GIÀU LÊN TỪ BIỂN

Cảng Đà Nẵng bứt phá vươn xa

.

Nhằm khẳng định tầm vóc, vị thế là cảng biển hiện đại bậc nhất trong khu vực miền Trung nói riêng và cả nước nói chung, thời gian qua, cảng Đà Nẵng tiên phong chuyển đổi số toàn diện, tối ưu hóa quy trình sản xuất và khai thác, đẩy nhanh quá trình giao nhận, nâng cao năng suất, góp phần phát triển kinh tế biển mạnh mẽ để tiến đến là cửa ngõ giao thương quốc tế hàng đầu.

Nhằm khẳng định tầm vóc, vị thế là cảng biển hiện đại bậc nhất trong khu vực miền Trung nói riêng và cả nước nói chung, thời gian qua, cảng Đà Nẵng tiên phong chuyển đổi số toàn diện, tối ưu hóa quy trình sản xuất và khai thác, đẩy nhanh quá trình giao nhận, nâng cao năng suất, góp phần phát triển kinh tế biển mạnh mẽ để tiến đến là cửa ngõ giao thương quốc tế hàng đầu.
Cảng Đà Nẵng từng bước khẳng định vị thế về mọi mặt, góp phần thúc đẩy ngành kinh tế lẫn du lịch Đà Nẵng và các tỉnh phụ cận tăng lên đáng kể. Ảnh: H.T.V

Năng suất tăng gấp đôi

Có mặt tại cảng Đà Nẵng vào lúc 9 giờ sáng, chúng tôi được tài xế Nguyễn Văn Hưng dùng xe điện đưa đi dạo một vòng quanh cảng biển. Lúc này, tôi mới cảm nhận rõ cái nắng, gió thổi rát da mặt và không khí tấp nập, khẩn trương không phải qua phim ảnh, tài liệu mà là trải nghiệm của chính mình. Tôi chứng kiến hàng nghìn container đủ sắc màu xếp chồng lên nhau, nằm chờ chủ nhân bốc lên xe được đánh dấu theo thứ tự bảng chữ cái.

Không những thế, xa ngoài kia, những chiếc cẩu nâng khổng lồ đang bốc dỡ hàng hóa từ chiếc tàu hàng có trọng tải hàng nghìn tấn lừng lững cập cảng. Nhân viên ai nấy tất bật, phối hợp nhịp nhàng, bảo đảm đúng tiến độ, nhiệm vụ được giao. Theo tài xế Hưng, vì cảng biển có lượng xe container di chuyển liên tục nên không cho phép khách và nhân viên đi bộ mà phải dùng xe điện trung chuyển để bảo đảm an toàn. Cảng hoạt động 24/7, bất kể ngày đêm, lễ, Tết; thời gian cảng hoạt động nhộn nhịp nhất từ 17 giờ đến 19 giờ.

Kết thúc chuyến tham quan cảng chừng mươi phút, chúng tôi quan sát tại cổng ra vào có hàng trăm xe container nối đuôi nhau tiến qua cổng và chỉ dừng khoảng 1 phút để cổng container tự động (Autogate) nhận dạng mã container bằng thuật toán ACCR kết hợp trí tuệ nhân tạo (AI), nhận diện biển số xe và điều khiển đóng mở, đọc chỉ số đầu cân điện tử, dùng robot (RPA) thực hiện lệnh, gửi thông tin qua app điện thoại của tài xế là có thể tiến vào các khu vực hàng đang chờ sẵn, không có tình trạng ùn tắc hay chờ đợi.

Tài xế Nguyễn Ngọc Thảo (32 tuổi, Công ty TNHH Việt Gia), người có kinh nghiệm 12 năm cầm lái chở hàng tại cảng cho biết, 3 năm nay quy trình ra, vào “dễ thở” hơn bởi trước kia xe muốn vào phải xuất trình lệnh giấy, nhân viên cảng kiểm tra thông tin, kiểm tra đăng kiểm, tải trọng xe… Sau đó, mới bắt đầu nhập số xe, romooc, số container, chỉ số cân vào phần mềm. Phần mềm thực hiện xong lệnh, nhân viên cảng tiếp tục in phiếu tọa độ container giao cho lái xe. Việc làm này làm mất thời gian và kéo dài thời gian giao nhận hàng dẫn đến số chuyến vận chuyển trong ngày bị giới hạn.

Đồng quan điểm, tài xế Phạm Minh Khánh, (50 tuổi, Công ty CP Logistics PORTSERCO) có 25 năm chuyên chở hàng tại cảng Đà Nẵng, chia sẻ: “Từ khi cảng đưa cổng tự động vào sử dụng, chúng tôi tiết kiệm thời gian và tăng tần suất vận chuyển hàng hóa lên gấp đôi. Không còn cái thời phải chờ đợi in giấy rồi làm các thủ tục khá rườm rà. Giờ đây, hàng hóa giao đúng thời gian nên cánh tài xế chúng tôi ai nấy đều vui mừng khi giảm lược quy trình”.

Ông Lê Minh Sang, Giám đốc Công ty CP Logistics PORTSERCO cho hay, bên cạnh cổng điện tử ra, vào thuận tiện thì việc kê khai hàng hóa qua cổng hải quan cũng cũng nhanh gọn hơn khi cảng triển khai phần mềm cảng điện tử ePORT với 3 tiêu chí “không tiếp xúc, không dùng giấy, không dùng tiền mặt”. Theo đó, lệnh giao hàng thông qua hải quan điện tử, hóa đơn điện tử và thanh toán điện tử được công ty kê khai, làm việc trước đó và tài xế chỉ việc vận chuyển hàng, không phải làm thêm bất cứ thủ tục nào. “Công ty có khoảng 15 đến 20 chiếc xe container trọng tải dưới 35 tấn thường xuyên ra vào cảng vận chuyển. Vì vậy, quá trình giao nhận nhanh chóng sẽ giúp chúng tôi khai thác tối đa hiệu quả và tăng hiệu suất công việc đáng kể”, ông Sang nói.

Ông Lưu Văn Dũng, Phó phòng phụ trách Phòng Công nghệ thông tin, Cảng Đà Nẵng cho biết, qua nhiều lần nghiên cứu, cuối năm 2020, cảng triển khai phần mềm cảng điện tử ePORT và là doanh nghiệp tiên phong trong chuyển đổi số với việc triển khai lệnh giao hàng điện tử thông quan hải quan điện tử, hóa đơn điện tử và thanh toán điện tử. Phần mềm cảng điện tử ePORT ứng dụng công nghệ tiên tiến trên thế giới như: sử dụng robot trong nhiều công đoạn để nâng cao năng suất, tăng hiệu quả công việc và giảm thiểu sai sót do thao tác thủ công; ứng dụng thuật toán nhận dạng mã container của Hungary, tự động nhận biết số container nhập xuất tàu và tại cổng cảng...

Tầm nhìn tương lai

Để việc vận hành, cung cấp nhiên liệu cũng được tự động hóa, Cảng Đà Nẵng triển khai thi công và lắp đặt trạm nhiên liệu tự động, các cảm biến nhiên liệu ở thùng chứa nhiên liệu trên phương tiện, trên cabin phương tiện để giảm thiểu những rủi ro và thất thoát trong công tác vận hành cung cấp nhiên liệu. Việc làm này giải quyết nhiều bất cập bởi trước đây nhân viên phải nhập yêu cầu nhiên liệu thủ công vào phần mềm, mất thời gian nhưng tính chính xác không cao. Nhiên liệu tồn trong phương tiện, thiết bị được kiểm tra 2 lần/tháng và dùng thước đo cắm trực tiếp vào hầm chứa, bồn chứa dầu.

Vì vậy, định mức nhiên liệu thường thừa hoặc thiếu so với thực tế. Sau khi triển khai giải pháp này, cảng đạt được 3 mục tiêu: không sử dụng phiếu nhận nhiên liệu, chủ động thời gian cấp nhiên liệu 24/7, thống kê hệ thống lượng nhiên liệu cho từng phương tiện, thiết bị; công nhân vận hành phương tiện, thiết bị chủ động đổ xăng dầu 24/7 mà không phụ thuộc vào nhân viên, giảm thời gian chờ đợi. Song song, trước đó, cảng Đà Nẵng hoàn thành và đưa vận hành Trung tâm điều hành sản xuất và phòng máy chủ server (Data Center) áp dụng trên hệ thống máy chủ mới được trang bị, cáp quang phủ toàn cảng từ cầu tàu đến bến bãi.

Ông Trần Lê Tuấn, Tổng Giám đốc Cảng Đà Nẵng cho biết, sau thời gian chuyển đổi số thì sản lượng hàng hóa tại cảng tăng đều 15% hằng năm. Đồng thời, năm 2022, cảng có 49 sáng kiến trên nhiều lĩnh vực, nhiều bộ phận được đánh giá cao. Riêng hai phần mềm cảng điện tử ePORT và cổng container tự động được cảng Tân Cảng - Cái Mép, Cam Ranh, Quy Nhơn, Hải Phòng và các đoàn trong nước, quốc tế đến tham quan học tập. Để đẩy nhanh quá trình số hóa, cảng tập trung thiết kế và xây dựng bức tranh tổng thể giai đoạn 2020-2025, tầm nhìn đến năm 2030, phấn đấu đến năm 2024 trở thành cảng số hóa ứng dụng nhiều công nghệ hiện đại, tiên tiến trong và ngoài nước áp dụng vào vận hành, khai thác và quản trị.

Đặc biệt, cảng quyết tâm chuyển đổi số thành công để tăng năng lực cạnh tranh, giảm chi phí, tối ưu hóa các quy trình nghiệp vụ để tất cả hướng đến mục tiêu “Lấy khách hàng làm trung tâm”, bảo đảm khách hàng có khả năng tương tác mọi lúc, mọi nơi trên không gian số. “Cảng Đà Nẵng phát triển dựa trên 3 trụ cột: cảng biển, logistics và du lịch/dịch vụ. Trong đó, cảng biển là mảng kinh doanh chủ lực, đẩy mạnh logistics với mục đích nâng cao năng lực cạnh tranh cho cảng biển thông qua tập trung được nguồn hàng của vùng thị trường, hướng đến việc sinh lời trong dài hạn và phát triển du lịch, dịch vụ theo hướng tận dụng tối đa lợi thế về nguồn lực đang sở hữu và có khả năng tiếp cận trong tương lai. Với chiến lược này, Cảng Đà Nẵng đang dành mọi nguồn lực tập trung cho việc được đầu tư dự án trọng điểm bến số 1, 2 Cảng Liên Chiểu và đẩy nhanh tiến độ đầu tư dự án Trung tâm dịch vụ Logistics Hòa Nhơn trên diện tích 20ha với hệ thống kho bãi rộng lớn, phục vụ cho toàn bộ khu vực miền Trung - Tây Nguyên”, ông Tuấn khẳng định.

Cảng Đà Nẵng là cảng biển tổng hợp quốc gia, trong đó hàng container chiếm 60%. Đến nay, cảng vươn lên tầm cao với 1.700m cầu tàu, tiếp nhận các tàu hàng 70.000 DWT, tàu container 4.000 TEUs và tàu khách 150.000 GRT, cùng thiết bị xếp dỡ và kho bãi hiện đại. Song song, Cảng Đà Nẵng là hạt nhân chuỗi cung ứng logistic toàn cầu với hệ sinh thái hàng hải gồm: cảng vụ, hoa tiêu, biên phòng, hải quan, cơ quan thuế, hãng tàu và cộng đồng doanh nghiệp xuất nhập khẩu. Cảng Đà Nẵng góp phần quan trọng cho sự phát triển vùng kinh tế biển, ngành du lịch thành phố khi các hãng tàu, khách hàng nước ngoài đến và hợp tác. Ngày 1-9 vừa qua, Cảng Đà Nẵng đánh dấu 122 năm hình thành và phát triển, Tổng Giám đốc Cảng Đà Nẵng Trần Lê Tuấn nhận định, sự phát triển bền vững của cảng luôn gắn liền sự kỳ vọng và sứ mệnh được Chính phủ, các bộ, ban, ngành, cộng đồng doanh nghiệp, các tổ chức, xã hội, chính quyền địa phương đặt ra cho một đơn vị vận hành cảng biển đầu mối của khu vực. Đó là tiền đề để Cảng Đà Nẵng không ngừng phấn đấu trở thành cảng biển hiện đại hàng đầu cả nước.

HUỲNH TƯỜNG VY

;
;
.
.
.
.
.