Đà Nẵng cuối tuần
Nước sạch là vấn đề cấp bách của toàn cầu
Khoảng 2 tỷ người trên thế giới hiện không có nước sạch để uống; 3,6 tỷ người không có nước hợp vệ sinh. Nước sạch giờ đây trở thành vấn đề cấp bách, đe dọa nhiều khía cạnh của cuộc sống.
Trẻ em ở thành phố Baidoa, bang Tây Nam Somalia, đang sống trong những ngày hạn hán nghiêm trọng. Ảnh: CNN |
Điều đáng nói, khủng hoảng nước sạch không bỏ qua quốc gia nào, từ Mỹ - nền kinh tế lớn nhất thế giới, đến vùng Tây và Trung Phi nghèo khó.
Hạn hán nghiêm trọng ở Mỹ
Bang Arizona và một số bang miền Tây Nam của Mỹ đang đối mặt với tình trạng hạn hán nghiêm trọng nhất trong 1.200 năm qua. Các chuyên gia khí tượng cho rằng, khô hạn có thể diễn ra trong thời gian dài do tác động của biến đổi khí hậu. Tại Rio Verde Foothills - khu định cư chưa hợp nhất ở hạt Maricopa thuộc bang Arizona, hai vợ chồng Wendy và Vance Walker dùng đĩa giấy suốt 3 tháng liền, vài ngày mới tắm một lần và thậm chí phải hứng nước mưa để dội nhà vệ sinh.
Không chỉ nhà Wendy và Vance Walker, mà các gia đình vùng Rio Verde Foothills cũng trong tình trạng tương tự vì họ chưa có đường ống nước chính. Khoảng 500 hộ không có giếng nước phải mua nước trên các xe chở nước từ thành phố Scottsdale.
Hầu hết nguồn cung cấp nước cho Scottsdale và cả bang Arizona đến từ sông Colorado. Con sông này bắt nguồn từ vùng núi Rocky, chảy qua các bang Colorado, Utah, Arizona, Nevada, California của Mỹ và tới miền Bắc Mexico. Song, biến đổi khí hậu khiến mực nước của sông Colorado đang cạn dần. Vì vậy, chính phủ liên bang Mỹ yêu cầu phải giảm 1/4 lượng nước tiêu thụ.
Các cộng đồng dân cư sử dụng nước sông Colorado, trong đó có cả Los Angeles, được yêu cầu tiết kiệm nước. Các nhà chức trách thành phố Scottsdale quyết định không bán nước cho Rio Verde Foothills nữa.
Từ ngày 1-1-2023, trạm cung cấp của Scottsdale cho những người lái xe giao nước như ông John Hornewer đóng cửa. Ông Hornewer giờ đây phải lái xe trong nhiều giờ đồng hồ để đổ đầy thùng chứa 6.000 gallon nước (22.000 lít). Thế là ông miễn cưỡng tăng gấp đôi giá nước (từ 4,5 - 5 cent/gallon nước lên 11 cent/gallon) để bù đắp chi phí nhiên liệu và thời gian chạy xe.
Trong khi đó, với ông Lothar Rowe (86 tuổi) - chủ trại ngựa gồm 50 con ở Rio Verde Foothills, việc khu định cư này không có nước là điều tồi tệ. Ông đã bỏ ra 500.000 USD để mua một mảnh đất có giếng riêng. “Tôi không thể tin được. Chúng ta đang nói về nước Mỹ: Họ đã lên mặt trăng, họ đang nỗ lực lên sao Hỏa, nhưng ở đây thì không có nước”, ông Rowe nói.
Theo thống kê, trung bình mỗi hộ gia đình tại Mỹ sử dụng khoảng 300 gallon nước/ngày (hơn 1.300 lít). Song, tại bang Arizona, mỗi hộ gia đình chỉ sử dụng hơn 90 lít nước/ngày.
Cam kết dễ, hành động khó
Ông Richard Connor - tác giả chính của Báo cáo phát triển nước thế giới năm 2023 mới được Liên Hợp Quốc (LHQ) công bố - cảnh báo về một cuộc khủng hoảng nước toàn cầu sắp xảy ra nếu con người tiếp tục khai thác và tiêu thụ nước quá mức như hiện nay.
“Khủng hoảng nước toàn cầu là sự gia tăng chuỗi các khủng hoảng cục bộ ở những nơi không có đủ nước để đáp ứng nhu cầu của người dân. Khi tình hình leo thang, khủng hoảng nối tiếp khủng hoảng, lan từ nơi này tới nơi khác thì đến một lúc chỉ còn một vài khu vực, một số quốc gia trên thế giới bảo đảm an ninh về nước”, ông Connor nhận định.
Theo báo cáo nói trên, khoảng 2 tỷ người trên thế giới hiện không có nước sạch để uống; 3,6 tỷ người không được tiếp cận hệ thống nước hợp vệ sinh. Đến năm 2050, số người ở các thành phố đối mặt với tình trạng khan hiếm nước sẽ tăng gần gấp đôi, từ 930 triệu người năm 2016 lên 2,4 tỷ người.
Nhu cầu về nước ngọt toàn cầu sẽ cao hơn nguồn cung đến 40% vào năm 2030. Nhu cầu nước tại các đô thị dự kiến tăng 80% vào năm 2050. Điều này đe dọa một trong 17 mục tiêu phát triển bền vững của LHQ là cung cấp nước sạch và vệ sinh vào năm 2030.
Quỹ Nhi đồng LHQ (UNICEF) mới đây công bố báo cáo cho thấy, khoảng 190 triệu trẻ em tại châu Phi đối mặt 3 nguy cơ cùng lúc liên quan đến nước, bao gồm: tiếp cận nguồn nước, vệ sinh môi trường và vệ sinh cá nhân; nghiêm trọng nhất là ở 10 quốc gia: Benin, Burkina Faso, Cameroon, Chad, Côte d'Ivoire, Guinea, Mali, Niger, Nigeria và Somalia. Điều này khiến Tây và Trung Phi trở thành khu vực mất an toàn nhất về nước cũng như chịu tổn thất lớn nhất về biến đổi khí hậu.
Gần 700 cam kết hành động đã được đưa ra tại hội nghị về nước của LHQ ở New York hồi tuần trước. Theo đó, các quốc gia và các tổ chức thế giới sẽ dành hàng tỷ USD để cải thiện an ninh nước. Tuy nhiên, những cam kết này đều không ràng buộc mà chỉ mang tính tự nguyện.
Vậy thì việc thực hiện một lộ trình mới để quản lý và bảo tồn nước bền vững theo lời kêu gọi của Tổng Thư ký LHQ António Guterres vẫn bỏ ngỏ. Thế giới đang chờ một Công ước LHQ về nước mang tính chính thức để biến lời nói thành hành động thì mới mong “nguồn tài nguyên quý báu nhất của nhân loại” sẽ được khai thác và sử dụng lâu dài cho thế giới ngày nay và các thế hệ tương lai.
Khánh Linh (theo AFP, UN, CNN, The Guardian)