Bằng lăng trong gió

.

Dạy xong tiết cuối cùng, Dương xách cặp bước nhanh chân xuống cầu thang, sợ tụi học trò nhìn thấy cô giáo khóc. Bao nhiêu năm đứng trên bục giảng, lần chia tay nào với học trò cuối cấp cũng khiến Dương rưng rưng. Dương chầm chậm dắt xe ra khỏi cổng trường thì nghe tiếng bác bảo vệ gọi lại rồi dúi vào tay Dương một lá thư bảo bưu tá mới đem tới trường lúc chiều. Dương dắt xe vòng lại sân trường, ngồi trên ghế đá bóc thư. Bên trong phong bì là một tấm thiệp mời Dương về trường cũ dự lễ kỷ niệm 20 năm ngày ra trường. Hai mươi năm rồi sao, thời gian trôi nhanh quá!

Minh họa: HOÀNG ĐẶNG
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG

Ngay lúc đó điện thoại Dương đổ chuông. Đầu dây bên kia là giọng Hoa sang sảng: “Tao mới nhận được thiệp mời về trường. Mày cũng sắp xếp về đi nhé, không đứa nào được vắng mặt. À, đợt này có Phong về nước đó. Mày nhớ Phong không, Phong Lì ấy…”. Ngực Dương như hẫng đi một nhịp khi Hoa nhắc tới Phong.

Nhà Dương nằm dưới chân một ngọn đồi tròn xoe như chiếc bát úp. Từ trường đạp xe về nhà phải qua một cánh đồng, con đường nhỏ xíu len lỏi giữa những đám ruộng hai bên mọc đầy cỏ may. Có một đoạn Dương rất hãi bởi những nấm mồ hoang lúp xúp. Những người đi soi ếch nhái đồn rằng, ban đêm họ thấy những ánh lửa lập lòe lượn lờ trên những nấm mồ hoang ấy. Có người còn quả quyết rằng họ còn nghe cả tiếng khóc ơ hờ của ma. Những câu chuyện vu vơ ấy khiến Dương nổi da gà mỗi bận đạp xe ngang qua cánh đồng.

Hồi đó, ăn cơm xong là tắt đèn đi ngủ chẳng ai ra đường nên con đường giữa đồng đã vắng lại càng thêm vắng, chỉ có tiếng ếch nhái râm rang. Mỗi sáng chưa tỏ mặt người, Dương run người đạp thật nhanh qua khu mả để đến lớp. Nhà Dương xa, phải đi học thật sớm mới kịp. Mỗi bận mùa mưa, vừa ra khỏi lớp Dương phải đạp xe ào ào vì sợ trời tối. Trong lớp chỉ có nhà Dương ở xa như thế còn lại đa phần đều ở gần chợ, gần trường. Tụi bạn trong lớp buổi sáng nhẩn nha đến trường, buổi chiều thong thả la cà hàng quà vặt mà chẳng sợ đường xa trời tối.

Dương trong lớp học khá môn văn còn các môn khác chỉ làng nhàng. Còn Phong với biệt danh “Phong Lì” được liệt vào hạng cá biệt của lớp. Phong đi học trễ,  Phong leo tường, Phong đánh lộn, Phong ngủ trong lớp, Phong vi phạm nội quy… Tuần nào giáo viên chủ nhiệm cũng lôi tên Phong ra nói trong giờ sinh hoạt khiến Dương thuộc lòng. Dương cũng chẳng quan tâm cho đến năm cuối cấp cô giáo xếp chỗ cho Phong ngồi cạnh Dương.

Ngồi gần, Dương mới nhận ra rằng không phải Phong học kém mà do Phong không muốn học. Dương càng ngạc nhiên hơn khi biết hồi cấp 2 Phong từng thi học sinh giỏi Hóa cấp huyện đoạt giải nhất. Trong giờ học Toán, Phong lôi vở ra ngồi làm thơ, giờ văn thì mơ màng nhìn ra cửa sổ, vở của Phong chép bài lộn xộn, bữa đực bữa cái. Hoa kể với Dương, má Phong mất năm Phong học lớp 9. Lên lớp 10, ba Phong cưới vợ mới nên từ đó Phong mới trở nên như thế. Một lần đi ngang chợ, Hoa chỉ cái tiệm tạp hóa to nhất bảo cửa hàng của nhà Phong đó. Ở khu chợ này, nhà Phong giàu nhất. Mỗi lần nhìn thấy Phong khoanh tay ngủ ngon lành trong lớp là Dương bực bội, sao có người giàu như thế, sướng như thế mà không biết hưởng.

Lớp 12, đứa nào cũng vùi đầu vào sách vở học ngày học đêm. Thi tốt nghiệp xong, rồi kế đến là kỳ thi đại học. Quê nghèo xơ xác, với những đứa học trò nghèo như Dương thì đại học là cánh cửa duy nhất để cuộc đời không gắn liền với ruộng đồng cấy hái. Thầy cô mở thêm lớp luyện ôn thi, tụi bạn học trên lớp xong tối tối lại cắp cặp đến nhà thầy cô học thêm. Dương cũng muốn đi học lắm nhưng nghĩ đến đoạn đường tối thui qua cánh đồng lại rợn tóc gáy.

Một bữa chủ nhật, tụi bạn trong lớp rủ nhau đạp xe vào nhà Dương chơi vì nghe Dương nói mấy cây ổi đang chín rộ. Đứa nào cũng thích thú khi đạp xe ngang qua cánh đồng lồng lộng gió, lúa mơn man xanh rì. Tụi bạn hỉ hả cười vui khi ngồi trước nhà Dương ăn mớ ổi chấm muối ớt Dương vừa hái xuống. Duy chỉ có Phong hỏi Dương đi học xa quá, đi ngang qua mấy nấm mộ có sợ không? Dương hơi khựng lại vì không ngờ Phong lại để ý. Dương gật đầu, sợ chứ, sợ đến nổi da gà nên buổi tối nào có dám đi học thêm để chuẩn bị thi đại học đâu!

Chuyện tưởng chỉ thế thôi mà ngờ đâu hôm sau lên lớp Phong nói với Dương đi học thêm đi Phong sẽ đưa Dương về. Phong có chiếc Cub, chạy cái vù là tới. Dương mắt tròn mắt dẹt tưởng Phong đùa bảo Phong có đi học thêm buổi tối đâu mà đòi đưa về. Phong cười vậy để Phong đi học thêm. Vậy mà Phong làm thật. Tụi bạn trong lớp tròn xoe mắt khi buổi chiều thấy Phong Lì tới lớp luyện thi. Hôm sau đến lượt Dương tới lớp. Tan học, Phong lái chiếc Cub song song bên xe đạp của Dương. Qua khu mả, tuy có Phong nhưng hai cánh tay Dương vẫn lạnh toát. Thấy Dương gồng hai tay, Phong cười Dương yếu bóng vía, có Phong đây thì còn sợ gì.

Phong nói từ hồi mất mẹ cuộc sống của Phong chẳng còn niềm vui nữa. Ba Phong cưới vợ mới, người đàn bà ấy nghiễm nhiên bước vào căn nhà của cha con Phong cứ như thể má chưa từng tồn tại. Ba ăn ngon lành những món ăn dì nấu mà quên mất cũng từng tấm tắc khen má nấu canh chua, kho cá ngon. Trong mắt ba hình như chỉ có dì. Phong không chấp nhận nổi chuyện ba đã quên mất má! Chiều chiều, Phong lại ngẩn ngơ lái xe ra nghĩa địa chỉ để nhìn mộ má rồi quay về. Về nhà, nhìn thấy người đàn bà xa lạ đó lòng Phong lại trào dâng sự giận dữ. Phong từ một học sinh nổi tiếng học giỏi, ngoan hiền trở nên bất cần đời. Học làm gì nữa khi không còn má? Ba muốn Phong siêng năng thì Phong làm biếng học, muốn Phong ăn mặc gọn gàng thì Phong để tóc dài, quần áo xộc xệch… Dương nghe xong thở dài, bảo làm như vậy có ích gì. Có chăng làm ba Phong buồn và khoét sâu nỗi cô đơn trong lòng Phong thôi.

Mùa mưa tới. Những cơn mưa dai dẳng triền miên kéo dài từ ngày này sang ngày khác khiến trời lạnh căm. Mấy ông bà già không chịu nổi cái lạnh ngồi hơ tay vào bếp củi. Trời lạnh, đi học đã là một cực hình huống chi những buổi tối cái lạnh như thấm sâu vào da thịt. Vậy mà Phong vẫn cần mẫn đưa Dương về tận nhà. Tan buổi tọc, Phong dúi vào tay Dương đôi bao tay bằng len thật dày, bảo mang vào lái xe cho ấm. Dương áy náy nhìn Phong quay đầu xe, bóng Phong lẫn vào bóng tối đặc quánh.

Một bữa đạp xe về đi ngang một cây me trĩu trái trong vườn nhà người ta, Dương buột miệng thèm me chấm muối ớt ghê. Bữa sau, Phong lôi trong cặp sách mấy chùm me để trên bàn nhăn mặt bảo chua lè chua loét mà ghiền cái gì. Dương cười tươi, chia cho Hoa và tụi bạn gái trong lớp. Vài bữa sau Dương mới biết Phong leo rào vô nhà người ta hái trộm bị chó rượt. Dương nhìn Phong cười tủm tỉm.

Dương rất hãi môn Hóa nhất là việc cân bằng phương trình. Vậy là giờ ra chơi, Phong ngồi chỉ thêm cho Dương. Tụi bạn trong lớp thấy hai đứa dạo này hay đi với nhau thì hay trêu, gán ghép “trời sinh một cặp”. Mặt Dương đỏ bừng nhưng mặt Phong vẫn lạnh tanh chẳng có biểu hiện gì. Chơi với Dương, Phong cười nhiều hơn. Phong không ngủ gà gật trong lớp hay chống đối thầy cô nữa. Dương nói mỗi người có một cuộc đời, hãy cho ba Phong lựa chọn cuộc đời mà ông muốn sống. Phong nhìn sững Dương cứ như thể người ngồi trước mặt mình không phải là cô bạn lớp 12. Dương dúi vào tay Phong một cuốn sách dày cộm bảo đọc đi, hay lắm. Những điều hay ho như thế Dương rút được từ trong sách ra cả.

Những ngày cuối năm học, bằng lăng nở tím sân trường. Dương thường ngẩn ngơ nhìn những hàng cây như choàng tấm khăn voan tím nhàu. Ngày coi điểm tốt nghiệp, Phong và Dương rối rít vui mừng khi cả hai đều đậu. Hồi đó thi tốt nghiệp xong mỗi đứa phải lên thành phố thi đại học. Dương đã đăng ký Sư phạm, còn Phong nói đã chọn cho mình Bách khoa. Cơn mưa chiều ập tới, hai đứa đứng nép dưới mái hiên đợi mưa tạnh. Dương nhìn Phong, lòng dâng lên những cảm xúc mơ hồi dịu ngọt. Phong đợi tạnh mưa, víu một cành bằng lăng bẻ xuống đưa cho Dương, bảo tặng làm kỷ niệm. Mai này nhìn những cánh bằng lăng bay bay trong gió thì nhớ tới Phong.

Ngày Dương thi đại học từ thành phố về thì mới hay tin Phong đã đi rồi. Không phải lên thành phố mà là sang một đất nước khác. Phong để lại cho Dương một lá thư nói rằng chuyện ba sắp xếp cho Phong đi định cư đã từ lâu lắm nhưng Phong không muốn nói vì sợ Dương buồn. Bên đất nước đó có dì ruột của Phong nên Dương đừng lo lắng gì cả. Những tháng ngày làm bạn với Dương là những ngày vui nhất từ sau mẹ Phong mất. Phong nói Dương ráng học tốt để làm cô giáo dạy văn như mơ ước của Dương… Mắt Dương nhòa lệ. Nhìn ra những nhành bằng lăng xơ xác cuối mùa. Vài bông hoa tím mỏng manh bám cành như cố níu mùa trôi vội vã.

Cửa tiệm tạp hóa giữa chợ của nhà Phong cũng được bán cho người khác. Nghe Hoa bảo, ba Phong đã dắt cả nhà lên thành phố ở. Hồi đó không có mạng xã hội, chẳng có gì để liên lạc nên thành ra Phong và Dương bặt tin nhau. Dương học sư phạm, ra trường đứng trên bục giảng làm cô giáo dạy văn. Rồi Dương lập gia đình, sinh con, cuộc đời đi theo một đường thẳng như vốn dĩ ai cũng phải như thế. Thỉnh thoảng mùa bằng lăng nở tím sân trường Dương bất giác nghĩ tới Phong. Nhớ những đoạn đường tối mịt mù hay trời lạnh căm luôn có Phong đưa Dương về.

Ngày kỷ niệm ra trường, Dương khoác lên bộ áo dài trắng tinh tươm. Hoa đã đến từ sớm, những người bạn lâu ngày gặp lại ríu rang níu tay nhau cười mà mắt rưng rưng. Hai mươi năm rồi, có người từ dạo ra trường mới gặp lại nhau. Dương cười với đám bạn nhưng mắt vẫn tìm kiếm một bóng dáng thân quen.
Phong kìa, dẫu thời gian làm cho chàng trai lãng tử ngày nào thay đổi nhiều nhưng ánh mắt không lẫn vào đâu được. Phong lịch lãm đứng nói chuyện với thầy cô. Hoa bảo, giờ Phong thành đạt, giỏi giang lắm. Đợt về nước này có cả vợ con của Phong nữa.

Phong quay qua chạm ánh mắt Dương, hơi sững lại một chút rồi Phong cười thật tươi. Phong gật đầu chào thầy cô rồi bước gần lại phía Dương. Bất chợt Phong níu lấy một nhánh bằng lăng trong sân trường, ngắt một chùm đưa cho Dương. “Hai mươi năm rồi, Dương có còn nhớ buổi chiều mưa trong sân trường năm ấy không?”

NGUYỄN THỊ NHƯ HIỀN

;
;
.
.
.
.
.