Đà Nẵng cuối tuần
Thăm khu lăng mộ Ông Ích Khiêm
Những năm gần đây, một số công ty lữ hành giới thiệu khu lăng mộ Ông Ích Khiêm (phường Hòa Thọ Tây, quận Cẩm Lệ) là một trong những di tích lịch sử hấp dẫn với nhiều bài học lịch sử, kiến trúc thú vị.
Kiến trúc cổ kính, đặc trưng của khu lăng mộ Ông Ích Khiêm. Ảnh: H.L |
Ông Ích Khiêm sinh ngày 25-1-1829 tại làng Phong Lệ, tổng Thanh Quýt, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam (nay thuộc phường Hòa Thọ Tây, quận Cẩm Lệ). Theo sử sách truyền lại, Ông Ích Khiêm không chỉ đối đáp mau lẹ, học hành giỏi giang, trí thông minh hơn người mà còn có tính cách khẳng khái, ghét thói xu nịnh.
Ông thi đỗ cử nhân năm 1847, tuy nhiên, do còn nhỏ tuổi nên năm 1852 ông mới được triều đình nhà Nguyễn bổ nhiệm làm Tri huyện Kim Thành (tỉnh Hải Dương). Làm quan hai năm thì ông bị triều đình cách chức vì đánh một tên chánh tổng thường xuyên ức hiếp dân lành.
Tháng 9-1858, thực dân Pháp nổ súng tấn công Đà Nẵng, biết tài quân sự của ông, triều đình triệu ông về kinh đô Huế phong chức, sau đó cử vào Đà Nẵng cùng với Nguyễn Tri Phương chỉ huy nghĩa binh đánh Pháp. Giữa lúc nhiều quan lại triều đình thiên về tư tưởng “chủ hòa” (chia sẻ quyền thống trị, cầu hòa) thì Ông Ích Khiêm kiên quyết chiến đấu chống lại quân Pháp. Hơn 10 năm (từ 1862 đến 1873), ông có mặt hầu hết các địa bàn khó khăn, phức tạp nhất của vùng biên ải…
Vốn là người thẳng tính, năm 1883, Ông Ích Khiêm tích cực phê phán hành động lộng quyền của một số quan lại trụ cột triều Nguyễn nên bị buộc tội và đày vào tỉnh Bình Thuận. Tại đây, phần vì phẫn uất, phần vì cuộc sống tù đày khổ cực, ông đã uống thuốc độc tự tử vào tháng 7-1884. Sau khi ông mất, con trai ông là Ông Ích Thiện đã đưa thi hài về mai táng tại làng Phong Lệ. Năm 1938, thi hài ông được cải táng về Gò Mô, một ngọn đồi thấp ở khu vực phường Hòa Thọ Đông ngày nay.
Ngôi mộ Ông Ích Khiêm được xây theo hình bát giác, có chiều dài từ cổng vào 13,8m, chiều rộng 6,1m, tường bao xung quanh cao 0,72m; nấm mộ có chiều dài 4,75m, rộng 3,5m, cao 0,35m. Phía trước mộ có nhà bia, bên trong đặt tấm bia bằng đá cẩm thạch, cao 0,83m, rộng 0,54m trang trí hình rồng, phụng và hoa lá. Nội dung bia ghi: Hoàng Triều - Hiển tổ Binh bộ tả thị lang, tấn phong Kiên trung Nam linh mộ. Bảo Đại thập tam niên, tứ nguyệt, kiết nhật (nghĩa là: Triều Nguyễn - ông cha chức là Tả thị lang Binh bộ, tước là Kiên trung Nam.
Năm Bảo Đại thứ 13, tháng 4 ngày tốt). Khu lăng mộ Ông Ích Khiêm được Bộ Văn hóa và Thông tin công nhận di tích lịch sử cấp quốc gia ngày 12-7-2001. Lễ tưởng niệm ngày mất Ông Ích Khiêm được UBND quận Cẩm Lệ tổ chức ngày 19-7 âm lịch hằng năm, nhằm thể hiện sự tri ân của các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương đối với một vị tướng tài của vùng đất xứ Quảng. Những hoạt động tưởng nhớ còn mang ý nghĩa giáo dục lịch sử, truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ.
HUỲNH LÊ