15 NĂM NGÀY MẤT CỦA THỦ TƯỚNG VÕ VĂN KIỆT (11-6-2008 - 11-6-2023)

Nhớ ngày Thủ tướng Võ Văn Kiệt về buôn, làng

.

Thủ tướng Võ Văn Kiệt (1922-2008) là nhà lãnh đạo xuất sắc của Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam trong công cuộc kháng chiến giành tự do, độc lập của dân tộc, ông còn là “kiến trúc sư” nổi tiếng tài ba với nhiều công trình hiện đại trong thời kỳ đổi mới của đất nước mà tiêu biểu nhất là đường dây 500kV Bắc - Nam.

Thủ tướng Võ Văn Kiệt (1922-2008) là nhà lãnh đạo xuất sắc của Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam trong công cuộc kháng chiến giành tự do, độc lập của dân tộc, ông còn là “kiến trúc sư” nổi tiếng tài ba với nhiều công trình hiện đại trong thời kỳ đổi mới của đất nước mà tiêu biểu nhất là đường dây 500kV Bắc - Nam.
Thủ tướng Võ Văn Kiệt (1922-2008) là nhà lãnh đạo xuất sắc của Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam trong công cuộc kháng chiến giành tự do, độc lập của dân tộc, ông còn là “kiến trúc sư” nổi tiếng tài ba với nhiều công trình hiện đại trong thời kỳ đổi mới của đất nước mà tiêu biểu nhất là đường dây 500kV Bắc - Nam.

Khi tôi làm phóng viên của một cơ quan báo chí thành phố, năm nào tôi cũng có cuộc hành trình lên Tây Nguyên đầy nắng gió. Sau mỗi chuyến đi đều cảm thấy ở vùng đất đỏ bazan này có thêm nhiều điều mới lạ. Và rồi, một kỷ niệm khó quên trong đời làm báo của mình cũng lại diễn ra tại đất Tây Nguyên hùng vĩ. Đó là đầu hè năm 1996, từ thành phố Đà Nẵng, tôi theo xe khách lên phố núi Pleiku, tỉnh Gia Lai.

Anh Bùi Quang Kha, phụ trách văn phòng đại diện cùng cơ quan với tôi tại Pleiku ra đón ở bến xe. Cơm nước xong, anh Kha cho hay, hôm qua Thủ tướng Võ Văn Kiệt về thăm, làm việc tại tỉnh Gia Lai. Nghe nói lần này, Thủ tướng sẽ dành nhiều thời gian xuống bản làng để kiểm tra thực tế tình hình, đời sống của nhân dân, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số. Tôi đề nghị anh Kha liên hệ Văn phòng UBND tỉnh và Công an tỉnh Gia Lai để xin được đi theo đoàn nhưng khi đến nơi thì Thủ tướng Võ Văn Kiệt cùng các đồng chí lãnh đạo tỉnh Gia Lai đã đi máy bay trực thăng về huyện Ayun Pa.

Quyết không bỏ lỡ dịp này, tôi cùng anh Kha dùng xe máy để kịp theo đoàn. Chiếc xe máy của chúng tôi theo quốc lộ 25 băng qua các sườn đồi, các cánh rừng cà phê, cao su ngút ngát màu xanh gần 100km, cuối cùng chúng tôi cũng đến thị trấn Ayun Pa. Khi chúng tôi đến nơi mới biết Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã làm việc với Huyện ủy, UBND huyện Ayun Pa khá lâu rồi và chỉ đạo nhiều vấn đề quan trọng. Sau khi biết anh em tôi là phóng viên, lực lượng bảo vệ cho vào bên trong để tác nghiệp. Khi tôi vào hội trường thì nghe Thủ tướng hỏi: “Cuộc sống đồng bào các dân tộc thiểu số ở các vùng xa xôi, hẻo lánh của huyện nhà hiện nay ra sao? Bà con có còn thiếu ăn không các đồng chí? Tôi lo lắng vấn đề này quá!”.

Trước khi kết thúc cuộc nói chuyện, Thủ tướng Võ Văn Kiệt còn căn dặn nhiều điều với các đồng chí lãnh đạo huyện rằng phải bám vào tình hình thực tế ở cơ sở để chỉ đạo công việc, nắm chắc tâm tư, nguyện vọng chính đáng của bà con, có như vậy các biện pháp triển khai, thực hiện mới sát, đúng, có hiệu quả. Thủ tướng còn gợi mở nhiều hướng đi mới để Ayun Pa vận dụng trong cuộc hành trình hướng tới tương lai và dặn phải chú trọng đến đời sống bà con ở các bản làng, bày cho họ cách làm ăn và giúp đỡ họ kịp thời, tuyệt đối không để bà con dân tộc thiểu số đói khát, trẻ em không được đến trường.

Chiều hôm đó, lãnh đạo tỉnh tháp tùng Thủ tướng về với bà con huyện biên giới Đức Cơ rồi đến thăm dân làng xã Ia Dom. Trong mái nhà rông cao vút của đại ngàn đầy nắng gió, hình ảnh Thủ tướng Võ Văn Kiệt, người luôn có nụ cười đi trước cùng cái bắt tay thân thiện thật đơn sơ, bình dị. Thủ tướng cũng ngồi xếp bằng dưới sàn nhà uống rượu cần, chuyện trò với các già làng, trưởng bản, với nhiều chàng trai, cô gái Bana, Giarai... song nếu ai tinh ý sẽ thấy Thủ tướng không vui, bởi bà con dân tộc thiểu số của xã biên giới xa xôi này còn quá nghèo về vật chất lẫn tinh thần.

Qua một ngày thị sát hai huyện Ayun Pa, Đức Cơ, biết rõ cuộc sống của đồng bào còn chồng chất bao thiếu thốn, Thủ tướng nói với các đồng chí lãnh đạo tỉnh, đại ý là: Đảng, Nhà nước rất quan tâm, đầu tư cho Tây Nguyên thông qua các chương trình kinh tế, xã hội nhưng khi triển khai lại thiếu sự phối hợp đồng bộ giữa các ngành, các cấp nên hiệu quả còn quá thấp. Vì vậy, mới thấy chủ trương, chính sách là cần thiết nhưng việc làm như thế nào để đạt được mục tiêu chúng ta đề ra mới là yếu tố hết sức quan trọng.

Thủ tướng còn căn dặn rất nhiều điều xoay quanh cuộc sống đồng bào dân tộc thiểu số như đề nghị Gia Lai phải nắm thật cụ thể cả tỉnh hiện tại còn bao nhiêu hộ đồng bào dân tộc thiểu số đang sinh sống rải rác, nhỏ lẻ tại các bản, làng heo hút. Các hủ tục lạc hậu còn tồn tại nhiều không, đồng bào vùng sâu, vùng xa sống dựa vào gì là chủ yếu, ngành giáo dục, y tế có đáp ứng nhu cầu của đồng bào không. Nếu tiếp tục để bà con dân tộc thiểu số sống phân tán, thưa thớt trong rừng thì việc chống chọi với đói nghèo, bệnh tật sẽ còn triền miên, dai dẳng, do đó chúng ta cần chọn những vùng đất tốt tươi, màu mỡ, thuận lợi về giao thông để xây dựng cơ sở hạ tầng, quy hoạch, bố trí tái định cư cho họ để dần dần cải thiện cuộc sống.

Thủ tướng Võ Văn Kiệt cũng khẳng định, so với các tỉnh Tây Nguyên, Gia Lai có nhiều ưu thế lớn, có 5 khu công nghiệp như Chư Á, Trà Đa, Trà Bá, Hàm Rồng và Bắc Biển Hồ. Các vùng nguyên liệu Ayun Pa, An Khê đang tăng diện tích cây trồng, đây là những cơ sở thu hút nguồn lao động rất lớn nên lãnh đạo tỉnh quan tâm hơn nữa đến con em đồng bào dân tộc thiểu số, đưa số thanh niên vào các nông, lâm trường để họ có công ăn, việc làm ổn định.

Sau một ngày di chuyển, làm việc liên tục, nhưng khi về lại thành phố Pleiku lúc đèn đường đã bật sáng Thủ tướng Võ Văn Kiệt vẫn tranh thủ thời gian vào Bệnh viện thăm Anh hùng Núp, người con của dân tộc Bana, của buôn làng Stơr năm xưa đã lãnh đạo bà con Êđê, Bana đứng lên chống thực dân Pháp xâm lược đang điều trị tại đây. Cái bắt tay thật chặt và những lời thăm hỏi, động viên ân cần của Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã làm cho Anh hùng Núp xúc động rưng rưng…!

THÁI MỸ

;
;
.
.
.
.
.