Đà Nẵng cuối tuần
Xong đời!
1.“Thôi, xong đời”. Đó là câu cửa miệng của ông Phúc mỗi khi gặp chuyện gì đó xui rủi. Mà cuộc đời ông, ngoảnh qua ngoảnh lại thấy chỉ toàn xui rủi. Ông đến xóm này lúc dân cư còn thưa thớt. Mà thời đó, từ trung tâm thành phố dạt ra chừng hơn kilomet là đã thấy thưa thớt rồi. Hồi ông Tư ghé tai ông Phúc nói có căn nhà đằng kia bán rẻ lắm, đúng với mức tài chính ông Phúc đang có, mua đi, thoát đời ở trọ.
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG |
Ông Phúc nghe mừng húm, liền hỏi xem ở đâu. Lăng Cha Cả - ông bạn trả lời làm ông Phúc hụt hẫng.
- Tưởng đâu đó gần gần, chứ Lăng Cha Cả đạp xe tụt quần chưa tới nơi.
- Ủa, mà đạp xe đi đâu cho phải tụt quần?
- Ừ thì “Nhất cận thị, nhì cận giang, tam cận lộ” mà. Nơi khỉ ho cò gáy ấy có “cận” gì đâu?
Đến bây giờ, sau vài chục năm mà trong những cuộc trà dư tửu hậu, ông bạn chí cốt vẫn nhắc cái vụ mảnh đất giờ thành đất vàng ở Lăng Cha Cả. Hồi đó chỉ là kênh rạch chằng chịt, đường xá còn chưa thành hình mà giờ mọc lên những tòa nhà chọc trời. Khu thương mại sầm uất sực nức mùi thượng lưu.
- Giờ, một mét đất ở đó thôi, ông biết bao nhiêu không?
- Ừ thì có ai ngờ được mọi thứ thay đổi đến chóng mặt như vậy.
- Mà ở đời, nếu như “ngờ” ra được mọi thứ, chắc ai cũng giàu kếch xù rồi hen. Chẳng hạn, nếu biết chiều nay ra số gì, mình đã đi mua vé số.
- Bởi, ai mà biết đất nào sẽ là đất vàng.
- Nhưng chẳng phải ông bà mình nói “mua vàng thì lỗ, mua thổ thì lời” đó sao?
- Đúng vậy, nhưng sao ông bà mình không mua, để nghèo kiệt xác đến đời con cháu?
- Vì, có làm lụng cả đời cũng chỉ đủ ăn chứ dư giả gì mà mua nhà với đất.
Cuộc nói chuyện của hai ông già chỉ quẩn quanh những chuyện ngày xưa, những cơ hội vụt khỏi tầm
tay. Rồi khề khà chén trà, ly rượu ngắm chiều trôi.
Có hôm, ông Phúc từ chối ly rượu, bảo thằng Đức - con trai ông - mà ngửi thấy mùi rượu là nó càm ràm.
Cái thằng, đàn ông mà nói nhiều không thua gì đàn bà. Tánh thằng Đức kỹ vậy mà không qua nổi con vợ, có cái nhà trú nắng mưa cũng bán đi. Thiệt, lấy phải vợ như vậy là thôi, xong đời!
Chuyện thằng con ông Phúc bán nhà, ai cũng biết. Biết, vì đến gần cuối đời, ông quay trở lại ở trọ. Ở trong chính khu nhà từng là của mình. Ông không dám trách con trai nửa lời. Trách là trách chính mình, không dưng chưa chết mà để của hồi môn sang tên căn nhà cho thằng con trai. Chẳng may vợ nó hùn hạp làm ăn gì đó với người ta, rồi mất hết. Sổ đỏ vay ngân hàng cũng bị siết.
Căn nhà ông dành dụm cả hơn nửa cuộc đời mới mua được, nghĩ sẽ để cho cháu nội, vì ông hiểu thời buổi này tứ cố vô thân mà kiếm tiền mua nổi căn nhà để ở là rất khó. Giá nhà đất trên trời. Với lại, nếu không phải lo đến chỗ ở, cuộc sống sẽ nhẹ nhàng hơn nhiều lắm. Nhưng ngờ đâu chưa qua hết đời ông
Phúc thì căn nhà đã không giữ được.
Hôm chủ mới đến nhận nhà, thằng Đức quỳ sụp xuống chân ông Phúc mà tạ tội. Nhìn cái thân hình to cao vạm vỡ của nó, ông Phúc chỉ nhớ đến ánh mắt trẻ thơ long lanh của thằng con mỗi khi vui. Ánh mắt ấy đủ động lực để ông dốc sức làm quần quật từ sáng đến tối, ai thuê gì làm đó, cốt chỉ kiếm ra đồng tiền cho nó giữ mãi nụ cười, và cả bù đắp cho sự thiếu thốn tình mẹ từ nhỏ của thằng bé.
Lần bán nhà đó, ông Phúc không thốt ra câu “xong đời” như mọi khi. Ông chỉ lẳng lặng dọn bàn thờ, lau chùi di ảnh vợ thật sạch, cẩn thận gói trong lớp báo rồi sắp vào chiếc túi đựng hồ sơ giấy tờ các loại. Xong, ông ra góc quán trước nhà ngồi uống trà.
Ở góc đó, ông nhìn thấy thằng cháu nội quấn lấy chân mẹ, nói mẹ ơi đừng đi, con muốn ở nhà có mẹ. Thằng con trai ông cũng đứng cách đó một đoạn. Nó khoác sẵn bộ đồng phục chuẩn bị đi làm sau khi đã dọn sạch đồ qua căn phòng thuê cạnh đó. Ông hiểu từ nay, nó lại tiếp tục hành trình làm việc quần quật để có thể mua lại căn nhà che nắng mưa cho thằng con nhỏ.
Bữa đó, vị trà ở quán bà Hai sao bỗng dưng đắng quá!
2. Có nhà ở thì quá tốt, nhưng không có cũng không sao. Cái ý nghĩ ở nhà thuê là tạm bợ dần mờ nhạt trong tâm trí ông Phúc. Cuộc đời này mọi thứ đều là tạm bợ, hay nói đúng hơn, chẳng có gì là của mình cả.
Hôm bác sĩ báo tình hình sức khỏe của ông Phúc, ông tỏ ra bình thản hơn. Vẻ bình thản đó gửi tín hiệu đến thằng Đức rằng, ông đón nhận mọi thứ trong bình yên. Sống chết có số cả rồi. Với lại, người giàu có, sợ không xài hết của cải thì mới tiếc cuộc đời, chứ ông có gì để mà lưu luyến.
Buổi chiều, ngồi khề khà ly trà với ông Tư, ông Phúc chẳng giấu gì, kể một lèo bệnh tình, rồi buông câu:
“Thôi, coi như xong đời!”.
Chiều muộn, ông Phúc đang nằm trên chiếc ghế mây xem báo thì có tiếng ồn ào ngay trước cửa căn nhà trọ. Ông ra mở cửa, nhưng nhóm người đó không có ý định vào nhà, hình như đang đôi co vấn đề gì đó. Mọi âm thanh đều lọt vào tai ông Phúc, nhưng vì đó là thứ tạp âm nên ông chẳng nghe rõ câu chuyện gì. Thật lâu sau, một người phụ nữ tiến đến thẳng cánh cửa, nói với ông Phúc rằng vì có chút vấn đề từ căn nhà, nên hiện tại họ không cho thuê nữa. Theo quy định trong hợp đồng thuê nhà thì ông Phúc sẽ dọn đi sau 1 tháng. Khi ấy, thanh âm từ người phụ nữ vẫn còn nguyên dư âm của sự bực nhọc, dù ông Phúc chẳng liên can gì.
Ông Phúc nghĩ đến cảnh một lần nữa dọn dẹp bàn thờ. Dù mỗi lần dọn, ông đã hết sức nâng niu khung ảnh của vợ, nhưng vẫn không tránh được cảm giác có lỗi…
Ông bà mình nói đâu có sai, có an cư mới lập nghiệp được. Nhưng thằng Đức thì nghĩ nhẹ nhàng hơn, nó nói với ông Phúc: “Ba đừng lo, sẽ ổn cả!”.
3. Chủ nhà không cho thuê nữa vì xảy ra tranh chấp tài sản. Ông cụ mất đi không kịp để lại di chúc cho con cái. Những đứa kề cận chăm sóc ông cho đến lúc nằm xuống, không cam lòng khi những đứa con khác nhởn nhơ chẳng quan tâm ông, chỉ đợi ông chết để về đòi chia của. Giờ, tiền cho thuê nhà cũng đòi chia đều nên thành ra cãi nhau, nghỉ cho thuê. Thằng Đức nghe được, nói với ông Phúc: “Người giàu có, nhà cửa thừa ra, chưa chưa chắc đã hạnh phúc hen ba?”.
Căn nhà trọ Đức dọn sang cũng không cách xóm cũ bao nhiêu. Đức nói với ông Phúc, chủ nhà đi nước ngoài ở luôn rồi, giao cho đứa cháu nên họ cho thuê lâu dài, ba cứ yên tâm ở. Chắc ý nó muốn nói với ông Phúc là “ba yên tâm ở đến cuối đời”, nhưng chỉ dừng lại ở đó.
Căn nhà trọ lần này trong con hẻm rộng hơn, có cả vườn cây đúng như mong muốn của ông Phúc. Thằng Đức kê sẵn bộ bàn trà nhỏ để ông Phúc ra ngồi mỗi sáng. Bạn bè ông Phúc ở xóm cũ vẫn có thể đi bộ sang chơi. Họ đến còn khen không khí căn nhà này dễ chịu hơn hẳn. Ông Phúc cũng thấy vậy, những cơn khó chịu trong người cũng giảm đi rõ rệt.
Mỗi buổi sáng, trong lúc ngồi uống trà, ăn sáng, ông Phúc đều nhìn thấy cặp vợ chồng trẻ ríu rít trước đường. Cả hai đưa con đi học, rồi đi làm đến chiều muộn với về. Người chồng mặc bộ đồ nhàu nhĩ, đoán chừng làm thợ hồ, thợ sơn gì đó, nhưng ở họ toát lên vẻ hạnh phúc rạng ngời.
Nhìn họ, ông Phúc chạnh lòng thương cho thằng Đức, phải chi nó cũng có tổ ấm đề huề thì ông có nhắm mắt cũng yên lòng. Cái thằng, hai vợ chồng rạn nứt vậy mà nó vẫn giữ nguyên nét mặt. Nhiều lúc ông Phúc không thể đoán được nó vui hay buồn, cứ lầm lũi. Vẻ lầm lũi đó y như ông thời trẻ. Phải chi nó thở than, ông cảm thấy dễ chịu hơn.
Tưởng khỏe lại nhưng ông Phúc cứ xìu đi dần, mắt kèm nhèm không còn nhìn rõ, tay chân như đi mượn. Mỗi buổi sáng, Đức phải dìu ba đi bộ một đoạn để chân tay bớt uể oải. Nhưng ông cũng chỉ đi vài bước ra đến đầu ngõ là khụy xuống.
Chiều tà, Đức lại nhờ người đến thăm khám, đo huyết áp cho ông Phúc. Khi ấy, ông Phúc chẳng còn nhìn rõ nữa. Nhưng cảm nhận được sự tận tụy của cô y tá. Ban đầu chỉ là thăm khám, sau đó bón cho ông từng muỗng cháo, lau từng cánh tay khẳng khiu của ông… Có ngày, không rõ là mê hay thực, ông Phúc còn thấy cô y tá tất bật trong gian bếp nấu nướng. Ông còn nghe thằng cháu nội gọi cô y tá là “mẹ”.
Một ngày, ông Phúc ngơ ngác hỏi cô y tá: “Nấu bột đút cho thằng Đức, nó đói rồi!”. Cô y tá hoảng hốt khẽ lay ông Phúc, buột miệng hỏi: “Ba ơi, ba sao vậy?”.
Hình như ông Phúc cũng nhận ra điều gì đó, mặt ông giãn ra. Bây giờ thì ông yên tâm rồi. Hôm qua, thằng Đức cũng thủ thỉ vào tai ông, rằng một lần, nó đọc báo thấy có vụ tai nạn thương tâm ở quê vợ, mà người trong di ảnh sao mà giống vợ Đức quá. Lúc ấy, Đức đã nghĩ mình sẽ bỏ qua hết, chỉ cần cô ấy còn sống. Rồi Đức tất tả về quê tìm vợ. Vợ Đức cũng hối hận lắm, nói rằng cô ấy biết mình có lỗi, chẳng còn mặt mũi nào nhìn mặt ba chồng. Đức cũng nói lòng dạ ba rộng thênh thang, hơi đâu chấp nhất con cái. Nhưng vợ Đức nói sẽ đi học một cái nghề để làm lại từ đầu, khi có sự nghiệp trong tay mới dám gặp lại ba chồng.
Ông Phúc nghe hết, nhưng cứ nửa mê nửa tỉnh, không thể phân biệt được đó là thực tại hay chỉ là giấc mơ.
Lần này, giọng cô con dâu rõ hơn: “Ba ơi, con xin lỗi ba, ba khỏe lại ở với tụi con nha ba?”. Ông nghe hết, biết rõ không còn là mơ nữa. Trên môi ông nở nụ cười.
Lúc Đức chạy về tới, còn kịp nhìn thấy nụ cười của ba trước khi hai mắt khép hẳn.
Trong đám tang ông Phúc, những người bạn già của ông nói với nhau, thật may mà thằng Đức kịp mua lại căn nhà để cuối đời ông Phúc cũng được chết trong căn nhà của mình. Thôi, coi như vậy cũng xong đời!
LA THỊ ÁNH HƯỜNG