NĂNG LƯỢNG TÍCH CỰC

Liệu pháp chữa lành tâm lý

.

Hành trình luyện tập  tâm - thân - trí một cách toàn diện và tích cực giúp mỗi cá nhân “sống” hạnh phúc hơn khi nhận biết khoảnh khắc hiện tại, khi đối diện với chính mình và người khác bằng sự tử tế và lòng yêu thương...

Cô giáo Phạm Kiều Thương (bên trái) đang hướng dẫn một học viên cách thiền tỉnh thức để giảm căng thẳng, tập kiểm soát tốt cảm xúc. Ảnh: KHÁNH HÒA
Cô giáo Phạm Kiều Thương (bên trái) đang hướng dẫn một học viên cách thiền tỉnh thức để giảm căng thẳng, tập kiểm soát tốt cảm xúc. Ảnh: KHÁNH HÒA

Sống tỉnh thức mỗi ngày

Cách đây 3 năm, chị Lê Thị Hà (32 tuổi, phường Thanh Khê Tây, quận Thanh Khê) mắc chứng trầm cảm sau sinh. Căn bệnh đến lúc nào không ai hay biết, chỉ khi chị Hà thường xuyên có những biểu hiện bất thường trong hành vi như khóc, cười không thể kiểm soát; gặp khó khăn trong việc ghi nhớ và chăm sóc con nhỏ dù chỉ những công việc đơn giản nhất... Lúc này cả gia đình thực sự lo lắng. Bệnh ngày càng trầm trọng hơn khi tần suất những lần chị Hà bị kích động diễn ra liên tục và kéo dài hàng tiếng đồng hồ, có khi chị còn muốn tìm đến cái chết và phó mặc việc chăm sóc con cho gia đình hai bên. Giữa những ngày tháng vật lộn với chứng bệnh trầm cảm sau sinh ấy, ngoài sự hỗ trợ của bác sĩ tâm lý, chị Hà may mắn được người bạn thân giới thiệu và dìu dắt đến với lối sống tỉnh thức thông qua việc thực hành thiền định và đọc sách hằng ngày.

Nhìn lại gần 2 năm không ngừng nỗ lực để lấy lại cuộc sống vui tươi, chị Lê Thị Hà rưng rưng bộc bạch, sống tỉnh thức đơn giản là hành động với đầy đủ ý thức, ngay cả trong lúc thở, đi, đứng, nằm, ngồi... Mục đích của sự chú tâm là kiểm soát và làm lắng dịu nội tâm. Từ một người không thể thực hiện được những hành vi như người bình thường, tâm trí luôn trong trạng thái căng thẳng và sẵn sàng bùng nổ những cơn nóng giận bất cứ lúc nào thì nay, chị đã chủ động hơn trong mọi việc. Bây giờ, chị duy trì đều đặn thời gian để tập yoga, cắm hoa, làm bánh… và luôn ưu tiên thả lỏng tâm trí, hạn chế tiếp xúc, không nghĩ đến những chuyện không vui hoặc tiêu cực. “Cuộc sống lành mạnh giúp tâm - thân - trí của mình có sức đề kháng, khả năng chống đỡ bệnh tật tốt hơn, tư duy tích cực hơn và đời sống tinh thần lành mạnh hơn”, chị Lê Thị Hà cho hay.

Một trường hợp khác đã lựa chọn lối sống tỉnh thức để cân bằng và có cuộc sống tốt hơn là cô Lý Thị Thu (65 tuổi, ở phường Hòa Thọ Tây, quận Cẩm Lệ). Trong câu chuyện của mình, cô Thu chia sẻ, sau nhiều năm chữa trị nhưng không khỏi căn bệnh thoát vị đĩa đệm, cô Thu rơi vào tình trạng ức chế thần kinh, thường xuyên to tiếng với người thân trong gia đình và hạn chế giao tiếp xã hội. Tình hình càng trầm trọng hơn khi cô nghỉ hưu, không còn những tiếp xúc hằng ngày với đồng nghiệp nên cô càng sống thu mình, chỉ quẩn quanh trong nhà. Đúng lúc ấy, qua lời giới thiệu của người hàng xóm, cô Thu biết đến lớp học yoga kết hợp thiền định của cô giáo Phạm Kiều Thương (ở đường Núi Thành, quận Hải Châu).

Tại lớp học, dưới sự hướng dẫn của giáo viên, ngoài thực hành những bài tập yoga thông thường, cô Thu còn được hướng dẫn cách ngồi thiền định trong vòng 15 phút ở tư thế hoa sen, kết hợp thực hành các bài học về tỉnh thức như: hít thở và tập kiểm soát những thay đổi về cảm xúc, biết chấp nhận rằng cơ thể đang có bệnh và không ép bản thân phải được chữa lành ngay tức thì; tập thả trôi tâm trí, không suy nghĩ trong 30 phút thư giãn sau mỗi buổi tập yoga…

Sau nửa năm miệt mài tập luyện, đến nay, căn bệnh thoát vị đĩa đệm của cô Lý Thị Thu được cải thiện phần nào, những biểu hiện căng thẳng về tâm lý do thay đổi trong cuộc sống dần thuyên giảm, cô tích cực giao lưu, kết nối với những người bạn mới ở lớp tập yoga. Cô Thu hào hứng nói, qua thực hành lối sống tỉnh thức, nay cô biết cách nhận diện những luồng suy nghĩ tiêu cực để quét sạch chúng ra khỏi suy nghĩ. Sau những buổi tập yoga và thực hành thiền tỉnh thức, cô thấy tinh thần sảng khoái và cuộc sống vui vẻ lên rất nhiều.  

Hướng suy nghĩ đến những điều tích cực

Một thực tế đã được nhìn nhận đó là chúng ta thường xuyên chịu nhiều áp lực với lo toan không hồi kết, với tất bật hối hả của cơm, áo, gạo, tiền. Điều này khiến không ít người mệt nhoài và căng thẳng, lắm lúc chao đảo đến mất thăng bằng. Tâm trí luôn mệt mỏi vì phải hoạt động hết “công suất”. Đây cũng là lý do chính dẫn đến những căn bệnh về tâm lý, thần kinh như trầm cảm, rối loạn lo âu… Giáo viên dạy yoga Phạm Kiều Thương cho biết, trong số các học viên, không hiếm trường hợp mắc các chứng bệnh liên quan đến vấn đề tâm thần như trầm cảm, rối loạn lo âu, stress căng thẳng kéo dài… Hiện nay, việc tập yoga không chỉ dừng lại ở những bài tập về các động tác thông thường mà giáo viên còn bổ sung thêm kiến thức về chữa lành tâm - thân - trí thông qua việc tập thiền định, hướng dẫn học viên những bài tập thực hành lối sống tỉnh thức. Hiện nay, ở Đà Nẵng xuất hiện nhiều trung tâm yoga kết hợp trị liệu sức khỏe - tâm lý, trong đó có áp dụng lối sống tỉnh thức để góp phần xoa dịu, hướng tới chữa lành cho những người mắc bệnh về tâm lý.

Ở góc nhìn của mình, cô Thương cho rằng, sống tỉnh thức được hiểu một cách đơn giản là luôn dành khoảng thời gian nhất định trong ngày để kiên nhẫn tập luyện thể thao, hướng suy nghĩ đến những điều tích cực, chú ý hơn trong việc điều chỉnh những hành vi, lời nói một cách ý tứ và có ý thức. Đặc biệt, một phương pháp cơ bản và cần tuân thủ đó là phải ngồi yên lặng trong một thời gian đủ dài ở tư thế thoải mái để nội tâm được lắng đọng, bỏ hết những suy nghĩ tiêu cực.

“Tôi luôn cố gắng để tăng cường sự kết nối, làm sao để mỗi học viên khi đến lớp luôn thấy vui khỏe và tích cực giao tiếp với nhau. Đồng thời, thường xuyên động viên học viên duy trì tập luyện điều độ. Với những học viên có vấn đề về tâm lý, giáo viên có sự quan tâm, chia sẻ và hướng dẫn các bạn kinh nghiệm để gỡ rối những khúc mắc hoặc khuyên các bạn dành nhiều thời gian để thiền định, làm rỗng tâm trí, không để bị quá tải bởi những suy nghĩ hay lo lắng thái quá”, cô Thương cho biết.

Theo bác sĩ Nguyễn Văn Lộc, bác sĩ điều trị Khoa Tâm thần ngoại trú Trung tâm Y tế quận Ngũ Hành Sơn, thời gian qua, khoa tiếp nhận nhiều bệnh nhân có những bệnh lý liên quan đến tâm thần như lo lắng, stress kéo dài gây mất ngủ (kéo dài quá 2 tuần) mà nguyên nhân chính là do áp lực cuộc sống gia đình, con cái hư hỏng, làm ăn thất bát… Với những bệnh nhân này, hướng điều trị chủ yếu là tư vấn, hỗ trợ tâm lý để họ gỡ được những khúc mắc trong tâm lý, hướng đến suy nghĩ tích cực, lạc quan đối với cuộc sống. Với những bệnh nhân bị bệnh nặng thì sẽ dùng thuốc đặc trị.

“Cùng với việc điều trị theo phác đồ của y học, chúng tôi luôn khuyến khích bệnh nhân tích cực luyện tập các bộ môn thể dục thể thao như yoga, đi bộ, tăng cường giao lưu, giao tiếp xã hội… cũng như việc áp dụng những mặt tốt của thiền định, áp dụng lối sống tỉnh thức. Đây cũng là những phương pháp được áp dụng trong điều trị tâm lý ở nhiều quốc gia trên thế giới và đã du nhập vào Việt Nam thời gian qua. Những nghiên cứu về phương diện này chỉ ra rằng, nếu duy trì và tăng trưởng trạng thái tỉnh thức, chúng sẽ là thần dược trị bệnh căng thẳng và lo âu. Do đó, thực hành tỉnh thức là liệu pháp tốt để có được cuộc sống cân bằng và hạnh phúc. Tuy nhiên, chúng tôi cũng khuyến cáo các bệnh nhân trước khi áp dụng bất cứ liệu pháp điều trị tâm lý nào cũng cần tìm hiểu kỹ và thực hành đúng cách, tốt nhất là được những giáo viên có kinh nghiệm giảng dạy, hướng dẫn cụ thể”, bác sĩ Lộc nói.

KHÁNH HÒA

;
;
.
.
.
.
.
Liên kết hữu ích