Đà Nẵng cuối tuần

UNESCO kêu gọi cứu Venice

05:55, 13/08/2023 (GMT+7)

Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hợp Quốc (UNESCO) mới đây đã đề nghị đưa thành phố Venice của Ý vào danh sách các di sản thế giới bị đe dọa. UNESCO kêu gọi chính phủ Ý tăng cường hơn các nỗ lực để bảo vệ thành phố lịch sử này cũng như khu vực đầm phá xung quanh.

Khu vực phía trước quảng trường St. Mark bị ngập nước cao hơn bình thường tại Venice, Ý ngày 1-8-2023. Ảnh: Reuters
Khu vực phía trước quảng trường St. Mark bị ngập nước cao hơn bình thường tại Venice, Ý ngày 1-8-2023. Ảnh: Reuters

Trong khuyến nghị của mình, cơ quan văn hóa của Liên Hợp Quốc cho rằng, Venice đang có nguy cơ bị tổn hại ở mức “không thể đảo ngược” do một loạt các vấn đề, từ biến đổi khí hậu cho tới quá tải du khách vì du lịch đại trà. Khuyến nghị đưa Venice vào danh sách di sản bị đe dọa sẽ được mang ra bàn thảo tại kỳ họp trong tháng 9-2023 ở Riyadh (Saudi Arabia) của Ủy ban Di sản thế giới.

Nhiều nguy cơ bủa vây

“Sự can thiệp của con người, trong đó có sự phát triển liên tục, ảnh hưởng của biến đổi khí hậu và du lịch đại trà đang đe dọa gây ra những biến đổi không thể đảo ngược đối với những giá trị phổ biến, nổi bật của di sản”, thông báo của UNESCO nêu.

Cũng theo cơ quan văn hóa của Liên Hợp Quốc, hiện vẫn chưa thấy có “mức độ tiến bộ đáng kể nào trong việc giải quyết các vấn đề phức tạp và dai dẳng” lâu nay liên quan đến tình hình báo động tại Venice. Các chuyên gia của Liên Hợp Quốc cũng cho rằng, các biện pháp mà chính phủ Ý đề xuất nhằm khắc phục tình hình là “vẫn chưa đủ và cần được tăng cường thêm”.

Vì lẽ đó UNESCO hy vọng việc đưa Venice vào danh sách di sản bị đe dọa “sẽ tạo ra quyết tâm và sự huy động lớn hơn từ các bên có trách nhiệm ở địa phương, quốc gia và quốc tế”. Việc UNESCO gắn nhãn “bị đe dọa” với một di sản thế giới là nhằm kêu gọi các nỗ lực bảo vệ, bảo tồn tốt hơn nữa với di sản đó trong tương lai. Trong những tình huống đặc biệt, một địa danh có thể bị tước danh hiệu “di sản thế giới” nếu các bước hành động sau khi bị gắn nhãn vẫn chưa đáp ứng yêu cầu của cơ quan văn hóa Liên Hợp Quốc.

“Vẫn chưa đủ”

Thành phố Venice của Ý được đưa vào danh sách Di sản thế giới năm 1987 nhưng tình trạng bị đe dọa của di sản này đã được UNESCO cảnh báo trong vài năm qua. Hồi năm 2021, thành phố lịch sử này tránh khỏi việc bị gắn mác di sản bị đe dọa sau khi quyết liệt thực thi việc cấm các du thuyền lớn đi vào khu trung tâm thành phố.

Thực tế cho thấy, ngay tại Venice, khi thông tin về khuyến nghị của UNESCO được công bố, trong dư luận cũng đã có những ý kiến đồng tình, cho rằng tình trạng hiện nay ở Venice khiến nhiều người thất vọng. “Không thể kiểm soát nổi”, anh Antonio Vertotto, một người dân sống bằng nghề chèo thuyền đưa du khách di chuyển tại Venice nói với AFP về tình trạng quá đông du khách đổ tới thành phố mỗi ngày. Anh cũng cho rằng trong suốt nhiều năm, chính phủ Ý đã “không làm gì” để kiểm soát tình hình.

“Quá nhiều khách du lịch nhưng giải pháp là gì thì thật khó nói”, anh Valmir Reznik, 34 tuổi, một du khách từ Thụy Sĩ tới Venice cùng vợ chia sẻ. “Tôi đã nghĩ hôm đó là thứ hai chắc sẽ không quá đông, nhưng chúng tôi đã lầm”.

Thực tế thời gian cho thấy không chỉ Venice, một số di sản thế giới khác cũng đang bị đe dọa vì biến đổi khí hậu và quá tải du khách. Trong thông báo mang tính khuyến nghị với các quốc gia ngày 31-7,

UNESCO cũng cho biết các chuyên gia của họ tin là Australia cần có thêm thời gian để tăng cường bảo vệ rạn san hô Great Barrier trước khi nó bị liệt vào danh sách “bị đe dọa” do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu. Theo đó, trên cơ sở những tiến bộ của Australia, UNESCO cho biết tình trạng hiện tại của rạn san hô chưa cần được đưa ra bàn thảo tại kỳ họp ở Riyadh tới đây, nhưng sẽ được xem xét lại vào năm 2024.

Ủy ban Di sản thế giới (gồm 21 nước thành viên) - đơn vị phụ trách việc trao danh hiệu cho các địa danh trên toàn cầu và giám sát tình trạng của 1.157 di sản đã được trao danh hiệu - sẽ họp tại Riyadh từ ngày 10 đến 25-9. Cũng tại kỳ họp này, theo AFP, dự kiến Ủy ban sẽ xem xét đề nghị bổ sung 53 địa danh mới và đánh giá lại hơn 200 địa danh để quyết định xem có cần phải đưa chúng vào danh sách di sản bị đe dọa không.

TRẦN ĐẮC LUÂN (theo AFP, Reuters)

.