Tiền Đông Dương

.

* Tiền Đông Dương thời Pháp thuộc được phát hành trong thời gian nào và gồm có các mệnh giá ra sao? (Nguyễn Thành Tâm, quận Liên Chiểu, Đà Nẵng).

Tiền Đông Dương loại “Giấy một đồng vàng” của nhà sưu tập Nguyễn Đình Phùng. Ảnh: V.T.L
Tiền Đông Dương loại “Giấy một đồng vàng” của nhà sưu tập Nguyễn Đình Phùng. Ảnh: V.T.L

- Theo tờ Kinh tế & Đô thị (kinhtedothi.vn), đồng bạc Đông Dương bằng kim loại và giấy dùng trong toàn cõi Đông Dương do Ngân hàng Đông dương (Banque de l’Indochine, viết tắt BIC) đặc quyền phát hành dưới quyết định của Chính phủ Pháp. Đồng bạc Đông Dương đầu tiên được phát hành năm 1879, chính thức bị bãi bỏ ngày 31-12-1954.

Tiền Đông Dương được chia thành các đơn vị piastre, cent/centime và sapèque. Một piastre bằng 100 cent. Một cent bằng 2 - 6 sapèque tùy theo từng giai đoạn. Mặt trước của các tờ tiền giấy hoặc tiền kim loại ghi bằng tiếng Pháp. Mặt sau ghi bằng chữ Hán, chữ Quốc ngữ, chữ Lào và chữ Khmer, song cũng có lúc chỉ ghi chữ Pháp.

Theo mô tả của trang thegioitien.vn, bộ tiền Đông Dương gồm 5 mệnh giá: 1 đồng vàng, 5 đồng vàng, 20 đồng vàng, 100 đồng bạc và 500 đồng. Giấy 1 đồng vàng còn được gọi là đồng tiền Gánh dừa (hoặc Gánh dưa) bởi mặt sau có hình người đàn ông Việt gánh loại quả này. Giấy 5 đồng vàng còn gọi là tờ Gò mối, bởi mặt sau có hình ngọn tháp bayon với Phật 4 mặt ở đền Angkor Kampuchia nhìn giống cái gò mối. Giấy 20 đồng vàng được gọi là tờ Băng đỏ và băng trắng, bởi tuy có cùng mệnh giá nhưng có loại in dòng chữ Banque de l’Indochine trên nền đỏ, có loại trên nền trắng. Giấy 100 đồng vàng hay còn gọi 100 đồng Người quản tượng có in hình người trông nom và điều khiển voi. Giấy 500 đồng vàng in hình quả địa cầu. Các loại tiền này có tuổi thọ gần 100 năm nên chúng sắp được liệt vào danh sách những loại tiền cổ Việt Nam có giá trị sưu tập cao.

Trang bantienxua.com cho biết tiền cổ 1 đồng Việt Nam là tiền lẻ, là đơn vị nhỏ nhất trong tiền tệ, có thể là tiền xu hay tiền giấy. Chính vì là đồng tiền căn bản nên nó được in ra rất nhiều, rất phổ biến nên giá trị rất thấp. Chúng có nhiều mẫu khác nhau. Về cơ bản đây là mệnh giá nhỏ nhất trong tất cả các bộ tiền sưu tập, không chỉ ở Việt Nam mà nước ngoài cũng vậy.

Đà Nẵng có bộ sưu tập tiền giấy cổ của ông Nguyễn Đình Phùng ở làng Phước Lý (phường Hòa Minh, quận Liên Chiểu) - một thầy thuốc gia truyền với “thương hiệu” Phước Lý. Bộ sưu tập tiền giấy của ông chủ yếu là tiền Đông Dương, có nhiều tờ nổi tiếng như tờ một đồng vàng, nhân dân ta quen gọi là “đồng gánh dưa” hoặc “đồng gánh dừa”, bởi không xác định được loại quả nằm trong gánh là dưa hay dừa. Tuy nhiên trong bài thơ “Đồng bạc Gánh dưa”, nhà thơ Luân Hoán (người Quảng) xác định đây là quả dưa: “Nặng hai đầu thúng lớn/ Mập ú những quả dưa/ Tiếng đòn gánh kĩu kịt/ Vang thầm giữa nắng trưa”.

Ông Nguyễn Đình Phùng trong một lần gặp phóng viên Báo Đà Nẵng, vừa đọc câu “Bao giờ cỏ mọc trên chì/ Voi đi trên giấy còn gì thầy tăng”, vừa đưa ra tờ tiền giấy một mặt ghi Cent Piastres, mặt kia ghi Một Trăm Bạc có in hình một con voi cùng với người quản tượng. Ông bảo, đây là tờ bạc cuối cùng của Ngân hàng Đông Dương phát hành tại 3 nước Việt Nam, Lào, Kampuchia.

Ứng với câu “sấm Trạng Trình” nói trên, sau khi Pháp cho phát hành đồng tiền kẽm in hình bó lúa (dân gian gọi là cỏ) và tiền giấy in hình voi, phong trào cách mạng ở Việt Nam thành công vang dội với Cách mạng Tháng Tám 1945, buộc thằng Tây (nói lái là thầy tăng) phải cuốn gói về nước. Một điều lý thú nữa là, những tờ tiền giấy phát hành trước đó đều ghi là đồng, riêng tờ cuối cùng lại ghi là bạc, phải chăng vì đối xử với người dân Đông Dương nói chung, Việt Nam nói riêng quá bạc mà thằng Tây bại trận?

ĐNCT

;
;
.
.
.
.
.