Đầu tháng 12-2023, tôi được dự một buổi ra mắt sách độc đáo tại Hà Nội. Trong công việc của mình, tôi dự nhiều hoạt động tương tự, nhưng lần này nó không còn thuần túy là buổi ra mắt nữa. Đó là một sinh hoạt học thuật đáng nhớ.
GS Trần Văn Thọ (bên trái) và nhà báo Trần Hữu Phúc Tiến tặng sách hai nữ lưu Phạm Chi Lan và Vũ Kim Hạnh.Ảnh: T.N |
Sách được giới thiệu là quyển “Vì một Việt Nam Dân giàu Nước mạnh” (NXB Đại học Quốc gia Hà Nội, 12-2023) do GS Trần Văn Thọ và nhà báo Trần Hữu Phúc Tiến chủ biên. Tham gia viết là những tác giả quen thuộc và có thẩm quyền về lĩnh vực mình nghiên cứu, đặc biệt đặt nó trong yêu cầu đến năm 2045 Việt Nam trở thành một nước tiên tiến có thu nhập cao. Nói cách khác, Việt Nam phải làm gì để đạt mục tiêu trở thành nước công nghiệp phát triển, để dân thật sự giàu và nước ta thực sự mạnh trong vòng hai mươi năm nữa? Hai mươi năm là khoảng thời gian không dài, trong khi tiền đề về kinh tế, xã hội, nhân lực… Việt Nam tuy có nhiều thuận lợi nhưng đang gặp những giới hạn, khó khăn không nhỏ. Vậy làm gì và làm như thế nào để đạt mục tiêu quan trọng nói trên? Chúng ta sẽ tìm thấy câu trả lời trong nhiều gợi ý sâu sắc của cuốn sách.
Đây cũng là công trình “góp một tiếng nói vào cuộc thảo luận của toàn xã hội về mục tiêu phát triển dài hạn của Việt Nam: Để đạt mục tiêu dân giàu nước mạnh trong khoảng hai thập niên tới Việt Nam cần chuẩn bị những tiền đề gì?”. Có nhiều hội thảo và kế hoạch nhằm trả lời cho câu hỏi quan trọng và bức thiết này được công bố trong vài năm gần đây, riêng với cuốn sách này, GS Trần Văn Thọ và các tác giả cung cấp câu trả lời tập trung ở 4 chủ đề: 1-Xây dựng Nhà nước kiến tạo và Phát triển; 2-Công nông nghiệp, Doanh nghiệp và Lao đông; 3-Hội nhập và tận dụng ngoại lực và 4 - Hướng tới phát triển bao trùm và bền vững.
Xuất phát từ thực tế nước ta, cả thuận lợi và khó khăn đặt nó trong bối cảnh công nghệ thế giới phát triển mạnh mẽ, vai trò nguồn lực trong nước và ngoại lực, các tác giả có những phân tích sâu sắc và xác đáng nhằm đề xuất giải pháp chủ yếu nhằm đưa nước ta đạt mục tiêu trở thành nước công nghiệp hóa. Chúng ta sẽ tìm thấy các nội dung trong 23 bài viết của các tác giả một cách thuyết phục.
Có đôi chút tò mò và hấp dẫn là phần tặng sách. Người tặng là hai đồng chủ biên thay mặt các tác giả có bài trong sách, lời đề tặng được ghi trân trọng “Cuốn sách này dành tặng hai nữ lưu Phạm Chi Lan và Vũ Kim Hạnh”. Đó là hai phụ nữ “tiêu biểu cho tinh thần tận hiến. Chị Chi Lan cả đời thẳng thắn với phong ba trên ngọn. Chị Kim Hạnh vun trồng từng cộng rễ nơi dưới gốc” (Cao Huy Thuần). Có lẽ GS Trần Văn Thọ là người đầu tiên thực hiện hình thức “tặng” độc đáo này ở trong nước. Tôi nghĩ hai chị trong cuộc đời hoạt động sôi nổi với nhiều trọng trách đã nhận được nhiều món quà tinh thần nhưng không có món quà nào đặc biệt như lần này.
Bìa sách “Vì một Việt Nam Dân giàu Nước mạnh”. Ảnh: T.N |
Đây là cuốn thứ ba GS Trần Văn Thọ đồng chủ biên dành tặng các nhà khoa học, các trí thức tiêu biểu: “Nhân cách sử học” (NXB Chính trị Quốc gia, 2014) thực hiện để mừng thọ GS Phan Huy Lê 80 tuổi, cuốn “Việt Nam Hôm nay và Ngày mai” (NXB Đà Nẵng, 2021) dành tặng GS Cao Huy Thuần và cuốn “Vì một Việt Nam Dân giàu Nước mạnh” dành tặng hai nữ lưu Phạm Chi Lan và Vũ Kim Hạnh.
Để tổ chức một cuốn sách chất lượng cao là một công việc vất vả, công phu. Trước hết hình thành chủ đề, bố cục và nhất là mời các tác giả tham gia. Các bài viết không phải viết về người được tặng sách mà phải là một công trình hoàn chỉnh, một kết quả nghiên cứu công phu mà tác giả dành tặng cho người mình quý trọng. Như vậy lĩnh vực có thể khác nhau nhưng phải đáp ứng yêu cầu chung về chủ đề, để khi xuất bản nó là một công trình hoàn chỉnh, logic và toát lên nhiệm vụ chung của chủ đề, ở đây là nhằm đến yêu cầu vì một Việt Nam dân giàu nước mạnh.
Chủ đề thể hiện yêu cầu chung mà chủ biên đề ra và các tác giả triển khai, nhưng lại có một yêu cầu khác không phải là đơn giản: Nội dung cuốn sách phải phù hợp với sự quan tâm của người được tặng, phải là lĩnh vực mà người nhận gần gũi, am hiểu cả trong nghiên cứu và hoạt động thực tế. Chị Phạm Chi Lan và chị Kim Hạnh tuy lĩnh vực hoạt động cụ thể khác nhau, người Bắc kẻ Nam nhưng cả hai chị đều được biết đến là những trí thức cương nghị, thẳng thắn và dấn thân. Chữ “nữ lưu” dành cho hai chị mà GS Thọ đề ra thật xứng đáng, thể hiện sự quý trọng và tôn vinh đóng góp của hai chị trong suốt nhiều năm qua. Mong rằng đất nước ta sẽ có thêm nhiều những nữ lưu như hai chị.
Cuốn sách sẽ được giới thiệu tiếp ở Bình Dương và Thành phố Hồ Chí Minh. Tôi vinh dự được tham gia buổi ra mắt tại Hà Nội. Địa điểm là hội trường Ngụy Như Kon Tum của Đại học Khoa học tự nhiên (thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội), tiền thân đây là trường Đại học Đông Dương, được xây dựng cách đây 100 năm (1924) do kiến trúc sư tài ba E. Hébrard thiết kế. Hà Nội có ba công trình điển hình cho phong cách Đông Dương: Bộ Ngoại giao, Bảo tàng Lịch sử và Trường Đại học Đông Dương. Giảng đường không rộng nguy nga nhưng điển hình cho không gian học thuật, nơi đây diễn ra nhiều sự kiện lịch sử, Bác Hồ, và các tiền bối cách mạng, các nhà khoa học lừng lẫy nước ta đã từng đến giảng đường này. Ít có không gian đại học nào đẹp và uy nghiêm như ở đây.
Nhưng ấn tượng hơn cả là cử tọa, hội trường chật kín người dự, có nhiều người nổi tiếng từng là bộ trưởng, thứ trưởng, các nhà hoạt động chính sách, các nhà khoa học, và các bạn sinh viên. Việc đặt đâu hỏi và thái độ chăm chú theo dõi của cử tọa là điều gây nhiều xúc động. Chậm rãi và sâu lắng, PGS Nguyễn Hồng Sơn có bài phát biểu rất súc tích về quá trình nghiên cứu và đóng góp to lớn của GS Trần Văn Thọ đối với việc nghiên cứu chính sách và học thuật ở Việt Nam. Sự trăn trở và nhất là nhiệt huyết của các nữ lưu, đối tượng được vinh dự nhận sự đề tặng sách, tuy nghỉ hưu khá lâu nhưng lúc nào cũng canh cánh câu hỏi về chính sách phát triển, về môi trường kinh tế và cơ hội đóng góp của giới trẻ vào tiến trình chung. Phần sôi nổi là phát biểu của cử tọa mà tiêu biểu là của ông Bùi Quang Vinh, nguyên bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, một người gần gũi với GS Thọ và các nữ lưu đã nhấn mạnh về việc nghiên cứu và dự báo, về yêu cầu và các bước đi cụ thể của từng chặng đường 2035 và 2045.
Tâm huyết của GS Trần Văn Thọ và sự chăm chú của cử tọa, nhất là các bạn trẻ cho ta niềm tin vào tương lai, cảm ơn rất nhiều một không khí học thuật, và nhất là sự lan tỏa thôi thúc vì một Việt Nam dân giàu nước mạnh không xa mà tôi nhận được từ một hình thức tặng sách độc đáo và bổ ích.
6-12-2023
THỤC NHÂN