Đà Nẵng cuối tuần

Sắc cỏ mùa đông...

20:24, 03/12/2023 (GMT+7)

Không biết tự bao giờ mà mùa đông đã trở thành mùa nhớ? Phải chăng chính cái rét đặc trưng như muốn cắt da cắt thịt của nó mà khiến cho người ta tìm đến nỗi nhớ như thể là một phương cách để tự thắp lên cho mình những ngọn lửa tự tâm để sưởi ấm chính mình. Người ta nhớ nhiều, nhớ gia đình, người thân, nhớ những con người đã từng gặp, nhớ những cảnh vật, và bình dị hơn là nhớ cả một sắc cỏ mùa đông...

Minh họa: HOÀNG ĐẶNG
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG

Trong nỗi nhớ về miền cố hương của mình, mùa đông như một bức tranh màu lạnh, bức tranh ấy được điểm tô bởi nhiều màu sắc, đường nét cốt hồn bao sự vật, cảnh tượng. Cánh đồng mùa đông rạ trơ, khô nứt xạc xào, những luống cày ta úp mặt một thuở bung nở tươm tất trên những thước ruộng.

Nắng mùa đông vàng vọt chia thửa hoàng hôn cuối ngày. Rét mướt làm nứt khô đôi môi đứa trẻ. Gió hanh hao làm cảnh vật ám một nỗi niềm hiu hắt. Cả những hàng xoan đào nơi con ngõ thân thương dẫn vào đình làng cũng trở nên trụi trơ. Trong cái phông nền ấy, cỏ như những đám màu loang lổ, nơi đâu đất quê nâu bạc nơi đó cỏ đan thành đám rồi cùng nhau đi qua mấy mùa thời gian.

Ta chợt nhớ đến những câu thơ trong bài thơ “Thân cỏ”:  “Nát như cỏ/ Tơi bời hồn cỏ/ Xót xa nỗi cỏ/ Vì thấp bé vô cùng” của nhà thơ Đặng Cương Lăng. Như một sự lan truyền cảm xúc, ta đồng cảm với tác giả, ta đi tìm những sắc cỏ ở quê mùa này, để rồi thêm nâng niu, thêm trân quý loài cỏ.

Cỏ quê đã ôm lấy dấu chân bao người, cỏ như tấm gương xanh soi hình bao dáng người quê chất phác, thuần hậu. Cỏ nghĩa tình đón nhận trong lặng im ngàn triệu giọt mồ hôi chát mặn. Cỏ chẳng giận hờn gì khi người ta cố ý hay vô tình làm nát mình. Đi qua bao mùa xuân, hạ, thu... để rồi khi vào đông cỏ là một sự ám gợi đặc biệt, một ký hiệu để ta giải mã về sự lụi tàn theo lẽ nhiên, một tấm mành xước mong manh để ta vén rõ rồi mở ra viễn cảnh về một thế giới tươi xanh và non tơ nhựa sống.

Trên cỏ khô mùa đông, những đàn bò lông vàng đỏ xù lên vì rét, thung thăng tháng ngày gặm gụi. Mẹ ta những sáng mùa đông ấy vẫn men theo lối sương lạnh, nương vào những mé mương, vệ đường để cắt cỏ làm thức ăn về đêm cho chúng. Cỏ đồng xơ xác làm ấm bụng chúng bao đêm mùa đông, cạnh những nồi cám gạo, hay những chậu chuối cắt nhỏ nơi cuối vườn. Ta thương nhớ những buổi chiều mùa đông nương mình lên cỏ đông. Cỏ làm bầu ngực đám trẻ mục đồng rát xước.

Ta sà xuống cỏ rồi kê mái đầu lên những sống cỏ lụi tàn. Mùi cỏ xơ xác thơm thoang thoảng, nó mơn vào da thịt ta. Đó là một mùi hương đặc biệt. Nội đồng quê ta ấy vậy là cả một thế giới của ấp iu, tình nghĩa.

Bao đêm đông lặng thầm ở chốn phố này, ta ngạt thở trong những thớ bê-tông dày như núi đá. Lòng khôn nguôi nỗi nhớ nhung về những bờ cỏ ở chốn quê. Cỏ quê mùa đông đã chìm trong sắc vàng ua úa. Cỏ đã qua suốt bao mùa để rồi chúng bình thản đón nhận những khoảng thời gian ấy.

Vòng đời ấy của cỏ rỏ vào lòng người ta bao liên tưởng gũi gần mà sâu sắc, bình dị mà triết lý. Ta là cỏ, sẽ là cỏ, sống như cỏ, và rồi cũng hạnh phúc như cỏ, niềm hạnh phúc luôn được đi qua mọi dư vị của cuộc đời, luôn được tái sinh và tái sinh mạnh mẽ không gì có thể dập tắt được.

Ở thành phố bé nhỏ này ta đâu dễ gì tìm được một bãi cỏ, một đồng cỏ như thế. Nếu có đi chăng nữa thì nó cũng chỉ là “hoa chăm, cỏ xén” để mua vui cho người trải nghiệm mà thôi. Ta vẫn cứ bước, bước trên những con đường bê-tông phố cũ trơ lì ngàn năm mà tha thiết nhớ về miền quê phủ đầy cỏ. Không ai có thể chia cắt được lòng người xa xứ với quê hương họ, không ai có thể làm cho sắc cỏ trở thành tàn tích vĩnh viễn.

Cỏ lặng thầm nơi chốn cũ quê nhà qua mùa úa tàn rồi ru êm nỗi lòng của người nhớ. Mùi cỏ thơm thơm, là mùi của ký ức, mùi của hương đồng gió nội, mùi của cội rễ. Mà cội rễ là nơi sinh ra con người, sinh ra văn hóa, và thúc đẩy phát triển ấy thôi. Ta để nỗi nhớ của mình chạm vào sắc cỏ mùa đông để lòng chậm lại, nuôi những ý nghĩ tươi xanh rồi cứ thế mà bước tiếp giữa cuộc đời này.

MẠC NHÂN

.