Hỏi nhà Năm Râu, người ta chỉ liền tới căn có cây xoài trước cổng. Dễ kiếm lắm. Cây xoài có cái thế cong nghiêng một bên, như người đứng lệch lâu năm chưa sửa dáng kịp.
Cây xoài đó cũng như con ông Năm, là dân thành phố về. Từ ngày về đây, chưa mùa nào nó đậu trái nổi, nhưng nó nổi tiếng trong xóm không phải vì chuyện đó. Nó có hẳn một câu chuyện riêng, li kì lắm.
Mặc kệ thằng con khuyên tới khuyên lui, ông bà cứ đi đi lại lại giữa quê và phố. Tháng này lên chơi với con, tháng sau ở quê chăm lo vườn tược. Hơi cực một chút nhưng cảm giác giàu có lắm, cứ như được đi du lịch liên tục - ông Năm Râu hay nói giỡn với hàng xóm vậy. May nhờ mấy chai thuốc rượu gia truyền, chuyện tàu xe cũng đỡ hành hạ tấm lưng già cả.
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG |
Cho tới khi vợ thằng Thành sinh đứa thứ hai, ông bà Năm phải dọn lên thành phố ở lâu. Chắc phụ chăm cháu tới khi cứng cứng mới về lại được. Nhà cửa vườn cây sợ bỏ lâu lạnh lẽo, ông đành giao chìa khóa nhờ hàng xóm qua coi giúp. Ở quê mà, sống bằng tình nghĩa, mấy chuyện này người ta sẵn sàng.
Lên thành phố cái gì cũng tiện. Muốn đi đâu thì bắt xe ôm công nghệ, muốn mua gì gọi cái là siêu thị giao tới tận cửa. Chỉ buồn chân buồn tay, nhà chung cư nhỏ xíu không rộng rãi như đất quê. Thêm cái nữa là thiếu vắng cây cối. Cả chung cư thiếu màu xanh, mỗi lần mưa nhìn càng rầu thúi ruột. Được cái nhà con ông ở dưới, có khoảng sân nhỏ, ông Năm trồng mấy loại cây ngó cho vui mắt.
Chọn cây gì để trồng cũng là vấn đề phải cân nhắc. Bà Năm sợ ở không lâu, trồng mấy loại rườm rà mai mốt không ai chăm để héo chết uổng lắm. Bà ưng trồng rau, như mồng tơi, xà lách nhật,… Không thì trồng đuôi chuột, chùm ngây, ăn vừa ngon vừa có vị thuốc. Ông Năm thì mê mấy cây ăn trái hơn. Phải trồng một cây dừa, hay bưởi mận chi đó, nhìn đỡ nhớ quê. Bà Năm cự liền. Cái sân nhỏ quá, thiếu đất sao trồng nổi cây lớn. Rồi ai mà chăm. Rồi lấn qua nhà hàng xóm người ta than phiền. Đủ thứ chữ rồi khiến ông Năm nản. Ông đành tuân lệnh bà.
Nhưng ông vẫn làm theo cách của ông. Ông từ chối liền, khi thằng con kêu để con đặt cửa hàng giao hạt giống. Đã trồng cây cho đỡ chán, cho vui vẻ hơn mà làm vậy hết cả thú vị. Với lại ông cũng không tin tưởng mấy loại hạt ngâm hóa chất đóng bịch đó, mấy lần mua hạt hoa về gieo có lên cây nào đâu. Ông rủ bà, chiều mát đi tản bộ, coi nhà ai trồng rau chi hay hay mình xin về trồng. Bà ừ liền. Chỉ vợ thằng Thành len lén thở dài. Con nhỏ sợ ông bà chưa biết thành phố khác với ở quê, người ta ngại người lạ lắm. Có khi vừa thấy ông bà nhìn nhìn người ta đã đóng cửa kéo rèm tránh rồi.
Điều đó ông bà Năm Râu biết chớ. Từng tuổi này, đi lại thành phố nhiều, đâu phải chưa rõ tính dân ở đây. Họ cẩn trọng vậy cũng tốt. Nhưng ông bà tin những người yêu trồng trọt, chịu khó làm một khu vườn nhỏ ở nơi đất quý như vàng này hẳn phải cởi mở hơn. Hẳn họ cũng mến những người thích màu xanh thiên nhiên như họ. Có thêm cây, không khí trong lành mát mẻ hơn, cả khu hưởng chung lợi mà.
Thật vậy, hầu hết đều vui vẻ cho khi thấy hai ông bà hỏi xin giống rau. Đi một buổi thôi mà ông bà đem về quá trời loại cây, trồng kín hết sân. Có cả cây mật gấu, người ta nghe ông Năm bị huyết áp là chặt liền nhánh kêu đem về cặm. Loại này hái lá nấu thuốc trị huyết áp hết sẩy. Ông Năm nghe mà mừng, phần vì người ta quan tâm mình, phần vì biết dân khu này cũng nhiệt tình quá đỗi. Cháu mình lớn lên không sợ phải sống trong môi trường quá khô cứng.
Dĩ nhiên trong đám cây trồng lên không có cây xoài đâu. Nó là một duyên nợ khác. Bữa đó dưới quê gửi lên mấy ký xoài, ông Năm thích cạp hột xoài, ăn xong quen tay liệng hột luôn ra sân. Tính ra lượm vô mà trời đổ mưa, ngó không thấy đâu nên ông cũng kệ. Ai có ngờ cái hột số hên, lăn vô chỗ có đất, lại được mấy trận mưa dưỡng cho nên đâm rễ lên chồi.
Ông Năm sáng sớm tưới cây thì phát hiện cây xoài non nhỏ xíu. Ông quyết định giữ lại trồng, dù bà Năm lại càm ràm đủ thứ. Bà kêu xoài trồng bằng hột biết bao giờ có trái. Ông đáp trồng cho vui, cần gì ăn mà bà lo. Bà lại nói mai mốt nó mọc qua nhà hàng xóm họ la cho coi. Ông bình tĩnh đáp, thì mình tỉa cành. Bà nói gì ông cũng phản bác được. Ông còn kết bằng một câu chấn động, bữa nay tui thấy bà đẹp ghê. Bà Năm ngại ngần quay đi che che gò má ửng đỏ, làm bộ vô bếp hâm nồi cháo, mặc kệ ông chồng muốn làm gì thì làm.
Vậy là nhờ ông Năm, cây xoài đã được chấp nhận.
Cây xoài coi vậy mà lì lợm. Nó hụt chết mấy lần.
Lần đầu tiên là khi ông bà cự nhau chuyện trồng cây. Ông nói bà trồng rau mà không chăm, không hái ăn gì thì trồng làm chi. Bà cự lại chứ ông trồng cây xoài vô dụng đó làm gì. Cự qua cự lại ai cũng nóng, bà càng lôi cây xoài ra nói. Tức quá, ông ra phạt ngang cây, bao nhiêu càng lá trụi hết chỉ còn cái gốc. Vậy mà nó vẫn bám dính lấy đất, mỗi ngày thu dinh dưỡng nhú lên lá mới. Nó mọc nhiều đọt hơn cả trước khi bị phạt. Xum xuê non muốt. Cũng là lúc ông với bà làm lành nhau, sau mấy tuần chiến tranh lạnh mạnh ai nấy uống cà phê mình ên. Ông kêu, nhờ cây xoài đâm chồi lại tui mới nói chuyện với bà đó nhe. Bà phì cười, ờ, rồi nay ăn canh rau vườn không tui hái vô nấu cho. Vậy đó, cãi nhau nhiều chứ hiểu nhau quá đâu có giận lâu được. Lần thứ hai nảy lửa hơn, trở thành một cuộc chiến tranh chia phe. Đó là khi thằng cháu lớn vô lớp một phải chọn trường. Vợ chồng Thành muốn con học trường tư, ông bà Năm thì sợ lịch học nặng nề hơn nữa biết lâu dài nặng chuyện kinh tế có lo nổi không. Từ đó thành cãi nhau, vợ chồng nó cho rằng ông bà chiều quá riết cháu sinh hư. Ông bà lại cho rằng chính vợ chồng nó bỏ bê con, tối ngày cắm đầu vô điện thoại không để ý gì tụi nhỏ. Thằng Thành, vốn tính nóng cộng thêm áp lực công việc dạo gần đây, bắt đầu nói này nọ. Đại loại nó trách ba mẹ không nghĩ cho nó, nó không cầm điện thoại sao duy trì công việc các thứ. Rồi không có chỗ trút, nó trút lên cây xoài. Nó ra đá gốc cây một cái, chửi đồ vô dụng.
Tính nóng của thằng Thành di truyền từ ông Năm Râu chớ đâu. Ông thấy chuyện đó, lửa giận bốc lên che mờ mắt. Ông cũng trút lên cây xoài. Lần này không chỉ chặt sát gốc, ông còn úp cái lon sữa bò lên, dộng mạch xuống lún đất cho cây khỏi mọc lại.
Cái lon như cái đinh ghim vô lòng, ngày nào nhìn thấy nó ông Năm cũng bứt rứt. Ông bỏ luôn vườn rau không thèm chăm. Ông bà ra quán cà phê ngồi thường xuyên hơn, cho đỡ chán. Một bữa về, ông ngạc nhiên, không tin vô mắt mình. Thiên nhiên có sức mạnh kì diệu quá. Cây xoài, bằng cách nào không biết nữa, vươn lá mạnh mẽ hất tung cả cái lon đi. Một sức sống mãnh liệt. Nhìn những chiếc lá nâu tươi mới, mùi thơm chua dịu ủi an cánh mũi, ông Năm thấy lòng nhẹ hững. Ông không giận con trai hoài được. Ông hiểu nó phải chịu nhiều áp lực lắm. Tính nó lại không giỏi giãi bày, cứ giữ hoài trong lòng. Dễ sinh ra nóng nảy. Chớ nó cũng cố gắng lắm chớ bộ, có thua gì cây xoài này đâu. Thiệt là tình, cây với người y chang. Mắt ông rưng rưng nhìn cây xoài hồi sinh. Tối đó, ông kêu con trai ra nói chuyện đàng hoàng. Ông tôn trọng quyết định của con, miễn là con chịu tính toán kỹ lưỡng một chút. Cho cháu học ở đâu cũng được, miễn là môi trường phù hợp.
Ông Năm nghĩ, như cái cây xoài kia, miễn là cứ cố gắng thì hoàn cảnh nào con người cũng vượt qua được.
Từ ngày có cây xoài, chim về nhiều hơn. Khu chung cư được tiếp thêm sức sống, lúc nào cũng ríu rít tiếng chim hót. Ông bà Năm nhín chút tiền cà phê, mua gạo mỗi ngày hai lần đổ ra cho chim ăn. Hai ông bà hay giỡn với nhau, nuôi gà trời này cũng thú vị. Nhiều nhất là chim sẻ. Có một cặp vợ chồng chim cu.
Có cả một cặp áo già đầu trắng nữa.
Nhờ cây xoài mới có đàn chim. Nhờ đàn chim, hàng xóm cũng thân với nhà ông Năm hơn. Ban đầu, ông tưởng họ sẽ than phiền. Nhưng không, ai cũng mến đám chim. Coi đi, giữa thành phố thiếu vắng thiên nhiên này, được nhìn bầy chim rộn rã mổ gạo người ta thấy lòng nhẹ nhõm hơn. Chắc là như một kiểu trị liệu tâm lý, ông nghe trên tivi nói vậy. Những người già hay bắt ghế ra sân, vừa tắm nắng vừa ngắm bầy chim. Họ cũng là những người nhớ quê mà. Lâu dần thành một nhóm hay rủ nhau ra cà phê kể mấy chuyện cũ xưa. Những đứa con nít cũng mê chim chóc lắm. Chúng hay nấp từ xa nhìn bầy chim, lâu lâu lại hỏi ông bà Năm Râu hay ông bà của chúng coi loài nào là loài nào. Không như mọi người nghĩ lũ trẻ bây giờ chỉ mê game, thật ra tụi nó cũng tò mò và yêu thích thiên nhiên lắm. Chỉ là không gian tự nhiên trong thành phố ít quá, tụi nhỏ hiếm khi có dịp trải nghiệm.
Quay lại chuyện cây xoài, ông Năm thấy nó là một cây xoài biết điều. Dù mọc giáp ranh với nhà kế bên, cây xoài lại chọn cái thế nghiêng hẳn về sân ông. Ông hay cười chọc bà vợ, đó bà thấy chưa bà hù riết nó sợ đâu dám phiền hàng xóm. Bà Năm cũng cười theo ông, nhưng được một lát tiếng thở dài lại bung ra. Dù bà đã cố giữ. Ông Năm biết bà cũng đang phiền lòng cái chuyện biết điều. Không phải của cây xoài mà là của cháu ông. Thằng con sau ấy, nó biết điều vô cùng. Làm như nó hiểu sự ra đời của nó thêm gánh nặng cho ba mẹ nó, nên ít khi nó đòi hỏi gì. Thằng anh nhõng nhẽo đòi được cưng chiều bao nhiêu, thằng em tự lập bấy nhiêu. Coi thằng anh đi, vô lớp hai rồi vẫn phải bắt ba mẹ đút cơm cho mới chịu ăn. Trong khi thằng em đang bệnh, ngoan ngoãn ngồi một bên tự cầm muỗng ăn cơm một mình. Hình ảnh đó làm ông bà đau lòng lắm. Nhưng biết làm sao đây. Sợ nói ra lại cãi nhau, hễ quan tâm quá vợ chồng thằng Thành lại cho là ông bà chiều hư cháu.
Ông Năm quay qua nhìn vợ, hai ông bà lo thêm chuyện khác. Cứ đà này sẽ khổ hơn cho coi. Nghe đâu công ty vợ thằng Thành sắp giảm biên chế. Con nhỏ mà mất việc thì nặng lo. Còn thằng Thành, mấy tháng này cũng giảm lương. Giá cả thì tăng cao không ngừng. Hay ông bà bán căn nhà với miếng đất dưới quê. Ông bà đang phân vân dữ lắm. bán cũng được, nhưng không tính chuyện lâu dài biết cầm cự được bao lâu…
Cây xoài mạnh mẽ là vậy nhưng hoài không có trái. Dù ông Năm đã đi hỏi han mấy chỗ tìm mau thuốc dưỡng, nhưng phun xịt cỡ nào nó cũng chỉ ra lá thôi. Lá xum xuê, mướt mát. Lá non nhiều quá, vợ ông bẻ vô đổ bánh xèo gói ăn. Hai vợ chồng già cười với nhau, kêu cây xoài này là xoài ăn lá.
Nhưng mỗi lần ông bà nói chuyện đó, thằng Thành có vẻ khó chịu. Nó lại giận hờn gì cây xoài ư? Không. Ông thấy nó liên hệ chuyện cây xoài không trái với chuyện gì của nó. Đừng nói là nó nghĩ cây xoài không trái là cây xoài vô dụng, cũng như nó mà không lo nổi cho gia đình thì không xứng đáng làm chồng, làm cha nhe. Thiệt tình cái thằng, lúc nào cũng ôm trách nhiệm vô mình. Gia đình là cùng nhau vun đắp, có gì phải nói ra để mọi người tính cách gánh phụ. Giữ lấy một mình đâu phải là hay. Một mình làm tất cả, một mình chịu khổ, đó đâu phải là gia đình.
Điều ông Năm lo cuối cùng cũng tới. Một bữa tốt mịt vẫn không thấy Thành về ăn cơm. Điện hỏi vòng quanh bạn bè nó, ông bà mới biết tin dữ. Hồi mấy tháng trước, nó muốn kiếm thêm thu nhập nên mua một lô đồ điện tử về bán lại lấy lời. Ai ngờ nó bị lừa, đồ toàn hàng dởm. Không những vậy nó còn bị khách hàng kiện. Nợ nần tùm lum.
Ông Năm ôm ngực, chầm chậm ngồi xuống. Ông nhìn vợ thằng Thành ôm con mà mặt buồn rười rượi, biết chuyện đã căng thẳng lắm rồi. Có khi thằng Thành định gánh nợ một mình. Cái thằng này…
Ông Năm lấy điện thoại, ra chụp hình cây xoài gửi cho thằng con qua zalo. Gõ lạch cạnh một hồi mới xong câu ngắn ngủn “mày phải như cây xoài, mạnh mẽ lên nha con”. Cái vụ xài zalo này cũng là con ông mới chỉ tuần trước.
Xong rồi, ông Năm quay qua vợ thằng Thành:
- Ba tính như vầy, con coi được không nhe…
Hai vợ chồng Thành bán căn chung cư trả nợ, về quê sống với ông bà Năm Râu. Đồ đạc đem về, có cả cây xoài. Lúc ông đòi bứng nó về quê, tụi nó không những không cản mà còn ủng hộ.
Cây xoài đó như một phần của gia đình. Như một lời nhắc nhở với Thành, bằng sức sống của nó. Với mọi thành viên khác nữa.
Có sức sống mạnh mẽ, kiên trì, ở đâu mà chẳng sống được – mỗi ngày, khi nhìn cây xoài vươn lá xanh um, mọi người đều nghĩ vậy.
PHÁT DƯƠNG