Vị trí việc làm và chuyện đúng người, đúng việc, đúng thu nhập

.

Gần đây, cụm từ “vị trí việc làm” được nhắc đến nhiều, là mối quan tâm của rất nhiều cán bộ, công chức, viên chức. Cơ quan, đơn vị nào cũng sôi nổi bàn tán, bởi đó là việc phải làm, tạo tiền đề để xây dựng phương án trả lương, bảo đảm cải cách tiền lương cho cán bộ, công chức, viên chức từ ngày 1-7-2024. Nhưng còn khá nhiều ý kiến trái chiều, những sự chưa thống nhất, đôi khi hiểu biết lơ mơ. Chuyện này càng nóng hơn, khi chiều 20-12-2023, phát biểu tại hội nghị tổng kết năm 2023, triển khai nhiệm vụ năm 2024 ngành nội vụ, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang cho rằng, việc xây dựng đề án vị trí việc làm cán bộ, công chức, viên chức để cải cách tiền lương “đang rất hot”. Tuy nhiên, việc này rất khó, trước hết bởi cách làm “hơi dồn dập”. 

Hiện nay, các cơ quan, đơn vị đang quyết liệt xây dựng lại đề án vị trí việc làm. Trong ảnh: Chi cục Hải quan Khu Công nghiệp Hòa Khánh. Ảnh: MAI QUẾ
Hiện nay, các cơ quan, đơn vị đang quyết liệt xây dựng lại đề án vị trí việc làm. TRONG ẢNH: Chi cục Hải quan Khu Công nghiệp Hòa Khánh. Ảnh: MAI QUẾ

Phó Thủ tướng phân tích, theo lý thuyết, nếu muốn xây dựng vị trí việc làm và bản mô tả vị trí công việc cần xuất phát từ yêu cầu công việc. Sau khi có các vị trí sẽ sắp xếp người phù hợp. Tuy nhiên, do bộ máy quá cồng kềnh, nhiều biên chế nên bản mô tả vị trí việc làm phải làm sao để không xung đột, chồng chéo. “Đây là vấn đề rất khó”, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang nói. Khó khăn tiếp theo là nền kinh tế Việt Nam đang chuyển đổi từ tập trung bao cấp sang thị trường nên việc chuyển đổi các vị trí việc làm cán bộ, công chức, viên chức không thể đột ngột. Cơ chế cho các bộ, ngành hoạt động cần xoay chuyển từ từ để phù hợp với từng người, từng nhà, từng địa phương.

Phó Thủ tướng mong muốn Bộ Nội vụ quyết tâm hoàn thiện đề án vị trí việc làm với tinh thần không cầu toàn, vừa làm vừa điều chỉnh. Mục tiêu hoàn thiện đề án trước ngay 31-3-2024, để 3 tháng tiếp theo sẽ xây dựng phương án trả lương, bảo đảm cải cách tiền lương cho cán bộ, công chức, viên chức từ 1-7-2024.

Theo Bộ Nội vụ, có 2 cách phân loại vị trí việc làm. Thứ nhất, dựa theo khối lượng công việc, như dựa theo vị trí do một người đảm nhiệm; vị trí nhiều người đảm nhiệm; việc làm kiêm nhiệm. Thứ hai, dựa theo tính chất, nội dung công việc như vị trí lãnh đạo, quản lý; nghiệp vụ chuyên ngành; nghiệp vụ chuyên môn dùng chung; hỗ trợ, phục vụ. Theo quy định của Chính phủ năm 2020, căn cứ xác định vị trí việc làm của công chức dựa trên nhiều yếu tố như mức độ phức tạp, tính chất, đặc điểm, quy mô hoạt động; đối tượng phục vụ; quy trình quản lý chuyên môn, nghiệp vụ… Lý thuyết là như vậy, thoạt nghe thì rất dễ hình dung, nhưng quả thực khi cụ thể hóa nó bằng việc mô tả rõ ràng, tường minh, không trùng lắp, đúng người, đúng việc thì lại không hề dễ dàng. Ví dụ, sẽ không thể có sự giống y hệt nhau giữa vị trí việc làm của người này với vị trí việc làm của người khác, dù có cùng nhóm công việc đi nữa. Mà hiện nay, toàn hệ thống chính trị nước ta có tới 2,234 triệu biên chế, trong đó hơn 336.320 cán bộ, công chức; 1,68 triệu viên chức; 205.570 cán bộ, công chức cấp xã…

Bộ Nội vụ cho biết, có 861 vị trí việc làm cán bộ, công chức, trong đó có 137 vị trí thuộc nhóm lãnh đạo, quản lý; 665 vị trí nhóm công chức nghiệp vụ chuyên ngành; 37 nhóm vị trí công chức nghiệp vụ chuyên môn dùng chung; 22 nhóm vị trí hỗ trợ, phục vụ 22 vị trí. Cán bộ, công chức cấp xã có 17 vị trí, trong đó 11 vị trí cán bộ chuyên trách, 6 vị trí công chức xã.

Công chức, viên chức được trả lương theo vị trí việc làm tương xứng năng lực, khối lượng công việc, thay vì theo hệ số cào bằng hiện nay. Đó là mục đích rất tốt đẹp, đánh giá đúng người, đúng việc, đúng công sức, trí tuệ mà mỗi người bỏ ra. Sự công bằng, thay vì cào bằng là việc rất nên tiến hành, rất cần thiết phải triển khai một cách hiệu quả. Nhưng rõ ràng, đó là việc khó. Tất nhiên, khó mấy cũng phải làm, vấn đề là cách làm như thế nào, trước hết là khắc phục được tình trạng “hơi dồn dập” như Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang nhận xét. Và điều quan trọng, khi trả lương theo vị trí việc làm, liệu có cần tiến hành thí điểm, rút kinh nghiệm, hoàn thiện rồi nhân rộng? Bởi lẽ không ít công việc liên quan trực tiếp đến công chức, viên chức phải khi triển khai thực hiện thì mới bộc lộ rõ những bất cập, hạn chế. Nếu chúng ta triển khai đại trà cùng lúc, liệu đã trù liệu đủ đầy những phát sinh có thể xảy ra cũng như cách xử lý? Và nữa, khi cùng vị trí việc làm, nhưng thâm niên có thể là yếu tố cần cân nhắc, bởi nhiều người năm công tác, thậm chí sắp nghỉ chế độ mà lương chỉ bằng sinh viên mới ra trường liệu có thỏa đáng? Như thế, liệu có xảy ra tình trạng mất đoàn kết nội bộ? Và chắc chắn, còn không ít vấn đề có thể phát sinh mà chúng ta chưa thể lường hết…

Một điều đáng suy ngẫm khi Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết, năm 2023, toàn quốc có 10.880 công chức, viên chức thôi việc, trong đó ở Trung ương 983 người, địa phương 9.897 người. Số người rời bỏ khu vực công năm 2023 ở Trung ương gồm 110 công chức và 873 viên chức; địa phương gồm 866 công chức và 9.031 viên chức. Tình trạng cán bộ, công chức nghỉ việc, thôi việc có nhiều nguyên nhân khác nhau, nhưng thu nhập không bảo đảm, thiếu tính cạnh tranh, sự công bằng là một trong những nguyên nhân cơ bản. Trả lương theo vị trí việc làm nhằm triệt tiêu nguyên nhân này rõ ràng là một bước tiến mạnh mẽ trong cải cách tiền lương, nhưng để công chức, viên chức sống được bằng lương, không dèm pha, đố kỵ, so bì, mất đoàn kết chắc chắn cần sự thận trọng, thấu đáo, xác đáng, khách quan, công tâm, khoa học trong mô tả vị trí việc làm. Thời gian đến khi hoàn thiện đề án vị trí việc làm chỉ còn hơn 3 tháng nữa. Chúng ta không cầu toàn, nóng vội, vừa làm vừa điều chỉnh, để đạt tới sự hoàn thiện. Để mỗi người một vị trí việc làm bảo đảm đúng người, đúng việc, đúng thu nhập!

NGUYỄN TRI THỨC

;
;
.
.
.
.
.