* Hôm rồi ghé một quán phía bắc cầu Câu Lâu cũ, tôi thấy người ta bày bán bánh “su suê”. Đây có phải là bánh su sê, tức là bánh phu thê, bị đọc trại và ghi nhầm? (Trịnh Thành Nam, Điện Bàn, Quảng Nam).
Bánh su suê đã được ghi chệch từ tên gọi ban đầu là bánh phu thê. Ảnh: V.T.L |
- Tên gọi chuẩn của loại bánh này là su sê, có lẽ do “tam sao thất bổn” nên bị sai thành “su suê”. Bản thân bánh su sê cũng là cách đọc trại một loại bánh có tên gọi ban đầu rất ý nghĩa là bánh phu thê.
Bánh phu thê gắn liền với câu chuyện dân gian về một cặp vợ chồng người lái buôn. Chuyện kể rằng, trước lúc người chồng lên thuyền đi buôn phương xa, người vợ làm một chiếc bánh tặng chồng và thề rằng cho dù xa nhau nhưng lòng nàng vẫn luôn ngọt ngào, đậm đà như chiếc bánh ấy. Chồng cảm động đặt tên cho bánh là phu thê. Phu thê [夫妻], tiếng Hán nghĩa là vợ chồng.
Chẳng ngờ đến phương xa, người chồng bị say đắm bởi sắc đẹp của các cô gái lạ và không muốn quay về. Người vợ ở nhà biết tin liền làm chiếc bánh năm xưa gởi cho chồng kèm theo lời nhắn: Từ ngày chàng bước xuống ghe/ Sóng bao nhiêu đợt bánh phu thê kia bấy rầu. Nhận được bánh và lời than trách của vợ, người chồng hối hận liền tức tốc quay về và không còn nghĩ đến chuyện thay lòng đổi dạ nữa. Từ đó bánh phu thê thường hay có mặt trong các tiệc cưới nhằm nhắn nhủ lời thủy chung đến các đôi vợ chồng trẻ và là biểu tượng của đôi vợ chồng phận đẹp duyên ưa.
Ý nghĩa của bánh phu thê được đề cập trong biên khảo Điện Quang - Dòng chảy văn hóa (Huế, 7-2009) của Khoa Xã hội Nhân văn - Trường Đại học Dân lập Phú Xuân. Theo đó, để cho quan hệ vợ chồng được bền vững, khi cưới, đôi vợ chồng trẻ thời Hùng Vương có tục trao cho nhau nắm đất và gói muối: nắm đất tượng trưng cho lời nguyền gắn bó với đất đai, làng xóm, gói muối là lời chúc cho hai người mặn mà chung thủy (Gừng cay muối mặn xin đừng xa nhau).
Sau này, thay cho đất và muối, trong lễ vật dẫn cưới luôn có một loại bánh đặc biệt, bánh su sê (tên đọc chệch của bánh phu thê). Bánh phu thê (vợ chồng) hình tròn bọc bằng hai khuôn hình vuông úp khít vào nhau. Đó chính là biểu tượng của triết lý âm dương (vuông tròn) và ngũ hành (ruột dừa trắng, nhân đậu vàng, sắc vừng đen, khuôn lá xanh, buộc lạt đỏ) biểu tượng cho sự vẹn toàn, hòa hợp - hòa hợp của đất trời và con người.
Từ phu thê đến su sê rồi su suê là cách đọc chệch, đọc trại thường thấy trong dân gian. Ví như thành ngữ “tràng giang đại hải” (ví lời lẽ rất dài dòng và lan man tựa như nước ở sông dài, biển rộng) đã bị dân gian đọc trại thành “tràn lan đại hải”, trong đó “tràn lan” có nghĩa là lan rộng ra một cách không có giới hạn.
Có không ít người chỉ mới nghe loáng thoáng, đến khi nói lại thành một câu đầu cua tai nheo rất buồn cười. “Nhất dạ sinh bá kế” đã được phát ngôn méo mó thành “Nhất dạ sinh Bá Kiến”. Nghe cái “biến tấu” lạ lùng này, có người nhịn cười không được, bèn theo đà này, tiếp luôn: “Tam dạ sinh... Chí Phèo”!
Hoặc trường hợp một đình làng ở phường Hòa Khánh Nam (quận Liên Chiểu, Đà Nẵng) bị hư hỏng nặng sau bão Xangsane năm 2006, được báo chí mô tả là ngôi đình “tam gian nhị dị”. Lẽ ra, phải viết là “tam gian nhị vị”, nghĩa là ba gian hai vị kèo. “Tam gian nhị dị” hoàn toàn tối nghĩa.
Tóm lại, xét cho cùng, “su suê” vẫn là một cách đọc dân gian rất... dân gian! Bởi nó “gây hậu quả nghiêm trọng” như các ví dụ nói trên.
ĐNCT