Đà Nẵng cuối tuần

Cây cầu của vị Hội nguyên làng Đông Bàn

15:47, 03/12/2023 (GMT+7)

Trong khu lăng mộ của danh nhân Phạm Phú Thứ ở làng Đông Bàn (nay thuộc xã Điện Trung, thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam) có một tấm bia cổ gần 150 năm tuổi bị vỡ do chiến tranh nhưng đã được chắp dựng lại, như một sự tôn kính công đức của ông với quê xứ.

Tấm bia cầu Hội nguyên tại khu lăng mộ của danh nhân Phạm Phú Thứ. Ảnh: V.T
Tấm bia cầu Hội nguyên tại khu lăng mộ của danh nhân Phạm Phú Thứ. Ảnh: V.T

Ông quan làng Đông Bàn

Làng Đông Bàn vốn là một trong 66 xã của huyện Điện Bàn, phủ Triệu Phong, xứ Thuận Hóa, từng có tên trong sách “Ô châu cận lục” của Dương Văn An, xuất bản năm 1555. Tương truyền, sau khi vua Lê Thánh Tông bình Chiêm thắng lợi (năm 1471), lưu dân Việt từ các xứ Thanh - Nghệ - Tĩnh vào khai cơ lập nghiệp ở đất Gò Nổi, hình thành nên làng Đông Bàn. Dưới triều Nguyễn, Đông Bàn thuộc tổng Đa Hòa Thượng, huyện Diên Phước, phủ Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam.

Đông Bàn xưa là nơi tọa lạc Văn từ phủ Điện Bàn (còn gọi là Văn Thánh huyện), thiết chế văn hóa được xây dựng kiên cố, chạm trổ hoa văn rất kỳ công vào năm Tự Đức thứ 6 (1853). Đây là nơi “thờ kính công cuộc giáo dục”, tưởng nhớ chư tiên liệt đất Điện Bàn đã đỗ tú tài, cử nhân, tiến sĩ... Hiện các tấm bia của Văn từ này được bảo quản tại Bảo tàng Điện Bàn.

Đông Bàn xưa có nhiều ruộng mía, lò đường mà “cứ đến mùa hoa mía nở, hương đường ngọt lừng phủ khắp thôn xóm”. Danh nhân Phạm Phú Thứ (1821-1882) từng lấy biệt hiệu Giá Viên (Vườn Mía) để ghi nhớ mình là người làng Đông Bàn. Bóng mía thân thương luôn thấp thoáng trong thơ cụ: Trì đường vị ái thiêm tân lục/ Giá ảnh bình phân trúc ảnh lương (Thích thú cỏ ao tăng sắc biếc/ Bóng mía ngang bằng bóng trúc lương).

Sau khi đỗ Giải nguyên khoa thi Hương năm Nhâm Dần (1842), rồi đỗ Hội nguyên và đứng đầu bảng Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân khoa Quý Mão (1843), Phạm Phú Thứ bắt đầu cuộc đời làm quan gần 40 năm với bao thăng trầm. Dù ở đâu cụ cũng luôn dành tình cảm chân thành và sâu sắc với quê xứ Đông Bàn.

Trong chuyến “Tây hành” đi Pháp và Tây Ban Nha (1863-1864) để điều đình chuộc lại 3 tỉnh Nam Kỳ, với sự ham học hỏi và lòng yêu dân, Phạm Phú Thứ đã học được kỹ thuật làm xe đạp nước của dân Ai Cập. Khi về nước, cụ truyền dạy lại cho dân làng Đông Bàn.

Từ khi có xe đạp nước, hơn 100 mẫu ruộng của làng trở thành đồng lúa nước, năng suất được cải thiện đáng kể. Từ mô hình mẫu ở làng Đông Bàn, nhiều nơi trong và ngoài tỉnh Quảng Nam đã làm theo và xe đạp nước trở thành phương tiện phổ biến phục vụ sản xuất nông nghiệp.

“Hội nguyên kiều bi ký”

Phạm Phú Thứ còn lưu danh với Đông Bàn bởi cây cầu Hội nguyên. Trong cuốn “Giai thoại đất Quảng” (NXB Đà Nẵng, 2016), tác giả Hoàng Hương Việt cho hay ở trang 60: “Thuở xưa, làng Đông Bàn có con sông nhỏ, mùa lũ lụt nước chảy xiết, dân làng qua sông thường bị chết trôi từ đời này sang đời khác, còn chính quyền sở tại thì chẳng quan tâm đến tính mạng mọi người trong làng.

Hiểu được nỗi khổ của dân trong việc đi lại đầy bất trắc này, trong lần đi thi Hội, khi bơi qua khỏi con sông, Phạm Phú Thứ nhìn xuống dòng nước mà tâm niệm rằng: “Lần này nếu ta thi đậu ra làm việc nước sẽ xây cây cầu, cứu dân”. Quả nhiên lần ấy, Phạm Phú Thứ đậu thủ khoa vì tài học của ông và sau đó không lâu, chiếc cầu được xây dựng đem lại sự an lành và thuận tiện cho biết bao người. Về sau dân làng nhớ ơn ông, đã quyên góp dựng tấm bia đá bên đầu cầu, trên bia khắc ba chữ “Hội nguyên kiều” (Chiếc cầu của ông đậu Hội nguyên)”.

Trang 1.051 sách “Văn khắc Hán Nôm Việt Nam” của Viện Nghiên cứu Hán Nôm (NXB Khoa học xã hội, Hà Nội, 1992), lại cung cấp thông tin có tính chính thống về sự kiện làm cây cầu này. Theo đó, “Hội nguyên kiều bi ký” (Bia cầu Hội nguyên) do dân xã Đông Bàn dựng vào năm Tự Đức thứ 27 (1874). Bia một mặt, khổ 53 x 74cm, không có hoa văn, toàn văn chữ Hán, khắc chân phương, gồm 16 dòng, khoảng 500 chữ.

Cũng theo tư liệu trên, nội dung thác bản “Hội nguyên kiều bi ký” mà người Pháp in rập năm 1940 cho biết: Vùng quê Đông Bàn xưa nước sông uốn dòng bao bọc, việc giao thông, đi lại thường bị trở ngại. Dân quê mong muốn dựng cầu, song vẫn chưa làm nổi. Năm Thiệu Trị thứ 2 (1842), Phạm Phú Thứ thi Hương đỗ Giải nguyên, dân làng có ý nhờ ông đứng ra lo liệu dựng cầu, song ông chưa nhận. Năm sau ông đỗ Hội nguyên, dân làng nhắc lại việc đó, ông liền nhận lời.

Song mãi đến năm Tự Đức thứ 23 (1871), công việc mới lo liệu xong. Cầu dài 19 thước, cao 6 thước 3 tấc, rộng 7 thước 5 tấc. Tốn phí cả thảy trên 1.000 quan, riêng Phạm Phú Thứ giúp tới 750 quan.

Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Dị Cổ, dân làng Đông Bàn đặt tên Hội nguyên cho cầu là học theo cách người Phúc Kiến (Trung Hoa) đặt tên cầu Trạng nguyên để tôn vinh con em họ đỗ Trạng nguyên thời nhà Thanh.

Qua đây vừa ghi nhớ công lao to lớn của Phạm Phú Thứ, vừa mong muốn con em của làng noi theo tấm gương hiếu học của cụ để tiến bộ, trở thành những người có ích cho dân, cho nước. Phải chăng đây là cây cầu duy nhất ở nước ta mang tên độc đáo này?

Sẽ có bạn đọc thắc mắc: Vì sao sau tới gần ba chục năm kể từ khi cụ Phạm Phú Thứ nhận lời đứng ra lo liệu dựng cầu thì “dự án” này mới trở thành hiện thực? Theo chúng tôi, để có số tiền lớn hỗ trợ cho làng Đông Bàn xây dựng cầu, Phạm Phú Thứ đã phải tích cóp nhiều năm vì lương bổng của cụ không nhiều, lại đau ốm thường xuyên.

Đó là chưa kể cụ phải liên tiếp chịu cảnh “lên bờ xuống ruộng” trên bước đường hoạn lộ. Đã có lúc cụ bị cách hết chức vụ và đưa đi làm lính ở trạm Thừa Nông (Huế) chỉ vì dám khuyên can vua với thái độ quá thẳng thắn!

Trong các cuộc chiến tranh giữ nước, Gò Nổi nói chung và Đông Bàn nói riêng phải chịu cảnh đạn bom ác liệt. Cầu Hội nguyên bị phá hủy hoàn toàn. Tấm bia đá cầu Hội nguyên cũng bị hư hại nặng, song đã được hậu thế chắp dựng lại và trân trọng đặt trong khu lăng mộ của danh nhân Phạm Phú Thứ ở làng Đông Bàn. Như để giữ lại cho muôn đời sau một chứng nhân lịch sử quan trọng và độc đáo của vùng đất “địa linh nhân kiệt” này!

VÂN TRÌNH

.