Cho đến bây giờ tôi mới hiểu tại sao lại có bài ca dao lạ đời: “Chèo ghe bẻ bắp bên sông/ Bắp chưa có trái bẻ bông đem về’. Hóa ra việc “bẻ bông đem về” nó cụ thể, nó hiện thực mười mươi chứ chẳng phải lãng mạn hay siêu hình kiểu như “Đất chưa mưa đà thấm”, hoặc giả là siêu nhiên như rượu Hồng Đào huyền thoại “chưa nhấm đà say”.
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG |
Tôi vốn sinh ra trên một vùng đất ba châu quanh năm tươi tốt hoa màu cây trái. Thường năm nào cũng vậy, hết lụt lớn lại đến lụt nhỏ, cứ đến tháng chín, tháng mười là đổ về lênh láng ngập trắng cồn bãi. Có năm gây ra thiên tai khủng khiếp cuốn trôi ra biển nhiều làng mạc, ví như trận lụt lớn kinh hoàng năm Giáp Thìn 1964.
Tuy vậy, mỗi trận lụt đi qua đều mang theo phù sa lớp lớp bồi đắp khắp gành bãi ruộng vườn. Bởi thế, cả một vùng đất mênh mông trù phú trải dài theo đôi bờ dòng sông như làng Đông - Châu - Tam - Phúc quê tôi, đất ấy còn được gọi là đất tân bồi, tức là phù sa bồi nên đất mới.
Không hiểu những tâm hồn phố thị từng bước ra từ xứ đất tân bồi đầy ắp phù sa này, còn ai nhớ, ai quên cái rẻo đất bao bọc bốn bề sông núi gieo neo một cõi đi về này không? Riêng tôi, không chỉ chẳng thể nào quên mùi hương phù sa của đất tân bồi, mà còn nhớ rõ tên từng xứ đất, từng địa danh làng xóm xa xưa đã khảm khắc in sâu vào vô thức.
Đến nỗi, bàn chân bước đi trên những lớp đất cát pha mịn màng, hết gành bãi đến cồn cao, hết thổ trong cho đến nà ngoài, rộng có đến hơn hàng trăm hecta đất, thế mà chân bước tới đâu, phản xạ tự nhiên mách bảo cho tôi từng tên đất tới đấy. Ví như nơi này là Đại Hòa, lên đến nỗng trên kia là Bồn Bồn, dọc triền sông cho tới bến đò là Đại Thạch, còn phía cồn xanh kéo rộng ra tận mé nước kia là Nam Giang... Cứ như thế, hết đất bên này sông cho tới đất bên kia sông tôi thông thuộc như một người am tri điền bộ, không sót tên một xứ đất nào.
Nhưng tôi đang nói về cái sự lạ đời của bài ca dao: “Chèo ghe bẻ bắp bên sông/ Bắp chưa có trái bẻ bông đêm về”. Lạ đời là vì sao “bắp chưa có trái” lại ... “bẻ bông đem về”?
Vâng, cả một vùng đất trù phú mà tôi vừa nhắc tới không sót một tên nào ấy, tất cả đều nằm lọt trong cái quãng sông “Chèo ghe bẻ bắp” này đây. Và bởi nguyên một vùng đất thấp nằm liền kề bên sông nên đến mùa mưa lụt thì thường bị ngập nước trước mọi nơi khác. Thực ra cây bắp không phải là giống cây làm giàu trên xứ đất tân bồi màu mỡ phù sa này.
Những gành bãi, cồn cao, nà thấp trải dọc theo đôi bờ của hai con sông Thu Bồn và Vu Gia, hễ vào mùa xuân, mọi người đi ngang qua đều tận mắt nhìn thấy cả triều biển các loại cây trồng: thuốc lá, dưa hồng (dưa hấu), đậu phụng, bạc hà, cây dâu (nuôi tằm)... đua nhau nõn mượt, xanh bạt ngàn tưởng như giáp đến tận chân trời. Chính các giống loài cây trái này đã làm nên xứ đất ba châu “danh bất hư truyền” một thời nức tiếng giàu sang. Thời xưa, nghe đâu từng có người chở cả tơ lụa dệt ra từ làng Đông Phúc Tam Châu này qua bán tận Nam Vang.
Thế nhưng bắp mới là cây lương thực truyền thống. Từ thuở mới khai hoang mở đất, nơi đây hầu như chỉ chuyên canh cây bắp. Kể ra thì chen canh gối vụ với cây bắp còn có các loài đậu: đậu xanh, đậu đen, đậu đỏ, đậu nành... Ở đâu xa không biết, chứ ở làng tôi và các làng quê chung quanh thường mỗi năm có hai vụ bắp. Vụ xuân, hay còn gọi là bắp tháng ba, tiếp đến là bắp tháng năm. Riêng vụ cuối - bắp tháng mười - vụ mùa này rơi đúng vào trọng tâm thời tiết thường bị mưa lụt. Mà đã mưa lụt tràn ngập khắp gành bãi ven sông thì chuyện “chèo ghe bẻ bắp” là đương nhiên.
Không thu hoạch được như hai vụ bắp tháng ba và tháng năm, vụ tháng mười thường gặp lũ lụt vào thời điểm cây bắp mới xé miệng, râu còn đỏ tươi chưa nên hình trái. Bởi thế, bài ca dao nghe thoáng qua giống như giễu cợt bông đùa, “bẻ bông” là chuyện vui chơi thôi, nhưng quả thực từ sâu lắng thì đấy lại là tiếng cười rưng rưng. Vì rằng “bẻ bông” ở đây đích thực là đi tìm cái ăn giữa mùa mưa lụt. Chèo chống vượt qua nguy hiểm nước lụt bốn bề, cơ cực là thế mà bát ngát hồn hậu một trời ca dao lạc quan nhường ấy.
Theo nhiều ghi chép thì bài ca dao “Chèo ghe bẻ bắp bên sông...” còn hai câu tiếp theo là: “Chèo về tới ngõ bà Đề/ Xin năm bảy hột (bắp) đem về cho con”. Tôi ngờ rằng, trong các sinh hoạt văn hóa văn nghệ dân gian, nhiều cách bắt vần vè hát hô thai trong trò chơi bài chòi đã “sáng tạo” ra dị bản thêm vào hai câu sau. Và như vậy quả thật đã làm giảm đi ít nhiều cái hay cái đẹp của bài ca dao như vốn có ban đầu.
NGUYỄN NHÃ TIÊN