Đà Nẵng cuối tuần

Y TẾ DỰ PHÒNG

Phát huy vai trò của y tế dự phòng

10:02, 25/06/2023 (GMT+7)

Sau thời gian dài phòng, chống Covid-19, cùng với ngành y tế thành phố, khối y tế dự phòng đã phát huy tinh thần tiên phong trong công cuộc khám, chữa bệnh và cứu người. Năng lực công tác dự phòng của các đơn vị được nâng cấp, cơ bản đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong bối cảnh tình hình dịch bệnh nhiều diễn biến phức tạp. 

Cán bộ Trung tâmY tế quận Thanh Khê hướng dẫn khám, chữa bệnh cho người dân. Ảnh: KHÁNH HÒA
Cán bộ Trung tâm Y tế quận Thanh Khê hướng dẫn khám, chữa bệnh cho người dân. Ảnh: KHÁNH HÒA

Một ngày làm việc của nữ y sĩ L.T.T. T. (Bệnh viện Đa khoa quận Ngũ Hành Sơn) bắt đầu từ 6 giờ sáng với những công việc quen thuộc như tiếp đón và giải thích quy trình điều trị giúp bệnh nhân, hỗ trợ bác sĩ trong quá trình khám chữa bệnh cũng như lấy và trả kết quả xét nghiệm cho bệnh nhân… Là y sĩ được đào tạo bài bản, nắm vững chuyên môn, nghiệp vụ cùng tinh thần tận tụy, y sĩ L.T.T.T thường xuyên tham gia nhiều nhiệm vụ quan trọng. Công việc của nữ y sĩ L.T.T.T nói riêng, của nhiều đồng nghiệp khác nói chung là sự tổng hòa giữa công tác chuyên môn chuyên sâu với công tác y tế dự phòng.

Được thành lập trên cơ sở hợp nhất 5 đơn vị thuộc lĩnh vực y tế dự phòng vào năm 2018, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố (CDC) Đà Nẵng,  luôn bảo đảm triển khai đồng bộ và làm tốt công tác tham mưu Sở Y tế các hoạt động y tế dự phòng, trong đó có các bệnh không lây nhiễm. Bên cạnh đó, chỉ đạo tuyến quận, huyện, phường, xã làm tốt công tác tư vấn, truyền thông, giáo dục sức khỏe cho người dân trong phòng ngừa bệnh tật, nhất là các bệnh mạn tính, thường gặp như đái tháo đường, tim mạch, viêm xương khớp, loãng xương, tai biến, ung thư…

Theo bác sĩ Võ Thu Tùng, Phó Giám đốc Sở Y tế thành phố, công tác y tế dự phòng cùng khám, chữa bệnh và phục hồi chức năng là 3 lĩnh vực tạo nên thế “kiềng 3 chân” của hệ thống y tế. Hiện nay, công tác này được triển khai hiệu quả, cơ bản bảo đảm tiến độ mục tiêu đề ra tại các kế hoạch từ đầu năm. Trong đó, Covid-19 vẫn có trong cộng đồng, ghi nhận 10-15 ca mắc/tuần; bệnh sốt xuất huyết có dấu hiệu giảm liên tục từ tháng 4 đến nay; bệnh tay chân miệng tăng trong 3 tuần gần đây, tuy nhiên đang trong tầm kiểm soát. Thành phố chưa ghi nhận ca tử vong do sốt xuất huyết, tay chân miệng, chưa ghi nhận bệnh truyền nhiễm nguy hiểm. Các bệnh truyền nhiễm khác chưa ghi nhận lây lan, bùng phát thành dịch.

Các hoạt động y tế dự phòng khác cũng đang được các đơn vị triển khai tốt như công tác phòng, chống HIV/AIDS, các hoạt động về bảo đảm dinh dưỡng, sức khỏe môi trường, y tế trường học, sức khỏe sinh sản, tiêm chủng vắc-xin phòng bệnh, truyền thông, tư vấn, giáo dục sức khỏe… Nhiều đơn vị chủ động cung cấp thông tin và hướng dẫn người dân thực hiện các biện pháp bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe, nhận được các phản hồi tích cực từ cộng đồng. Công tác khám sàng lọc, phát hiện, dự phòng bệnh không lây nhiễm đang được triển khai trên địa bàn một số quận, huyện.

Tính đến ngày 31-12-2022, số lượng nhân viên làm việc cơ hữu và ngoài cơ hữu tại các đơn vị y tế thuộc lĩnh vực dự phòng là 470 người. “Làm tốt công tác y tế dự phòng là thực hiện phòng, chống dịch bệnh hiệu quả đối với người chưa mắc bệnh, phòng biến chứng, tử vong đối với người đã mắc bệnh, góp phần quan trọng trong công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân. Chính vì thế, hệ thống y tế dự phòng cần chủ động sẵn sàng mọi nguồn lực, đồng thời thường xuyên cập nhật, theo dõi, giám sát các diễn biến của dịch bệnh, từ đó xác định vấn đề ưu tiên, lập kế hoạch, phương án ứng phó với từng tình huống, mức độ của dịch bệnh, không để bị động, bất ngờ.

Bên cạnh đó, hệ thống y tế dự phòng cần thường xuyên tập trung đánh giá, kiện toàn năng lực, chủ động nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ năng phân tích, nhận định tình hình, xử lý các tình huống bảo đảm an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh theo hướng dẫn chuyên môn và theo quy định của pháp luật”, bác sĩ Võ Thu Tùng khẳng định.

Cùng quan điểm, bác sĩ Phạm Trúc Lâm, Phó Giám đốc CDC Đà Nẵng cho rằng, qua việc ứng phó với Covid-19, có thể thấy, công tác y tế dự phòng cần có sự chủ động, linh hoạt trong phán đoán tình hình, chuẩn bị tốt cơ sở vật chất hạ tầng cũng như bảo đảm công tác khám chữa bệnh. Bên cạnh đó, cần huy động sự vào cuộc của cả cộng đồng trong những tình huống bất ngờ; có cách thức ứng phó trong phạm vi rộng - hẹp, linh động bố trí, điều chỉnh nguồn nhân lực phù hợp.

KHÁNH HÒA

.