VƯỢT QUA TRẦM CẢM

Hành trang chữa lành

.

“Nếu ví cuộc sống như mặt biển thì khi tâm lý căng thẳng, trầm cảm làm những đợt sóng lòng cuồn cuộn lên. Khi đó, mình không nhìn được đằng sau nó có gì ngoài nỗi buồn và sự bất lực. Chỉ khi sóng lòng lặng xuống, mặt nước yên ả hơn thì mới biết dưới mặt nước kia có những rạn san hô đẹp đến như nào. Cuộc sống cũng thế, khi lòng bình yên thì sẽ thấy mọi điều tốt đẹp hơn”.

Chị Bùi Thị Xuân Hồng vượt qua được những áp lực tâm lý bằng cách sẻ chia, mở lòng với mọi người và chăm sóc bản thân tốt hơn. Ảnh: NVCC
Chị Bùi Thị Xuân Hồng vượt qua được những áp lực tâm lý bằng cách sẻ chia, mở lòng với mọi người và chăm sóc bản thân tốt hơn. Ảnh: NVCC

Đó là chia sẻ của một người vượt qua trầm cảm và nhìn nhận cuộc sống xung quanh qua lăng kính “chữa lành” với Đà Nẵng cuối tuần. Hành trình mà những người trầm cảm đi qua “hố sâu” trong tâm hồn hay đối mặt với thương tổn tâm lý của bản thân là không hề dễ dàng, nếu không muốn nói là gian nan.

“Kiên nhẫn với chính mình”

Là một người trẻ từng nghĩ đến việc chấm dứt cuộc đời do trầm cảm, N.T.T.M - một du học sinh tại Anh quốc gửi về người viết những chia sẻ thật lòng về quá trình vượt qua “vũng lầy” tâm lý sau 2 năm trị liệu từ tham vấn tâm lý.

M. kể: “Trước đó tôi nhận ra sức khỏe tinh thần của mình yếu hơn bình thường, dễ bị đả kích và tổn thương hơn người khác khi gặp phải chuyện không thuận lợi. Từ thời điểm một kế hoạch lớn mà bản thân muốn thực hiện bị thất bại, tôi chìm sâu trong suy nghĩ tự trách, tự dằn vặt và luôn thường trực mong muốn kết thúc cuộc sống!”.

Ở thời điểm trầm cảm, M. không có năng lượng hay nhiệt huyết để hoàn thành công việc. Anh nhìn nhận mình có xu hướng chối bỏ nhiều trách nhiệm và trốn tránh lỗi lầm, điều này ảnh hưởng nặng nề sự nghiệp và tình hình tài chính, kéo theo đó là các vấn đề về sức khỏe như bệnh dạ dày hay rối loạn giấc ngủ, ăn uống… Các mối quan hệ của M. cũng bị thu gọn trong phạm vi gia đình và bạn bè cũ, gần như không có thêm sự kết nối nào.

“Tôi liên hệ một chuyên gia tham vấn tâm lý để xác nhận chính xác bản thân có đang bị trầm cảm hay không. Tôi đã nghĩ là quá trình có thể chỉ cần vài buổi, nhưng thực tế là mình đã phải mất 2 năm để trị liệu bằng tham vấn”, M. kể.

Quá trình “chữa lành” của anh bắt đầu với việc vận động thể chất trở lại. Vận động cũng là cách giải phóng năng lượng. Thời gian đầu, M. chật vật tìm môn thể dục thể thao phù hợp. Song song với quá trình đó, việc mất thời gian nhất của anh là “làm quen với việc đối thoại với chính mình”, đó là ngồi lại, ghi nhận suy nghĩ một cách khách quan, không đánh giá, không phán xét. Phải mất đến 1 năm, M. mới dần quen với tư duy mới này.

“Quá trình sau khi vận động cơ thể và đối thoại với chính mình cũng trở nên tự nhiên hơn, tôi quan sát được cách mình phản ứng với các biến cố, cách nhìn rõ hơn những mâu thuẫn nào đang diễn ra trong suy nghĩ của mình, dưới sự dẫn dắt của chuyên gia tâm lý. Khi tôi lấy lại được năng lượng và bắt đầu chủ động trong sự nghiệp hơn thì gặp được những đồng nghiệp xuất sắc, có nhiều ảnh hưởng tích cực lên nhân sinh quan và hệ giá trị của mình, củng cố dần khả năng nhìn nhận khách quan về bản thân và về thế giới của mình hơn”, M. cho biết.

Hành trang “chữa lành” của M. là một câu nói mà anh từng nghe từ rất nhiều người, đó là “kiên nhẫn với chính mình”. Với M., anh hy vọng ở mọi thời điểm, mọi hoàn cảnh, mọi người đều có thể cho bản thân chút thời gian để hít thở và chậm lại một nhịp, bao dung hơn với chính mình…

T.T.L, học sinh Trường THPT Thanh Khê phát hiện mình bị trầm cảm từ cuối năm lớp 8. Trong ký ức cậu học trò khi đó là những bí bức trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội tại thời điểm Covid-19 bùng phát, L. ngại tiếp xúc với người lạ, luôn mang đầy cảm xúc tiêu cực, tự thấy bản thân mình vô dụng và chán nản, mệt mỏi.

“Có thời điểm em không có năng lượng để làm việc gì, em cứ thả trôi một ngày của mình trong vô vọng. Em không có đủ tinh thần và sự tập trung cho học tập, cuộc sống cá nhân. Quan hệ giữa em với gia đình và bạn bè cũng ảnh hưởng. Em còn gặp khó trong việc giao tiếp, bắt chuyện với mọi người…”, L. kể lại.

Cậu học trò sau đó mắc hội chứng sợ giao tiếp xã hội, L. sợ nói chuyện, sợ giao tiếp, hầu như không có tương tác nào với người thân và muốn tìm đến… cái chết như một sự giải thoát. Mọi chuyện chỉ được xử lý khi L. tìm đến chuyên gia tâm lý để tham vấn, tìm hướng đi cho vấn đề của mình và thật may mắn khi em bước ra được “hố sâu” trầm cảm và mở lòng hơn với thế giới xung quanh.

Trong thời gian trầm cảm, L. nỗ lực vượt qua cảm giác tiêu cực bằng đam mê tìm hiểu về máy tính và ấp ủ ước mơ kiếm thật nhiều tiền từ việc học lập trình. “Em còn trẻ, chưa có nhiều kinh nghiệm ứng phó với trầm cảm. Em chọn cách tự tạo một niềm vui cho bản thân, tập trung vào đó, tránh để bản thân rơi vào trạng thái chán nản và cần thiết phải tìm sự giúp đỡ của người có kinh nghiệm như bác sĩ tâm lý, chuyên gia tâm lý. Đồng thời em cố gắng luyện tập thể dục - thể thao hằng ngày để thấy mình tích cực, thoải mái hơn”, L. chia sẻ.

Mở lòng sẻ chia để đón nhận hạnh phúc

Trong những ngày tháng khó khăn, chị Hồng tình cờ gặp được một người bạn biết lắng nghe, “cùng tần số”, chị được người này rủ đi học thiền và từ sự kết nối qua lại, chị được giới thiệu đến một chuyên gia tâm lý để tham vấn vào tháng 2-2023. Trải qua quá trình tham vấn, trị liệu tâm lý, chị Hồng ý thức được bản thân cần được lắng nghe và phải mở lòng chia sẻ để tìm sự giúp đỡ, để tháo gỡ những khúc mắc trong lòng, đặt được những “tảng đá” đè nén bản thân xuống.

An tâm khi cho con đi học, từ đó chị Hồng đã gạt bỏ được những âu lo thường nhật của người mẹ khi bảo bọc con trong gia đình, chị có thêm thời gian chăm chút ổn định bản thân, chăm sóc nhà cửa, chuẩn bị được bữa cơm ngon cho chồng con và chị nhận ra niềm vui khi gắn kết với gia đình cũng là niềm vui của bản thân mà mình từng tìm kiếm. Tư duy “phụ nữ ở nhà không làm ra tiền sẽ mất cân bằng trong quan hệ vợ chồng” cũng được chị xóa bỏ đi, nhường cho sự đủ đầy về yêu thương trong mái ấm nhỏ.

“Có lúc mình tưởng cần nhiều tiền để hạnh phúc, giờ chỉ cần những mối quan hệ thoải mái. Có lúc mình nghĩ phải làm gì đó để cả nhà cùng tham gia, cùng vui nhưng giờ lại thấy nên để mọi thứ tự nhiên, chấp nhận và thương yêu gia đình. Đơn giản như nghe nhạc, sắp xếp thời gian đưa con đi chơi, ngủ một giấc nhiều hơn vào cuối tuần. Đó là những điều nhỏ bé mà tiền bạc cũng không thể đem lại.

Mình liên tưởng cuộc sống như mặt biển vậy. Khi tâm lý căng thẳng, trầm cảm làm những đợt sóng lòng cuồn cuộn lên thì mình không nhìn được đằng sau nó có gì. Chỉ khi sóng lòng lặng xuống, mặt nước yên ả hơn thì mới thấy dưới kia có những rạn san hô đẹp đến như nào và cuộc sống cũng thế. Khi lòng bình yên thì sẽ thấy mọi thứ tốt đẹp hơn”, chị Hồng tâm sự. Theo chị, cuộc sống luôn có những biến cố, những thăng trầm và nếu được, mọi người nên nắm tay ai đó để được đồng hành, sẻ chia, đừng giữ những nỗi lo âu trong lòng.

Thạc sĩ Tâm lý học Trần Minh Phúc, Trung tâm tâm lý Tuệ Minh (Đà Nẵng) chia sẻ, hiện nay nhận thức về sức khỏe tinh thần của mọi người đã được nâng cao, tuy vậy, vẫn tồn tại nhiều hiểu lầm xoay quanh vấn đề trầm cảm. Hai quan điểm đối lập thường thấy là một phần xã hội coi trầm cảm như vấn đề không thật và cho rằng người mắc trầm cảm đang làm quá lên, cho rằng đó chỉ là những cảm xúc buồn bình thường hoặc chỉ những người yếu đuối mới bị mắc phải. Hoặc ngược lại, có sự trầm trọng hóa vấn đề, cho rằng trầm cảm là một vấn đề cả đời, không thể thoát ra được.

Theo đó, xã hội cần thừa nhận trầm cảm là một vấn đề thực sự, có khả năng gia tăng, và không giới hạn về độ tuổi hay tình trạng. Bất kỳ ai trong cuộc đời của họ đều có thể phải đối mặt với trầm cảm. Nếu một người cho rằng bản thân hoặc người thân đang trải qua trầm cảm thì đừng ngần ngại tìm kiếm các dịch vụ hỗ trợ sức khỏe tâm lý chuyên nghiệp như các bệnh viện tâm thần, trung tâm tâm lý để được thăm khám và hỗ trợ.

Trong đó, chuyên gia tâm lý sẽ đón nhận một cách tôn trọng và bảo mật thông tin của những thân chủ trầm cảm nhằm tạo một không gian an toàn để họ có thể chia sẻ những vấn đề và cảm xúc của mình, từ đó có những hướng xử lý thông qua các phương pháp tâm lý.

“Việc xây dựng và duy trì các mối quan hệ xã hội hỗ trợ, thực hành lối sống lành mạnh về ăn uống và luyện tập thể thao có thể giúp vượt qua trầm cảm. Mở rộng kiến thức về sức khỏe tâm thần và sức khỏe cá nhân cũng có thể giúp con người đối phó hiệu quả hơn với trầm cảm. Hãy nhớ rằng trầm cảm là một vấn đề thực sự, nhưng cũng là một vấn đề có thể vượt qua được. Bên cạnh đó sự quan tâm, hỗ trợ từ môi trường xã hội và gia đình có thể đóng vai trò quan trọng trong quá trình hồi phục của người trầm cảm”, ThS Phúc nhấn mạnh.

XUÂN SƠN

;
;
.
.
.
.
.