Rêu đợi rêu chờ

.

Những dãy núi vẫn bền bỉ kê mình vào nhau ấy thôi! Những cánh chim sau cuối cũng vẫn cứ tiếp nối nhau để làm thành những đường bay không bao giờ dừng lại ở bầu trời! Đời người cũng vậy, dẫu cũng có những lúc dùng dằng như con sông không chảy, dẫu có khi hoang hoải và trống rỗng như lau lách mùa đông, nhưng nó chẳng bất luận một lý do gì để dừng lại, ngoại trừ sự ngắn ngủi của sinh mệnh.

Minh họa: HOÀNG ĐẶNG
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG

Sau những dùng dằng con người ta sẽ mạnh mẽ và cuồng nhiệt, sau những hoang hoải và trống rỗng sẽ được tươi tắn và tràn đầy. Cuộc đời luôn có những thái cực đó, mà đôi khi cũng chẳng cần một lý do gì nó cũng tự tan biến. Ta tự hỏi rằng, phía sau tất cả những trạng thái ấy có ai đợi ta, chờ ta…?

… Tôi nhớ về những bức tường dựng nên căn nhà của tôi bên dòng sông Ngàn Phố trong một chiều mưa miên man phố thị. Bức tường được xây nên bởi hàng hà những viên đá ong nham nhám, lồi lõm, sần sùi mà ngày trước ông ngoại cùng cha tôi đục mài miên mãi mấy mùa mới đủ đá ong xây nhà. Một căn nhà bé nhỏ, đơn sơ, nhưng đượm đà tình nghĩa. Đặc biệt là từ những lỗ hở li ti của tường nhà, xuyên qua những viên đá ong cứ hễ nắng lên lại được xuyên chiếu. Những sợi nắng len lỏi làm cho căn nhà luôn được hong sáng và tràn ngập ý vị. Tôi hay ví đó như những con mắt của bức tường, của mái nhà. Nơi ấy như lớp trầm tích in dấu thời gian, những vui buồn, hạnh phúc của gia đình tôi.

Đá ong vốn lởm chởm, không mịn phẳng như những viên đá xây nhà trong cuộc sống hiện đại. Chỉ cần những cơn mưa, đợt nắng phảng vào những bức tường mà độ ẩm và tinh chất được dưỡng dậy, men vào những mặt đá, rêu phong bền bỉ xanh theo mưa nắng, thời gian. Nó kết tạo nên sự cổ kính nhưng cũng hết mực gũi gần nơi căn nhà của tôi.

Rêu nơi bức tường ấy cũng như ở ngóc ngách nào mà rêu có thể mọc được đều bé nhỏ, đều đan thành đám. Rêu cũng giàu lòng thương, niềm trắc ẩn, bởi chúng biết cố kết và rồi phủ che lấy những bờ đá, mặt đá, bức tường. Cứ thế, loài rêu đã làm mướt xanh những bức tường, chân tường đá ong cũ kỹ.

Có mùa rêu cũng thào thạc, chúng heo hút úa tàn khiến tôi cứ tưởng rêu đang dần chìm lãng vào hư vô. Có những mùa rêu mịn như nhung, những thảm nhung của thiên nhiên đã yêu lấy căn nhà. Có mùa rêu ra hoa, li ti bé nhỏ, mà phải nhìn kỹ mới có thể thấy được. Tôi đã tự hỏi rằng, sức sống của rêu mãnh liệt như thế, hay rêu đã nghe được tiếng khẩn thiết của những tường đá ong nâu, hay cảm động bởi nghĩa tình của con người trong căn nhà ấy để rồi đi qua những mùa năm tháng, rêu vẫn cứ ở lại? Trong mắt tôi rêu như người thân, rêu có điệu hồn, cốt cách riêng mà không phải ai cũng có thể thấu cảm.

Tôi nhớ những ngày thơ dại, khi còn được cha mẹ bao bọc vô bờ trong căn nhà ấy, vì đùa nghịch mà đã nhiều lần tôi dùng chân đạp mạnh vào đám rêu xanh ở bức tường. Tôi muốn tìm hiểu xem sự êm ái mà rêu mang lại là như thế nào. Dấu chân in hằn vì tôi dùng lực mạnh của bàn chân. Nhưng lúc đó tôi đâu biết đặt ra câu hỏi rằng “Rêu có đau không, có tan nát không, có nhàu nhĩ và vụn vỡ ra không?”. Để rồi sau này khi nhớ lại lòng tôi có chút gì đó đượm buồn và rưng rưng… Tôi đang tha thiết nhớ loài rêu nghĩa tình ấy.

Còn rõ lắm cái buổi sáng mai rời căn nhà ấy, hoa bên thềm nắng nở rộ, bóng cha mẹ càng lúc càng lùi xa và cả những bức tường rêu cũng xanh mướt buồn. Sau cuối, tôi đã nhận ra nhiều thứ từ rêu, rêu ôm ấp bức tường và cũng như thể ôm ấp bàn chân nhỏ bé của tôi. Thi thoảng đi ngang qua những bức tường ngan ngát rêu phong trong lòng thành phố lòng tôi lại bùi ngùi nhớ thương và xúc động. Tôi nghe tiếng rêuở trong lòng, rêu đang nói tiếng đợi, tiếng chờ từ căn nhà nơi miền quê xa ấy. Rêu chờ tôi ngày trở về…

Trên đời này, có lẽ không có một thứ gì là vô hồn. Nếu đã xúc cảm thì những sự vật cứ tưởng là vô tri cũng có hồn riêng của nó. Tôi nhớ căn nhà, nhớ loài rêu trên những bức tường nơi căn nhà ấy. Tôi sẽ quay về căn nhà cũ ấy, thăm tuổi thơ ruộng vườn. Tôi sẽ nhẹ nhàng áp má vào tường rêu, nói cho rêu những điều sâu kín, nghe rêu tình tự nỗi lòng…

TRẦN VIỆT HOÀNG

;
;
.
.
.
.
.