Đà Nẵng cuối tuần

GÌN GIỮ NÉT XƯA

Giữ lại câu lý của rừng

14:00, 21/01/2024 (GMT+7)

Có khách ghé thăm, những già làng - những cây đại thụ của người Cơ tu cất lời hát lý dưới mái nhà Gươl thôn Tà Lang (xã Hòa Bắc, huyện Hòa Vang) trong một ngày tháng Chạp. Xung quanh họ, những người trẻ Cơ tu chăm chú lắng nghe từng câu, từng chữ như nuốt những giọt tà vạt hay tr’đin vào lồng ngực.

Một buổi học hát lý, nói lý tại nhà Gươl của đồng bào Cơ tu xã Hòa Bắc, huyện Hòa Vang.  Ảnh: XUÂN SƠN
Một buổi học hát lý, nói lý tại nhà Gươl của đồng bào Cơ tu xã Hòa Bắc, huyện Hòa Vang. Ảnh: XUÂN SƠN

Năm nay đều ngoài 70 tuổi, già làng Bùi Văn Siêng (thôn Giàn Bí) và già làng Đinh Hồng Khanh (thôn Tà Lang) vẫn còn minh mẫn và khỏe mạnh. Dưới cơn mưa trắng trời nơi núi rừng Hòa Bắc, những mái đầu bạc phơ vẫn đến nhà Gươl để kể câu chuyện về nói lý và hát lý cho thế hệ con cháu và du khách phương xa. Hơn hai tháng nay, cùng với “cây đại thụ” khác là già làng Hà Văn Tám, họ là những người đứng lớp, trao truyền nét văn hóa truyền thống của núi rừng Cơ tu tại lớp hát lý cho người dân hai thôn Tà Lang và Giàn Bí.

Di sản dưới mái nhà Gươl

Lớp học trên được huyện Hòa Vang và xã Hòa Bắc tổ chức nhằm triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án phát triển du lịch cộng đồng huyện năm 2023, thúc đẩy phát triển sinh kế mới cho người dân vùng nông thôn; nâng cao năng lực làm du lịch cộng đồng cho người dân địa phương, tạo ra nhiều sản phẩm du lịch cộng đồng đa dạng và chất lượng. Dưới sự chỉ dạy của những già làng, các học viên tập nghe, hiểu và hát những điệu lý, tiến tới biểu diễn hát lý phục vụ du khách…

“Huyện và xã khuyến khích mình bảo tồn, duy trì và phát huy truyền thống văn hóa của đồng bào mình. Bây chừ, trên địa bàn 2 thôn Tà Lang và Giàn Bí toàn… ông bà già, như tôi đây. Một mai người biết hát lý không ai còn, văn hóa có thể bị mai một”, già Siêng mở đầu câu chuyện. Ông nói, trong sinh hoạt văn hóa cộng đồng, nói lý, hát lý được người Cơ tu đề cao và phổ biến rộng rãi, này dùng để đối đáp, thử tài nhau giữa những già làng, các bậc cao niên, giữa chủ với khách… trong những dịp như lễ, Tết, cưới, hỏi… và cả ma chay.

Theo phong tục người Cơ tu, trong những sự kiện như thế mà chỉ nói chuyện với nhau như thông thường thì “đối phương” sẽ nghĩ mình… không xem trọng họ. Điều độc đáo là các bên đưa ra lời nói, lời hát hàm chứa những ý nghĩa sâu xa để bên kia tìm hiểu, ứng đối. Dùng hình ảnh này để ngầm ví với hình ảnh kia. Như con cá ngoài suối, hay một sự việc bất kỳ nào đó nếu nói thẳng ra nó là con cá thì rất bình thường mà có thể ví von bằng một câu chuyện khác. Người nói lý, hát lý giỏi là người biết kết hợp hình ảnh, nội dung, giai điệu phù hợp để đối đáp khéo léo. Vì sự độc đáo đó mà điệu lý Cơ tu xứ Quảng được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia vào năm 2015.

Những cây đại thụ như già Khanh, già Siêng được người dân làng “chọn mặt gửi vàng” làm ông mai trong chuyện dựng vợ, gả chồng cho con cháu trong làng. Để đại diện hỏi cưới ở một địa phương, ông mai phải mang trầu, cau, rượu,… đến trình già làng ở nơi đó rồi nói lý. Khi già làng đồng ý, nhà gái nhận lễ thì hai bên ngồi xuống cùng nhau ăn uống, gửi gắm suy nghĩ qua hát lý. “Ví dụ nhà gái yêu cầu sính lễ 5 con lợn, mình hát lý đáp lại, ẩn dụ là nhà chúng tôi còn nghèo, chỉ đủ lo 2 con lợn thôi, nhiều hơn thì không được”, già Siêng kể. Trong buổi đó, ông mai dù uống rượu vẫn phải tuyệt đối chuẩn mực, tỉnh táo, ứng xử khéo léo để thấu hiểu và đáp lại yêu cầu ẩn trong lời hát lý, bảo đảm hài hòa về lễ cưới trước yêu cầu của nhà gái và điều kiện của nhà trai.

Trong những dịp vui như Tết cổ truyền, lễ mừng lúa mới, kết nghĩa ăn thề hay các hoạt động du lịch, hát lý được cất lên trong không gian sinh hoạt chung nơi nhà Gươl, hòa cùng “vũ điệu dâng trời” tung tung da dá, tiếng cồng chiêng, tiếng trống… Như để các học viên và du khách hiểu hơn, hai vị già làng cất cao giọng hát mừng năm mới, ở đó có lời cầu trời đất phù hộ cho dân làng mạnh khỏe; có lời nhắn nhủ bà con tin yêu vào đường lối, chủ trương của Đảng và Nhà nước; mong mọi người ăn Tết vui vẻ, thuận hòa, không say xỉn rồi gây gổ mất đoàn kết…

Lưu giữ giá trị trường tồn

Hai vị già làng tiếp tục hát. Nội dung đoạn hát nhắn nhủ: “Các con, các cháu phải biết giữ gìn, phát huy truyền thống người Cơ tu mình. Mai này thế hệ các ông, các bác đây về với trời thì các con chính là những người kế thừa và bảo tồn bản sắc ấy”. Cụm từ “về với trời” được già Siêng và già Khanh nhắc đi nhắc lại trong câu chuyện về hát lý. Họ hiểu một mai, theo quy luật đất trời, không giá trị nào là mãi mãi nếu không có sự kế thừa. Hồi ức đưa họ về mấy chục năm trước.

“Thời trẻ, tôi ngồi bên rót rượu cho già làng, nghe người lớn nói lý, hát lý trong những dịp trọng đại rồi những câu hát cứ thế “ngấm” dần vào tâm trí và trái tim mình. Chúng tôi tập hát theo, sai thì người lớn sửa. Tổ tiên, ông bà, cha chú và đến thế hệ chúng tôi đều biết đến hát lý như thế…”, già Khanh nhớ lại.

Tinh thần đó được truyền cho thế hệ sau. Ở lớp học, sau 4 buổi tổ chức vào cuối tuần đã duy trì sự tham gia của 20 học viên, có người chăm chỉ đến tận nhà già Siêng để được trao truyền. Tâm niệm việc dạy hát lý như “mưa dầm thấm đất”, điệu lý như “rượu ngấm từ từ”, những vị già làng không vội. Họ dạy từng chút một, từng đoạn ngắn rồi mới dần nâng cao thành bài dài để học viên nắm bắt. Cũng có khoảng lặng, là số học viên không đủ đầy bởi nhiều lý do. Người bận rộn vì công việc dưới xuôi, người tất bật việc đồng áng, đi rừng… và thế hệ trẻ dưới tuổi 30 ở làng chưa quan tâm nhiều đến lớp học.

Già Siêng nhắc, ngày xưa cứ Tết đến, nam nữ hát lý đối đáp với nhau, thổ lộ tình cảm trong buổi hẹn hò bên tiếng đàn H’roa. Bây giờ, hình ảnh đó thưa dần khi công nghệ phát triển, thế hệ trẻ chuyển sang thể hiện tình cảm nhiều hơn bằng điện thoại, mạng xã hội… Nhưng những người trao truyền vẫn tin tưởng hát lý không bị mai một. Mới đây, họ vui mừng trước thông tin huyện và xã đã có chủ trương thành lập câu lạc bộ về nói lý và hát lý trong năm mới 2024. Mô hình này đã có ở các huyện miền núi của Quảng Nam trong những năm qua và cần thiết lan tỏa.

Là một trong số học viên được đánh giá tiến bộ nhất, anh Phan Văn Thu (46 tuổi, thôn Tà Lang) thừa nhận rất khó để hiểu cách dùng từ hay ẩn dụ, tuy nhiên ý thức giữ di sản cộng đồng nhắc nhở anh và mọi người chăm chỉ. Còn với Phó Bí thư chi bộ kiêm Trưởng thôn Tà Lang Đinh Văn Hin, anh mong không chỉ nói lý, hát lý mà những tập tục khác được lưu giữ vững bền, trở thành nền tảng phát triển địa phương.

Hát lý, nói lý có thể được lưu trữ thành tư liệu trường tồn? Về câu chuyện này, Phó Chủ tịch UBND xã Hòa Bắc Hồ Phú Thanh chia sẻ: “Với đồng bào Cơ tu, nói lý và hát lý mang đặc thù nghệ thuật truyền miệng. Bà con ứng khẩu đối đáp tùy hứng, phụ thuộc vào hoàn cảnh diễn ra và kinh nghiệm, tư duy và sự am hiểu của người hát. Vì thế mà loại hình này không được lưu lại thành bài nhạc cụ thể nào”. Trước mắt, địa phương vận động, hỗ trợ những già làng, người am hiểu về nói lý và hát lý ghi chép lại những câu hát và phiên âm sang tiếng Việt. Các bản ghi sẽ được sưu tầm, lưu trữ và truyền dạy. Di sản truyền miệng độc đáo này cùng những giá trị truyền thống khác của văn hóa Cơ tu đã, đang và sẽ được giữ gìn theo bước chân các thế hệ.

XUÂN SƠN

.