Đà Nẵng cuối tuần
Chuyện sông Vu Gia đổi dòng
Vu Gia là dòng sông lớn của đất Quảng, chảy qua huyện Đại Lộc (Quảng Nam) theo hướng Đông - Tây. Hàng trăm năm nay, theo quy luật của tự nhiên Vu Gia liên tục đổi dòng, khiến nhiều làng mạc bị lở trôi và nhiều làng mới được hình thành. Xung quanh chuyện biến thiên của dòng sông ấy có bao điều kỳ thú về trầm tích văn hóa - lịch sử của một vùng đất…
Sông Vu Gia, đoạn chảy qua thôn Hà Tân, xã Đại Lãnh, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam. Ảnh: V.T |
“Bao giờ Hoằng Phước đứt ngang…”
Các vị cao tuổi của thôn Phước Lâm, xã Đại Hồng, kể rằng, từ xa xưa, dòng Vu Gia từ thôn Hòa Hữu đổ xuống chảy sát cầu Ông Huỳnh, nghĩa là rất gần quốc lộ 14B ngày nay. Đến đầu thế kỷ trước, Vu Gia bỗng nhiên đổi dòng khiến làng Hoằng Phước bị chia làm hai. Nửa phía Nam gọi là làng Hoằng Phước Nam (nay thuộc thôn Phước Lâm). Một bộ phận dân cư Hoằng Phước bị mất đất nên phải di dời đến xã Đại Lãnh, dựng lán trại để cư trú và làm ăn, dân gian gọi là Xóm Trại, dần dà trở thành làng Hoằng Phước Bắc, nay thuộc xã Đại Lãnh.
Điều khá thú vị là chuyện Vu Gia chia cắt làng Hoằng Phước xưa lại liên quan đến cụ Lương Thúc Kỳ. Rằng, có một nhà địa lý nọ đi qua làng Hà Tân (nay cũng thuộc xã Đại Lãnh), sau khi quan sát thế đất hình sông liền phán: “Bao giờ Hoằng Phước đứt ngang/ Hà Tân mới đặng làm quan sum vầy”. Chẳng rõ lời thầy địa có ứng nghiệm không nhưng khi làng Hoằng Phước bị “đứt ngang” thì làng Hà Tân có người đỗ Cử nhân, đó là Lương Thúc Kỳ; đỗ khoa thi năm Canh Tý (1900) tại trường Thừa Thiên, đồng khoa với Huỳnh Thúc Kháng, Phan Châu Trinh, Nguyễn Đình Hiến. Đây là vị Cử nhân đầu tiên của vùng Tây Đại Lộc. Mừng ông đỗ Cử nhân, Tổng tài Quốc sử quán triều Nguyễn lúc bấy giờ là Nguyễn Thuật có câu liễn: Lâm phóng nhứt chi vinh quế thọ/ Hà lưu cửu khúc dẫn văn lan. Tạm dịch là: Rừng nho trao xuống cành vinh quế/ Sông văn cuộn khúc tợ sông trôi.
Dù hoạn lộ không suôn sẻ, song Lương Thúc Kỳ lại nổi tiếng là một nhà Duy Tân, nhà giáo có tâm - tài, nhà văn, nhà thơ có đóng góp to lớn cho thư tịch văn học nước nhà. Ông là tác giả cuốn Quốc ngạn (Nhà in Tiếng Dân, Huế, xuất bản năm 1931), được nhà giáo, nhà nghiên cứu Phạm Phú Phong nhận xét: “Cuốn sách có dáng dấp một Gia huấn ca của Nguyễn Trãi, nhưng không gói gọn trong quan hệ gia đình, mà khái quát nhiều vấn đề rộng lớn của xã hội, của đạo làm người, là cơ sở văn hóa Việt Nam, trước hết là văn hóa ứng xử, nhìn từ nội dung giáo dục xã hội và triết lý nhân sinh”. Tác giả Trần Mạnh Thường trong cuốn Các tác gia văn chương Việt Nam (Nhà xuất bản Văn hóa thông tin, Tập 1) cho rằng: “Với tác phẩm này, có thể khẳng định rằng ông (Lương Thúc Kỳ - NV) là nhà văn đầu tiên viết về văn học truyền khẩu bằng chữ quốc ngữ sớm nhất ở Trung Kỳ”.
Lai lịch danh xưng “Mỹ Phiếm” và vị nhân thần xuất thân từ đây
Sách Địa chí Đại Cường (Vu Gia chủ biên) cho hay, thời lưu dân Việt từ phía Bắc vào Quảng Nam khai cơ lập nghiệp thì dòng Vu Gia chảy từ Hiên, Giằng (nay là các huyện Đông Giang, Tây Giang, Nam Giang) xuống đến Phường Đông (nay thuộc xã Đại Phong) rồi chảy qua sau lưng trụ sở UBND xã Đại Cường hiện nay, thẳng xuống bàu Thanh Đơn, Khe Rô rồi uốn dòng nhập với sông Thu Bồn. Chứng tích còn lại của dòng chảy này là Miếu Vạn (dấu tích vẫn còn ở sát mộ Chí sĩ Đỗ Đăng Tuyển) và xóm cư dân ở cuối thôn Thanh Vân ngày nay, trước đó gọi là xóm Phá (Phó) Giang.
Sau đó, sự dịch chuyển của dòng Vu Gia về phía bắc đã làm sạt lở nghiêm trọng làng Phiếm Ái (làng này từng được nhắc đến lần đầu tiên trong sách “Ô Châu cận lục” của Tiến sĩ Dương Văn An, nay thuộc xã Đại Nghĩa). Một số diện tích đất đai màu mỡ của làng Phiếm Ái bị cuốn trôi, bồi tụ cho vùng đất bên kia sông, hình thành một doi đất nằm cạnh làng Phúc Mỹ, dân gian gọi là xứ đất Tân Bồi. Đây chính là nguyên căn xảy ra vụ kiện tụng đình đám về đất đai giữa cư dân làng Phúc Mỹ và làng Phiếm Ái (bên kia sông). Tương truyền, vụ kiện này khiến quan quân phải xe ngựa về làng để phân xử mất mấy tháng trời. Cuối cùng, một làng mới ra đời với danh xưng “Mỹ Phiếm”, ghép chữ “Mỹ” của Phúc Mỹ với chữ “Phiếm” của Phiếm Ái: Một giải pháp dung hòa không thể nào hoàn hảo hơn, khi mà cả hai cùng thắng!
Làng Mỹ Phiếm còn có tên gọi khác là Phường Chào. Ông Nguyễn Văn Xinh, một người dân trong làng cho hay, “Phường” được hiểu là nơi tập trung dân cư buôn bán sầm uất: “Buôn có bạn, bán có phường”. Xưa kia, đất này trồng toàn cây trầu và sản vật này theo các ghe buôn đi khắp nơi nên được gọi là Phường Trầu. Chữ “Trầu” bị đọc trại thành chữ “Trào”, rồi thành “Chào”. Còn theo nhà nghiên cứu Vu Gia, “Phường” có nghĩa là các hộ cùng làm nghề thủ công nào đó, còn “Chào” là một loại ngư cụ được đan bằng tre, hai đầu tóp lại, ở giữa có cái hom để không cho cá thoát ra ngoài khi đã lọt vào “chào”. Phường Chào có nghĩa là nơi có nhiều hộ chuyên làm “chào” để bắt cá.
Phường Chào cũng là tên của một vị nhân thần, từng được triều đình nhà Nguyễn phong tặng mỹ hiệu “Trang huy Dực bảo Trung hưng thượng đẳng thần”. Bà tên là Nguyễn Thị Của, sinh ngày 25 tháng 2 năm Cảnh Thịnh thứ tám (1800) tại làng Phường Chào. Tương truyền, sau khi tạ thế, bà vân du qua thôn Phước Ấm (xã Bình Triều, huyện Thăng Bình, Quảng Nam). Nơi đây vốn là rừng cây rậm rạp, nhà cửa thưa thớt nhưng cảnh trí hữu tình, trên có rừng, dưới có sông, tả hữu có núi Ngọc Châu vây quanh. Bà nảy ý muốn tụ tập người, lập chợ nhằm giúp dân địa phương đỡ vất vả. Dân chúng gọi đó là chợ Được (hàm ý: cầu chi cũng được!) hay chợ Bà. Nhớ ơn Bà, người dân lập dinh Bà Chợ Được. Hằng năm, ở khu vực Chợ Được có Lễ hội rước Cộ Bà được tổ chức rất trang trọng, diễn ra ngày 11 tháng Giêng âm lịch - ngày người dân Chợ Được đón nhận sắc phong của Bà. Còn tại làng Mỹ Phiếm, vào ngày 25 tháng 2 âm lịch, Lễ hội Bà Phường Chào diễn ra trang nghiêm, thể hiện tinh thần cố kết cộng đồng, làng xã. Cả hai Lễ hội này đều được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch vinh danh là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
VÂN TRÌNH