó là tạm gác tất cả công việc ở thời điểm học cùng con và kiên nhẫn, không nóng vội, không áp đặt thành tích. “Trước một vấn đề khó, không biết chính xác từ và cách diễn đạt thì chính tôi sẽ học và khám phá cùng con. Hai mẹ con duy trì thói quen học tiếng Anh 1-2 giờ mỗi ngày, dù nắng, mưa hay bận việc cá nhân cũng cố gắng không bỏ buổi sinh hoạt DaNang Kids nào, có động viên khen thưởng, có xử phạt hoặc kỷ luật nếu cần. Với tôi, hạnh phúc là khi thấy con tiến bộ từng ngày”, chị Miên chia sẻ.

Việc kết nối 1-1 giữa cha mẹ và con cái trong học tiếng Anh giúp trẻ tự tin khám phá ngôn ngữ mới. Dù vậy, nhiều người mẹ cho rằng, hành trình đồng hành cùng con chưa bao giờ dễ dàng, thậm chí, để có thể hỗ trợ con, họ phải tập trung học lại tiếng Anh sau thời gian dài không dùng tới. Chị Mai Thị Thanh Hằng, phụ huynh em Nguyễn Quang Khôi, lớp 4/1, Trường Tiểu học Lê Bá Trinh (phường Bắc Mỹ An, quận Ngũ Hành Sơn), thành viên nhóm DaNang Kids chia sẻ, thời gian đầu, chị buộc phải học lại những câu giao tiếp cơ bản và yêu cầu hai mẹ con ở nhà chỉ trao đổi bằng tiếng Anh.

Câu nào không trả lời được, chị cùng con tra từ điển hoặc google. Chị Hằng bộc bạch, những ngày đầu áp dụng giao tiếp tiếng Anh 1-1 với con diễn ra căng thẳng, đến khi con nói được, diễn đạt được, chị tìm thêm những khóa học trực tuyến giúp con luyện nghe, luyện nói. Cũng trong thời gian này, chị Hằng thường xuyên vào các hội, nhóm học tiếng Anh tìm kiếm kinh nghiệm cũng như đăng ký cho con tham gia hầu hết các buổi sinh hoạt của DaNang Kids, cộng đồng “săn Tây”, các buổi trải nghiệm, cuộc thi tiếng Anh trực tuyến hay mua sách, truyện tiếng Anh cho con đọc.

Giáo dục phù hợp phát triển tư duy sáng tạo

Theo Tiến sĩ Nguyễn Thị Mỹ Hằng, Giảng viên Đại học Ngoại ngữ (Đại học Đà Nẵng), hiện nay, ngoại ngữ không còn là kỹ năng cần phải học nữa mà đã trở thành yếu tố bắt buộc phải có. Học ngoại ngữ giờ đây không đơn thuần chỉ để giao tiếp. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng, việc học và sử dụng nhiều loại ngôn ngữ càng sớm càng giúp não bộ phản ứng linh hoạt, nhanh nhạy để điều chỉnh ngôn ngữ phù hợp với hoàn cảnh.

Bằng cách này, ngoại ngữ giúp "bật công tắc" sáng tạo, tư duy của não bộ. Và không thể phủ nhận rằng, tiếng Anh là chiếc cầu ngắn nhất để trẻ em ngày nay tiếp cận với tri thức nhân loại, thấu hiểu nền văn hóa của nhiều quốc gia. Trong hành trình tiếp cận đó, gia đình đóng vai trò then chốt để các con có được phương pháp đúng đắn.

Theo sát, khuyến khích, chủ động tìm kiếm tài liệu và áp dụng các phương pháp giáo dục phù hợp là cách mỗi phụ huynh nhóm DaNang Kids thực hiện trong quá trình đồng hành cùng con.

Chị Trương Mỹ Dung, phụ huynh em Trần Minh Châu, học sinh lớp 2/3, Trường Tiểu học Trần Văn Ơn (quận Hải Châu) đúc kết, muốn con học tốt, cha mẹ phải sắp xếp thời gian học tập cùng con. Với tiếng Anh, mẹ con chị học theo phương pháp nghe - nói - đọc - viết và hành trình ấy bắt đầu từ năm bé 2,5 tuổi. Cũng theo chị Dung, khi con còn nhỏ, chị thường xuyên mở kênh youtube cho nghe bài hát tiếng Anh đơn giản, kết hợp xem chương trình Wow English TV, phim hoạt hình Fairy Tail, Lion King, Frozen, tương tác các đầu sách tiếng Anh Baby Bear, Potato, Sight Word để kích thích khả năng nghe, nhìn và tập phát âm theo.

Khi nhu cầu tương tác, nói tiếng Anh của Minh Châu nhiều hơn, chị cho bé tiếp cận các app Razkids, Monkey, IXL, Fafaria, Little Fox. Tiếp đó, để giúp con rèn kỹ năng viết, chị đăng ký tài khoản trên phần mềm học trực tuyến Abeka của Mỹ. Cứ thế, từng chút một, Minh Châu được chị cho tiếp cận tiếng Anh một cách chủ động, khoa học và hiệu quả. “Theo tôi, trong quá trình đồng hành cùng con, các mẹ cần duy trì, không nôn nóng, không so sánh con với bất kỳ ai bởi mỗi đứa trẻ có mỗi năng lực khác nhau, chỉ có cha mẹ mới hiểu và nhận ra con mình cần gì, muốn gì”, chị Dung nói.

Cộng đồng DaNang Kids được các mẹ có con yêu thích tiếng Anh lập ra từ tháng 6-2022, thu hút sự tham gia sinh hoạt thường xuyên của gần 50 bạn nhỏ. Đặc biệt, nhiều gia đình ở các quận Liên Chiểu, Ngũ Hành Sơn hay xa hơn là huyện Hòa Vang cũng không ngại nắng mưa hoặc quãng đường hàng chục cây số đưa con đến điểm sinh hoạt cuối tuần tại một quán cà phê ở khu biệt thự Đảo Xanh (quận Hải Châu).

Tinh thần của nhóm phụ huynh là tạo môi trường để các con học tập, rèn luyện và tự tin giao tiếp bằng ngôn ngữ Anh. Mỗi tuần, DaNang Kids tổ chức cho các con gặp nhau một lần vào Chủ nhật. Để buổi sinh hoạt diễn ra hiệu quả, nhóm phụ huynh cùng nhau lên chương trình, kịch bản, lựa chọn nội dung học tập phù hợp và khéo léo lồng ghép trò chơi, hoạt động hỏi - đáp vui nhộn, kể cả “thưởng nóng” khuyến khích những bạn trả lời nhanh, chính xác.

Có thể nói, sự đồng hành đầy yêu thương, trách nhiệm của mỗi phụ huynh trong nhóm DaNang Kids đã giúp các con mạnh dạn giao tiếp và tư duy bằng ngôn ngữ Anh. Hơn hết, trong không gian sinh hoạt chung rộn ràng, nhiều tiếng cười đó, không phải người mẹ nào cũng giỏi tiếng Anh mà mỗi người đều phải tự học, tự tích lũy và cải thiện khả năng sử dụng tiếng Anh để tự tin đồng hành cùng con. Đó chắc chắn là một hành trình đầy nỗ lực của cả con và mẹ, không phải để phục vụ thi cử, không phải đơn thuần chỉ để giao tiếp mà mà để các con tự tin khám phá tất cả những kiến thức, tri thức khoa học bên ngoài quốc gia mình.

Theo Tiến sĩ Nguyễn Thị Mỹ Hằng, Giảng viên Đại học Ngoại ngữ (Đại học Đà Nẵng), hiện nay, ngoại ngữ không còn là kỹ năng cần phải học nữa mà đã trở thành yếu tố bắt buộc phải có. Học ngoại ngữ giờ đây không đơn thuần chỉ để giao tiếp. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng, việc học và sử dụng nhiều loại ngôn ngữ càng sớm càng giúp não bộ phản ứng linh hoạt, nhanh nhạy để điều chỉnh ngôn ngữ phù hợp với hoàn cảnh. Bằng cách này, ngoại ngữ giúp "bật công tắc" sáng tạo, tư duy của não bộ.

TIỂU YẾN

.