Báo Tiếng Dân và lần 'lỗi hẹn' với Đà Nẵng

.

Theo cách nói của người Quảng thì dù “nói đến rớt răng” Huỳnh Thúc Kháng vẫn không thuyết phục được người Pháp cho ông đặt trụ sở báo Tiếng Dân - tờ báo đầu tiên của miền Trung - tại Đà Nẵng. Họ “cắn răng” buộc tờ báo phải dời trụ sở ra Huế. Người Pháp muốn kiểm soát một cách “nghiêm ngặt” tờ báo do một cựu tử tù làm chủ nhiệm kiêm chủ bút.

Thư cụ Huỳnh Thúc Kháng gửi Khâm sứ Trung Kỳ ngày 14-12-1926, có bút tích và chữ ký. Ảnh: L.T
Thư cụ Huỳnh Thúc Kháng gửi Khâm sứ Trung Kỳ ngày 14-12-1926, có bút tích và chữ ký. Ảnh: L.T

Tờ báo đầu tiên ở miền Trung

Cho đến giữa năm 1926 khi Huỳnh Thúc Kháng gửi đơn xin ra báo, thì ở miền Trung chưa có tờ báo Quốc ngữ nào. Giới “tinh hoa” của khu vực, từ Bình Định trở ra lúc này đọc chủ yếu hai tờ báo phát hành ở miền Bắc là Trung Bắc tân văn (1915-1943) của Nguyễn Văn Vĩnh[1] và Nam Phong tạp chí (1917-1934) của Phạm Quỳnh.

Nên nhớ tờ báo Quốc ngữ đầu tiên của nước ta là tờ Gia Định báo của Trương Vĩnh Ký, phát hành số đầu tiên từ rất sớm, ngày 15-4-1865. Sau đó khu vực Nam Kỳ (mà chủ yếu là Sài Gòn) là nơi có nhiều tờ báo Quốc ngữ nhất nước với một số tên tuổi nổi bật: Phan Yên báo (1868), Nông cổ mín đàm (1901), Lục tỉnh tân văn (1907), Công Luận báo (1916), Nữ giới chung (1918), Đông Pháp thời báo (1923-1928).

Ở miền Bắc, báo Quốc ngữ ra trễ hơn, nhưng từ 1905 đã xuất hiện tờ báo song ngữ (chữ Hán và chữ Quốc ngữ) Đại Việt tân báo của nhóm Babut - Đào Nguyên Phổ - Phan Châu Trinh (1905-1908). Sau đó hai năm tờ song ngữ Đại Nam Đăng cổ tùng báo của nhóm Schneider - Nguyễn Văn Vĩnh cũng ra đời dù chỉ “sống” được 7 tháng. Đến thập niên 20 của thế kỷ XIX tại Hà Nội có 17 tờ báo và tạp chí trong số đó có 5 tờ nhật báo, với một số tờ báo tiêu biểu như Thực nghiệp dân báo (1920-1933), Hữu Thanh (1922-1924), An Nam tạp chí (1926), Hà Thành ngọ báo (1927)…

Tại miền Trung, phải đợi đến năm 1926 mới nói chuyện ra báo: Ngày 8-10-1926, Huỳnh Thúc Kháng với tư cách Viện trưởng Viện Dân biểu Trung Kỳ đã chính thức gửi đơn Xử lý thường vụ Toàn quyền Đông Dương là Pierre Pasquier để xin ra một tờ báo Quốc ngữ lấy tên là Tiếng Dân, đặt trụ sở tại Tourane (Đà Nẵng) trong đó ông là Chủ nhiệm kiêm Chủ bút cùng Ban trị sự là Đào Duy Anh, Nguyễn Xương Thái, Trần Đình Phong… với lý do “cả dải đất miền Trung chưa có tờ báo nào” và với mục đích “sử dụng cơ quan ngôn luận này để phổ biến những tư tưởng ôn hòa hầu đưa vào kỷ luật những khuynh hướng dị biệt biểu lộ tại một khúc quanh khó khăn của sự tiến hóa tại An Nam (Trung Kỳ), và hướng dẫn dân chúng tiến bộ trong trật tự và hòa bình”.

Ngày 6-12-1926, thừa lệnh Toàn quyền Đông Dương, Khâm sứ Trung Kỳ là D’Elloy đã thông báo nhà cầm quyền Pháp đồng ý về nguyên tắc với đơn xin ra báo của Huỳnh Thúc Kháng nhưng với điều kiện: phải dời trụ sở ra Huế.
Ngày 12-2-1927, Pasquier ký Nghị định cho phép Huỳnh Thúc Kháng xuất bản tờ Tiếng Dân và ngày 10-8-1927 số báo Tiếng Dân đầu tiên được phát hành, mở đầu cho lịch sử báo chí miền Trung.

Báo Tiếng Dân “lỗi hẹn” với Đà Nẵng

Dựa vào 21 tài liệu còn trong kho Văn khố của Tòa Khâm sứ Trung Kỳ tại Trung tâm lưu trữ Quốc gia 2 ở Thành phố Hồ Chí Minh, cho biết Huỳnh Thúc Kháng đã nỗ lực hết mình để thuyết phục người Pháp chấp thuận việc đặt trụ sở báo Tiếng Dân tại Đà Nẵng.

Trong đơn xin ra báo gửi Toàn quyền Đông Dương, Huỳnh Thúc Kháng đã nhờ viên Đốc lý Tourane chuyển với hàm ý cho chính quyền Pháp biết việc đặt trụ sở báo tại đây đã được sự đồng tình ủng hộ của người đứng đầu “nhượng địa”.

Khi người Pháp bắt phải dời trụ sở ra Huế, Huỳnh Thúc Kháng đã nhiều lần thuyết phục người Pháp. Trong thư ngày 26-11-1926 gửi Khâm sứ Trung Kỳ, ông đã đưa ra 3 lý do cơ bản: (a) Đà Nẵng là thành phố thương mại, trong khi Huế là một trung tâm văn hóa, nơi có nhiều trào lưu tư tưởng và chính kiến dị biệt, chắc chắn có những tư tưởng không phù hợp với chủ trương ôn hòa và mục tiêu giáo huấn đám đông của Tiếng Dân; (b) Dân trí người Việt còn lạc hậu, ông muốn báo Tiếng Dân ít bị ảnh hưởng vì những áp lực chính trị đa tạp như ở Huế; (c) Công ty Huỳnh Thúc Kháng của ông đã quyết định chọn Đà Nẵng để đặt trụ sở tòa soạn rồi, nay phải dời ra Huế thì chi phí sẽ rất nặng, gây khó khăn cho công ty còn rất nghèo.

Huỳnh Thúc Kháng đã xin gặp riêng cả Khâm sứ Trung Kỳ (ngày 15-12-1926) lẫn Toàn quyền Đông Dương (ngày 14-1-1927) để “nói thêm”, “nói cho rõ” việc đặt trụ sở báo ở Đà Nẵng. Nhưng những cố gắng của Huỳnh Thúc Kháng đều không thành vì người Pháp muốn kiểm soát nghiêm ngặt tờ báo. Mấy sự kiện sau cho thấy điều đó.

Chỉ 4 ngày sau khi cho phép ra báo, ngày 16-2-1927, Khâm sứ Trung Kỳ chỉ thị cho Sở Liêm phóng phải giám sát kỹ lưỡng và thường xuyên báo Tiếng Dân và một tháng sau Giám đốc sở Liêm phóng Trung kỳ L.Sogny trình cho Khâm sứ một kế hoạch “kiểm soát” báo Tiếng Dân. Theo đó, đích thân Sogny sẽ theo dõi tờ báo, sẽ là người trực tiếp và thường xuyên liên hệ với chủ nhiệm Huỳnh Thúc Kháng. Giúp việc cho Sogny là một ban kiểm soát gồm Bùi Văn Cung, công dân Pháp, thông dịch viên giao kèo của Sở Liêm phóng; Đoàn Nẫm, thư ký của đoàn đại biểu Pháp tại Bộ Lại; Đặng Thái Vận, nhân viên của Sở  Liêm phóng.

Mỗi số báo (mỗi tuần hai số vào thứ Tư và thứ Bảy) phải nộp trước 2 ngày cho Sở Liêm phóng 2 bản vỗ (có bản dịch ra tiếng Pháp). Sau khi kiểm duyệt, một bản sẽ lưu, một bản sẽ trả lại cho chủ nhiệm Huỳnh Thúc Kháng. Bản trả lại phải có chữ ký của Sogny. Nếu Sony vắng mặt thì sẽ do Dussaut, “cò” đặc biệt của sở Liêm phóng ký thay. Trên bản trả lại cho chủ nhiệm phải có ghi câu: “Visa pour publication” (cho phép xuất bản) thì mới đủ tư cách pháp lý.

Báo ấn hành xong phải nạp 2 bản, một tại kho lưu trữ của tòa Khâm sứ, và một tại kho lưu trữ của cảnh sát rồi mới được phát hành.

LÊ THÍ

(1) Nhận lời hợp tác với François Henri Schneider, người Pháp gốc Đức, Nguyễn Văn Vĩnh tổ chức xuất bản tờ báo bằng chữ Quốc ngữ đầu tiên ở Bắc Kỳ, tờ Trung Bắc tân văn.

;
;
.
.
.
.
.