Sự thất bại của Duy Tân hội và phong trào Đông Du có thể xem là nguyên nhân chính dẫn đến cái chết của Tiểu La Nguyễn Thành vào ngày 11-11-1911, người mở lối, vạch đường và khai sinh ra hai tổ chức yêu nước này.
Mộ Tiểu La Nguyễn Thành tại quê nhà của ông - xã Bình Quý, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam. Ảnh: L.T |
Người “kiến trúc sư trưởng”
Lâu nay nhiều người vẫn nghĩ Sào Nam Phan Bội Châu là người sáng lập và điều hành mọi hoạt động của Duy Tân hội và phong trào Đông Du. Nhưng thực ra Tiểu La Nguyễn Thành mới chính là “kiến trúc sư trưởng” của tổ chức này. Điều này được Phan Bội Châu nói rất cụ thể trong hai tác phẩm quan trọng của mình là Ngục trung thư và Tự phán: “Từ Duy Tân hội đến phong trào Đông Du, chính Tiểu La tiên sinh là ông tổ mở mối, vạch đường khai sinh ra tất cả”. (Phan Bội Châu toàn tập, tập 4, NXB Thuận Hóa, Huế - 1990).
Trong lời điếu Tiểu La, Phan Bội Châu cũng đã thốt lên: “Nghĩ một người đã tạo ra em, thành tựu cho em mà nay kẻ mất người còn, hồn trời phách đất!/ Mây Hải Vân mờ mịt bóng gươm vàng. Bể Đà Nẵng chập chờn cơn sóng bạc”.
Sở dĩ như vậy vì Tiểu La là người của cựu đảng Cần vương đang bị giám sát chặt chẽ, nếu không “ẩn mình trong bóng tối” thì đại sự rất dễ bị lộ. Mặt khác ông không phải là nhà khoa bảng nổi tiếng giữa một giai đoạn lịch sử xã hội còn rất coi trọng bằng cấp và khoa cử. Người ra mặt thực hiện chủ trương của ông chính là nhà khoa bảng nổi tiếng của đất Nghệ An tên hiệu là Sào Nam.
Năm 1903, lần đầu tiên gặp Phan Bội Châu, Tiểu La đã nêu 3 phương thức cho hoạt động cứu nước: “Thuở nay, ai muốn mưu toan đại sự, trước hết phải cần ba điều này: một là thu phục lòng người, hai là góp số tiền lớn, ba là sắp đặt mua sắm quân khí cho đủ. Hễ lòng người đã chịu tin phục thì số tiền lớn có thể góp được. Có tiền thì vấn đề quân giới không khó giải quyết”. (Phan Bội Châu, Tự phán và Ngục trung thư, NXB Văn hóa Thông tin, tr.279).
Để thực hiện những nội dung này Tiểu La đã định hướng cho Sào Nam thực hiện từng bước nhiệm vụ:
Đầu tiên hết để chính danh ông đề nghị tôn phù Cường Để lên ngôi minh chủ vì cho rằng dân ta vẫn còn “chuộng” quân chủ và hướng về triều Nguyễn: “Sẵn có dòng dõi của đức Đông Cung Cảnh là đích tự Cao Hoàng, hiện nay đang còn. Chúng ta khởi nghĩa nên trước hết tôn ngài lên làm cung chủ, có thế thì danh nghĩa mới thuận, hiệu lệnh được chuyên” (sđd, tr.279).
Bước hai ông sắp đặt để Phan Bội Châu vào Nam Kỳ, nơi khởi nghiệp của Nhà Nguyễn, vận động xây dựng lực lượng và nhất là vận động tài chánh. Bước tiếp theo ngay tại nhà ông, Nam Thịnh sơn trang (nơi tổ chức Đại hội thành lập Duy Tân hội vào năm 1904) để vạch kế hoạch hoạt động cùng phân công công tác cụ thể.
Do khó khăn trong việc thực hiện nội dung thứ ba là sắm quân giới, Nguyễn Thành và Phan Bội Châu đã quyết định cầu ngoại viện: “Vậy nên chúng ta muốn đứng khóc sân Tần, không chi bằng Nhật Bản” (sđd tr.45, 46) vì đây là cường quốc lại đang rất “hãnh tiến” sau trận thắng Nga.
Nguyễn Thành là người “phân công” Phan Bội Châu đi Nhật. Không chỉ phân công công việc, Tiểu La còn chuẩn bị kinh phí và cả người dẫn đường cho Phan Bội Châu: “Về việc kinh phí chỉ mình (Tiểu La) với Sơn Tẩu (Đỗ Đăng Tuyển) biện được xong, ngoại giao nhân tài hiện nay thật khó, đã không người khác, tất phải anh (Phan Bội Châu) thân đi, còn hướng đạo viên thì tôi tính sẵn đã lâu ngày” (sđd tr.45, 46)
Việc “cầu viện” người Nhật không thành, Tiểu La và Sào Nam quyết định chuyển từ “cầu viện” sang “cầu học” bằng Phong trào Đông Du đưa thanh niên xuất dương du học để đào tạo nhân tài, làm nền tảng cho việc giành độc lập sau này. Tiểu La là người đã vận động hàng chục ngàn đồng gửi sang Nhật để nuôi du học sinh.
Giữa tình nhà và vận nước
Trong cuộc cự sưu kháng thuế năm 1908, người Pháp đã bắt tất cả những người từng tham gia các phong trào yêu nước trước đó dù họ thuộc thành phần Minh xã hay Ám xã. Hai lãnh tụ của hai tổ chức này là Huỳnh Thúc Kháng và Tiểu La Nguyễn Thành đều bị bắt gần như một lượt vào giữa tháng 2 âm lịch. Khi bị bắt và đày ra Côn Đảo, Tiểu La Nguyễn Thành còn rất “vững vàng”. Điều này có thể thấy qua hai sự kiện được Huỳnh Thúc Kháng thuật lại trong Thi tù tùng thoại:
Sự kiện thứ nhất, khi hay tin Huỳnh Thúc Kháng bị đày ra Côn Lôn còn mình bị đày ra Lao Bảo, Tiểu La đã chủ động đến tiễn đưa Huỳnh Thúc Kháng bằng một câu bảy chữ và được Huỳnh Thúc Kháng vỗ tay khen hay: Đồng thị thiên nhai lộ bất đồng (Đồng cảnh ven trời lại khác đường đi).
Sự kiện thứ hai, vào ngày 15-8-1911 Tiểu La còn tham gia Hội thi kỷ niệm 3 năm ngày đến Côn Lôn bằng một bài thơ được Huỳnh Thúc Kháng dịch lại:
Ngày này năm ngoái đến Côn Lôn/ Mưa gió trời thu để đoạn hồn/ Như tớ, suy đồi lòng chửa chết/ Ấy ai khẳng khái khí đang còn/ Gió mây tráo chác trăm hình đổi/ Trời đất vần xoay một quặng tròn/ Cao ngất đàn thi cờ phất đấy/ Thẹn nghe cửa sấm trống khua dồn. (Huỳnh Thúc Kháng, Thi tù tùng thoại, NXB Nam Cường, trang 110)
Rồi khi nhận hai tin rất buồn liên tiếp từ quê nhà gửi ra là người vợ hiền của ông ra đi vào ngày mồng 4 Tết Tân Hợi và bốn tháng sau người con gái cưng của ông cũng ra đi (tháng Tư năm Tân Hợi) vẫn chưa “quật ngã” được ông.
Nhưng ông đã phải “ngã quỵ” khi nhận được hung tin chính phủ Nhật Bản đã bắt tay với thực dân Pháp trục xuất các du học sinh Việt Nam thuộc phong trào Đông Du ra khỏi nước Nhật. Ông đã uất hận đến thổ huyết mà chết vì nghĩ đến tương lai “mờ mịt” của Duy Tân hội và phong trào Đông Du, nơi ông dốc toàn tâm, toàn lực vào để xây dựng và đặt cả niềm tin vào đó!
LÊ THÍ